- Cổ nhân nói, bậc đại ẩn thường chen chúc giữa đô thị, bậc tiểu ẩn lại thích phiêu lãng nơi thôn dã. Tôi nhận thấy, lão gia du hí phong trần, lâng lâng chẳng bợn tục lụy, tôi nghĩ lão gia phải là một bậc đại ẩn.
bạn đang xem “Ân thù kiếm lục - Cổ Long” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Châu Phương chỉ cười, không đáp.
Phương bửu Nhi mơ màng tiếp nối:
- Nếu một ngày nào đó, tôi trở thành một cao nhân tuyệt đỉnh trong vũ lâm, thì tôi quyết chẳng để giang hồ biết được hành tung, và như vậy, tôi phải ẩn thoái khỏi giòng đời. Nhưng ẩn thoái thì tịch mịch quá, bởi tôi quen nhiệt náo, cái khung cảnh hoang vắnglạnh lùng nơi núi thẳm rừng sâu không phù hợp với tâm hồn tôi. Vả lại, đừng tưởng ẩn mình nơi cô tịch mà rồi chẳng có ai phát giác! Con người sinh ra, ai cũng có tính hiếu kỳ, tất cả đều tìm hiểu mọi sự bí mật trên đời, sự việc gì ráng giữ bí mật lại càng dễ bị tiết lộ, và người đời có cái thành kiến là muốn gặp dị nhân, tất phải đến chốn hoang vu. Cho nên tôi chủ trương thoái ẩn khỏi giòng đời là thoái ẩn mọi sinh hoạt trên đời, song tôi vẫn cải trang, sửa mạo, phiêu lãng khắp đó đây, nếu cần, tôi cũng có thể giả dạng thành một người bại hoại, chuyên lừa người, dối thế...
Hắn dừng lại một chút, rồi tiếp:
- Một kẻ bại hoại, một kẻ man trá, giả dạng làm một cao thủ vũ lâm là điều thường, nhưng lại dễ bị lộ chân tướng, trái lại, một cao thủ vũ lâm giả dạng làm một tên bại hoại, man trá, thì từ thiên cổ đến nay, đúng là một điều hi hữu, con người chẳng ai tưởng nổi chứ chẳng nói làm chi đến việc bị lô.....
Hắn dừng lại rồi trầm giọng tiếp:
- Tại sao tôi cho là hi hữu? Phàm đã là bậc kỳ nhân tất phải có danh, mà con người, nếu không khoe danh thì thôi, ai lại đi hủy hoại thanh danh của mình? Cho nên, chẳng một bậc kỳ nhân nào chịu giả dạng làm kẻ bại hoại, cho nên, tôi cho là một sự hi hữu nếu có kẻ dám giả dạng làm một kẻ bại hoại.
Châu Phương ngẩng mặt lên không cười dài:
- Thông minh! Tiểu tử rất thông minh!....
Lão chỉ tán suông, lão chẳng phủ nhận mà cũng chẳng thừa nhận chi cả, lão ngẩng mặt lên không cười dài, ngẩng mặt để giấu vẻ bối rối, cười dài để níu nuối sự thản nhiên.
Nhưng Phương bửu Nhi chưa chịu buông tha, hắn tấn công tiếp:
- Chắc lão gia cũng không từ chối lược thuật lai lịch của lão gia cho tôi nghe chứ?
Châu Phương mơ hồ:
- Lai lịch? Lai lịch thuộc vào thời xa xưa, lão quên khuấy đi mất rồi...
Phương bửu Nhi nhìn thẳng vào mặt lão:
- Quên thật sao lão gia?
Châu Phương đưa mắt theo dõi một áng mây trôi, lâu lắm mới thốt:
- Thật vậy, ta đã quên mất rồi! Ngươi có biết chăng, có một ký ức linh diệu kể cũng hay, nhưng dễ quên cũng là một tánh hay, còn hay hơn nữa! Có ký ức linh diệu, con người càng ngày càng tiến bộ, nhưng có tánh quên, thì càng ngày càng được bình an. Không có ký ức, con người không nhớ được những gì tiền nhân lưu lại, có một cách khác, là không tích trữ được những kinh nghiệm của tiền nhân, dùng kinh nghiệm trước, hoạch định lối sống hiện tại, phác họa kim chỉ nam cho đời sau. Nhưng không có tánh quên thì vĩnh viễn sống trong đau khổ, bất cứ thời khắc nào cũng nhớ đến tội lỗi mình, bất cứ khắc nào cũng bất mãn, rồi phiền lụy đến, rồi cạnh tranh đến, để rơi vào cái vòng luẩn quẩn sầu lo buồn khổ... Có ký ức, dễ tiến bộ, nhưng không có tánh quên, thì đời sẽ mất hết lạc thú. Cho nên dù chẳng quên được, mình cũng cố quên, không quên vĩnh viễn cũng quên tạm thời. Có quên được, cuộc sống mới hứng thú, có hứng thú mới thích phiêu lãng giang hồ!
Phương bửu Nhi sáng mắt lên:
- Nhớ tất cả, chẳng phải là việc dễ, mà quên tất cả, còn khó hơn nhiều, có đúng vậy chăng, lão gia?
Châu Phương điểm một nụ cười, chua xót vô cùng. Lão gật đầu:
- Đúng vậy. Đó là hai điều rất khó, mà điều sau khó hơn điều trước.
Ngươi càng cố quên, ác thay lại càng nhớ đến những điều mình muốn quên.
Phương bửu Nhi thở dài:
- Một người học xong kiếm pháp của các môn phái rồi muốn quên tất cả, nếu quên được thì đúng là một bậc kỳ tài!
Không rõ, lão không nghe kỹ, hay không muốn nghe nhiều hơn, Châu Phương tựa mình vào mạn thuyền, đôi mắt lim dim như sắp ngủ...
Phương bửu Nhi nhìn lão, trông thấy chòm râu đã mất màu đen của lão, vừa ngả màu vàng, chưa sang màu trắng, phơ phất trong gió sông, hắn nhìn đến xuất thần, lâu lắm mới lắc đầu thở dài, lẩm nhẩm:
- Thị là sao? Phi là sao? Ai biết được chính mình? Ta không hiểu nổi rồi! Lời nói của lão này gây hoang mang cho ta không ít.
Thuyền hơi to, xem thì nặng lắm, song lướt đi nhẹ nhàng, thuận nước có thể đi ngay trên trăm dặm chiều hôm đó, họ đến một bến sông, chẳng ai biết tên bến là gi.
Trước khi rời nhà Ngưu thiết Oa, Phương bửu Nhi đã chuẩn bị bút mực, và giấy mang theo, giờ đây hắn thấy Châu Phương và Ngưu thiết Oa đều ngủ, hắn lấy giấy bút mực đó, hắn viết độ mười tờ, tờ nào cũng như tờ nào, gồm mấy chữ:
"Vương đại Nương chính là Hồ nữ Ngô Tô ngày trước." Viết xong, hắn tìm mười cái hũ nhỏ trên thuyền, những hũ nhỏ đó do mẹ Ngưu thiết Oa chuẩn bị cho gã, phòng khi mua rượu đãi đằng Châu Phương, hắn bỏ một tờ giấy vào mỗi chiếc hũ, niêm phong lại cẩn thận, rồi vừa thả xuống nước vừa lẩm nhẩm:
- Ta hy vọng vài chiếc hũ này được đến với tay một vài nhân vật trên giang hồ, vài chiếc thôi, cũng đủ lắm rồi, nhân vật nào nhặt được sẽ động tính hiếu kỳ mà tra cứu sự việc. Nếu gặp tay nghĩa hiệp thì chắc chắn mưu gian kế độc của Vương đại Nương sẽ được toàn thể vũ lâm hiểu biết!
Nhìn theo những chiếc hũ bị nước cuốn đi, hắn nở một nụ cười lẩm nhẩm tiếp:
- Chính ta nói ra, chẳng ai tin, nhưng với phương pháp này, chắc phải có người lưu ý, bởi họ chẳng biết chiếc hũ xuất xứ từ đâu, họ sẽ cho là thần bí, mà trên đời này có ai chẳng thích khám phá ra sự thần bí? Nhất định cái dã tâm của Vương đại Nương phải có ngày bị bại lộ!
Hắn nằm xuống, tâm thần sảng khoái, hắn ngủ một giấc mê man...
* * * Giòng nước cứ trôi, giòng nước muôn đời chẳng biến đổi, gió dậy thì sóng đùa, gió lặng thì giòng nước lại êm. Khúc sông rộng cũng thế, khúc sông hẹp cũng thế, nước cứ xuôi giòng.
Nhưng con thuyền vuông của Ngưu thiết Oa, ngày thêm của Phương bửu Nhi ngày thêm lớn.
Thấm thoắt đó mà đã hơn nửa năm qua.
Nửa năm, một khoảng thời gian chẳng dài gì, song Phương bửu Nhi đã biến đổi rất nhiều.
Gia dĩ, hắn không ngừng học hỏi, thì sự biến đổi nơi hắn phải phi thường, có thể bảo hắn đã hoàn toàn đổi khác.
Hắn biến đổi từ tâm hồn lẫn thể xác, hắn đã hiểu sự đời nhiều hơn, mà hắn cũng quen với lối sinh hoạt trên sông.
Dưới mái nhà êm ấm của ngoại công, hắn chỉ ăn rồi đọc, đọc rồi ăn, không làm một việc gì nặng nề, nên thân vóc chẳng được nở nang như người lao động.
Giờ đây hắn cũng chèo, cũng chống cũng chẻ củi, cũng kéo câu, tóm lại, Ngưu thiết Oa làm gì, hắn làm nấy, nhờ đó mà hắn trở thành một thiếu niên mạnh khỏe, làn da xám sậm, lắm lúc hắn soi mình trong mặt nước, hắn hầu như chẳng còn nhận ra mình nữa.
Nửa năm qua, hắn mục kích rất nhiều cuộc chiến giữa hào kiệt vũ lâm, hắn cũng mục kích chẳng biết bao nhiêu cảnh man trá của một số người, những cảnh tương tranh lừa bịp nhau đó đã cho hắn một số kinh nghiệm vô cùng hữu ích.
Dù tuổi còn non, hắn đã sớm có một nhận thức khá tinh vi đối với người và việc trên giang hồ, qua những nhận thức đó, điều làm cho hắn hứng thú hơn hết là sự biến hóa, sự việc biến hóa, lòng người biến hóa, tất cả đều biến hóa, không ngừng.
Còn gì thích thú hơn cho hắn, khi bình minh lên, hay hoàng hôn xuống, lênh đênh trên mặt nước, nhìn mây hồng mây bạc, hứng ngọn gió nhẹ trong lành, hoặc nhìn con sông dài trước mặt như xuôi về vô tận.
Rồi trăng, rồi sao, trăng hết tròn lại khuyết, khuyết mãi để trở thành non cho đến khi tròn, sao đổi ngôi, sao nhấp nhánh trên nền trời xanh thẳm.
Tất cả đều biến hóa, trời đất, vạn vật, nhân loại...
Hắn tự hỏi:
- Trong bao nhiêu biến hóa có cái gì?
Hắn đã tìm rất nhiều triết lý qua những biến thiên của trời đất, vạn vật, nhân loại, từ những triết lý đó, hắn suy luận đến vũ học.
Trong thời gian nửa năm đó, Ngưu thiết Oa cũng biến đổi. Gã đột nhiên trở thành một kẻ đam mê vũ học, giả sử có ai truyền dạy cho gã, chắc gã học ngày, học đêm, học chẳng cần ăn, cần ngủ.
Cứ mỗi lần mục kích cuộc giao đấu giữa các cao thủ vũ lâm, gã hết sức chăm chú, gã ghi nhớ từng chiêu thức, rồi đợi lúc vắng người, gã tập luyện đúng như vậy, trước kia thì gã bô bô cái miệng, giờ đây gã trầm lặng vô cùng, âm thầm tập luyện. Khi nào cảm thấy mệt quá thì lại thôi, nếu chẳng lưu ý đến gã thì chẳng ai biết gã làm gì mà mồ hôi nhễ nhại ướt mình.
Gã đã tập luyện được bao nhiêu chiêu thức rồi? Nếu không hỏi đến gã, suốt ngày gã chẳng mở miệng với ai một lời, có những lúc gã mơ màng nhìn mây, gã nhìn đến xuất thần, thỉnh thoảng gã nhếch mép cười, chừng như khoan khoái đã tìm ra một giải đáp cho một vài nghi vấn. Lại có lúc, cao hứng hơn, đang ăn, gã bỗng nhảy dựng lên, rồi rời thuyền chạy đi, lại tập luyện... Đó là lúc nhớ đến một chiêu thức, gã phải tập liền, sợ ăn hết bữa rồi lại quên đi.
Duy nhất không biến đổi là Châu Phương.
Mặc cho Phương bửu Nhi và Ngưu thiết Oa muốn làm gì thì làm, lão chẳng lưu ý, tùy cái hứng, bất thời lão nốc rượu, bất thời lão ngâm thơ, bất thời lão tự nói với mình, lão nói toàn những việc xa xôi, mơ hồ, nói chẳng cần ai nghe, mà cũng để cho người nghe.
Người nghe, hẳn là Phương bửu Nhi rồi, song lão không gọi ngay hắn mà thôi.
Nói gì thì nói, chẳng bao giờ lão nhắc đến đoạn đời dĩ vãng của lão, đoạn đời dành cho sự lừa bịp thế nhân.
Khi thực phẩm đã hết, khi tiền nong đã cạn, hoặc những khi cần tu bổ con thuyền, thì lão cho thuyền đỗ lại một thị trấn phồn thịnh nào đó, lão lên bờ, sáng lên bờ thì chiều xuống thuyền, xuống thuyền thì lão mang theo bao lớn, bao nhỏ, hơi thở lão sặc mùi rượu, túi lão đầy bạc tiền.
Phương bửu Nhi hỏi:
- Lão gia lấy ở đâu lắm tiền, lắm vật thế?
Lão cười lạt, đáp:
- Lấy những nơi có thể lấy, những nơi có thể lừa chứ ở đâu nữa.
Chẳng phải mỗi lần lên bờ là mỗi lần đều được mãn nguyện, có lúc lão trở về thuyền tay không, túi không, những lúc đó, thì theo sau lão có một đoàn người kẻ mắng, người la hét, đòi đánh đập.
Cũng có lúc, lão chạy về thuyền, chạy vắt chân lên cổ, xuống thuyền rồi là lão nhanh tay mở dây nhổ sào đẩy thuyền rời bến.
Dù lão có làm sao, trộm tiền, cướp vật của thiên hạ, lão bị mắng, bị chửi, Phương bửu Nhi không vì thế mà khinh khi lão, trước sau vẫn giữ lòng tôn kính lão như thường.
Rồi một hôm, thuyền đến dưới chân lầu Hoàng hạc.
Hoàng hạc lâu chẳng phải là một kiến trúc cao lớn, huy hoàng gì, song nơi đó có danh nhân in dấu chân, nên thành một thắng tích.
Đến đó rồi, ngẩng nhìn lên, thấy mây bạc lững lờ trôi, cúi nhìn xuống, thấy giòng nước xanh lưu chuyển quanh hồ, du khách chạnh niềm hoài cổ dù không có lý do chân chính để khóc, cũng cảm thấy mắt mờ màng lệ mỏng man mác sầu trường.
Hôm con thuyền đến lầu Hoàng hạc, thì thời gian không phải lúc ngắm mây trôi, trông nước chảy. Trong lầu Hoàng hạc, tầng thượng cũng như tầng hạ, chen chúc những người.
Họ đến đây, dĩ nhiên là để uống rượu, ngâm thơ, vịnh phú, hoặc thưởng ngoạn cảnh hồ, hoặc nhìn người lui tới.
Nhưng hôm nay, thực khách không phải những thành phẩn nhàn hạ đó, thực khách hôm nay không uống rượu ngâm thơ, không phun châu nhả ngọc, ngắm trời nước, hứng gió, nghe nhạc, mà những người hiện diện toàn là hào kiệt anh hùng, những nhân vật có ít nhiều danh vọng trong võ lâm.
Khi con thuyền còn cách lầu Hoàng hạc xa xa, Châu Phương đã thấy cái cảnh lạ của nơi đó rồi. Lão thấy, Phương bửu Nhi và Ngưu thiết Oa cũng thấy.
Ngưu thiết Oa giờ đây trở thành một hán tử, ham mê vũ học, hắn vỗ tay, reo lên:
- Tuyệt diệu! Tuyệt diệu! Hẳn là hôm nay chúng ta phải được mục kích một cảnh nhiệt náo!
Châu Phương mỉm cười:
- Và ngươi sẽ học thêm được mấy cao chiêu bí kỹ!
Lão day qua Phương bửu Nhi, tiếp:
- Chắc ngươi cũng thích thú luôn? Có chiêu thức nào qua nổi đôi mắt của ngươi!
Phương bửu Nhi gật đầu:
- Đúng vậy, lão gia! Tôi nhớ rất rõ.
Châu Phương gật gù:
- Hay! Hay! Nhớ được chiêu thức của người, nhớ rồi sau đó để quên!
Nhớ rồi quên, chẳng bằng không nhớ gì cả! Không nhớ gì lại càng hay!
Mỗi lần lão thốt một câu, là câu đó phải bao hàm một triết lý. Mới nghe, thì cho là lão ăn nói mơ hồ, ngẫm nghĩ kỹ thì thấy rõ cái đạo lý.
Phương bửu Nhi định đáp lại một câu, nhưng chưa kịp mở miệng, hắn bỗng thấy một con thuyền cực kỳ hoa mỹ từ xa xa lướt nhanh đến, trên thuyền đó, có tiếng đàn, tiếng ca, tiếng cười nói vang dội.
Đúng là một con thuyền của khách thượng lưu, say sưa trong ca nhạc, hẳn phải có tửu, có sắc đi kèm.
Con thuyền đó đậu gần thuyền của Ngưu thiết Oa, hai cái thái cực kề nhau, một tuyệt đỉnh sang, một tuyệt đỉnh hèn, thật là một chênh lệch vô cùng mỉa mai do tấu xảo của giòng nước tạo nên, nhưng Ngưu thiết Oa không hề tự ái, trái lại gã cười nhạt, lẩm nhẩm:
- Cái vỏ rất sang con người lồng trong cái vỏ đó rất sang, nhưng lòng con người ở trong cái vỏ đó có sạch sẽ như lòng ta chăng? Tranh nhau tỏ lộ sự chênh lệch bên ngoài, có ai đo lường cái giá trị bên trong?
Chương trước | Chương sau