Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 136 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 1

↓↓
Từ rừng núi miền Đông Hoa-kỳ xa xôi...


Nói về tổ tiên anh hùng


Yên-tử cư-sĩ Trần Đại-Sỹ


Nhìn người trẻ hôm nay, mà hy vọng ngày mai.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Câu chuyện bắt đầu vào lúc hoàng hôn ngày 31 tháng 8 năm 1996, tại một căn nhà bằng gỗ nằm trong rừng, ngoại ô thành phố Louisville, tiểu bang Tennesse, Đông-Nam Hoa-kỳ. Căn nhà này là một trong hơn trăm trại được dùng làm trại hè Về-nguồn, mang tên thánh Gióng tức Phù-Đổng thiên vương. Đây là khu rừng, mà người ta đã khử cỏ độc, làm đường đi, dựng trại bằng gỗ thô sơ; lại bắt điện, ống dẫn nước, hơi đốt, điện thoại... để cho những người thích sống với thiên nhiên, có nơi nghỉ ngơi.


Ngồi xung quanh tôi, gồm mười tám người, lớn nhất ba mươi mốt tuổi, nhỏ nhất mười bảy tuổi. Họ là một nhóm nhỏ trong số 450 người trẻ Việt, từ 11 tiểu bang tụ về. Có người gọi tôi là thầy, có người gọi tôi là bác. Trong gần năm trăm người trẻ ấy, hầu như họ đều là tinh hoa của tộc Việt trên đất Hoa-kỳ. Trình độ cao nhất Ph.D, bác sĩ y khoa, dược sĩ, trình độ thấp nhất là năm cuối cùng bậc trung học. Dưới con mắt tôi, tương lai, một số trong những người này sẽ là tinh hoa của Hoa-kỳ, và biết đâu lại có những tinh hoa nhân loại? Chỉ gặp nhau có mấy ngày, mà tình yêu giữa tôi và họ nảy sinh. Nói truyện với họ, tôi không phải giữ gìn, ý tứ. Họ nói với tôi như nói với cha, với anh. Tôi yêu họ như đức Thích-Ca, như chúa Giê-su, như Khổng-tử yêu đệ tử. Họ kính tôi như người trên trong gia tộc. Giữa chúng tôi : Người lớn tuổi muốn đem tất cả hiểu biết của mình cho người trẻ. Người trẻ muốn tìm ở người đi trước những gì mình chưa có hay không có.


Những người trẻ ấy : Họ tuy sinh ở đất Việt, hưởng thụ văn hóa Việt, nói tiếng Việt; nhưng hoàn cảnh đưa họ vào một cuộc sống mới, nói một ngôn ngữ mới, hưởng một nền giáo dục mới, hành động trong một văn hóa mới. Họ tụ hội nhau bốn ngày, để nối thâm tình trong nguồn gốc con Rồng, cháu Tiên; để tìm hiểu thêm về nguồn gốc mình: để biết thêm về năm ngàn năm văn hóa của tộc Việt.


Tôi là người khách duy nhất đến từ Paris. Khác với họ, tôi đã trải qua tất cả những thăng trầm lịch sử tộc Việt trong năm mươi năm dài mà đất nước rung động. Qua mấy chục năm nghiên cứu lịch sử, tôi ngẫm ra rằng, tinh hoa của các vĩ nhân Việt hầu như đều phát tiết từ thời còn trẻ; tình yêu dân tộc, tình yêu đất nước đều biểu hiện ra rất sớm. Tôi nhìn những người trẻ xung quanh tôi với những hy vọng...ước vọng...Tất cả các trại viên đều lễ độ với người lớn, dĩ nhiên với tôi. Họ gọi tôi bằng bác, hoặc bằng thầy.


Một người hỏi tôi:


- Thưa thầy, tại sao thầy lại dùng danh từ Tiêu-sơn để chỉ triều Lý, và danh từ Đông-a để chỉ triều Trần?


- Huyền sử nói rằng, nhờ ngôi mộ ông thân sinh ra vua Lý Thái-tổ táng vào thế đất linh ở núi Tiêu-sơn, mà họ Lý làm vua trong hơn hai trăm năm. Vì vậy các văn gia thường dùng chữ Tiêu-sơn để chỉ triều Lý, để chỉ thời gian họ Lý làm vua. Cũng tương tự, người ta dùng chữ Đông-a để chỉ triều Trần, thời gian họ Trần làm vua; vì trong Hán-tự, đông với chữ a ghép lại thành chữ Trần.


Một người khác hỏi tôi:


- Cháu đã đọc bộ Nam-quốc sơn-hà của bác, thuật chiến công hiển hách nhất của tộc Việt; ban nãy bác nói rằng, sau giai đoạn cực thịnh này, thì triều Lý sẽ tàn và triều Trần bắt đầu. Thưa bác, ai đã làm cho triều Lý suy tàn, và suy tàn từ bao giờ?


Tôi nhắm mắt lại để nhớ những gì đã đọc, rồi khoan thai kể ...


oOo


Trời trấn Thiên-trường, vào tiết tháng chạp, đang mưa phùn, gió bấc, lạnh buốt, cái lạnh xé da, cắt thịt; tự nhiên mây quang, mưa tạnh, nắng chói chang, ấm áp. Dân chúng đổ xô ra đường, người người chen nhau; xe, ngựa tấp nập, để sắm tết.


Từ trong một trang trại lớn, ba người đàn ông, một già, hai trung niên khoan thai rảo bước, ngắm nhìn dân chúng. Mỗi người dân gặp ba người đều cung cung, kính kính chắp tay chào:


- Kính chào Trần lão, nhị thiếu tiên sinh.


- Thưa ba tiên sinh.


- Kính cụ ạ! Kính hai ông ạ.


Ba người cứ phải luôn luôn đáp lễ. Có người ba vị chỉ chào lại rồi đi. Cũng có người, ba vị hỏi thăm đôi điều:


- Thế nào cụ lễ Ôn, vụ mùa năm nay mấy mẫu nếp của cụ trúng to. Cụ vui lòng chứ?


- Đa tạ Trần lão tiên sinh. Nhờ lão tiên sinh cho mượn không mười công trâu cùng cho tiền mua mấy chục gánh phân, nên mới trúng mùa, mà trong nhà tôi có đồng ra đồng vào.


- Ông hương Hoạt, nghe nói mấy trăm chậu quất của ông năm nay đều kết trái sai lắm phải không? Tết đến nơi rồi, đã bán hết chưa?


- Đa tạ Trần nhị tiên sinh. Nhờ Trần nhị phu nhân dạy cho cách tỉa cành, bón phân, mà năm nay tôi được mùa quất.


Đó là ba cha con. Người cha tên Tự-Kinh, chưởng môn nhân phái Đông-a, một phái võ người đông, thế mạnh bậc nhất Đaị-Việt. Năm nay, ông đã đi vào tuổi bẩy mươi nhưng nhờ nhiều đời tiền nhân luyện tập võ nghệ nên ông vẫn còn khỏe mạnh như thời trai tráng, tinh thần linh mẫn. Hai người con của ông, một người tên Trần Tự-Hấp, một người tên Trần Tự-Duy, cả hai tuổi xấp xỉ ba mươi. Tự-Hấp, Tự-Duy đều thành hôn với sư muội đồng môn.


Tự-Hấp cùng vợ tên Anh-Hoa, là sư huynh sư đệ đồng môn; thường hành hiệp giúp đời, nay đây, mai đó, ít khi có nhà. Còn Tự-Duy với vợ là Lưu Kim-Huệ thì ở nhà giúp đỡ cha điều hành môn phái, phụng dưỡng song thân. Nay nhân cuối năm, Tự-Hấp cùng vợ được thư cha gọi về quê khẩn cấp để ăn tết, và họp môn phái, quyết định một việc tối quan trọng. Nơi họp, như thường lệ, là chiếc du thuyền của môn phái đậu trên bến Vỵ-hoàng.


Cũng như các buổi họp khác, môn phái bao giờ cũng giữ bí mật, chư đệ tử âm thầm từ các nơi tề tựu tại du thuyền trước, rồi cha con Tự-Kinh rủ nhau xuống sau, giả đi một vòng phạm vi của môn phái, thăm dân cho biết sự tình.


Nguyên sáng tổ của phái Đông-a xuất thân là một chú bé thợ săn mồ côi ở núi Tiêu-sơn, thuộc lộ Kinh-Bắc tên Trần Tự-Viễn. Chú thợ săn mồ côi ấy, vô tình học được Thiền-công chính tông từ ngài Pháp-Hiền rồi nhân bắt chước những thế vồ của hổ, mà chế ra hổ quyền; nhân xem chim ưng bắt rắn, rắn chống lại, mà chế ra Ưng-xà quyền... cùng các chiêu thức, mà trở thành tổ sư của ngoại công phái Tiêu-sơn. Sau đó, ông di về Thiên-trường lập ra phái Đông-a. Vì vậy võ lâm Đại-Việt mới nói: Nội công phái Đông-a xuất ra từ phái Tiêu-sơn, ngọai công phái Tiêu-sơn phát ra từ phái Đông-a. Trong suốt bao nhiêu năm, phái Đông-a bao giờ cũng phải nhường bước cho phái Tiêu-sơn, là nơi phát xuất của vua Lê Đại-hành, vua Lý Thái-tổ. Trải 700 năm, đến đầu thời Lý (1010 - 1077) thì trong phái nảy ra một thiên tài võ học lỗi lạc là Trần Tự-An; ông đã đào tạo ra những đại cao thủ làm lên sự nghiệp kinh thiên động địa như: Thiên-trường ngũ kiệt; Côi-sơn tam anh; Khai-quốc Minh-từ, Anh-văn, Linh-cảm quốc mẫu Thanh-Mai; Mộc-tồn vọng thê hòa thượng Thông-Mai; Kinh-Nam vương Tự-Mai. Từ đấy phái Đông-a trở thành Thái-sơn Bắc-đẩu Lĩnh-Nam cho đến nay.


Kể từ sau cuộc kháng Tống, mỗi khi bổ nhiệm quan lại trong khu vực Nam Thăng-long, cho tới cố đô Trường-yên, bao giờ triều đình cũng cử những đệ tử của phái Đông-a. Trong vùng này, phái Đông-a tổ chức cai trị dân chúng như một quốc gia riêng: Thuế nhẹ, không có nạn cường hào, không có tệ tham quan, khuyến khích nông tang, mở mang trường học. Vì vậy, dân chúng các nơi tụ về ngày càng đông, hóa cho nên trải 80 năm, phạm vi ảnh hưởng của phái này cực rộng.


Tới bờ sông, ba cha con xuống du thuyền lớn đang đậu ở đó, trên mũi thuyền có chữ Đông-a thực lớn. Nhìn cột buồm treo lá cờ thêu hình con chim ưng xòe cánh bay giữa đám mây, Tự-Hấp nói với em:


- Này chú hai, vùng Thiên-trường này nhờ thế lực của phái Đông-a nhà mình, mà có an ninh, quan lại không dám nhũng lạm, cho nên dân chúng sung túc, ấm no. Chứ các vùng khác thì dân khổ cơ hồ muốn sống không nổi, muốn chết cũng không xong. Nào quan lại tham ô, nào cường hào áp chế, nào trộm cướp như rươi. Bởi vậy có nhiều thuyền buôn họ cũng thêu cờ có hình chim ưng của nhà mình, rồi kéo lên để dọa bọn trộm cướp.


Tự-Duy hỏi:


- Thế họ có bị chúng khám phá ra không?


- Hồi đầu chúng tưởng thực, mỗi khi chúng thấy kỳ hiệu của mình thì tránh xa. Nhưng vì có những người mạo danh vụng về, để cho một vài bọn cướp biết, chúng chém giết tàn nhẫn vô cùng. Chính vì vậy, có lần anh đi trên thuyền, cho kéo kỳ hiệu lên, chúng tưởng rằng giả, chúng định đánh cướp.


Tự-Duy bật cười:


- Vậy anh chị có giết chúng không?


- Khi thấy chúng hối lỗi van xin, anh tha cho chúng. Nhưng chị đánh cho mỗi tên một chiêu Bức mạch, rồi hẹn chúng phải mua hai nghìn đấu gạo phát cho người nghèo, bấy giờ chị mới giải Bức mạch nội lực cho.


Ba cha con xuống thuyền. Đây là một con thuyền lớn, thời bấy giờ gọi là thuyền đinh.


Thuyền đinh thới Lý thường dài khoảng bốn trượng đến mười trượng (8 m tới 20 m) Thuyền có ba tầng, tầng thấp nhất là đáy thuyền, chia làm nhiều khoang, các khoang ngăn cách nhau bằng những vách gỗ kiên cố, mục đích để lỡ thuyền bị thủng, nước chỉ tràn vào ngăn vỡ mà thôi. Mỗi khoang đều có cửa sổ để tát nước. Những khoang này dùng để chứa các chum (lu) đựng nước ngọt khi vượt biển, hoặc lương thực, than, củi đun. Tầng giữa chia làm hai ba phòng khác nhau, đây là nơi sinh hoạt chính của người đi thuyền. Tầng trên cùng, thực ra chỉ là cái chòi cho thuyền trưởng, tài công lái thuyền. Thuyền có nhiều phu chèo. Phu chèo ngồi trên sàn. Nhưng đa số những di chuyển của thuyền đều dùng sức gió đẩy vào buồm.


Con thuyền đinh của chưởng môn nhân phái Đông-a thì không dùng thuyền phu, đầu bếp, tài công, tỳ nữ là người ngoài. Tất cả các công việc trên du thuyền này đều là đệ tử trong môn phái đảm trách.


Viên thuyền trưởng tên Tô Trung-Sách tuổi còn trẻ, y mở cửa thuyền cúi rạp người xuống:


- Xin kính thỉnh sư phụ, nhị vị sư huynh.


Tự-Hấp vỗ vai y:


- Tô tiểu sư đệ, hồi này dung quang chú khác thường quá. Anh thực là đoảng, năm trước chú cưới vợ đúng lúc anh đang ở Trung-nguyên, thành ra không dự được. Hôm nay anh phải uống với chú mười chung để chuộc lỗi.


- Đa tạ sư huynh. Năm trước tuy sư huynh không về, nhưng sư tỷ cũng gửi cho đệ đôi vòng bích ngọc. Vợ đệ thích lắm.


Ba cha con theo sự hướng dẫn của Trung-Sách vào trong khoang thuyền chính. Trong khoang đã có năm nam, hai nữ ngồi đó từ bao giờ. Cả bẩy người đều đứng dậy cung tay:


- Tham kiến sư phụ.


Tự-Kinh vẫy tay:


- Các con ngồi xuống đi, miễn lễ.


Tự-Kinh có hai con trai là Tự-Hấp, Tự-Duy, và năm nam đệ tử, hai nữ đệ tử. Hai nữ đệ tử chính là vợ của Tự-Hấp, Tự-Duy.


Tự-Kinh với hai con trai, hai con dâu, năm đệ tử cùng ngồi quanh cái án thư lớn.


Trung-Sách gọi tỳ nữ đem hoa quả ra, cùng pha trà. Tự-Kinh chỉ chiếc ghế cuối bàn cho Trung-Sách:


- Con ngồi đó đi. Con tuy là đệ tử út của ta, nhưng năm nay tuổi đã trên ba mươi, thì mọi truyện trong môn phái con cũng phải tham dự để biết.


- Đa tạ sư phụ.


Tự-Kinh thấy trong khoang thuyền có năm nữ tỳ, mặt ông hơi cau lại hỏi Tự-Duy:


- Con! Hồi đầu tháng mười một, bố đã dặn con rằng : Tất cả lực điền, bộc phụ, tỳ nữ, mã phu trong trang, con cho họ về quê nghỉ ăn tết từ rằm tháng chạp, tới rằm tháng giêng. Bố cũng nhắc nhở rằng trong dịp này con vẫn phát lương cho họ đầy đủ, tặng thêm cho một tháng lương; đặc biệt cấp thêm ít tiền đi đường, cùng cho mỗi người ít đấu gạo nếp tía là sản phẩm đặc biệt của Thiên-trường. Nay sao trong thuyền này còn tới năm tỳ nữ?


- Thưa bố, năm con bé này không phải là tỳ nữ bình thường. Nguyên nhà chúng nghèo, bị bán làm tỳ thiếp cho bọn khách thương. Bọn khách thương định đem về Trung-nguyên làm kỹ nữ. May mắn thay, dọc đường gặp anh chị Tự-Hấp giải thoát rồi cho về với gia đình. Nhưng năm con bé này không dám về, sợ bọn khách thương kiện cáo với quan nha bắt bớ bố mẹ chúng. Anh chị mới gửi chúng về ẩn tại trang nhà mình. Do vậy tuy tết đến, chúng nhớ nhà nhưng cũng không dám về.


- Các con hành xử như thế thì đúng với hiệp nghĩa, nhưng không đủ đức nhân.


Anh em Tự-Hấp, Tự-Duy cùng đứng dậy cung tay:


- Chúng con xin nghe lời giáo huấn của phụ thuân.


- Này Tự-Hấp con! Tự hậu, nếu con gặp trường hợp tương tự, sau khi ra oai cho bọn khách thương rồi, thì con phải hỏi xem chúng mua người mất bao nhiêu tiền? Con bồi hoàn cho chúng, rồi đưa bọn con gái khốn nạn này về với cha mẹ. Như vậy, có phải mình vừa có cái hiệp, vừa có cái nhân không?


- Dạ, con xin ghi lời dạy dỗ của phụ thân.


Ông gọi năm tỳ nữ:


- Các con lại đây!


Năm tỳ nữ cung kính chắp tay đứng trước Tự-Kinh. Oâng chỉ vào cái ghế dài:


- Các con ngồi đó đi.


Ông ôn tồn hỏi:


- Tết đến nơi rồi, các con có nhớ nhà không?


Lập tức mắt cả năm đứa đều ênh ếch những nước như muốn khóc:


- Thưa lão gia chúng con đều nhớ nhà, nhưng muôn ngàn lần chúng con không dám về thăm cha mẹ. Vì sau khi tiểu lão gia cứu chúng con ra, bọn khách thương vu vạ rằng chúng con bỏ trốn rồi thưa lên quan. Trong khi đó thì bố mẹ chúng con lại thưa rằng chúng đem bọn con về Trung-nguyên. Cho nên quan nha đang truy lùng bọn con dữ lắm. Nếu như bây giờ bọn con trở về thăm nhà, thì bố mẹ chúng con bị lôi thôi to.


Dù là chưởng môn nhân một môn phái nức tiếng Hoa-Việt, dù từng hành hiệp trên năm mươi năm, Tự-Kinh rơm rớm nước mắt bảo vợ chồng Tự-Hấp :


- Tự-Hấp, Anh-Hoa! Bố thấy năm trẻ này khuôn mặt thanh tú, lại lâm cảnh khốn nạn. Các con nên nhận chúng làm con nuôi, rồi gắng công dạy dỗ chúng, sau đó ta kiếm chỗ gả chồng cho chúng, chẳng là điều nhân ư?


Tự-Hấp, Anh-Hoa cúi đầu:


- Chúng con xin tuân lời phụ thân.


Năm tỳ nữ nghe cha con Tự-Kinh đối thoại thì mừng chi siết kể. Bởi danh tiếng phái Đông-a cực lớn, chỉ cần được làm người dân trong trang thôi, thì một là không có nhà sẽ được cấp nhà, hai là không có ruộng sẽ được cấp ruộng, ba là không bao giờ bị cường hào ác bá ức hiếp, bốn là không bao giờ bị quan lại nhũng lạm. Bây giờ được làm con nuôi của con cả chưởng môn, bỗng chốc trở thành một đại tiểu thư, thì đến nằm mơ chúng cũng không tưởng tượng nổi.


Năm người đến trước Tự-Kinh quỳ gối lạy bốn lạy:


- Nội tổ.


Lại lạy vợ chồng Tự-Hấp:


- Nghĩa phụ, nghĩa mẫu.


Tự-Kinh vuốt tóc năm thiếu nữ:


- Các cháu ơi! Tại sao các cháu lại dùng tiếng Nội tổ, Nghĩa phụ, Nghĩa mẫu mà không dùng tiếng Ông nội, bố mẹ? Lại nữa, con thì là con, chứ không có cái việc phân chia con đẻ, con nuôi. Vậy thì cũng không còn cái gì là nghĩa phụ, nghĩa mẫu nữa.


Năm thiếu nữ hành bốn lễ với vợ chồng Tự-Duy:


- Chúng cháu ra mắt chú thím.


Anh-Hoa chỉ các sư đệ:


- Các con mau hành lễ với các sư thúc đi.


Năm thiếu nữ lại hành lễ:


- Chúng cháu ra mắt chư vị sư thúc.


Tự-Kinh vui vẻ nhìn năm đứa cháu nội mới, ông suy nghĩ một lát rồi nói:


- Bây giờ ông đặt tên cho bốn cháu. Các cháu nhớ, từ ngày hôm nay các cháu đều mang họ Trần đấy nhá.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Chỉ đao - Nam Kim Thạch

Chỉ đao - Nam Kim Thạch

Văn án: Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đêm đã khuya, trên đường cũng đã vắng khách

10-07-2016 20 chương
Về một điều ước

Về một điều ước

Tấm lòng người mẹ không đủ chỗ cho thằng con năm tuổi. Trời còn có những khi nổi

29-06-2016
Người cha mù

Người cha mù

Tôi gạt tay bố ra và chạy lên gác, lúc ấy tôi ghét bố lắm, chỉ vì bố không còn

30-06-2016
Đồ cũ

Đồ cũ

  Cả anh và bà lặng người. Thằng bé bị bố mắng, ngơ ngác! ***   Nhà có những

29-06-2016
Lời xin lỗi nho nhỏ

Lời xin lỗi nho nhỏ

Tự dưng Trâm đi ngang qua tôi trên phố đông người, thản nhiên không hề biết. Tôi hơi

28-06-2016
Trả thù

Trả thù

Nó, một đứa con gái 20 tuổi cao ráo, xinh đẹp nhất nhì trong lớp mà tính cách cũng

30-06-2016
Oan hồn bên bến sông

Oan hồn bên bến sông

Bất giác, nó rợn người, nhớ lại câu chuyện ma ở gốc đa này mà mấy ông

25-06-2016

Teya Salat