Duck hunt
Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung


Tác giả:
Đăng ngày: 09-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 132 đánh giá )

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung - Chương 6 - Miếu Hắc Hổ, thần uy kinh mãnh thú - Thành An Tây tương kiến hội quần anh

↓↓

Triệu-Bán-Sơn nghe nói bất giác đâm ra lo lắng, liền hỏi lại ngay:

bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


-Lục đại ca! Chuyện cấp bách ra sao mau nói cho đệ nghe gấp kẻo đệ nóng ruột quá rồi!


Lục-Phỉ-Thanh chỉ chờ có thế nên nói ngay:


-Hiện tại Văn tứ đương-gia đang gặp đại nạn!


Cả Triệu-Bán-Sơn lẫn Vệ-Xuân-Hoa nghe xong đều biến sắc, mồ hồi đổ xuống trán, tim đập thật mạnh, mắt đổ hào quang, chừng như chính hai người đang sống trong những giây phút kinh hoàng lo lắng. Vệ-Xuân-Hoa bỗng vụt một cái biến đi mất để một mình Triệu-Bán-Sơn ở lại. Sau đó, Triệu-Bán-Sơn liền hỏi Lục-Phỉ-Thanh cặn kễ từ đầu đến đuôi ra sao.


Lục-Phỉ-Thanh tỉ mỉ thuật lại những tai nạn của Văn-Thái-Lai và Lạc-Băng ra sao, cho đến việc gặp gỡ Dư-Ngư-Đồng thế nào, không bỏ sót một chi tiết nhỏ nào. Hai người đang bàn chuyện thì nghe hình như có tiếng cãi vả qua lại giữa Vệ-Xuân-Hoa và một người nào đó.


Tiếng người kia nói lớn:


-Vệ cửu ca, anh coi đệ chẳng ra gì sao chứ? Anh khinh đệ không bảo vệ được Văn tứ ca về đây hay sao? Và anh khinh đệ không đủ bản lãnh để đương đầu với lũ người đốn mạt ấy sao? Đệ nói thật, nếu phen này mà không diệt được hết lũ đầu trâu mặt ngựa theo Càn-Long liếm gót để trả thù cho Văn tứ ca thì quyết không thèm làm người sống trên thế gian này nữa!


Lại nghe tiếng Vệ-Xuân-Hoa nói:


-Tính chú mày nóng như lửa, làm việc chẳng chịu đắn đo suy nghĩ, không thể giao phó công việc quan trọng lớn lao như thế được! Chuyện đi cứu Văn tứ ca không phải dễ dàng như chú mày nghĩ đâu! Bọn Trương-Siêu-Trọng lúc nào chẳng theo dõi rình rập chờ ra tay? Nếu đối phó với chúng dễ như vậy thì Văn tứ ca đâu cần đến chúng ta cứu viện làm gì! Anh em phải thương lượng với nhau trước rồi mới vạch định kế hoạch và quyết đoán sau. Còn việc đi cứu viện đón rước Văn tứ ca là quyền quyết định tối hậu của Thiếu-Đà-Chủ. Chú mày tháo thứ, tự chuyên, trách nhiệm không phải nhỏ, nếu có bề gì sơ sót thì tội lội cũng khó mà giảm khinh tha thứ được!


Người ấy vẫn không chịu nghe mà cứ tiếp tục cãi bướng. Nhưng lời y rất quả quyết, giọng hăng hái vô cùng, nhưng rõ ràng là một người nóng nảy, nghĩ sao là muốn làm vậy, chẳng cần phải đắn đo lợi hại.


Triệu-Bán-Sơn bè nắm tay Lục-Phỉ-Thanh đứng dậy đi ra ngoài, thẳng về phía hai người đang tranh cãi.


Đến nơi, Lục-Phỉ-Thanh thấy một người có cái bướu đàng sau lưng đang gân cổ cãi nhau với Vệ-Xuân-Hoa. Lục-Phỉ-Thanh nhận ra là người hôm nọ gặp trên đường đã sử dụng bàn tay như một lưỡi dao sắc xén đứt đuôi ngựa của Lý-Mộng-Ngọc.


Thấy Triệu-Bán-Sơn và Lục-Phỉ-Thanh ra đến nơi, Vệ-Xuân-Hoa đứng dậy vỗ mạnh vào vai người có bướu rồi lấy tay chỉ Lục-Phỉ-Thanh giới thiệu với y:


-Hiền đệ mau làm lễ chào mừng Lục lão tiền bối đi!


Người có bướu vừa đứng dậy hướng về phía Lục-Phỉ-Thanh bỗng nhiên nhìn ông ta trân trân một hồi, miệng chẳng mở ra nói một lời nào cả. Dường như khi nhìn thấy Lục-Phỉ-Thanh y lại nhớ đến một sự việc nào đó.


Thấy y đứng yên lặng không nói một lời, Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ chắc rằng hắn cũng nhận ra được diện mạo của ông ta hôm ấy cùng đi chung đường với Lý-Mộng-Ngọc. Khi trông thấy hình dung của y, Lý-Mộng-Ngọc bật cười mà buông lời chế nhạo. Lục-Phỉ-Thanh chưa biết phải dùng lời gì giải thích cho người có bướu về thái độ bất kính của đứa đồ đệ mình hôm ấy để cho đẹp lòng y thì bỗng y lên tiếng:


-Công người hai ngày hai đêm mệt nhọc đội sương đạp tuyết, vượt núi trèo non đi hơn ngàn dặm để đem tin tức của Văn tứ ca cùng Văn tứ tẩu tới đây cho biết, tại hạ Chương-Tấn, thằng có bướu này xin cúi đầu đa tạ.


Dứt lời, y quỳ xuống hướng về phía Lục-Phỉ-Thanh lạy bốn lạy, hai lạy thế cho Văn-Thái-Lai và hai lạy thế cho Lạc-Băng để tạ ơn.


Lục-Phỉ-Thanh tức tốc chạy đến đỡ Chương-Tấn dậy, chẳng muốn cho làm thế nhưng không kịp. Lục-Phỉ-Thanh đành quỳ xuống lạy trả lại bốn lễ. Chương-Tấn cũng không sao tránh kịp thành thử hai bên cùng lạy nhau một lượt.


Lạy nhau xong, Chương-Tấn không nói gì thêm một lời nào với Lục-Phỉ-Thanh mà chỉ nhìn thẳng vào mặt Triệu-Bán-Sơn và Vệ-Xuân-Hoa nói:


-Triệu tam ca! Vệ cửu ca! Hai anh ở lại đây nhé! Còn đệ thì lòng nóng như lửa đốt, không thể nào chờ được nữa, phải đi ngay bây giờ đây!


Triệu-Bán-Sơn toan khuyên giải mấy câu đạng dằn bớt tính nóng nảy của Chương-Tấn xuống để chờ cuộc thảo luận chung và sự quyết định của Thiếu-Đà-Chủ, nhưng chưa kịp làm gì thì y đã chạy thẳng một mạch ra khỏi đạo-viện mà không hề quay đầu ngó lại. Vệ-Xuân-Hoa chạy theo gọi thế nào y cũng không nghe, chỉ trong khoảnh khắc đã biến mất.


Triệu-Bán-Sơn và Vệ-Xuân-Hoa thấy vô cùng bực tức về cái tính nỏng nảy cấp tháo của Chương-Tấn. Y tự tung tự tác như vậy ắt có hại cho công việc của Hồng Hoa Hội nói chung và cá nhân Văn-Thái-Lai cùng Lạc-Băng nói riêng. Hai người còn đang phân vân chưa biết làm cách nào thì thấy một người khác dìu Chương-Tấn giải vào trong.


Số là sau khi Chương-Tấn thoát ra khỏi đạo viện chạy đến Huyện-Hà-Môn thì đầu kia có một người đang phi thân tới đạo-viện như tên bay chặn đường y lại hỏi:


-Hiền đệ đi đâu mà gấp rút vậy? Hãy đi vào bên trong mà bày tỏ lý do cho anh nghe trước đã!


Chương-Tấn biết không thể thoát khỏi tay người này được đành phải theo vào bên trong. Y vừa đi vừa nói:


-Nghe tin Văn tứ ca cùng tứ tẩu bị nạn, đệ không thể ở đây chờ tin tức được nên nhất định phải đến đó xem bệnh tình của Văn tứ ca và tứ tẩu thế nào rồi hộ tống, rước cả hai về đây mà tĩnh dưỡng. Việc gấp rút như vậy sao huynh lại cản tiểu đệ làm trễ nãi cuộc hành trình là ý gì?


Người kia đang định tìm lời lẽ khuyên bảo nên vô tình nới lỏng tay ra. Thừa cơ, Chương-Tấn giật phăng cánh tay ra khỏi và lại vùng chạy thật lẹ. Lúc đó, Triệu-Bán-Sơn và Vệ-Xuân-Hoa cùng Lục-Phỉ-Thanh vì nghe có tiếng huyên náo bên ngoài nên ra xem thử ra sao. Thấy tình cảnh như vậy, Triệu-Bán-Sơn bèn nói với người kia rằng:


-Thất đệ! Em mau rượt theo bắt hắn lại rồi cố mà khuyên răn, đừng cho hắn nóng nảy làm liều. Nếu rủi không bắt được hắn lại thì phiền em đi theo mà hổ trợ cho hắn. Việc đã dĩ lỡ, có trách cứ hay trừng phạt cũng chẳng có ích lợi gì!


Người này, tức thất đương-gia của Hồng Hoa Hội liền vâng lời. Sẵn ngựa, chàng phóng lên lưng rượt theo.


Nguyên Chương-Tấn tính tình rất thẳng thắn, không biết dua nịnh bất cứ một ai, chỉ phảo mỗi cái tính quá nóng nảy. Việc nào y đã nhất quyết làm thì bất luận là ai ngăn cản thế nào cũng không nghe.


Tuy Chương-Tấn bị gù, tàn tật nhưng sức mạnh kinh hồn, không mấy ai hơn được. Bản lãnh y cũng thuộc vào hàng cao thủ trên giang hồ, là cao đồ của họ Tục, một đại gia cao thủ khét tiếng trong cả hai giới bạch đạo lẫn hắc đạo.


Chương-Tấn vì tật nguyền nên mang mặc cảm rất nhiều, rất thù ghét những ai nhìn cái bướu trên lưng hắn mà cười. Nếu người cười hắn mà chỉ là một kẻ bình thường thì hắn còn bỏ qua cho, nhưng nếu là một người có võ nghệ thì y sẽ đánh cho một trận, hành cho kẻ ấy phải cúi đầu lạy xin tha tội mới chịu thôi.


Trong Hồng Hoa Hội, Chương-Tấn trước kia chỉ phục mệnh có Tổng-Đà-Chủ. Giờ Tổng-Đà-Chủ đã qua đời, y chỉ còn phục mệnh có mỗi Thiếu-Đà-Chủ mà thôi. Nhưng người được hắn nghe lời nhiều hơn cả là Lạc-Băng. Bởi vì thương hại Chương-Tấn tật nguyền, nên các anh em trong Hồng Hoa Hội lúc nào cũng nhân nhượng y đôi ba phần, dù cho y có lầm lỗi điều gì cũng khoan dung tha thứ. Được vậy nên nhiều lúc y đâm ra lộng hành, là người vô kỷ luật nhất trong hội.


Còn Lạc-Băng thì cũng chỉ vì thương hại Chương-Tấn tật nguyền nên đối đãi với hắn rất tốt. Y muốn gì nàng cũng cố tìm cách làm cho toại nguyện. Quần áo hắn là do Lạc-Băng sắm sửa cho. Cơm rượu cũng một tay nàng lo cho đầy đủ chu đáo, chẳng bao giờ để cho thiếu thốn. Chương-Tấn tuy xấu xí tật nguyền, nhưng lúc nào cũng thích mặc y phục hoa hòe cho thật đẹp. Lạc-Băng cũng chiều chuộng, làm vừa lòng y. Lúc nào muốn y thèm uống rượu ngon, Lạc-Băng cũng không để hắn phải thèm thuồng, đều mua cho đầy đủ cả. Cũng chỉ vì những cảm tình đặc biệt ấy mà Chương-Tấn quý mến, đối xử với vợ chồng Lạc-Băng chẳng khác gì ruột thịt.


Vì vậy, lần này khi được tin Văn-Thái-Lai và Lạc-Băng gặp nạn, Chương-Tấn thương xót vô cùng, lại càng oán ghét bọn chó săn chim mồi chỉ muốn ăn gan uống máu những kẻ đã gây ra thương tích cho vợ chồng Văn-Thái-Lai. Vì quá quý mến cặp vợ chồng kia nên cho dù khi nhận ra Lục-Phỉ-Thanh là người đồng hành với Lý-Mộng-Ngọc, thiếu niên cười chế nhạo mình, Chương-Tấn cam tâm cúi đầu lạy bốn lạy thay vì tìm cách chất vấn. Chỉ vì Lục-Phỉ-Thanh đem đến cho y tin tức của Văn-Thái-lai với Lạc-Băng.


Và rồi nóng nảy muốn biết rõ vợ chồng Văn-Thái-Lai bị thương trầm trọng ra sao, Chương-Tấn bất chấp lời khuyên của các sư huynh trong bang, gạt bỏ luôn cả kỷ luật của hội, định đơn thân độc mã một mình đi cứu. Vì hai người thân nhất của mình, Chương-Tấn không quan tâm gì đến nhọc nhằn, không sợ bất cứ điều gì nguy hiểm cho tánh mạng của y. Sợ hắn vì cạn nghĩ nên có thể làm bậy nên Triệu-Bán-Sơn nhờ người anh em thứ bảy trong hội đi theo kèm mà tùy cơ ứng biến.


Trong Hồng Hoa Hội Chưng-Tấn đứng hàng thứ 10. Người bắt hắn trở lại là Từ Thiện-Hoằng, đứng thứ 7. Từ-Thiện-Hoằng tuy hình dung thấp bé nhưng lại là người túc trí đa mưu nhất trong Hồng Hoa Hội nên được tất cả phong chức cho là quân sư, xem như là Khổng-Minh của hội. Từ-Thiện-Hoằng không phải chỉ có tài thao lược không thôi, chàng còn tinh thông cả võ nghệ nữa. Trong 18 loại binh khí, Từ-Thiện-Hoằng thuần thục hết tất cả. Các môn bí truyền nội gia công phu lẫn ngoại gia chàng đều có tập qua và đã luyện thành sở đắc. Vì thế, cái ngoại hiệu Võ-Gia-Cát của Từ-Thiện-Hoằng không ai nghe thấy mà không phục.


Nghe qua lai lịch, tài năng và thành tích của Thất đương-gia và Thập đương-gia của Hồng Hoa Hội do Triệu-Bán-Sơn kể lại, Lục-Phỉ-Thanh thầm khen ngợi và tỏ vẻ khâm phục. Sau đó, từng người một, ông lần lượt được gặp các đương-gia khác do trung gian của Triệu-Bán-Sơn giới thiệu. Chỉ trong một vài câu chuyện ngắn ngủi, Lục-Phỉ-Thanh đã cảm nhận được ngay đây toàn là những anh-hùng hào kiệt mà ông ta đã được gặp qua trong lộ trình.


Thấy mọi người có mặt khá đông đủ, Triệu-Bán-Sơn mới đem chuyện Văn-Thái-Lai ra kể từ đầu đến cuối để thảo luận ý kiến. Người ngồi ở giao-ỷ (#14) thứ hai chỉ có một cánh tay là Nhị đương-gia Vô-Trần Đạo-Nhân lên tiếng trước nhất:


-Việc này chúng ta không thể tự chuyên hay tự quyết được. Phải hội ý với Thiếu-Đà-Chủ để xem người chủ-trương thế nào trước đã. Xin mời tất cả vào phòng họp rồi sẽ bàn sau.


Lục-Phỉ-Thanh theo chân mọi người do sự hướng dẫn của Vô-Trần-Đạo-Nhân đi thẳng ra phía sau hậu-viện. Đến một gian phòng hết sức rộng rãi khoan khoát, Lục-Phỉ-Thanh nhìn thấy một bàn cờ hết sức vuông vắn được khắc trên tường. Cách đó một trượng là hai người, một già một trẻ ngồi uống trà đàm đạo. Hình như cả hai đang đánh cờ với nhau. Trên bàn cờ đầy dẫy quân hai màu trắng đen. Mỗi quân cờ nằm trong một ô vuông nhỏ như tay ai đặt lên trên rất khéo. Chỉ có một điều lạ là bàn cờ được khắc lên tường nên thật khó hiểu không biết họ làm cách nào mà đặt được những quân cờ lên trên bàn cờ dựng đứng đó.


Người già đột nhiên cầm một quân cờ màu đen búng một cái, quân cờ như một mũi phi tiêu bay vào nằm dính chặt vào giữa một ô vuông. Không đầy một khắc, người trẻ cầm một quân cờ trắng dùng thủ pháp in hệt như người già búng một cái. Lập tức, quân cờ trắng vút đi một cái, đụng vào đánh rớt quân cờ đen của người già vừa đặt lên, chiếm gọn lấy chỗ nằm ngay ô vuông ấy. Một tiểu đồng liền bước tới nhặt quân cờ đen vừa bị rớt bỏ vào một trong hai cái hộp trên một chiếc bàn nhỏ gần đó.


Lục-Phỉ-Thanh không khỏi kinh ngạc. Ông vốn là một người nhìn xa hiểu rộng, văn võ song toàn, rành cả Cầm, Kỳ, Thi, Họa từng trải gót giang-hồ mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy được một lối đánh cờ lạ lùng như thế này. Quan sát kỹ bàn cờ, Lục-Phỉ-Thanh nhận thấy đôi bên đang tranh nhau một thế rất gay go và ngoạn mục là Liên-Hoàn-Kiếp. Đi cờ trắng là người trẻ, một thanh-niên mặt như quán ngọc, diện mạo trông vừa oai phong lẫm liệt lại vừa quý phái. Đi cờ đen là người già, một ông lão trông rất thật thà chất phác như một bác nông-phu.


Các đương-gia của Hồng Hoa Hội và Lục-Phỉ-Thanh chỉ đứng nhìn xem mà cũng bị lôi cuốn bởi những nước cờ bí hiểm của đôi bên. Ai nấy đều yên lặng chăm chú nhìn, không dám làm ồn, sợ ảnh hưởng đến sự tập trung tư tưởng của đôi bên.


Lục-Phỉ-Thanh cũng vốn là một tay cao cờ nên chỉ đứng quan sát một hồi là có thể đoán trước được nước đi của cả hai bên, và nhận thấy rằng người trẻ là tay cao cờ hơn. Nhưng Lục-Phỉ-Thanh lại trông được một điều nữa là mặc dù đang thắng thế, mỗi nước đi, chàng công tử kia đều có ý nhân nhượng người già. Thế nhưng người già lại như có vẻ bực dọc. Mỗi nước đi của ông ta như một trận cuồng phong, mỗi lúc liệng cờ càng mạnh tạo ra hơi gió dữ dội, ấn sâu quân cờ vào bàn cờ trên vách. Lục-Phỉ-Thanh thấy thế kinh hãi vô cùng nghĩ thầm:


-"Người này là thiên-hạ đệ nhất cao thủ chứ chẳng phải tầm thường! Xem cách ông ta liệng quân cờ như thế cũng đủ biết tài phóng ám khí lợi hại đến bực nào. Thật từ trước đến nay ta chưa từng thấy qua một người thứ hai nào có bản lãnh ghê gớm như vậy!"


Lục-Phỉ-Thanh vẫn mải mê chăm chú nhìn thế cờ. Nhưng chỉ trong giây lát, ông ta lại khám phá thêm được một điều bí ẩn trong cuộc thi cờ này. Chàng công tử kia rõ ràng không phải chú trọng đến việc thắng thua trong ván cờ mà chỉ chú tâm để ý đến cách thức cầm quân cờ liệng vào vách của người già kia. Thoạt nhìn vào ai cũng tưởng là đây là một ván cờ bình thường, nhưng trên thực tế, đây là một lối truyền thụ võ công thượng thừa.


Người già bỗng liệng một quân cờ đen như vũ bão cắm sâu vào một vị trí làm cho tất cả những quân cờ trắng rơi tất cả xuống đất, chỉ còn lại toàn quân đen mà thôi. Không những thế, các quân cờ đen đều nhảy sang vị trí của những quân cờ trắng mà trước đây một vài khắc nếu ai ai nếu chỉ chú ý đến ván cờ đều tin chắc rằng người trẻ tuổi chắc chắn sẽ thắng. Bây giờ tình thế đổi mới làm tất cả mọi người kinh ngạc không ít. Người già phá lên cười đắc ý nói:


-Anh đã chịu thua chưa? Cờ anh còn thấp lắm!


Dứt lời, người già đứng dậy. Chàng công tử với vẻ mặt tự nhiên, mỉm cười vui vẻ nói:


-Bàn này con xin chịu thua. Chờ bàn khác con sẽ gỡ hòa sau.


Hai người cùng cười xòa lên một tiếng rồi sau đó mới để ý rằng có nhiều người trong phòng đứng im lặng như đang chờ đợi việc gì nơi họ. Người già sau đó chậm rãi bước ra khỏi phòng, chẳng chào hỏi hay nói với ai một điều gì. Ông ta vừa đi khỏi, Triệu-Bán-Sơn mới từ từ tiến lại thi lễ rồi chỉ vào Lục-Phỉ-Thanh, nói bằng một giọng hết sức cung kính với chàng công tử:


-Bẩm Thiếu-Đà-Chủ! Đây là người mà trước đây thuộc hạ đã có dịp thưa chuyện cùng Thiếu-Đà-Chủ tên gọi Lục-Phỉ-Thanh, tức Lục đại-ca của thuộc hạ đấy!


Quay sang phía Lục-Phỉ-Thanh, Triệu-Bán-Sơn nói:


-Đây là Thiếu-Đà-Chủ của Hồng Hoa Hội chúng tôi.


Chàng công tử, tức Thiếu-Đà-Chủ mỉm cười nhã nhặc lên tiếng:


-Tại hạ họ Trần tên Gia-Cách. Hôm nay được gặp Lục tiên-sinh tại đây thật là vạn hạnh. Xin tiên-sinh chỉ dạy cho những điều hữu ích.


Trước những lời lẽ khiêm nhường của Trần-Gia-Cách, Lục-Phỉ-Thanh bèn thi lễ mà đáp lại:


-Lão phu không dám. Ngưỡng mộ uy danh của Trần thiếu-đà-chủ từ lâu, nay được diện kiến tôn nhan thật thỏa bình sinh khát vọng.


Tuy ngoài mặt nói vậy mà trong lòng Lục-Phỉ-Thanh vừa kinh ngạc, vừa bán tín bán nghi. Con người mang danh-hiệu Thiếu-Đà-Chủ có tên Trần-Gia-Cách đang đứng trước mặt ông ta nếu căn cứ vào tuổi tác thì chỉ là một nhân vật vào hàng hậu bối, tuổi còn rất trẻ, có thể nói là trẻ hơn tất cả những nhân vật trong Hồng Hoa Hội mà ông ta được gặp qua. Tài nghệ võ công thì quả thật chưa biết thế nào mà lại được tất cả các anh hùng hào kiệt bậc nhất trên giang hồ của Hồng Hoa Hội một lòng kính trọng, hết sức nể nang, hoàn toàn không dám quyết định chuyện gì lớn lao nếu chưa hội thảo với chàng.


Triệu-Bán-Sơn liền đem chuyện Văn-Thái-Lai bị nạn đang nương náu tại Thiết-Đảm-Trang của Châu-Trọng-Anh lại cho Trần-Gia-Cách nghe đồng thời hỏi ý kiến vị Thiếu-Đà-Chủ xem chàng định xử trí ra sao.


Trần-Gia-Cách nhìn về phía Vô-Trần Đạo-Nhân nói:


-Việc này xin đạo-trưởng quyết định giùm cho.


Ngay khi ấy, sau lưng Vô-Trần Đạo-Nhân có một người cao lớn mạnh dạn bước ra cất giọng nói oang oang lên rằng:


-Văn tứ ca bị trọng thương từ bao lâu nay rồi mà anh em chúng ta không hề biết đến. May mắn thay, được vị Lục hảo hán không quản nhọc nhằn vượt suối băng đèo đến đây để thông báo tin tức. Chẳng lẽ chúng ta ngồi yên đợi đến lúc tánh mạng của Văn tứ ca không còn nữa mới chịu ra tay hay sao? Trong khi Văn tứ ca mang thương tích trầm trọng mà lánh nạn thì kẻ thù chung của dân tộc cũng như của chúng ta luôn luôn theo dõi rình rập với mục đích tiêu diệt và phá tan hàng ngũ của Hồng Hoa Hội sớm ngày nào hay ngày ấy trong khi nội bộ của chúng ta thì hết sức lủng củng. Tại sao chúng ta không chịu nghĩ ngay kế hoạch mà đối phó cấp tốc mà cứ người này thoái thác nhường cho người kia, người kia đắn đo giao lại người nọ mãi? Giờ đây không phải là lúc chần chừ được nữa. Tôi xin hỏi: di-chúc của cố Tổng-Đà-Chủ ký thác lại cho ai? Tại sao không chịu tuân theo? Thiếu-Đà-Chủ, tại sao anh lại không nghe lời nghĩa-phụ của anh dặn dò? Chẳng lẽ anh cam tâm làm người con bất hiếu hay sao? Tại sao còn chưa chịu nghe lời cầu khẩn của tất cả anh em mà đứng ra lãnh đạo Hồng Hoa Hội? Thử hỏi tất cả bang chúng toàn quốc ngót trăm vạn có một ai dám nghi kỵ gì anh không? Đã được tất cả anh em khắp nơi từ lớn đến nhỏ đồng thanh công cử một cách danh chánh ngôn thuận sao anh lại phụ lòng mọi người mà trì hoãn mãi công việc là nghĩa gì? Sao còn chưa chịu vâng theo di chúc của cố Tổng-Đà-Chủ cũng như lời ủy-thác của nghĩa phụ mà nhậm chức? Không lẽ anh đành để cho việc lớn của chung bị trở ngại mãi hay sao?


Lục-Phỉ-Thanh nhìn lại, thấy người ấy dánh cao, thân hình to lớn vạm vỡ mắt sáng như sao, da ngâm ngâm, khí vũ hiên ngang, thần thái uy dũng. Đó là Bát đương-gia của Hồng Hoa Hội họ Dương, tên Thanh-Hiệp. Cùng lúc ấy, tất cả các đương-gia khác đồng chắp tay hướng thẳng về phía Trần-Gia-Cách đang ngồi đồng thanh lên tiếng:


-Hồng Hoa Hội chúng ta hiện nay như rắn không đầu, chẳng làm sao bò đi đâu được! Nếu phen này Thiếu-Đà-Chủ lại từ chối không chịu nhận lời thỉnh cầu của toàn thể mọi người trong hội mà nhận lãnh chức vụ Tổng-Đà-Chủ để gánh vác trọng trách thì ai nấy đều thất vọng tràn trề, cái hào khí đang hăng sẽ mất và đại sự sẽ tiêu tan, còn mong gì đạt được chí nguyện của Vu tổng-đà-chủ khó khăn một đời theo đuổi, nay ủy thác lại cho chúng ta! Văn tứ ca hiện nay gặp đại nạn chưa biết an nguy thế nào, tất cả anh em đang chờ lệnh sai khiến của Thiếu-Đà-Chủ để thi hành cho kịp thời mới mong cứu vãn được tình thế nguy ngập.


Vô-Trần Đạo-Nhân lại nói:


-Số thành viên của Hồng Hoa Hội chúng ta không dưới 10 vạn người. Đó là chưa kể đến cảm tình viên hưởng ứng nhận làm hậu thuẫn ở mọi tầng lớp tại toàn lãnh thổ của Đại Trung-Hoa. Nếu không được 100 vạn như Bát đương-gia nói thì ít ra cũng được 70-80 vạn. Do đó chúng ta có thể kết luận rằng đảng của chúng ta là một tổ chức cách mạng rất có thế lực và ảnh hưởng khả dĩ huy động toàn dân chống ngoại câm giành độc lập, có khả năng công khai ra mặt đương đầu với triều đình Mãn-Thanh chứ không phải là một đám người ô hợp thiếu cương lĩnh và kỷ luật. Thử hỏi các vị đương-gia đã có ai dám trái hiệu lệnh của Thiếu-Đà-Chủ truyền ra chưa? Nếu có kẻ nào cương ngạnh ngoan cố như vậy thì chẳng khác nào một tên Hán gian nối dáo cho giặc, và Vô-Trần Đạ-Nhân này không thể coi kẻ ấy là bạn được nữa, mà trái lại sẽ thí hắn một nhát gươm cho xong chuyện.


Trần-Gia-Cách thấy mọi người ai nấy đều khẩu phục lẫn tâm phục, cương quyết đưa mình lên địa vị lãnh đạo bang hội thì vừa cảm động vừa ngần ngại, nhưng biết khó mà từ chối được. Chàng khẽ nhíu mày, trầm ngâm suy nghĩ, chẳng nói được một lời.


Thấy Trần-Gia-Cách như lưỡng lự, Thường-Thích-Chí, một trong hai vị Tây-Xuyên Song-Hiệp lạnh lùng thốt lên với giọng buồn bã:


-Thưa tất cả các anh em. Biết bao nhiêu lần rồi chúng ta đã đem đại nghĩa phân trần cho Thiếu-Đà-Chủ nghe, lại đem luôn cả di ngôn của Vu tổng-đà-chủ thiết tha nhắc lại với tất cả lòng thành của từng người một trong bang hội. Thế mà Thiếu-Đà-Chủ vẫn khăng khăng nhất quyết chẳng chịu nhận lời, vịn đủ cách, đủ lý do để khước từ trọng trách! Thậm chí lần này cũng không ngoại lệ! Đứng trước sự hưng suy của dân tộc; sự tồn vong của tổ quốc; sự tình cấp bách của bang hội cần người thủ lãnh để điều khiển guồng máy, cũng như quốc gia không thể một ngày không vua. Cho đến sự an nguy cá nhân của Văn tứ ca cũng không sao làm xiêu lòng được Thiếu-Đà-Chủ! Không lẽ nguyện vọng chung của tất cả đành tan theo mây khói sao đây? Và không lẽ Hồng Hoa Hội đến đây là tan rã hàng ngũ vì không có lãnh tụ tối cao điều khiển? Không lẽ chúng ta cứ hội họp mãi ở đây ngày này sang ngày khác để uổng phí đi bao nhiêu thì giờ mà không đi đến được kết quả nào? Hai anh em chúng tôi xin thưa trước một lời rằng sẽ tình nguyện đi cứu Văn tứ ca đem về đây an toàn, cho dù phải đổi bằng sinh mạng của chính mình. Nếu may mắn thành công đem Văn tứ ca về được và còn giữ được tánh mạng, anh em chúng tôi xin từ giã tất cả về lại Tây-Xuyên đi hành hiệp giang hồ như trước chứ sẽ không còn ở đây nữa!


Thường-Thích-Chí vừa dứt lời, Thường-Bá-Chí lập tức tiếp ý:


-Lời anh tôi nói rất hạp ý tôi. Chúng tôi dứt khoát quyết định như thế, quyết không thay đổi.


Không khí trong phòng thật hết sức là lạnh lẽo và căng thẳng. Trên gương mặt từng người không sao dấu được nét thê lương ảm đạm. Trần-Gia-Cách cảm thấy lần này thật hết sức nghiêm trọng, không giống như những lần họp trước. Nếu chàng cứ tiếp tục lặng thinh không nói một lời hay buông thêm một câu từ chối nữa là có thể đưa đến kết quả tai hại không sao mà lường được. Bang chúng sẽ bất mãn mà lần lượt, từng người một bỏ ra đi. Lúc đó, Hồng Hoa Hội không cần giải tán cũng tự động tan rã. Trách nhiệm to tát ấy, dù muốn dù không, Trần-Gia-Cách phải tự mình gánh chịu trước dân tộc và lịch sử. Vì vậy, chàng bèn từ từ đứng dậy hướng về phía bang chúng vái một cái, khoan thai dõng dạc nói:


-Thưa tất cả các anh em trong Hồng Hoa Hội! Lâu nay sở dĩ tôi từ chối không dám nhận lãnh, gánh vác trách nhiệm to lớn của mọi người giao phó cho chẳng qua là vì tôi tự xét thấy mình tuổi trẻ, kiến thức nông cạn chứ không phải lý do nào khác hơn. Trọng trách của Hồng Hoa Hội chúng ta có liên quan đến 5 tỷ (#15) đồng bào Hán-tộc chứ không phải là việc tầm thường. Do đó, tôi mới tự lượng sức mình, tự xét thấy mình vô tài vô đức nên mới đề nghị với anh em tìm một người khác xứng đáng hơn mà đảm nhận trách nhiệm để chấn hưng đại cuộc. Chắc anh em cũng nhận thức được lòng tha thiết với bang hội, với nhân dân của tôi như thế nào rồi. Nếu chẳng phải vì cái mỹ ý ấy thì tôi lặn lội xông pha nghìn dặm từ Giang-Nam ra chốn biên cương hẻo lánh này làm gì? Vả lại, nghĩa-phụ tôi có để lại di chúc, buộc tôi phải tuân theo. Phận làm con, dẫu bất hiếu đến đâu đi chăng nữa, nhưng lẽ nào lại chẳng vâng? Nhưng mỗi khi nghĩ đến trách nhiệm quá nặng nề kia thì tôi lại đắn đo lợi hại, cho nên mới trù trừ, do dự mãi mà chưa dám đi đến một quyết định nào cả. Vì vậy đã mấy phen rồi, anh em cứ thúc giục đại lễ thiên lý tiếp long đầu để đưa tôi lên làm Tổng-Đà-Chủ mà tôi vẫn khăng khăng từ chối không chịu nghe. Chủ ý của tôi là chờ tin Văn tứ ca mang về đây những điều bí mật trọng đại trình lên trung-ương của hội rồi chúng ta sẽ tụ họp đầy đủ các bang chúng lại, mở đại hội mà nghị kế lâu dài. Nhưng nay thì tình thế lại đổi khác. Văn tứ ca đang gặp đại nạn. Chúng ta có bổn phận đi cứu gấp, không thể chậm trễ được nữa. Nếu tôi còn chần chừ không quyết định thì càng làm tăng lên sự nguy hiểm cho tánh mạng của Văn tứ ca, đồng thời lại phụ lòng tin cậy và ưu ái của tất cả mọi người. Cung kính bất như tuân mệnh, anh em dạy bảo thế nào, Trần-Gia-Cách này nguyện vâng theo chứ không dám cãi nữa.


Các đương-gia thấy Trần-Gia-Cách đã chịu nhận lời, bằng lòng làm Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội thì ai nấy lộ vẻ hân hoan đến cực điểm. Bầu không khí lạnh tanh bỗng nhiên trở nên sôi động khác thường. Tất cả rủ nhau cùng đứng dậy hướng về phía vị tân Tổng-Đà-Chủ mà bái kiến, hoan hô nhiệt liệt. Một tiệc trà long trọng sau đó được bày ngay ra, trước là để mừng bang hội vừa có thủ lãnh mới, sau là để thảo luận kế hoạch.


Vô-Trần Đạo-Nhân nói:


-Vì thì giờ quá gấp rút nên không thể tổ chức đại quy mô cho các nghi lễ đại điển để giao trách nhiệm cho Tổng-Đà-Chủ được. Phải chờ mọi người tụ họp tại tổng hương đường ở Thái-Hồ rồi sẽ bày sau. Bây giờ xin Tổng-Đà-Chủ bái yết tổ sư và nhận hoa-lệnh (#16) cho danh chánh ngôn thuận đã.


Lục-Phỉ-Thanh biết rõ các bang hội đều có nghi thức điển lễ đặc biệt riêng, người ngoài không thể tham dự, huống hồ Hồng Hoa Hội là một tổ chức cách mạng lớn. Mặc dù đây là trường hợp đặc biệt, theo lời của Vô-Trần Đạo-Nhân là chỉ phải làm lễ bái yết tổ sư và nhận hoa-lệnh rồi mới làm đủ lễ nghi long trọng tại tổng hương đường ở Thái-Hồ sau khi có mặt đầy đủ các bang chúng, nhưng dù sao Lục-Phỉ-Thanh cũng là người ngoài nên tự ông ta nghĩ là không nên dự vào phần điển nghi trọng đại ấy là hơn. Nghĩ vậy, Lục-Phỉ-Thanh liền hướng về phía Trần-Gia-Cách nói đôi câu chúc mừng rồi lui ra khỏi phòng hội nghị.


Triệu-Bán-Sơn đưa Lục-Phỉ-Thanh về phòng riêng của mình tắm rửa nghỉ ngơi. Khi tiếng trống báo hiệu sang canh ba, Lục-Phỉ-Thanh mới thức dậy và hay rằng mình đã ngủ được một giấc khá lâu. Triệu-Bán-Sơn cũng vừa về tới sau khi tham dự lễ bái yết tổ sư và nhận hoa-lệnh của Tổng-Đà-Chủ Trần-Gia-Cách. Triệu-Bán-Sơn nói với Lục-Phỉ-Thanh rằng:


-Tổng-Đà-Chủ đã đích thân xuất lĩnh anh em Hồng Hoa Hội đi Thiết-Đảm-Trang rồi. Biết rằng Lục đại ca mệt mỏi nhiều cần nghỉ để lấy lại sức nên dặn tiểu đệ ở lại tiếp đãi. Chờ đến sáng mình sẽ lên đường sau.


Lục-Phỉ-Thanh và Triệu-Bán-Sơn là đôi bạn thâm giao, tình như ruột thịt, đã hơn 10 năm trời người kẻ chân trời người góc biển không gặp nhau. Nay tình cờ gặp lại, lẽ dĩ nhiên tình bằng hữu kia cùng những nỗi nhớ nhung thương cảm trong bao năm qua nói sao cho xuể. Đôi bên cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa, kể hết cho nhau nghe những gì đã xảy ra cho họ trong suốt thời gian dài đó.


Đêm qua thật lẹ. Chẳng mấy chốc mà tiếng gà gáy sáng đã vang lên ồn ào, và vầng thái-dương đã bừng ló dáng. Chuyện chưa hết chuyện. Lòng chưa thỏa lòng. Nhưng cả Lục-Phỉ-Thanh và Triệu-Bán-Sơn đành phải tạm ngưng cuộc hàn huyên để cùng nhau lo việc lớn. Lục-Phỉ-Thanh hỏi Triệu-Bán-Sơn:


-Ngu huynh nhận thấy Tổng-Đà-Chủ của Hồng Hoa Hội như một thư-sinh mặt trắng môi son, tuổi chưa ngoài 20, hay nói đúng hơn trông chẳng khác gì một công tử tuấn tú phong lưu. Nhưng ngu huynh vẫn chẳng hiểu vì sao vị Tổng-Đà-Chủ trẻ tuổi này lại được toàn thể các đương gia, đều là những trang hào kiệt anh hùng đời nay, với bản lãnh và kinh nghiệm giang hồ đầy mình, trong đó có cả Vô-Trần Đạo-Nhân và hiền đệ, lại đem lòng ngưỡng mộ, mà kính phục đến như thế?


Triệu-Bán-Sơn đáp:


-Câu chuyện này dài dòng và khúc chiết lắm, không thể nào nói hết cho đại ca nghe được trong một sớm một chiều. Bây giờ đại ca hãy chuẩn bị đi rồi chúng ta đi dùng cơm trước khi lên đường đi Thiết-Đảm-Trang. Dọc đường, đệ sẽ nói rõ lý do cho đại ca hiểu.


Nghe nói vậy, Lục-Phỉ-Thanh không hỏi nữa. Nhưng càng lúc ông cảm thấy thân thế của vị Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội tên Trần-Gia-Cách kia thật quả là hết sức ly kỳ và bí ẩn...

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bát Bộ Thần Công - Vô Danh

Bát Bộ Thần Công - Vô Danh

Trích đoạn: Dưới Địa Song, là một sơn cốc hình như cái bồn, từ miệng động nhìn

11-07-2016 72 chương
Huyền thoại

Huyền thoại

Nghe và biết rõ mọi chuyện, vợ lão bật khóc. *** Lão xoay ngang rồi lại xoay dọc

24-06-2016
Tuyệt chiêu

Tuyệt chiêu

(khotruyenhay.gq) Điều gì quá mức diễn tả bằng ngôn ngữ, các bạn thường nói "bá

27-06-2016
Thư mục "Kỉ niệm"

Thư mục "Kỉ niệm"

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại") Đâu cần

27-06-2016
Đâu phải bởi mùa thu

Đâu phải bởi mùa thu

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau

26-06-2016