-Huynh đài có ý bảo rằng lão Đổng ta ham ăn mà không mập đấy chứ gì! Không phải đâu! Lão Đổng không chứa đồ ăn ngon ở đó đâu, mà chỉ chứa toàn mưu mô và trí dũng thôi. Nhờ cái bụng này mà lão Đổng danh chấn giang-hồ đó!
bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Nghe giọng nói khoe khoang tự thị của Đổng-Triệu-Hòa như thế, tuy là lời nói đùa nhưng Mạnh-Kiên-Hùng cảm thấy đáng ghét vô cùng. Nhưng chàng cũng làm bộ kính phục nói:
-Đại huynh là một cao thủ trên giang-hồ. Nhưng nếu không nói cho đệ biết các vết thương trên châu thân thì rồi đệ cũng biết mà thôi.
Đổng-Triệu-Hòa khoái chí nói:
-Thế à! Huynh đài có cặp mắt tinh đời đến mức ấy sao? Vì đâu mà biết được vậy?
Mạnh-Kiên-Hùng cười nói:
-Nếu không phải là tay có bản lãnh siêu việt thì làm sao chịu nổi những vết thương nặng nề như thế kia? Nếu tiểu đệ không lầm thì lão huynh bị đối phương điểm huyệt.
Đang đau nằm trên giường, Đổng-Triệu-Hòa cũng ráng chỏi tay ngồi dậy nói:
-Đúng vậy! Lão Đổng này có coi mấy vết điểm huyệt ấy ra gì đâu! Cứ cho địch thủ tha hồ điểm, lão Đổng chỉ vận dụng nội ngoại công mà chịu là xong. Chờ cho đối phương điểm huyệt xong thì sẽ tự mình giải huyệt lấy. Tuy vậy cũng hơi bị mất sức và nếu bị động đến thì cũng hơi đau chút. Sở dĩ lão Đổng làm như vậy là muốn cho địch thủ khiếp vía chơi. Có được mấy cao thủ mà không sợ Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai điểm huyệt? Chỉ có lão Đổng này là dám coi thường mà thôi, nên Văn-Thái-Lai sau khi điểm huyệt xong thì đâm ra thất vọng.
Nhờ mấy câu khoe khoang này của Đổng-Triệu-Hòa mà Mạnh-Kiện-Hùng biết được hắn bị Văn-Thái-Lai điểm huyệt và một trong những lý do khiến hắn bỏ công đi dọ thám cũng là vì mối hận này thôi chứ không ngoài mục đích nào khác. Nhưng chàng lại thắc mắc rằng tại sao Văn-Thái-Lai đã điểm vào người Đổng-Triệu-Hòa như thế mà lại không kết liễu được tánh mạng hắn? Xưa nay khi nhắc đến tài điểm huyệt của Văn-Thái-Lai ai lại không tán đởm kinh tâm? Nhưng chàng lại tự nghĩ và cười thầm:
-"Hắn tự thị coi thường những huyệt đạo bị điểm nhưng hắn có biết đâu những huyệt đạo của hắn vừa bị ta điểm nhẹ toàn là những yếu huyệt có thể kết liễu tánh mạng hắn dễ dàng! Nếu quả như lời hắn nói thì sao vận nội ngoại công cho ta thấy mà sao lại bảo là ta thọc léc cho hắn cười!"
Chỉ nội những lời phách lối của Đổng-Triệu-Hòa và những hành động ám muội của hắn cùng những ám khí tàng trữ trên người hắn, Mạnh-Kiện-Hùng đã đoán được ngay là kẻ lưu manh, bất chánh. Nhìn vào bản mặt quái gở như quỷ sứ của hắn, nhất là cặp mắt láo liên kia, chàng lại càng thêm ghét! Chàng tự nghĩ:
-Một kẻ hèn hạ khiếp nhược như tên này thì có giết chết hắn đi cũng chẳng có gì phải hối hận cả! Nhưng chứa hắn trong nhà thêm giờ phút nào thì càng bất lợi thêm phút ấy. Chi bằng tống cổ hắn ra khỏi nhà cho hắn đi đâu thì đi, chết bờ chết bụi đâu thì chết cho đáng số!
Mạnh-Kiện-Hùng ghét cay ghét đắng Đổng-Triệu-Hòa đến độ không thèm hỏi cả tên họ. Và mặc dầu hắn đã tự xưng tên nhưng chàng cũng chẳng thèm để ý. Hắn cố xưng tên để gợi chuyện cho chàng hỏi để có dịp khoe khoang, đem danh Trấn-Viễn tiêu-cục cùng với Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương ra để nói. Nhưng Mạnh-Kiện-Hùng vẫn thản nhiên như không, mà chẳng thèm biết gì thêm. Xưa nay, Đổng-Triệu-Hòa chỉ thích mượn danh Vương-Duy-Dương để xưng hùng, giống như con dê mượn lót cọp để đi dọa nát những con thú khác vậy. Tuy nhiên, thiên-hạ chỉ nể sợ Vương-Duy-Dương thôi chứ chẳng ai thèm để ý gì đến hắn cả!
Nằm nghỉ ở phòng hướng Đông mà mắt Đổng-Triệu-Hòa cứ liếc mãi sang các phòng ở phía Tây và phía Nam là cốt ý để tìm xem cho bằng được dung nhan của Lạc-Băng. Không nhìn thấy được bóng dáng của nàng, Đổng-Triệu-Hòa cứ luôn luôn lấp ló, liếc mắt khắp nơi khiến cho Mạnh-Kiện-Hùng càng tăng thêm nỗi nghi ngờ về hắn. Chàng nghĩ thầm:
-"Có lẽ nào mình lại dẫn một kẻ cướp vào để rình rập đồ đạc trong nhà?"
Nghĩ vậy, chàng không cần phải đắn đo nữa bèn nói sẵng vào ngay mặt Đổng-Triệu-Hòa:
-Này ông bạn! Có biết rõ nơi này là đâu chưa? Tôi chắc là chưa biết đó!
Đổng-Triệu-Hòa làm bộ ngơ ngác nói:
-Quả như lời huynh đài nói, lão Đổng vô tình không biết đây là đâu, không biết đây là cõi ma hay cõi Phật. Xin huynh đài chỉ giáo cho!
Câu nói xấc xược của Đổng-Triệu-Hòa khiến cho Mạnh-Kiện-Hùng không dằn nổi cơn giận. Chàng nắm tay Đổng-Triệu-Hòa dắt thẳng ra cửa phòng nói rằng:
-Cũng không cần phải nói cho ngươi biết đây là đâu làn gì! Chỉ cần mời người ra khỏi nơi này là được rồi! Đi đi!...
Sau khi tống cổ Đổng-Triệu-Hòa ra như tống cổ ôn hoàng dịch lộ ra ngoài, Mạnh-Kiện-Hùng cười gằn nói theo:
-Nhớ đừng có mon men trở lại đây mà rình rập kẻo mà chết mất đất đấy nhé! Đây là ta thương hại mà phóng sinh cho một lần đặng để đức lại cho con cháu. Nhưng báo trước cho biết là không còn lần thứ nhì nữa đâu đấy nhé!
Đổng-Triệu-Hòa chợt thấy thái độ của Mạnh-Kiện-Hùng bỗng nhiênlại khinh khi hắn ra mặt như thế thì nhịn nhục không được thét vang lên rằng:
-Đường đường là một trang nam tử như ta mà để cho một đứa trẻ ranh làm nhục đến thế này, tức chết đi được! Nếu không trả được thù này ta thề không làm người đứng trên thế gian nữa!
Mạnh-Kiện-Hùng đã ghét cay ghét đắng Đổng-Triệu-Hòa giờ lại nghe hắn nói thêm câu trả thù thì lửa giận lại phừng lên, nói thầm trong bụng rằng:
-"Tưởng ngươi không thèm trả thù thì ta còn để người sống thêm một thời gian ngắn nữa, chứ còn nếu người muốn trả thù thì ta cho xuống gấp âm ty để trả thù với Diêm-Vương dưới đó!"
Nghĩ vậy, thuận tay, Mạnh-Kiện-Hùng đấm mạnh vào vai Đổng-Triệu-Hòa một cái miệng nói lớn:
-Thôi đi đi! Đừng nhiều chuyện!
Đoạn chàng xô hắn một cái chúi nhủi rồi đi thẳng vào trong sơn trang, miệng cười khinh bỉ không thèm ngó lại.
Đổng-Triệu-Hòa bị một đấm như trời giáng ngay vai đau thấu cốt tủy, vụt miệng chửi đổng lên. Nhưng rồi lại sợ rủi Mạnh-Kiện-Hùng nổi giận quay trở lại thì chỉ có nước mà ốm đòn mà chuốc thêm lấy sự nhục nhã nên đành đi vội đến chỗ cột ngựa gắng gượng lên yên phi một hơi về An-Viễn Khách-Sạn. Về đến nơi, Đổng-Triệu-Hòa thấy Trương-Siêu-Trọng, Ngô-Quốc-Đống cùng đầy đủ cả mặt bọn tiêu-sư của Trấn-Viễn tiêu-cục ngồi bàn tính công chuyện. Ngoài mấy người quen ra, Đổng-Triệu-Hòa còn thấy bảy, tám người lạ mặt nữa nhưng hắn không nhận được là ai. Câu chuyện mấy người này bàn không ngoài các đề tài như: Văn-Thái-Lai sau khi đánh chết Phùng-Huy và Hàn-Xuân-Lâm thì trốn đi đàng nào?... Lão già bí mật trợ giúp bọn Văn-Thái-Lai kia là ai?...
Đổng-Triệu-Hòa nghe được chuyện thì khoái chí mừng lắm. Hắn bèn đem những việc đi dọ thám được ở Thiết-Đảm-Trang ra sao thuật lại cho Trương-Siêu-Trọng cùng cả bọn nghe rõ. Đang cao hứng kể chuyện bỗng hắn cảm thấy xây xẩm mặt mày rồi ngã quỵ xuống.
Trương-Siêu-Trọng thấy vậy vội vàng nhanh tay đỡ lấy hắn. Y lấy làm lạ bèn cởi áo ngoài Đổng-Triệu-Hòa ra xem thật kỹ lưỡng. Vốn là một đại cao thủ trong võ lâm từng trải giang-hồ nên chỉ cần xem sơ qua là Trương-Siêu-Trọng đã biết ngay là Đổng-Triệu-Hòa bị điểm huyệt trong khi chính bản thân Đổng-Triệu-Hòa lại không hay biết một tí gì cả. Người điểm huyệt Đổng-Triệu-Hòa chuyến này tuy không lợi hại bằng Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai lần trước nhưng lại chọn vào những huyệt đạo chính yếu mà điểm chẳng khác nào một thầy địa lý chọn đất, nếu không kịp thời giải huyệt thì chỉ nội trong một tháng, tánh mạng Đổng-Triệu-Hòa chỉ có đường theo ông theo bà về chầu Diêm-tổ mà thôi!
Trương-Siêu-Trọng lập tức giải hết tất cả huyệt đạo cho Đổng-Triệu-Hòa rồi sai người đem vào phòng riêng cho hắn tĩnh dưỡng. Phải một lúc khá lâu, Đổng-Triệu-Hòa mới dần dần tỉnh lại được. Trương-Siêu-Trọng liền hỏi hắn từ đầu đến đuôi câu chuyện. Khi nghe thuật lại, Trương-Siêu-Trọng vừa mừng vừa tức giận. Mừng là vì biết được tung tích Văn-Thái-Lai; giận là vì Thiết-Đảm-Trang dám cả gan chứa chấp khâm-phạm triều-đình lại còn ra tay hạ độc thủ.
Trương-Siêu-Trọng quy tụ tất cả mọi người lại bảo rằng:
-Chúng ta hãy tức tốc lên đường đến Thiết-Đảm-Trang. Đổng lão đệ hãy đi trước làm hướng đạo.
Đổng-Triệu-Hòa tuy được giải huyệt nhưng vẫn còn lắm. Trương-Siêu-Trọng lấy trong mình ra một viên thuốc màu hồng hòa với nước trong cho hắn uống. Thật là một viên thần đan! Uống xong, Đổng-Triệu-Hòa thấy tinh thần gai tăng bội phần, sức lực như đã có lại đầy đủ như cũ.
Còn Ngô-Quốc-Đống sau khi bị Văn-Thái-Lai đánh gẫu xương bả vai, lại trúng phải một phi đao của Lạc-Băng, được Trương-Siêu-Trọng cứu chữa bằng cách dùng thuốc vừa bó vừa rắc lên các vết thương nên cũng đã bình phục rồi. Mặc dù thương tích vẫn còn hành chút đỉnh nhưng hắn cũng gắng gượng mà đi theo.
Chờ cho đông đủ mặt tất cả, Trương-Siêu-Trọng mới giới-thiệu mấy người lạ mặt cho Đổng-Triệu-Hòa biết. Nghe giới-thiệu, Đổng-Triệu-Hòa thất kinh vì đó toàn là những cao thủ võ lâm quy thuận triều-đình làm quan lớn cả. Một người làm chức Đại-nội Chưởng xuyên tẩu mã ngoại, tứ phẩm thị vệ tên Đoàn-Đại-Lâm; một người làn chức Thị-vệ Tổng giáo tập trong phủ Trịnh Thân-Vương tên Văn-Khánh-Nhuận; một người làm chức Tổng-binh, thuộc phủ Cửu-Môn đề đốc Thành-Khoáng; một người làm Chưởng-môn ở phủ Thần-Châu tỉnh Hồ-Nam tên Bá-Cao. Mấy người còn lại thì chức tước nhỏ hơn, nhưng cũng đều là Bổ-khoái ở Thiên-Tân và Bảo-Định.
Tất cả những người này đều thừa lệnh của vua Càn-Long theo giúp Trương-Trọng-Siêu để bắt cho được Văn-Thái-Lai.
Đổng-Triệu-Hòa đi trước dẫn đường. Một đoàn người theo sau sát khí đằng đằng oai-phong lẫm liệt, trông chẳng khác gì một cuộc hành quân, nhắm hướng Thiết-Đảm-Trang tiến thẳng tới...
Chú thích:
*Trong bản dịch "Hồng Hoa Kiếm", có lẽ nhà in quên nên bỏ sót, do đó không có "nhan-đề" cho chương 4. Vì vậy, xin đọc để tóm tắt lại ý chính và tạm "đặt bừa" nhan-đề cho chương này. Xin độc giả cho biết ý kiến, nếu cần sẽ chỉnh đốn lại cho hay hơn, đặc sắc hơn. Đa tạ. (Dương-Hồng-Kỳ)
(1-) Sư-điệt: tiếng dùng để gọi học trò của sư-huynh hay sư-đệ. Trong trường hợp của Lý-Mộng-Ngọc thì dù cho nàng là học trò của Lục-Phỉ-Thanh hay Mã-Chân cũng thế, đều là vai sư-điệt của Trương-Siêu-Trọng cả.
(2-) Ái-nữ: "con gái yêu".
(3-) Trượng-phu: chồng.
(4-) Ý nói Hồng Hoa Hội.
(5-) "Tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu", câu nói bất hủ của Tào-Tháo.
(6-) Tiện-nội: cũng tương tự như người Việt dùng những danh từ như "nhà tôi" hay "bà xã tôi"...
(7-) Quan-Vũ được người đời thờ vì tấm lòng trung nghĩa, hết lòng với anh em, bạn bè mà xem thường tất cả phú quý, luôn cả mạng sống của mình.
(8-) Nguyên văn "mãnh hổ nan địch quần hồ".
(9-) Hậu đường: phía đàng sau nhà.
(10-) Chữ "sư-phụ" ở đây không có nghĩa là người dạy mình, mà chỉ có nghĩa là tôn trọng chức vụ của một người nào đó thôi. Trong một nhà hàng, người thợ chính cũng được gọi là "sư-phụ"
(11-)Độc hành đại đạo: tay trộm chuyên đo một mình.
(12-) Nguyên-văn "lão bạng sinh châu".
(13-) Kế thất: vợ kế, vợ lẽ...
(14-) Trong Hồng Hoa Hội, mọi người vẫn gọi nhau theo vai vế, vì thế Lạc-Băng dù là vợ nhưng vẫn quen miệng gọi Văn-Thái-Lai là "tứ ca" thay vì "trượng-phu".
(15-) Thạch thủ thiết túc: tay đá chân sắt.
(16-) Kiểu cột tóc, thắt bím buông ra đàng sau trông như một cái đuôi vào thời Mãn-Thanh. Người Trung-Hoa gọi là "đuôi chuột", còn người Tây-Phương thì gọi là "đuôi heo".
(17-) Phi đạn đây là một loại ám khí, hình tròn như một viên bi lớn, chung quanh là gai ngọn chứ không bắt buộc phải có chất nổ như "lựu đạn". Đôi khi ám khí này còn được người sử dụng tẩm thuốc độc lên nữa để giết người cho lẹ hơn.
Chương trước | Chương sau