Song-câu không được liệt vào hàng 18 món binh-khí chánh-tông. Nhưng nó là một món vũ-khí giết người lọi hại, lại khó luyện nên người làm tướng ít dùng. Chỉ có những tay giang-hồ hành hiệp bản-lãnh cao-siêu mới có thể rèn luyện và sử dụng nó đúng mức mà thôi. Song-câu vừa công được, vừa thủ được. Nhưng người sử dụng nó nếu không luyện đến mức tinh-vi rất có thể bị nó phản lại làm nguy hiểm đến tánh mạng. Lúc luyện tập nếu sơ ý cũng có thể bị thương như không. Khi song câu tung ra thì phải lập tức thu lại ngay, vì nếu chậm tay bị đối thủ phản công lại thì có nước chết không kịp ngáp!
bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Lục-Phỉ-Thanh thấy Hạ-Nhân-Long hai tay sử dụng song-câu, mà mình lại đang bị trọng thương thì không dám khinh địch liền dùng ngay thế Hạnh Hoa Xuân Vũ trong Nhu-Vân-Kiếm-Thuật, là một lối kiếm-pháp có thể vừa công vừa thủ.
Hạ-Nhân-Long vừa đỡ được chiêu Hạnh Hoa Xuân Vũ thì Lục-Phỉ-Thanh lại đánh tiếp một đòn Tam Hoàn Âm Nguyệt làm cho y rối loạn tâm-thầm. Cặp Ngô-Câu kiếm của hắn bị lép vế hẳn, không còn lợi hại như lúc đầu nữa. Từ thế công, Hạ-Nhân-Long bị dồn vào thế thủ.
La-Tín đứng ngoài biết Hạ-Nhân-Long không phải là đối thủ của Lục-Phỉ-Thanh bèn rút cây Thất Thiết Cương Tiên to lớn nhảy vào trợ lực.
Lục-Phỉ-Thanh biết mình trong thế mệt đấu khoẻ nên không muốn dùng sức đối chọi với La-Tín. Thay vì dùng Bạch-Long kiếm chọi thẳng với cây roi sắt to lớn, ông ta xoay lưỡi kiếm, nhắm mấy ngón tay của La-Tín mà chém. La-Tín la lên một tiếng "Ối!" rồi buông cây Thất Thiết Cương Tiên xuống đất rồi nhảy ra khỏi vòng chiến.
Tiêu-Văn-Kỳ thừa cơ bất ý lanh lẹ đánh ra một đòn mạnh mẽ sau lưng nơi bả vai của Lục-Phỉ-Thanh.
Năm trước, Tiêu-Văn-Kỳ đến Lạc-Dương thụ-giáo với họ Hàn. Ngoài chưởng-pháp, họ Hàn còn dùng một thứ gang rất tinh khiết gọi là tinh-cương chế tại ra một món vũ khí gọi là Thiết Cầm Sát.
Hàn gia vốn nổi tiếng về môn Thiết Cầm Sát, truyền đến người con gái thứ năm là Hàn-Ngũ-Nương thì không còn ở chốn phồn hoa đô hội nữa mà lên chốn thâm-sơn để cố luyện cho tuyệt-kỹ mình ngày môt thêm tinh-vi.
Thứ vũ-khí này hai đầu thì nhọn, hai bên thì sắc; khi công thì chẳng khác gì cây khai sơn đại phủ (#6), khi thủ thì giống như một cái khiên. (#7)
Trong ruột, Thiết Cầm Sát trống rỗng như như lòng một ống đồng chứa được 12 cây đinh nhọn y hệt như mũi tên gõi là Cầm Sát đinh. Một vũ-khí có đến ba cái lợi hại như vậy thì đủ hiểu nguy cơ thế nào cho người phải đối phó cùng nó.
Tiêu-Văn-Kỳ được họ Hàn truyền dạy cho cả chưởng-pháp lẫn Thiết Cầm Sát. Cây Thiết Cầm Sát của hắn là vật mà con gái nhà họ Hàn chỉ dùng để tập luyện nên y thường bị giới giang-hồ chê bai ố ngạo. Tiêu-Văn-Kỳ rất lấy làm khó chịu. Do đó, y mới dùng tinh-cương đập thành một cây thiết bài để cầm tay cho oai. So với Thiết Cầm Sát của họ Hàn thì có khác đôi chút, nhưng cách sử dụng thì không sai biệt tí nào.
Lục-Phỉ-Thanh nghe sau lưng có tiếng gió liền nhảy qua một bên. Thế là Thiết Bài của Tiêu-Văn-Kỳ đã đánh trật. Lục-Phỉ-Thanh kế đến xoay mình hớt cho Tiêu-Văn-Kỳ một nhát kiếm lẹ như sao xẹt.
Tiêu-Văn-Kỳ lấy Thiết-bài ra chống đỡ, nhưng bị Nhu-Vân-Kiếm của Lục-Phỉ-Thanh chém tơi bời như mưa tuôn, lá rụng. Theo định luật thường thì bất luận là sử dụng quyền hay vũ-khí, hễ một khi đánh ra một chiêu thì tay hoặc khí-giới phải thu về rồi mới có thể đánh tiếp chiêu thứ hai được. Nhưng Nhu-Vân-Kiếm là một môn tuyệt kỹ hiếm có. Một khi đã rèn luyện tinh thông thì sau khi xuất chiêu, mặc cho đối phương né tránh hay đón đỡ cách nào, vẫn có thể chém tiếp nhiều nhát kế tiếp nữa. Lối đánh đó thường làm hoa mắt đối phương. Nội lo mà chống đỡ cũng đã mệt rồi chứ đừng nói là phản công.
Hạ-Nhân-Long và La-Tín thấy Tiêu-Văn-Kỳ bị Lục-Phỉ-Thanh dùng Bạch-Long kiếm đàn áp liên miên, tay chân luống cuống hết cả, tình trạng hết sức khốn đốn. Hai người láy mắt bảo nhau rồi chia hai phía tả hữu xông vào trợ chiến, đánh rất hăng.
Một cây Thiết-bài, Một cây Thất Tiết Cương Tiên và một cặp Ngô-câu kiếm vây chặt Lục-Phỉ-Thanh vào giữa.
Lục-Phỉ-Thanh sau khi bất cẩn trúng phải độc thủ của Tiêu-Văn-Kỳ, giờ lại phải luôn tay chống đỡ với ba người nên sức lực có kém đi, và vết thương bắt đầu hành hạ thật khó chịu.
Lục-Phỉ-Thanh biết nội thương đã bắt đầu bộc phát. Nếu kéo dài cuộc đấu thì rất có thể đưa tánh mạng mình đến chỗ hiểm nghèo. Nhu-Vân-Kiếm tuy lợi hại nhưng thật khó một lúc mà hạ được cả ba tên cường địch. Còn như đánh vẹt một mạng để dùng thuật phi hành mà tẩu thoát thì không phải là thượng sách. Ông ta đang bị thương, chân khí suy giảm rất nhiều. Do đó thuật phi hành sẽ chậm đi nhiều. Nếu bị hai tên đuồi theo thì thật khó lòng mà thoát khỏi.
Thật sự lúc này ba người chỉ cần cầm cự ngang ngửa với Lục-Phỉ-Thanh mà thôi vì chúng biết trận đấu càng kéo dài thì phần thắng sẽ về chúng. Lục-Phỉ-Thanh vừa đánh cầm chừng, vừa than thầm:
-Không ngờ Lục-Phỉ-Thanh hôm nay phải chết dưới tay ba con chuột như thế nào, hỡi ôi!
Nhưng rồi ông ta lại nghĩ:
-Quân-tử phục thù, mười năm chưa muộn. Việc gì mà ta phải liều lĩnh với chúng chứ! Hãy tìm kế thoát thân rồi sau này sẽ tìm đám Quảng-Đông Lục Ma thanh toán món nợ này sau có hơn không.
Nghĩ đoạn, lòng Lục-Phỉ-Thanh lắng dịu lại, không còn nghĩ đến chuyện đấu trí mạng nữa. Ông ta định thần lại để vết thương không vì xúc động mà phát ra. Thanh Bạch-Long kiếm bỗng từ thế công xoay sang thế thủ, dùng để hộ thân chứ không còn đâm chém loạn xạ nữa.
Thấy thế, bọn Tiêu-Văn-Kỳ mừng thầm vì tưởng lầm là Lục-Phỉ-Thanh đã kiệt sức, chỉ còn sức thủ mà không còn sức công nữa.
La-Tín la lớn:
-Hắn kiệt lực rồi! Tiêu tam ca, đừng cho hắn nghỉ tay. Cứ dồn hắn vào giữa mà đánh thì không giết được hắn cũng có thể bắt sống được.
Tiêu-Văn-Kỳ đáp:
-La hiền-đệ! Anh nhường cái đầu hắn cho em đó. Hãy chặt lấy đem về cho triều-đình mà lập công. Mạng hắn sắp tận rồi!
Ha-Nhân-Long cũng xen lời, nói:
-Kiếm-thuật hắn còn lợi hại lắm, chưa thể giết hắn ngay được. Chúng ta hợp nhau lại làm nhục hắn một phen cho hả giận đã. Kìa, hai tay hắn bủn rủn cả rồi!
Cả ba vui mừng reo hò rồi cùng tiếp tục hợp sức tấn công Lục-Phỉ-Thanh tới tấp, tưởng như cá đã vào rọ, chỉ cần tháo gỡ đem về nhà mà làm thịt thôi.
Lục-Phỉ-Thanh không chút giận dữ trước những lời của bọn Tiêu-Văn-Kỳ. Ông bình tĩnh sử dụng Bạch-Long kiếm, đem những đường gươm tuyệt diệu trong Nhu-Vân kiếm-thuật ra ứng phó. Lục-Phỉ-Thanh quát lên một tiếng, nhắm La-Tín chém liền hai nhát ngang phía cổ. La-Tín hoảng hốt lùi ra sau mấy bước, để hở ra một khoảng trống giữa vòng vây.
Lục-Phỉ-Thanh không bỏ lỡ cơ-hội, liền dùng ngay thế Mãn Thiên Hoa Vũ. Kiếm quang xẹt qua xẹt lại, tả hữu, trên dưới, trước sau, như bão táp mưa sa. Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long cả kinh tránh né liên hồi. Lục-Phỉ-Thanh liền tung người một cái đã ra được khỏi vòng vây.
La-Tín thất thanh kêu lên:
-Không xong! Tên giặc già này toan chạy trốn. Đừng cho nó trốn thoát!
Dứt lời, y bèn rượt theo Lục-Phỉ-Thanh. Mé sau, Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long cũng nhập bọn. Thấy dùng khinh công khó theo kịp nổi Lục-Phỉ-Thanh, Tiêu-Văn-Kỳ liền cầm Thiết-bài nhắm về phía Lục-Phỉ-Thanh bắn ra ba mũi Cầm-sát đinh.
Lục-Phỉ-Thanh vốn đã đề-phòng ám toán nên chỉ nghe tiếng gió là đã biết ngay. Ông ta dùng kiếm gạt được hai mũi đinh đồng thời tung mình lên để tránh mũi thứ ba. Tiêu-Văn-Kỳ lại phóng thêm ba mũi Cầm-sát đinh ra ba phía, mục-đích không để cho Lục-Phỉ-Thanh dùng khinh công tẩu thoát được nữa.
Thấy cả ba mặt đếu có ám-khí phóng tới, Lục-Phỉ-Thanh liền đứng nguyên tại chỗ lấy tay bắt từng cái một.
Lục-Phỉ-Thanh biết ám-khí Cầm-sát đinh này của Tiêu-Văn-Kỳ rất lợi hại, không thể để cho nó ghim vào thân thể được. Vì người trúng phải Cầm-sát đinh rồi thì có rút được ra thì da thịt mình cũng bị dính vào đó mà theo ra. Nhưng nếu cứ để yên như vậy thì chỉ sau một thời gian ngắn ngủi là phải chết.
Những môn phái chính tông như Thiếu-Lâm và Võ-Đang không bao giờ dùng ám-khí để đánh với bất cứ ai, và gần như cấm hẳn môn-đồ không được học hay sử dụng nó. Vì bôn tẩu giang-hồ đã nhiều nên kiến-thức Lục-Phỉ-Thanh rất rộng, biết rõ từng loại ám-khí cũng như sự lợi hại của nó. Chính ông ta cũng biết sử dụng một số ám-khí, nhưng không bao giờ thèm dùng đến, vì cho rằng dùng ám-khí là do ở sự khiếp nhược đối phương, không dám tự tin vào võ công để quyết đấu. Vì vậy, dù lâm vào đường cùng, Lục-Phỉ-Thanh vẫn không nghi đến việc dùng ám-khí để trả đũa.
Đứng bắt ám-khí một hồi, Lục-Phỉ-Thanh thấy không có lợi nên bèn đợi lúc thuận tiện, dùng khinh công mà tẩu thoát.
Xuống được dưới chân đồi, Lục-Phỉ-Thanh mới hơi yên tâm vì biết bọn Tiêu-Văn-Kỳ không dễ gì theo kịp được mình. Nhưng rủi thay, chưa kịp nghỉ chân được bao lâu thì nội thương của ông ta lại tái phát.
Lục-Phỉ-Thanh cảm thấy hết sức đau đớn từ trong bụng mà ra, mắt thì hoa cả lên, mặt mày xay xẩm.
Bọn Tiêu-Văn-Kỳ lúc đó đã đuổi đến nơi. Thấy Lục-Phỉ-Thanh đứng không muốn vững thì biết ngay ông ta đang bị nội thương hoành hành. Cả ba cùng vui mừng hớn hở, lại vây chặt lấy Lục-Phỉ-Thanh mà tấn công ồ ạt, mạnh bạo hơn nữa.
Lục-Phỉ-Thanh gắng gượng, chống cự với ba người hơn mười hiệp nữa. Vì dùng sức quá nhiều ở cánh tay mặt nên bên hông mặt chợt đau nhói lên, Lục-Phỉ-Thanh liền chuyển kiếm sang tay trái nhắm Tiêu-Văn-Kỳ tấn công mãnh-liệt.
Tiêu-Văn-Kỳ bị kiếm-thuật lạ lùng của Lục-Phỉ-Thanh tấn công bất thình lình thì hoảng hốt thối lui ra sau mấy bước. Thừa cơ hội tốt đó, Lục-Phỉ-Thanh dùng tay mặt phóng ra một chiêu Bạch Hồng Quán Nhật nhắm ngay Hạ-Nhân-Long chém bổ xuống.
Hạ-Nhân-Long vội vã tránh sang bên trái, lại bị ngọn kiếm của Lục-Phỉ-Thanh chém phớt qua một thế rất hiểm ác. Hạ-Nhân-Long lại né sang bên phải thì mặt chạm phải những tia hào quang của bảo kiếm làm chói mắt.
Ngọc-Phán-Quan cả sợ, không còn cách nào tránh đòn cho dịp được nữa. Tánh mạng y chẳng khác nào như sợi chỉ treo chuông, mười phần nguy hiểm cả mười. Nhưng y trí óc y cũng khá linh mẫn. Trong lúc cấp bách, y chợt nghĩ ra được một cách là nằm dài trên mặt đất loan song câu đón đỡ.
Lục-Phỉ-Thanh toan đánh bạt song-câu của Hạ-Nhân-Long thì nghe hơi gió phớt qua đàng sau gáy. Thì ra La-Tín dùng cây Cương-tiên sử dụng thế Thái Sơn Yểm Đinh đánh sả xuống vai Lục-Phỉ-Thanh một cái hết sức mạnh mẽ. Lục-Phỉ-Thanh hai gót chân trụ vững, rùn mình nhảy vọt tới như một lằn tên, thuận tay điểm trúng vào Huyết Môn Huyệt của La-Tín.
Cây Cương-tiên của La-Tín đã lỡ đà, tuy hắn biết là không thể nào đánh trúng được Lục-Phỉ-Thanh được nữa nhưng không cách nào thu về kịp. Chát một tiếng, cây Cương-tiên đập đúng ngay tảng đá phía dưới đến tóe lửa. Rồi ối một tiếng, cả thân thể La-Tín sau đó mềm nhũn ra, không còn cử động được nữa vì huyệt-đạo của hắn đã bị Lục-Phỉ-Thanh điểm trúng.
Tiêu-Văn-Kỳ dốc toàn lực, phóng ra thêm ba cây Thiế-Cầm đinh bay vù tới sau lưng Lục-Phỉ-Thanh. Thấy không thể tránh né kịp, Lục-Phỉ-Thanh chụp ngay La-Tín làm bia đỡ. Một tiếng rú phát lên rùng rợn, cả ba cây ám-khí đã ghim sâu vào bụng La-Tín chết không kịp ngáp.
Thấy ám-khí của mình không hại được kẻ địch mà lại giết oan đồng bọn, Tiêu-Văn-Kỳ lửa giận phừng phừng, cầm cây Thiết-bài đánh đông chém tây, khí thế vô cùng hiểm ác.
Lúc ấy Hạ-Nhân-Long cũng vừa mới vùng dậy được. Lục-Phỉ-Thanh nghĩ rằng trừ khử được tên nào càng sớm càng hay nên tay trái hươi thanh Bạch-Long kiếm chém vụt một đường.
Hạ-Nhân-Long hoảng sợ, lùi lại một bước. Tiêu-Văn-Kỳ xông tới dùng Thiết-bài bổ vào Lục-Phỉ-Thanh, buộc ông ta phải quay mình tránh né. Nhờ vậy, Hạ-Nhân-Long mới thoát được nguy hiểm. Y bèn nhảy vào trợ chiến với Tiêu-Văn-Kỳ.
Mặc dù tránh được Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ, nhưng vết thương trong người Lục-Phỉ-Thanh lại bị động, càng lúc càng đau đớn nên tiềm-lực chiến đấu của ông ta vì thế mà giảm đi, không còn được hăng như trước nữa.
Tiêu-Văn-Kỳ thấy vậy mừng rỡ, nỗ lực đánh rấn lên, giở hết những đòn tuyệt-kỹ ra quyết hạ địch. Cây Thiết-bài trên dưới, tả hữu, liên tiếp tấn công Lục-Phỉ-Thanh không ngừng.
Đột nhiên, Tiêu-Văn-Kỳ từ đâu nhìn thấy thanh Bạch-Long kiếm của Lục-Phỉ-Thanh như một lằn sét trên cao chém xuống. Thấy Tiêu-Văn-Kỳ thất thế, Hạ-Nhân-Long bèn đưa cây Ngô-Câu kiếm ra đỡ cản lại. Chằng ngờ sau đó Lục-Phỉ-Thanh bất ngờ dùng trọng-thủ pháp-túc công-lực, một chân đá và một tay đánh rớt cả cặp Ngô-Câu kiếm của Ngọc-Phán-Quan xuống đất. Còn thanh Bạch-Long kiếm vì không bị ngăn trở nữa nên cứ thế mà nhắm ngay bụng Hạ-Nhân-Long đâm tới. Hết đường tránh né, Hạ-Nhân-Long bị đâm một nhát từ bụng xuyên qua lưng, ngã lăn ra chết trên vũng máu.
Hạ sát xong Hạ-Nhân-Long, Lục-Phỉ-Thanh quay mình lại đối phó luôn với Tiêu-Văn-Kỳ. Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ đánh ra chưa kịp thâu lại thì hắn nghe khắp người đau đớn nhức nhối không làm sao chịu nổi. Đôi mắt Tiêu-Văn-Kỳ hoa lên, trông thấy phía trước đen thui như mực, chẳng còn phân biệt được gì nữa...
Có thể nói là Lục-Phỉ-Thanh đã đến đường cùng nên đâm ra liều lĩnh và bất chấp hậu quả. Đang lúc đánh với Tiêu-Văn-Kỳ và Hạ-Nhân-Long thì bị vết thương hành hạ đau đớn khôn tả. Biết không thể kéo dài thêm được nữa, Lục-Phỉ-Thanh nghiến răng, vận nội công chịu đựng một Thiết-bài của Tiêu-Văn-Kỳ đánh vào bả vai mình để có thì giờ phóng kiếm giết Hạ-Nhân-Long trước. Kết liễu tánh mạng Hạ-Nhân-Long xong, Lục-Phỉ-Thanh liền dùng năm ngọn Phù-Dung châm nhắm thẳng Tiêu-Văn-Kỳ bắn ra một lượt. Vốn dĩ Tiêu-Văn-kỳ đứng cách Lục-Phỉ-Thanh không xa mà kỹ-thuật dụng châm của Lục-Phỉ-Thanh lại nhanh như chớp, đồng thời kim châm lại nhỏ như sợi tóc thì làm sao Tiêu-Văn-Kỳ tránh cho khỏi! Vừa hí hửng đánh trúng được Lục-Phỉ-Thanh một Thiết-bài chưa kịp thâu về thì đôi mắt Tiêu-Văn-Kỳ bị năm ngọn Phù-Dung châm ghim vào. Lục-Phỉ-Thanh giận Tiêu-Văn-Kỳ lòng dạ độc ác nên mới hạ độc-thủ đến mức đó, chứ xưa nay, ông chưa hề sử dụng ám-khí với bất cứ ai, dù là kẻ thù.
Tiêu-Văn-Kỳ sau khi trúng châm mù cả đôi mắt thì đau đớn, đứng trơ ra như một thây ma chết. Lục-Phỉ-Thanh sấn tới, hai tay dùng một thế Câu Tiên Quyền kết liễu mạng sống của y để trừ hậu hoạn.
Sau bao năm ẩn-tích, Lục-Phỉ-Thanh chỉ trong một đêm vì phải hạ sát ba kẻ tử thù đã phải thi triển hết tất cả bình-sinh tuyệt kỹ, từ quyền cước nội công, phép điểm huyệt cho đến kiếm-pháp, thậm chí cả ám-khí nữa!
Vẫn biết là hạ sát Tiêu-Văn-Kỳ thì mối thâm thù với Quảng-Đông Lục Ma sẽ càng ngày càng kết chặt thêm. Nhưng nếu không hạ độc thủ thì không cách nào được toàn tánh mạng đêm nay được. Đó là một sự bất đắc dĩ mà thôi!
Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ, nếu để xác Tiêu-Văn-Kỳ lại sẽ có nhiều bất tiện nên phải cố làm sao tìm cách nào để phi tang...
Rừng khuya vắng vẻ. Gió thổi lành lạnh... Ánh trăng mờ trong vầng mây đen lố dạng rọi vào ba tử thi đẫm máu trên ngọn cỏ điểm sương. Tiếng chim kêu về đêm nghe càng buồn thảm. Lục-Phỉ-Thanh tuy là một người có bản lãnh cao siêu, khí khái can trường, nhưng không hiểu sao vẫn cảm thấy ghê rợn thế nào!
Lục-Phỉ-Thanh cởi chiếc áo trong người ra, lấy tay xoa nhẹ trên vết thương ở bả vai bên trái rồi đứng thẳn người lên, dùng phép hô-hấp hít thở không khí để bồi nguyên lực trở lại. Sau đó, ông ta mới lau sạch thanh Bạch-Long kiếm rồi tra lại vào vỏ. Vốn là người tinh tế, Lục-Phỉ-Thanh thu hồi năm ngọn Phù-Dung kim-châm trong đôi mắt của Tiêu-Văn-Kỳ cất kỹ rồi mới đào lỗ chôn ba tử thi kỹ-lưỡng xuống dưới chân gò hoang rồi sau đó mới khỏa bằng. (#8)
Làm xong từng ấy việc, Lục-Phỉ-Thanh nghe trong người mệt mỏi yếu đuối vô cùng. Khắp mình mẩy ông ta lại vấy đầy máu me tanh tưởi, hôi hám.
Lục-Phỉ-Thanh thầm nghĩ nếu cứ như vậy mà đi ngoài đường sá thì không cách nào khỏi bị tình nghi, và bắt buộc nhà chức trách sẽ phải theo dõi. Suy nghĩ thật chín chắn, Lục-Phỉ-Thanh thấy không còn cách nào hơn là trở về lại tư dinh của Lý-Khả-Tú để tắm rửa sạch sẽ, thay quần áo thì mới có thể đi đâu thì đi.
Ý định của Lục-Phỉ-Thanh là vậy. Chẳng ngờ hôm ấy Lý-Mộng-Ngọc dậy sớm hơn thường ngày và đến thư phòng của Lục-Phỉ-Thanh nên thành thử mọi chuyện đều bại lộ, không còn theo như dự tính được nữa...
Sau khi Lý-Mộng-Ngọc vâng lời ra khỏi thư phòng, Lục-Phỉ-Thanh nằm trên giường nghe vết thương đau nhức không chịu nổi, nằm hôn mê đi lúc nào không biết...
Lục-Phỉ-Thanh đang mơ mơ màng màng thì thấy có bóng người đứng sát bên giường mình rồi tai nghe như có tiếng ai gọi nhỏ:
-Lão sư! Lão sư mau tỉnh lại!
Lục-Phỉ-Thanh cố gắng mở hai mi mắt nặng nề ra thì thấy người đó không phải ai xa lạ mà chính là đứa nữ đệ-tử yêu quý bấy lâu nay là Lý-Mộng-Ngọc...
Trong hai tháng trời kế tiếp được nghỉ dạy, chỉ nằm yên một chỗ mà dưỡng bệnh lại nhờ có nội công phi phàm nên Lục-Phi-Thanh lần hồi bình phục lại được rất nhiều. Thêm vào đó, nhờ có Lý-Mộng-Ngọc xin với cha tìm thầy giỏi đến săn sóc, mua đủ các loại thuốc tốt để điều-trị nên nội thương của Lục-Phỉ-Thanh không còn điều gì phải lo ngại nữa.
Suốt hai tháng trời, giờ khắc nào Lý-Mộng-Ngọc cũng đều có mặt ngay bên cạnh Lục-Phỉ-Thanh săn sóc tận tình, chăm lo hết dạ.
Người bình thường sẽ cho đó là cái tình thầy trò gắn bó nên Lý-Mộng-Ngọc ân cần lo cho trọn đạo, nhưng nào biết trong thâm tâm Lý-Mộng-Ngọc còn có những ý nghĩ khác hơn.
Từ hôm chính mắt được trông thấy ngón tuyệt-kỹ của Lục-Phỉ-Thanh dùng Phù-Dung châm bắn chết những con ruồi trên bảng, Lý-Mộng-Ngọc bắt đầu để ý. Qua ngày thứ hai, nàng lại càng thắc mắc thêm về hành tung kỳ bí của sư-phụ nàng hơn nữa. Tuy tuổi còn nhỏ, nhưng thông-minh vốn sẵn tính trời nên Lý-Mộng-Ngọc có được kiến-thức để suy luận.
Nàng tin chắc Lục-Phỉ-Thanh không phải chỉ là một cụ đồ già ngâm thơ vịnh phú mà là một nhân vật có nhiều bản lãnh phi thường. Nghĩ như vậy cho nên Lý-Mộng-Ngọc mới hết lòng săn sóc cho Lục-Phỉ-Thanh trong những ngày bệnh hoạn với hy-vọng học được nơi ông ta bản-lãnh chân truyền sau này.
Sau khi lành vết thương, bình-phục lại sức khỏe, Lục-Phỉ-Thanh nhớ ơn và cảm kích thịnh tình của Lý-Mộng-Ngọc đã tận tình chăm sóc cho mình trong cơn hoạn nạn. Lý-Mộng-Ngọc cũng giữ kín những điều mắt thấy tai nghe về Lục-Phỉ-Thanh mà chẳng bao giờ rỉ hơi ra cho một ai để ý.
Một hôm, thấy Lục-Phỉ-Thanh hoàn toàn khỏe khoắn lại, Lý-Mộng-Ngọc gợi ý hỏi:
-Thưa thầy, chẳng hay bao giờ thầy bắt đầu dạy dỗ con lại? Thầy sẽ tiếp tục giảng về Sử-Ký cho con hay giảng về điều gì khác hơn?
Lục-Phỉ-Thanh trầm ngâm một lúc rồi đáp:
-Sáng sớm ngày mai thầy sẽ bắt đầu.
Sáng sớm hôm sau, khi bình-minh vừa ló dạng, Lục-Phỉ-Thanh đã gọi đứa thư-đồng (#9) dậy, sai ra phố mua mua giấy mực cần dùng. Đứa thư-đồng đi rồi, Lục-Phỉ-Thanh mới gọi Lý-Mộng-Ngọc đến gần mình mà nói rằng:
-Mộng-Ngọc! Con là một đứa trẻ rất thông-minh nên mới đoán được thầy là một nhân-vật thế nào. Tuy vậy, hành tung của thầy ra sao con cũng không làm sao hoàn toàn hiểu biết được đâu. Lần này thầy gắp đại nạn được con hết lòng chăm lo săn sóc, thật đến người thân thích thuộc cũng không làm sao hơn được. Thầy thật cảm động vô cùng. Lần đầu khi để thư lại, thầy quyết ra đi không còn trở lại đây nữa. Và khi quay về lần thứ hai, trong thâm tâm thầy cũng định sẽ lại ra đi tiếp. Thế nhưng bây giờ thì thầy không thể bỏ con mà đi được nữa. Như vậy con đủ hiểu lòng thầy đối với con, trìu mến con đến thế nào rồi. Cho dù thầy không nói, chắc con cũng tự tìm hiểu được. Thầy cũng chẳng giấu diếm con nữa. Hôm nay thầy đem ngón tuyệt kỹ về kim châm ra truyền lại cho con. Con có bằng lòng không?
Được nghe những lời chân thật tha thiết thốt ra từ đáy lòng của vị sư-phụ, Lý-Mộng-Ngọc vui mừng không biết tả sao cho xiết. Nàng quỳ xuống trước mặt Lục-Phỉ-Thanh lạy thầy ba lạy, làm lễ nhập môn.
Lục-Phỉ-Thanh nhìn đứa học-trò cưng nở một nụ cười sung sướng. Sau đó ông ta nghiêm sắc mặt nói với Mộng-Ngọc:
-Thầy biết rõ tính tình con cứng rắn lắm. Nếu đem võ công của môn phái thầy mà dạy cho con e có điều bất lợi. Do đó mà suốt bao lâu nay dạy con học đạo-lý văn-chương chẳng lúc nào thầy tỏ cho con biết là thầy có bản lãnh cả. Không tỏ cho con biết là không có ý định truyền võ-nghệ của môn phái thầy lại cho con. Đến giờ phút này, cảm lòng thành khẩn của con, lại nhận xét thêm về tư chất của con, thầy vẫn còn phân vân chưa quyết. Có vài lần thầy định gọi con đến để truyền dạy nhưng rồi lại thôi! Chỉ vì...
Nói đến đây, Lục-Phỉ-Thanh trầm ngâm suy nghĩ giây lâu mà không tiếp tục được lời nào. Lý-Mộng-Ngọc thấy vậy càng hồi hộp trong lòng nên đánh bạo thưa rằng:
-Thưa thầy. Con nhất định tuân theo lời thầy dạy bảo, quyết chẳng bao giờ làm sai.
Lục-Phỉ-Thanh nói:
-Việc của lệnh trên làm thật thầy không tán thành tí nào cả! Một ngày nào, khi con khôn lớn, biết phân-biệt phải trái, chánh tà, thầy sẽ chỉ bảo sau. Hôm nay con đã đã lạy thầy làm lễ bái sư chịu làm đệ-tử thì trước nhất con phải nghiêm giữ những giới điều trong môn phái của thầy. Con có bằng lòng như vậy chăng?
Chương trước | Chương sau