Vương-Duy-Dương bỗng dừng tay lại nói:
bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
-Này hảo hán vô danh! Tôi rất khâm phục quyền cước của anh. Thật là một cao thủ hiếm có. Nếu chúng ta cứ tiếp tục mà đánh nữa thì biết bao giờ mới phân thắng bại được đây? Bây giờ tôi đề nghị chúng ta thử so tài bằng binh khí. Bạn nghĩ sao?
Lục-Phỉ-Thanh cười, ôn tồn nói:
-Rất sẵn sàng. Nghe đồn Bát-Quái Đao của Uy-Chấn Hà-Sóc lừng danh thiên hạ, nay được dịp hầu tiếp thật là hết sức hân hạnh.
Dứt lời Lục-Phỉ-Thanh cũng rút đao ra thủ thế. Vương-Duy-Dương chẳng chút khách sáo xông tới tấn công như vũ bão, Lục-Phỉ-Thanh cũng múa đao đỡ lại, và tìm những chỗ sơ hở để phản công. Cả hai cùng trổ hết tuyệt nghệ ra thi triển khiến cho những người ở ngoài đứng xem phải mê mẩn say sưa. Hai bên chém qua chém lại đến mấy trăm hiệp cũng không ai hơn được ai.
Lục-Phỉ-Thanh cười nói:
-Điệu này chắc chúng ta có đấu năm này qua năm nọ cũng chẳng có kết quả gì đâu!
Vương-Duy-Dương nói:
-Ngươi hãy về mà luyện thêm, đợi năm sau tới đây tỉ thí với ta nữa để phân tài cao hạ.
Lục-Phỉ-Thanh cười đáp:
-Ngươi có thắng được ta đâu mà sao phách lối thế! Chẳng qua ta nghe đồn Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương chưa bao giờ có đối thủ nên tìm đến mà xem thử lời đồn kia có thật hay không thôi chứ có thù oán gì mà phải hẹn ngày hẹn giờ để thanh toán! Bây giờ ta mới chịu tin Vương-Duy-Dương quả không hổ danh là Uy-Chấn Hà-Sóc chút nào!
Vương-Duy-Dương nghe Lục-Phỉ-Thanh nói như thế thì rất hài lòng bèn vòng tay lễ phép nói:
-Thì ra hảo hán vì muốn thử sức tiểu đệ mà đành nhọc công đến thế! Nếu muốn thử sức thôi thì tại sao không chịu nói trước mà lại dùng lời khiêu khích để mất đi hòa khí như vậy?
Lục-Phỉ-Thanh cười nói:
-Nếu tôi không dùng lối khích tướng thì lão huynh đâu có chịu giở hết những ngón tuyệt kỹ ra mà đánh. Như thế chẳng hóa ra cuộc tỉ thí này thành vô ích lắm sao!
Vương-Duy-Dương cũng cả cười, hướng về Lục-Phỉ-Thanh ân cần mời mọc:
-Tiểu đệ xin mới huynh đài vào trong uống vài chung gọi là chút rượu kính để tỏ lòng ngưỡng mộ và kỷ niệm buổi tương kiến này. Mong huynh đài đừng từ chối!
Nhưng Lục-Phỉ-Thanh không nhận lời, dùng lời nói khéo để từ chối rồi từ giã Vương-Duy-Dương.
Có thể nói, trận đấu ấy là khởi đầu cho bước thành lập Đồ-Long-Hội của Lục-Phỉ-Thanh...
Trần-Gia-Cách nói:
-Như vậy thì võ công của Lục tiền bối quả là cao siêu huyền diệu. Hồng Hoa Hội được thêm một người đắc lực như thế giúp sức thì lo gì mà chẳng cứu được Văn tứ ca.
Vô-Trần Đạo-Nhân nói:
-Cứ theo lời của Triệu tam ca thuật thì trong chúng ta, ngoại trừ Tổng-Đà-Chủ, chưa chắc có ai sánh nổi với Lục lão huynh.
Trần-Gia-Cách nói:
-Ngày nay Lục lão tiền bối vì nghĩa khí mà gia nhập Hồng Hoa Hội, tôi chắc ông ta sẽ không vì chút tình đồng môn mà chính ông ta đã tự tay cắt đứt mà phiền hà chúng ta đâu. Việc giải cứu Văn tứ ca xem ra không bị trở ngại gì đâu. Bây giờ chúng ta nên đi ngay vào kế hoạch để mà thực hành đi. Tất cả anh em nghĩ sao?
Vô-Trần Đạo-Nhân đáp:
-Tất cả đang chờ mệnh lệnh của Tổng-Đà-Chủ đây. Tôi có điều thắc mắc là không biết Trương-Siêu-Trọng dùng biện pháp nào để canh giữ Văn tứ ca?
Trần-Gia-Cách nói:
-Điều này phải nhờ đến ngũ ca và lục ca thôi. Hai anh đã theo sát bọn chúng ngay từ đầu ắt đã biết qua mọi chuyện.
Thường-Thích-Chí nói:
-Theo chúng tôi biết thì đem trước Văn tứ ca ngủ chung một phòng với bọn ưng khuyển, có quân lính canh phòng cẩn mật bên ngoài, và đích thân Trương-Siêu-Trọng mang kiếm đi tuần tra từng giờ từng phút trong, ngoài. Văn tứ ca bị chúng xiềng hết cả tay chân, không người nào được nói chuyện hay bén mảng đến gần, chỉ có bốn tên giáo đầu Ngự-Lâm quân canh gác tứ phía.
Vô-Trần Đạo-Nhân suy nghĩ một chút rồi hỏi:
-Theo như ngũ đệ nhận xét thì Trương-Siêu-Trọng là người thế nào?
Thường-Bá-Chí nói:
-Trương-Siêu-Trọng tuổi không quá 40, hình dáng kỳ vĩ khôi ngô, trông tựa như một trang hào kiệt, một anh hùng trượng phu danh tiếng; râu y ngắn và rậm, đôi mắt sáng quắc, tướng mạo của một nhân vật dũng cảm đa mưu.
Thường-Thích-Chí cũng nói:
-Đạo trưởng à! Hai anh em chúng tôi lấy cặp mắt khách quan mà nhận xét Trương-Siêu-Trọng để nếu có phải ra tay quyết đấu sẽ không bị lầm lạc. Dù vậy, chúng tôi không khiếp sợ hắn đâu. Nếu hai bên giao chiến, chúng tôi quyết không chịu nhượng bộ hắn một chiêu nào đâu! Nếu hắn nổi danh là Hỏa-Thủ Phán-Quan thì hai anh em chúng tôi cũng là Tây-Xuyên Song-Hiệp. Cho dù Trương-Siêu-Trọng có lợi hại đến đâu đi chăng nữa chúng ta cũng đừng khiếp nhược để làm mất đi uy phong của mình.
Vô-Trần Đạo-Nhân cười đáp:
-Hồng Hoa Hội chúng ta vì chính nghĩa diệt thù chung để giải phóng ách nô lệ cho dân tộc, cho đến quân đội mấy trăm vạn quân của triều đình Mãn-Thanh kia còn chưa sợ thì lẽ nào lại đi sợ một tên ưng khuyển như Trương-Siêu-Trọng? Lão phu từ lúc cầm kiếm tung hoành trong thiên hạ vẫn hằng mong ước tìm được một đối thủ chịu đựng nổi mình một vài trăm hiệp nhưng tuyệt nhiên chưa lần nào được thỏa mãn nên vẫn khát khao mà ao ước. Bỏ lâu không dượt nên tay chậm kiếm lụt. Tuy nhiên, lão phu cũng quyết cho Trương-Siêu-Trọng thấy đường gươm của mình có lợi hại bằng bảo kiếm của hắn hay không!
Xoay qua Triệu-Bán-Sơn, Vô-Trần Đạo-Nhân nói tiếp:
-Tam đệ! Cái ngoại hiệu Thiên-Thủ Như-Lai của tam đệ có ai nghe mà không thán phục? Vậy tam đệ có quyết cùng Trương-Siêu-Trọng một trận thư hùng để cho rõ xem Hỏa-Thủ Phán-Quan hay Thiên-Thủ Như-Lai ai hơn ai kém không?
Triệu-Bán-Sơn nói:
-Nếu Vô-Trần đạo huynh mà thử sức với Trương-Siêu-Trọng thì đệ tin phần thắng sẽ về đạo huynh đó. Cứ căn cứ theo lời của Lục-Phỉ-Thanh lão ca thì coi bộ hắn với đệ tài sức nghiêng ngửa, là kỳ phùng địch thủ, tướng ngộ lương tài, chưa biết được ai sẽ hơn ai. Tuy nhiên, đệ cũng muốn được một trận sống mái với tên ưng khuyển này để hắn khỏi tự phụ, cho mình là thiên hạ vô địch nữa! Khi dịp đã đến, có lẽ nào đệ lại bỏ qua?
Vô-Trần Đạo-Nhân vỗ tay cả cười, ông ta nói:
-Ngu huynh biết tam đệ khí phách hiên ngang, thủ đoạn anh hùng. Nhưng mong tam đệ hãy nhường cho ngu huynh đánh với Trương-Siêu-Trọng trước, chẳng hay tam đệ có đồng ý không?
Triệu-Bán-Sơn nói:
-Việc gì thì đệ không dám cãi, luôn luôn theo lời dạy của lão huynh chứ việc này thì đệ yêu cầu lão huynh phải nhường cho đệ vì sau khi Đồ-Long-Hội tan rã, một số anh em bang hội bị giết và bị bắt hay đi mai danh ẩn tích cũng chỉ vì cái tên khốn kiếp này! Mối thù này sở dĩ chưa rửa được là vì chưa có cơ hội chư nào phải là đệ sợ hắn đâu!
Vô-Trần Đạo-Nhân nói:
-Tên Trương-Siêu-Trọng kia nào phải là kẻ thù riêng của Đồ-Long-Hội mà tam đệ giành phải trả? Hắn là kẻ thù chung của Hán-tộc thì tất cả ai có một chút Hán huyết đều có quyền giết nó cả!
Triệu-Bán-Sơn nói:
-Đành là vậy! Nhưng nếu lão huynh để cho đệ cơ hội vừa tả thù chung lẫn thù riêng thì có hợp tình hợp lý hơn không?
Vô-Trần Đạo-Nhân lại nói:
-Cho dù là Đồ-Long-Hội ngày trước hay Hồng Hoa Hội ngày nay thì cũng đều là hai tổ chức cách mạng cùng theo đuổi một mục đích như nhau cả. Đồ-Long-Hội tức là Hồng Hoa Hội, tại sao tam đệ lại phải phân biệt như vậy? Ngu huynh mà diệt được Trương-Siêu-Trọng thì chẳng phải là trả thù cho các anh em Đồ-Long-Hội luôn đó sao? Theo cấp bậc thứ tự trong Hồng Hoa Hội thì huynh ở trên đệ, do đó đệ phải nhường cho huynh mới là hợp tình hợp lý!
Trần-Gia-Cách thấy Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn cứ tranh nhau mãi trong việc quyết đấu với Trương-Siêu-Trọng thì vội xen vào can thiệp.
-Cứ theo thiển ý của tôi thì hai vị không nên tranh nhau làm gì. Chúng ta cùng nhau cáng đáng việc nước thì điều nào có lợi ích chung thì tự lực ra tay. Chúng ta nên cân nhắc điều lợi hại trước thay vì tranh giành nhau như vậy!
Mọi người nghe xong thì ai nấy đều tỏ vẻ tánh thành ý kiến của Tổng-Đà-Chủ. Không riêng gì Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn, lúc bấy giờ ai nấy đều lộ vẻ hăng hái lạ thường, chỉ muốn được cùng Trương-Siêu-Trọng đánh nhau một trận sống chết để giải cứu cho Văn-Thái-Lai và diệt trừ một tên Hán-gian phản quốc, tội ác cao bằng non...
Sau đó, mọi người cùng nhau lo cơm nước, cỏ lúa cho ngựa để chuẩn bị lên đường thi hành công tác một khi có lệnh của Tổng-Đà-Chủ ban hành.
Sau khi nhận được tin tức đầy đủ và mọi việc đã quyết định xong xuôi, Trần-Gia-Cách tụ họp mọi người lại nói:
-Theo như tôi đã nhận xét kỹ lưỡng thì đám người Duy và đội xa mã có quân lính triều đình hộ tống kia mặc dù đi chung đường với bọn Trương-Siêu-Trọng nhưng có lẽ hoàn toàn vì chuyện riêng chứ không có liên hệ hay cấu kết với nhau. Như vậy, chúng ta cứ chờ cho họ đi qua khỏi rồi hẵng tấn công đám Trương-Siêu-Trọng để giải cứu Văn tứ ca ắt không sợ họ nhúng tay vào.
Xoay sang Dư-Ngư-Đồng, Trần-Gia-Cách truyền lệnh:
-Thập-tứ đệ! Em bất tất phải đi theo dò xét đám người Duy đó nữa mà làm gì! Hãy cùng thập-tam ca hợp sức với nhau mà đuổi theo đám hành xa có quan binh hộ tống kia mà canh chừng thì hơn. Trách nhiệm của hai người là đừng cho đám người này can thiệp vào công việc của chúng ta. Trong khi chúng ta giao chiến với đám Trương-Siêu-Trọng mà họ có ý định trợ lực cho hắn thì em và thập-tam ca phải cô lập chúng lại ngay. Nhưng có điều là hai người phải nhớ kỹ là cố đừng làm thương tổn đến mạng người. Chuyện đổ máu nếu phải xảy ra thì cố giữ sao ít chừng nào tốt chừng đó.
Tưởng-Tứ-Căn cũng như Dư-Ngư-Đồng, đều hội ý và tuân lệnh Trần-Gia-Cách ra đi thi hành nhiệm vụ. Xoay qua Vệ-Xuân-Hoa và Thạch-Song-Anh, Trần-Gia-Cách lại ra lệnh:
-Cửu đương-gia và thập-nhị đương-gia nên tức khắc lên đường bây giờ. Trách nhiệm của hai người là chặn đầu đám Trương-Siêu-Trọng lại.
Thạch-Song-Anh toan đi ngay nhưng bị Vệ-Xuân-Hoa nắm áo lôi lại. Cửu đương-gia lại hỏi vị Tổng-Đà-Chủ rằng:
-Chúng tôi chận đầu bọn Trương-Siêu-Trọng bằng cách nào, mong Tổng-Đà-Chủ cho biết rõ ràng hơn.
Trần-Gia-Cách nói:
-Hai người phóng ngựa thật mau qua mặt chúng rồi chặn giữ ở hốc núi. Đó là con đường duy nhất bọn Trương-Siêu-Trọng phải đi qua nếu muốn về Bắc-Kinh chứ không còn cách nào khác hơn nữa. Ngoài ra những người ngựa dù là ở các phía Đông, Tây cũng phải chặn lại hết, không cho qua.
Vệ-Xuân-Hoa và Thạch-Song-Anh nhận lệnh đi rồi, Trần-Gia-Cách quay sang tiếp tục phân công:
-Vô-Trần Đạo trưởng cùng Tây-Xuyên Song-Hiệp, hai vị, lãnh trách nhiệm đối phó với quan-sai, đừng cho chúng tiếp tay cho Trương-Siêu-Trọng. Triệu tam ca và Dương bát ca thì lo phận sự đối phó với bọn tiêu sư của Trấn-Viễn tiêu cục. Nếu cần cứ trừ hết chúng đi chứ đừng nhân nhượng. Đừng quên chúng đã tiếp tay với bọn ưng khuyển để Văn tứ ca bị bắt và thọc gậy bánh xe gây nên những cuộc tương tàn tương sát và khiến Thiết-Đảm-Trang biến thành một đống tro tàn. Một khi Vương-Duy-Dương đã cho bọn tiêu sư tiếp tay với đám ưng khuyển tức là đã công khai thù nghịch với chúng ta rồi, không còn phải nể mặt hắn làm gì nữa.
Triệu-Bán-Sơn và Dương-Thanh-Hiệp cũng vâng lời nhận lệnh. Nhìn Lạc-Băng và Tâm-Nghiện, Trần-Gia-Cách nói:
-Còn Văn tứ tẩu và Tâm-Nghiện thì thừa lúc bốn mặt giao tranh kịch liệt lập tức xông vào đoạt tù xa cứu Văn tứ ca, cứ tùy nghi mà hành động. Ai nấy cứ theo công việc của mình mà làm. Sau khi thu dọn chiến trường tôi sẽ có kế hoạch rút lui.
Nghe cách điều hành của Trần-Gia-Cách, ai nấy đều bội phục chẳng cùng, răm rắp vâng theo. Bỗng đâu Chương-Tấn hét lên một tiếng như long trời lở đất mặt đỏ bừng, nghiến răng đứng dậy nói lớn lên rằng:
-Tổng-Đà-Chủ! Còn thằng gù đây nữa để làm chi? Chẳng lẽ nó bất tài đến độ không đáng cho Tổng-Đà-Chủ tin cậy mà giao phó công việc hay sao? Từ ngày gia nhập Hồng Hoa Hội, Chương-đà-tử (#3) này đã bao phen đông xung tây đột rồi chứ nào có tham sinh húy tử bao giờ? Sao Tổng-Đà-Chủ lại không dùng?
Trần-Gia-Cách nói:
-Nào tôi có quên thập ca đâu? Và nào tôi có phủ nhận công lao của huynh đã hy sinh nhiều cho Hồng Hoa Hội? Tiểu đệ đang cần một người lãnh nhận một công tác hết sức quan trọng và biết chỉ có thập ca mới đủ sức hoàn thành công tác này nhưng chưa biết thập ca có sẵn lòng đảm nhiệm hay không nên vẫn còn do dự chưa quyết.
Chương-Tấn khảng khái nói:
-Dù cho việc đó có khó khăn đến đâu đi chăng nữa, Chương-Tấn này há sợ mà không dám nhận lãnh? Tổng-Đà-Chủ cứ cho biết tôn ý!
Trần-Gia-Cách nói:
-Trước khi tôi giao phó công việc này, tôi cần biết thập ca có chịu hứa là không uống một giọt rượu nào cho đến khi mọi việc hoàn tất không?
Chương-Tấn nói:
-Đối với Chương-Tấn này thì rượu là tất cả. Không có rượu thì buồn lắm, sẽ không làm được việc gì đâu. Nhưng nếu là vậy thì xin Tổng-Đà-Chủ cho tôi uống trước một bữa thật say sưa rồi sau đó sẽ chừa hẳn cho đến khi hoàn thành công tác.
Trần-Gia-Cách nghiêm mặt nói:
-Đây không phải là lúc cho thập ca đùa giỡn! Nếu có chịu hứa chắc thì tôi mới ủy thác trách nhiệm, không thì đành nhờ người khác hoặc chính tay tôi tự đảm nhiệm lấy chứ chẳng dám giao cho thập ca đâu!
Chương-Tấn tha thiết, nói như van nài:
-Nói thì nói vậy thôi, chứ có đời nào Chương-Tấn lại tham rượu để hỏng công việc chung bao giờ. Tổng-Đà-Chủ cứ phân công! Nếu cần thì đà-tử này xin làm quân lệnh trạng để Tổng-Đà-Chủ yên tâm.
Trần-Gia-Cách gật đầu nói:
-Được! Vậy thì thập ca hãy lắng nghe cho kỹ công tác đây. Thập ca phải cố gắng làm cho xong ba việc này. Thứ nhất, phải án ngữ một ngã đường trọng yếu, nếu thấy bọn quan binh và công sai nhắm hướng Đông mà chạy thì phải lập tức chặn lại không cho đi, nếu tên nào nhất định bước qua thì cứ việc hạ sát. Thứ hai, khi nào gặp hai đội của hai tiền bối Lục-Phỉ-Thanh và Châu-Trọng-Anh thì lập tức gọi đến yêu cầu trợ chiến. Và thứ ba, khi cứu được Văn tứ ca rồi thì thập ca lập tức cùng tứ tẩu hộ tống Văn tứ ca nhắm hướng Tân-Cương mà đi thẳng. Khi nào tới địa giới Tân-Cương, thập ca theo phía núi Thiên-Trì đưa Văn tú ca lên động giao cho sư phụ tôi là Thiên-Trì Quái-Hiệp Viên-Sĩ-Tiêu chăm nom điều trị thương tích. Những biến cố có thể xảy ra dọc đường thập ca không cần phải lo vì tôi đã có chủ kiến, sẽ cắt đặt người của Hồng Hoa Hội bảo vệ đâu đó thật chu đáo. Sau khi qua khỏi hang Tinh-Tinh thì mọi người ai nấy mau trở về tổng hành dinh ở Giang-Nam để cùng nhau bàn thảo kế hoạch tổng phản công.
Trần-Gia-Cách dặn câu nào, Chương-Tấn để ý chăm chú lắng tai nghe thật tỉ mỉ, tỏ vẻ hết lòng tận tụy với trách nhiệm giao phó. Nhận lãnh công tác xong, nét mặt Chương-Tấn tươi vui hớn hở như rất mãn nguyện.
Sau khi phân công đâu đó xong xuôi, mọi người ra khỏi Nhạc-Vương-Miếu thượng mã lên đường...
Lạc-Băng là người hăng hái nhất trong việc giải cứu Văn-Thái-Lai, lại nhờ có con thiên lý mã nên thành thử đi quá lẹ làm tất cả mọi người đuổi theo không kịp. Lạc-Băng phải năm lần bảy lượt dừng lại đợi. Vì quá nóng lòng giải cứu trượng phu, nàng đâm ra mất cả khôn ngoan, cho rằng mọi người không chịu cố gắng tích cực tham gia nên cố ý đi chậm để trì hoãn. Nàng buông lời than, hết trách người này sang người nọ, nhưng ai nấy đều thông cảm cho nàng nên chỉ mỉm cười mà không nỡ trách cứ. Thế nhưng nàng cứ nói mãi, lập đi lập lại nhiều lần khiến ai nấy đều phải bực mình.
Chương trước | Chương sau