Chàng bèn chui luôn vào trong bụi cỏ, bò được hơn chục trượng nghĩ thầm: "Ta sử dụng cả chân lẫn tay, phải gọi là Lăng Ba Vi Bà mới đúng".
bạn đang xem “Thiên long bát bộ - Kim Dung ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Chàng nghe thấy tiếng kêu la xa dần, không ai đuổi theo cả nên đứng thẳng lên nhắm hướng rừng rậm đằng sau núi mà chạy. Chạy một hồi lâu nhưng không thấy mỏi mệt chút nào, trong bụng thấy hơi lạ lùng, nghĩ thầm: "Ta chớ có quá sợ hãi mà kiệt sức mất". Chàng bèn ngồi dưới một gốc cây nghỉ ngơi nhưng chỉ thấy toàn thân tinh lực đầy rẫy, dường như quá nhiều có cần gì phải nghỉ?
Chàng nhủ thầm: "Người ta khi gặp chuyện vui thì tinh thần đâm ra sảng khoái nhưng rồi về sau mới thấy chịu không nổi. Quẻ Chấn hào lục nhị có viết là: Vật trục, thất nhật đắc . Hôm nay chẳng đúng là mình bị khốn khổ đúng bảy ngày hay sao? Hai chữ "vật trục" phải ghi nhớ kỹ".
Chàng bèn đem nội lực tích trữ được trong huyệt Đãn Trung từ từ đẩy vào Thủ Thái Âm Phế Kinh nhưng vì nội lực quá nhiều, đi tới đi lui, đưa mãi không hết đến về sau bỗng thấy sợ hãi: "Việc này xem ra có điều không xong, e rằng thật là nguy hiểm". Chàng thấy đã bớt tức ngực nên ngừng lại không vận khí nữa đứng lên đi tiếp, nghĩ thầm: "Ta làm sao đến gặp Mộc cô nương để cho cô ta biết là mình đã chạy được rồi? Đứa con nhỏ của Tả Tử Mục đem trả lại cho y để cho y khỏi lo lắng nhớ mong".
Đi được chừng một dặm nghe thấy mấy tiếng chít chít, trước mắt thấy một vật gì màu xám tro thấp thoáng, một con thú nhanh nhẹn dị thường chạy vụt qua, đúng là con thiểm điện điêu của Chung Linh. Có điều con vật chạy nhanh quá nên nhìn không rõ nhưng loại thú nhỏ mà nhanh như thế thì nhất định phải là con chồn đó rồi. Đoàn Dự mừng lắm nghĩ thầm: "Chung cô nương đi kiếm ngươi khắp nơi, thì ra chú mày chạy tới tận đây. Để ta bồng ngươi đem về trả lại cho chủ, cô nàng thể nào cũng mừng lắm đó".
Chàng bắt chước Chung Linh huýt sáo miệng mấy tiếng. Bóng xám vụt một cái, một con vật từ trên cao nhảy xuống trước mặt chàng chừng một trượng, đôi mắt long lanh chuyển động, chăm chăm nhìn chàng, quả đúng là con thiểm điện điêu. Đoàn Dự lại huýt thêm mấy tiếng nữa, con chồn đi lên mấy bước, nằm phục trên mặt đất không động đậy.
Đoàn Dự kêu khẽ:
-Chồn ngoan ơi! Chồn cưng ơi! Để ta đem ngươi về cho chủ ngươi nhé.
Chàng vừa huýt sáo vừa tiến lên, con thiểm điện điêu vẫn không cử động. Đoàn Dự biết rằng con chồn này chạy nhanh như gió, răng có chất độc nhưng đối với chủ nhân thì mười phần dễ bảo, thấy đôi mắt linh hoạt của nó xoay chuyển không ngừng trông thật dễ thương, bèn huýt sáo mấy tiếng tiến lại gần thêm mấy bước, chậm rãi ngồi xuống nói:
-Điêu nhi ngoan quá!
Chàng khoan thai đưa tay ra vỗ vỗ lưng nó, con chồn vẫn nằm yên không cử động. Đoàn Dự vuốt nhẹ lên sống lưng mềm mại mượt mà của con vật, dịu dàng nói:
-Chồn ngoan ơi, thôi mình đi về nhà nhé!
Tay trái lòn xuống toan bồng con thiểm điện điêu lên. Đột nhiên chàng thấy hai tay giật mạnh một cái, tiếp theo đùi trái đau nhói, một bóng xám thấp thoáng con chồn đã chạy vụt ra ngoài xa cả trượng nhưng vẫn đứng đó đôi mắt nhỏ long lanh nhìn chàng. Đoàn Dự kinh hãi kêu lên:
-Chao ôi! Ngươi cắn phải ta rồi!
Chỉ thấy ống quần bị rách một lỗ nhỏ, vội vén quần lên thấy bên trong đùi có hai vết răng, máu tươi đang rướm ra. Chàng nghĩ đến thảm trạng bang chủ Thần Nông Bang Tư Không Huyền phải chịu tự chặt cánh tay, sợ đến không còn hồn vía nào nữa, chỉ biết ấp úng:
-Ngươi ... ngươi ... ngươi sao không biết phải quấy gì cả? Ta là bạn của chủ ngươi mà! Chết ta rồi!
Chàng thấy chân trái ê ẩm, quì phục xuống đất, hai tay bóp chặt bên trên vết thương để chặn cho chất độc khỏi chạy lên. Tiếp theo chàng thấy chân phải cũng tê đi, liền ngã lăn ra. Chàng hết sức kinh hoàng chống hay tay xuống đất toan đứng lên nhưng cánh tay rồi cũng cứng đơ không còn hơi sức gì nữa. Chàng bò lết về trước mấy bước, con thiểm điện điêu vẫn nằm yên chăm chăm nhìn chàng.
Đoàn Dự kêu khổ thầm: "Ta quả là lỗ mãng thái quá, con chồn này là do Chung cô nương nuôi dưỡng chỉ nghe một mình nàng mà thôi. Chắc là ta huýt sáo không đúng điệu. Thế ... thế thì làm sao đây?". Chàng biết rằng nếu bị thiểm điện điêu cắn phải thì chỉ có cách học Tư Không Huyền, rút đao chặt luôn chân trái. Thế nhưng trong tay chàng đâu có đao kiếm gì, cũng không dám quả đoán dũng cảm như y, lại vừa mới học xong Lăng Ba Vi Bộ, nếu như mất đi một chân thì chỉ có nước thi triển môn Lăng Ba Nhảy Lò Cò thật là vô vị hết nước nói.
Chàng tự oán trách mình một hồi, chân tay và thân mình dần dần đờ đẫn, biết rằng chất độc đã lan ra khắp người, sau cùng thì mắt cũng mở trừng trừng, mồm há hốc không còn ngậm lại được. Tuy nhiên thần trí chàng vẫn còn tỉnh táo, nghĩ thầm: "Ta chết như thế này, hình dáng thật là bất nhã khó coi, mồm mở toang hoác không biết sẽ thành quỉ khờ hay quỉ đói? Thế nhưng trong trăm điều hại cũng được một điều hay, Mộc cô nương nếu như thấy cái xác ta đít không khố, mắt trợn trừng, ghê tởm muốn mửa, lòng nhớ nhung ắt sẽ giảm đi nhiều, như thế cũng có đôi chút lợi ích cho nàng".
Bỗng nghe mấy tiếng uềnh oang, uềnh oang, uềnh oang rền vang, tiếp theo mấy tiếng bạch bạch, từ trong cỏ nhảy ra một con vật khiến cho Đoàn Dự càng kinh hãi thêm: "Chao ôi, vạn độc chi vương Mãng Cổ Chu Cáp đến rồi. Hai gã kia nói nếu gặp phải con này toàn thân sẽ hóa thành một đống máu bầy nhầy, biết làm thế nào?" Thế nhưng chàng lại nghĩ ngay: "Thật là dở hơi! Một đống thịt nát với cái xác hở mông, há hốc mồm có khác gì nhau, cái nào đẹp hơn cái nào? Thà là một đống bầy hầy còn hơn cái xác xấu xa".
Chàng chỉ nghe uềnh oang liên tiếp, con vật đã nhảy ngay đến bên cạnh nhưng cổ cứng đơ rồi nên không sao quay đầu nhìn nó được, có muốn thành một đống máu thì cũng không xong. Lại nghe mấy tiếng bạch bạch, con vật đã nhảy tới chỗ con thiểm điện điêu. Đoàn Dự không khỏi kinh ngạc vạn phần, thấy đó chỉ là một con nhái nhỏ xíu, dài chừng hai tấc, toàn thân đỏ như máu, đôi mắt lấp lánh kim quang. Con nhái há mồm, làn da mỏng bên dưới cổ lại rung động, một tiếng uềnh oang như bò rống nổi lên. Con vật bé như thế mà lại có thể kêu lớn đến vậy, nếu không chính mắt trông thấy thì thật chẳng ai dám tin. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Cái tên của nó nghe thật đúng, tiếng thì kêu như bò mộng, thân hình thì đỏ như son, tên Mãng Cổ Chu Cáp là phải rồi. Tuy nhiên bảo là vừa thấy nó lập tức biến thành một đống máu là sai. Mãng Cổ Chu Cáp hẳn là cái tên người nào đó đã từng gặp nó đặt cho. Thế nhưng nếu đã thành một đống máu thị bầy hầy thì còn làm sao đặt tên cho nó được?".
Con thiểm điện điêu thấy con chu cáp dường như có vẻ hơi sợ, quay đầu định chạy nhưng lại không dám, đột nhiên tung mình xông tới. Con nhái há mồm uềnh oang một tiếng, một làn hơi màu đỏ nhạt phun thẳng vào con chồn. Thiểm điện điêu đang nhảy ở trên không bị phun trúng hơi độc liền rơi phịch xuống cố xông lên đớp vào lưng con chu cáp. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Hóa ra con chồn vẫn ghê gớm hơn". Ngờ đâu chàng vừa nghĩ thế, con chồn đã ngã lăn ra, bốn chân dãy dãy vài cái rồi không còn cử động gì nữa.
Đoàn Dự trong bụng kêu lên: "Chết rồi!". Con chồn này tuy cắn "chết" chàng thật nhưng chàng biết lỗi ở mình chưa biết sai bảo con vật, đường đột đụng vào nó chứ bụng không oán trách gì con chồn dễ thương kia. Nay thấy con vật chết tươi, trong bụng xót xa: "Ôi, Chung cô nương nếu như biết được không biết sẽ đau lòng biết chừng nào?".
Chỉ thấy con chu cáp nhảy lên cái xác con thiểm điện điêu, ghé miệng hút má bên trái, xong lại hút má bên phải. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Mãng Cổ Chu Cáp được gọi là vua của mọi loại độc, quả thật danh bất hư truyền. Con chồn răng có chất kịch độc, cắn vào người nó có khác gì tự uống thuốc độc mà chết, bây giờ con chu cáp lại đi hút túi chất độc của con điêu này. Thiểm điện điêu dĩ nhiên lanh lợi dễ thương, con chu cáp cũng thân đỏ như son, mắt vàng sáng chóe thật là đẹp đẽ, có ai biết đâu bên ngoài mỹ lệ là thế, bên trong lại độc địa kinh hồn. Thần tiên tỉ tỉ ơi, ta không có nói về nàng đâu!".
Con chu cáp nhảy từ trên mình con chồn xuống, uềnh oang, uềnh oang mấy tiếng. Bỗng trong đám cỏ có tiếng sột soạt chui ra một con rết lớn màu đen vằn đỏ, chân dài đến bảy tám tấc. Con nhái đỏ liền xông lên nhưng con rết kia bò thật nhanh, lập tức bỏ chạy. Chu cáp vồ luôn mấy lượt nhưng đều không trúng liền uềnh oang một tiếng đang toan phun sương độc, con rết bỗng nhảy vọt lên rơi thẳng vào trong mồm Đoàn Dự.
Đoàn Dự kinh hãi quá nhưng khổ nỗi không sao cử động được, ngay cả ngậm mồm lại cũng không xong, trong bụng kêu thầm: "Ôi, đây là cái miệng của ta, lão huynh chớ có tưởng lầm, lại tưởng là hang rết ..." Nghe sột soạt, con rết kia chẳng nể nang gì bò luôn qua lưỡi chàng chui tọt xuống. Đoàn Dự sợ hãi dường như muốn xỉu chỉ thấy cổ họng rồi thực quản ngứa ngáy, con rết đã vào hẳn trong bụng chàng rồi.
Ngờ đâu họa vô đơn chí, Mãng Cổ Chu Cáp cũng nhảy lên, ngồi chồm chỗm ngay trên lưỡi chàng, tiếp theo là cổ họng lạnh toát, con nhái cũng đã chui vào đuổi theo con rết. Con nhái da trơn tuột, chui xuống còn nhanh hơn. Đoàn Dự nghe đâu trong bụng mình có mấy tiếng uềnh oang, uềnh oang nhưng âm thanh uất nghẹn, thấy rằng trên đời này thật không còn gì bi thảm hơn, mà cũng không gì tức cười bằng, chỉ muốn khóa òa lên, cũng lại muốn cười hô hố. Thế nhưng bắp thịt đã cứng đờ rồi làm gì còn phát xuất được thanh âm? Mắt chàng lệ rơi lã chã, tí tách rớt xuống đất.
Chỉ trong khoảnh khắc, trong bụng như thấy sôi lên, sùng sục thật là khổ sở, cũng chẳng biết con nhái đã bắt được con rết chưa, chỉ biết kêu thầm: "Chu cáp nhân huynh, mau mau bắt anh chàng rết rồi chui ra đi. Bụng của tại hạ có gì là vui thú đâu".
Một lúc sau, trong bụng không còn thấy lục cục gì nữa, đến tiếng uềnh oang cũng không nghe nhưng càng đau đớn hơn nhiều. Thêm một lát nữa, miệng chàng bỗng đóng lại được, răng cắn ngay phải lưỡi đau nhói lên đầu lưỡi liền rụt trở vào. Chàng vừa mừng vừa sợ, kêu lên:
-Chu cáp nhân huynh, xin mau mau ra cho.
Chàng há mồm cho con nhái bò ra đợi một lúc lâu vẫn không nghe động tĩnh gì. Chàng lại kêu lên:
-Uềnh oang, uềnh oang!
Dụ cho con chu cáp chui ra nhưng không biết con nhái đó nghe mà không thèm để ý hay vì thấy không đúng giọng nên chẳng buồn trồi lên, cứ nằm yên trong bụng chàng.
Đoàn Dự hết sức bồn chồn, thò tay vào móc trong mồm, móc đi móc lại bỗng nhớ ra: "Ồ! Tay ta cử động được rồi". Chàng vươn vai đứng lên, cảm giác tê dại của chân tay không biết biến mất từ bao giờ. Chàng kêu lên:
-Lạ thật! Lạ thật!
Nghĩ thầm: "Cái anh chàng vạn độc chi vương này chắc ở luôn trong bụng ta, tính chuyện an cư lạc nghiệp, phải làm gì đây? Không thể nào không mời y dọn nhà đi chỗ khác cho xong". Chàng bèn chống hai tay xuống đất trồng chuối ngược, hai chân tựa vào một cây to, há mồm cố hết sức lắc người một hồi lâu nhưng vẫn không nghe động tĩnh gì của con nhái đỏ, dường như nó đã quyết định chọn bụng chàng làm nơi ăn chốn ở mãn đời mãn kiếp.
Đoàn Dự không còn biết cách gì hơn đành tự nhủ: "Chắc là anh chàng vạn độc chi vương này và con rết kia vào rồi biến thành đồ ăn trong bụng ta, dĩ độc công độc, thành ra giải được chất độc của con chồn. Ta ăn phải những con vật kịch độc như thế nhưng sao giờ đây không thấy đau bụng nữa thật là lạ lùng".
Chàng có biết đâu chất độc của rắn rết tan vào máu thì sẽ chết ngay nhưng ăn vào trong bụng, nếu trong miệng, yết hầu, thực quản và ruột không có vết thương thì lại không sao cả. Thành ra khi người ta bị rắn độc cắn vẫn có thể dùng mồm hút máu độc ra. Có điều chất độc trong thiên hạ thiên biến vạn hóa, không thể một lời mà nói hết được. Con Mãng Cổ Chu Cáp tuy là loại kỳ độc nhưng vào trong dạ dày lại không sao, lại bị chất dịch vị tiêu hóa. Đối với con nhái đỏ thì chính chất cường toan trong ruột mới thực là chất độc đã biến nó thành một cục máu bầy nhầy.
Đoàn Dự đứng lên, đi tới vài bước bỗng thấy trong bụng có một làn hơi nóng như lửa đốt, không khỏi kêu lên:
-Chao ôi!
Làn hơi nóng đó chạy đông chạy tây không sao tống ra được. Chàng há miệng định nôn nhưng không cách nào mửa được, hít một hơi dài, hết sức khạc mạnh chỉ mong chất độc con chu cáp theo đó mà ra, ngờ đâu vừa thổ thì làn hơi nóng đó biến thành một nhiệt tuyến, chầm chậm chui vào Nhâm Mạch. Đoàn Dự nghĩ thầm: "Giỏi nhỉ, thôi thì mình một liều ba bảy cũng liều, chu cáp lão huynh ơi, hồn ma lão huynh quấn quít tại hạ, thôi thì biển khí nơi huyệt Đãn Trung của ta cầm bằng là nơi an nghỉ nghìn thu của lão huynh. Nếu như lão huynh muốn hạ độc giết ta, Đoàn Dự này lúc nào cũng sẵn sàng".
Chàng theo đúng phương pháp thở hút vận khí, làn hơi ấm quả nhiên đi theo đường kinh mạch chạy vào trong biển khí ở huyệt Đãn Trung nhưng không thấy gì khác lạ.
Đoàn Dự loay hoay mất cả nửa ngày nhưng không thấy gì mệt mỏi, bèn kiếm đất đá vùi xác con thiểm điện điêu lại, khấn thầm: "Thiểm điện điêu tiểu đệ đệ ơi, lần sau ta sẽ dẫn Chung cô nương tới đây viếng phần mộ ngươi cúng vái, bắt vài con rắn độc cho mi. Vừa rồi mi cắn ta một cái là do vô tâm, ta không mách lại với chủ ngươi đâu để nàng khỏi trách, ngươi cứ an tâm".
Chàng ra khỏi khu rừng, chẳng mấy chốc đã gặp Tả Tử Mục cầm kiếm chạy thục mạng, nghĩ thầm: "Y vẫn còn đang đuổi theo Mộc cô nương, ta không thể nào đứng ngoài được". Nghĩ thế bèn len lén đuổi theo sau, lúc này trong người chàng đã có nội lực của bảy tên đệ tử Vô Lượng Kiếm nên không phí hơi sức đã lên được trên núi. Tả Tử Mục lo lắng cho an nguy của đứa con nên không để ý có người đuổi theo mình. Đoàn Dự thì sợ y quay lại gây sự, lại bắt mình đem đến đánh đổi với Mộc Uyển Thanh nên ở cách thật xa, đi đến lưng chừng núi nghĩ đến mình sắp được gặp lại Mộc Uyển Thanh, trong lòng rộn ràng, lại e ngại Nam Hải Ngạc Thần đợi lâu không được đã giết nàng mất rồi nên nhịn không nổi bèn gọi toáng lên.
Chú thích:
8 là vợ của Viên Hi, con trai Viên Thiệu, khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu bắt được Chân thị. Tào Thực xin cha gả cho mình nhưng Tào Tháo lại gả cho Tào Phi (con trưởng). Khi Tào Phi cướp ngôi nhà Hán, Chân thị được lập làm Hoàng Hậu sinh ra Minh Đế. Năm Hoàng Sơ thứ hai Hậu chết, năm sau Tào Thực về triều đi ngang sông Lạc nhớ đến Chân thị, bỗng thấy Chân thị hiện ra giãi bày tấm lòng mình. Thực vừa mừng vừa buồn nên làm bài Cảm Chân Phú để ghi lại việc hai người gặp gỡ. Về sau Minh Đế đọc được đổi tên thành Lạc Thần Phú (Ngụy Chí Văn Chiêu Chân Hoàng Hậu truyện).
9 Trong chương này có rất nhiều thi văn. Người dịch chỉ gượng gạo thoát ý chuyển sang văn vần cho khỏi lạc điệu nguyên tác nhưng chắc chắn kém xa những tác giả chuyên dịch cổ văn. Nếu vị nào kiếm được bản dịch Lạc Thần Phú của một người khác đã dịch làm ơn chuyển lại cho chúng tôi để thay vào thì thật quí hóa. Xin cảm ơn trước. (Nguyễn Duy Chính)
10 con nhái đỏ, nhái tiếng kêu rống như bò
11 Manjusri tức Văn Thù Sư Lợi tượng trưng cho trí huệ bát nhã
12 Samantabhadra là bồ tát đại diện cho bình đẳng
13 Lão tử được các đạo sĩ tôn xưng lên thành một vị tiên
14 thần ôn dịch truyền bệnh
15 nguyên tác dùng câu tục ngữ Trung Hoa, vua không lo, thái giám lại lo tương đương với câu ca dao Việt Nam "Thành đổ đã có vua xây, Việc gì gái góa lo ngày lo đêm".
16 Một vòng tròn từ đầu đi hết rồi vòng trở lại. Nội công có hai vòng, nhỏ là tiểu chu thiên, lớn là đại chu thiên.
17 phiên nhược kinh hồng, uyển nhược du long
18 Trăm sông đổ vào biển cả
19 cầu tiêu
20 Kế cuối cùng trong Tam Thập Lục Kế là Tẩu Kế tức bỏ chạy.
21 Bộ là bước đi, Bà là bò dưới đất
22 Dù có mất nhưng đừng đuổi theo, bảy ngày sẽ lấy lại được
Chương trước | Chương sau