Ngô Giới vội gọi:
bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
- Này cháu ơi. Cháu giúp bần đạo, bần đạo tặng bạc cho cháu này.
Nói rồi , y móc túi lấy ra một nén bạc tung lên. Nén bạc chui tọt vào túi áo đứa con trai. Đứa con trai kinh ngạc, cầm nén bạc ra nhìn, rồi cười:
- Ừ, ông là Tầu buôn thực. Ông giầu có, nên mới cho cháu nhiều thế này.
Nó nói lớn:
- Hôm nay là ngày có bẩy con nước, nên buổi sáng nước tuy rút đi, mà chiều thì lại lên cao lắm, có khi ngập tới bờ đê lận. Các ông chịu khó chờ. Từ sau Ngọ, nước bắt đầu lên.
Ghi chú của thuật giả:
Miền đồng bằng sông Hồng, nước lên xuống mỗi ngày một lần. Ngày nào nước lên cao, ngày nào nước lên thấp, lên đến độ nào rồi xuống (ròng); lúc nào lên, lúc nào đứng, lúc nào xuống... trẻ con vào tuổi lên bẩy, lên tám đã biết. Đó là cách chiêm nghiệm rất thực tế. Ngô vương Quyền, vua Lê Đại-Hành, Hưng-Đạo vương phá quân Bắc ở Bạch-đằng; vua Quang-Trung phá quân Xiêm-la ở Rạch-gầm đều lợi dụng con nước lên xuống mà thắng trận. Cách tính con nước rất phức tạp. Tôi sẽ trình bầy phần cuối bộ Anh-hùng Đông-A, trong trận Bạch-đằng.
Ngô Giới hỏi :
- Hai cháu ! Hai cháu có thể cho bần đạo biết tên không ?
Đứa con trai chỉ vào đứa con gái :
- Nó là con Hĩm. Còn cháu là thằng Cu.
Con Hĩm hỏi:
- Này ông, ông có phải là thầy phù thủy không? Ông có biết bắt ma không?
- Bần đạo là đạo sư thì việc bắt tà, bắt ma, bần đạo phải biết chứ. Cháu cần gì nào?
- Trong miếu kia có bốn con ma. Thỉnh thoảng nó hiện lên trong đêm. Không may cho ai, gặp nó là nó làm cho mê man đến sáng mới tỉnh dậy.
Ngô Giới nghĩ thầm:
- Chắc là bọn võ lâm qua lại miếu này. Khi gặp dân chúng, họ điểm huyệt đấy thôi.
Nghĩ vậy y hứa:
- Bần đạo sẽ bắt hết tà cho các cháu xem.
Thằng Cu chỉ về phía trước:
- Bây giờ các ông chờ ở đây, chúng cháu về làng gọi thêm sáu đứa mang trâu ra, đợi nước lên sẽ kéo thuyền cho ông.
Hai đứa đưa ống sáo lên miệng tấu một bản nhạc, âm thanh dìu dặt, nhẹ như mây trời trong khi hai con trâu đủng đỉnh tiến vào lùm cây xanh ngắt.
Ngô Giới than :
- Cái bọn đứng sau năm đứa con gái bầy kế bắt bốn người của mình, chắc chúng không dừng lại ở đây đâu. Trước sau gì chúng sẽ trở lại. Ta phải chuẩn bị đối phó ngay thì vừa.
Lưu Kỳ nghiến hai hàm răng vào nhau :
- Không biết bọn chúng là ai ? Nếu chúng là quan quân, thì chỉ cần đưa thẻ bài ra, là giải quyết xong. Nhược bằng chúng thuộc võ lâm Đại-Việt thì khó đối phó đấy.
Có tiếng ồn ào, tiếng chân đi, tiếng trâu rống ở đầu giòng sông. Ngô Giới phóng mắt nhìn : Đó là một đoàn người vừa đi vừa nói chuyện rì rầm. Cạnh họ, hơn chục chiếc xe do trâu kéo. Trên xe chở đầy những khúc gỗ, tre. Người nào cũng đeo dao dài, vồ, dây. Dường như họ không nhìn thấy thuyền của bọn Ngô Giới, thản nhiên cười nói. Lát sau họ khuất vào các bụi cây, rồi có tiếng chặt gỗ, chặt tre, tiếng chầy đóng chan chát. Khoảng hơn giờ sau tiếng động không còn nữa.
- Sư huynh !
Lưu Kỳ tỏ vẻ lo lắng : Đệ thấy cái đám người, dắt trâu, đẩy xe vừa đi qua, ẩn tàng một điều gì kỳ bí quá. Bởi con thuyền của chúng mình lớn thế này, mà sao chúng lờ đi như không biết, thì hẳn chúng cố tâm. Cố tâm thì có thể chúng mưu đồ gì chăng ?
- Ta cũng nghĩ như sư đệ. Tạm thời ta hãy cho mọi người ăn cơm, rồi chờ nước lên đã.
Ngô Giới ra lệnh cho tùy tùng cứ thản nhiên nấu ăn, chờ nước lên. Nhưng, sang giờ Mùi (13-15 giờ), mà lòng sông vẫn cạn.
Lưu Kỳ than :
- Sư huynh, đệ sợ hai đứa con nít này lấy bạc, rồi bỏ đi mất. Mình chờ ở đây mất công toi. Chi bằng mình lên bờ thám thính xem sao ?
Lòng Ngô Giới rối như tơ vò. Y gọi Hoa-nhạc tam phong là Liên-Hoa, Tiên-Nhân, Lạc-Nhạn:
- Ba sư đệ. Ba sư đệ hãy lên bờ xem đám người ban nãy đang làm gì ồn ào ở đầu sông. Nhớ không nên xử dụng võ công.
Hoa-nhạc tam-phong đeo kiếm vào lưng, tung mình lên cao, rồi đáp xuống bờ sông, tiến về đầu giòng.
Ngô Giới cùng Lưu Kỳ ngồi ăn cơm mà trong dạ bồn chồn không ít. Mặt trời bắt đầu nghiêng bóng về Tây, nhưng thủy chung mực nước sông vẫn không lên cao tý nào cả, mà Hoa-nhạc tam-phong vẫn chưa trở về.
- Chúng ta thử lên đầu giòng sông xem sao ?
Ngô Giới cũng cảm thấy dường như có biến cố gì qua cái vụ đám người dẫn trâu, kéo xe, Hoa-nhạc tam-phong đi mãi chưa về. Y nói với Lưu Kỳ :
- Quả thực là kỳ bí ! Ta đồ chừng kẻ dàn năm cô gái bắt Tứ-nhạc, với hai đứa trẻ chăn trâu, bọn nhà quê đánh xe ban nãy đều là một. Chúng chơi cái trò ú tim này với mục đích khủng hoảng tinh thần chúng ta đây. Ta quyết định : Tất cả đổ bộ lên xem sự thể Hoa-nhạc tam-phong ra sao.
Tấm ván bắc cầu được đẩy lên bờ, Lưu Kỳ ra lệnh cho Hoa-nhạc tam-nương :
- Ta để đám thuyền phu đầu bếp, tài công lại cho ba sư muội giữ thuyền. Bất cứ biến cố gì xẩy ra, các sư muội cũng không được lên bờ. Nếu có gì nguy hiểm thì các sư muội đốt pháo thăng thiên lên báo hiệu cho ta.
Ngô Giới, Lưu Kỳ dẫn đầu đoàn đệ tử đổ bộ. Đoàn người đi khoảng hơn dặm thì tới chỗ con sông uốn khúc. Ngôi miếu mà thằng Cu bảo trong đó thờ bốn con ma, lộ ra trọn vẹn. Một đệ tử kêu lên tiếng ái chà rồi chỉ vào khu vườn quanh miếu thờ :
- Sư phụ. Sao...Sao giống tổ đường của bản phái quá.
Ngô Giới , Lưu Kỳ cùng bật lên tiếng kinh ngạc. Thế là cả đoàn người cùng bỏ không tìm bọn Hoa-nhạc tam-phong nữa, mà cùng tung mình chạy lại phía miếu.
Miếu không lớn lắm, dài, rộng vuông vức khoảng ba trượng, cửa hướng về Bắc. Hai bên phải, trái sân miếu, đều có chiếc đài xây bằng gạch cao hơn trượng (2 mét ngày nay). Đài có tám bậc lên. Trên mỗi đài có bốn cái ghế đá. Đài bên phải có chữ Thế lệ đoạn trường. Đài bên trái có chữ Tiêu hồn lạc phách . Sân miếu miếu tròn, tạo thành hình Thái-cực. Trong sân lát hai thứ gạch. Một thứ mầu đỏ, một thứ mầu đen. Hai thứ gạch tạo thành hình Âm, Dương Lưỡng-nghi. Xung quanh sân miếu có tám bụi trúc. Mỗi bụi đều trồng hai thứ trúc vàng, xanh lẫn lộn. Thứ xanh xen lẫn thứ vàng, khiến tám bụi trúc hiện hình tám quẻ Càn, Khảm, Cấn, Trấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Phía sau miếu là bốn ngôi mộ, xây bằng gạch mầu đỏ, theo bốn hình uốn như tổ tò vò, nằm song song nhau.
Nhìn kiến trúc ngôi miếu, cùng tám bụi trúc, giống hệt ngôi tổ đường trên núi Hoa-sơn ; Ngô Giới, Lưu Kỳ muốn ngộp thở. Đám đệ tử cũng ngây người ra mà nhìn. Lưu Kỳ run run nói :
- Nhất định ngôi miếu này là nơi thờ bốn vị tổ sư Hoa-sơn thần kiếm thời xưa rồi. Phía sau là mộ các người. Ta quyết phải vào trong xem sự thực ra sao.
Y rảo bước tới sân, nhìn lên bức đại tự trước miếu, bằng đồng, khắc chữ rất sắc sảo :
Vô Trung, thanh hư miếu
Hai bên có đối câu đối :
Hoa-sơn, Bắc-vọng tâm vô huyết,
Tần-lĩnh, Nam-cư phúc đoạn trường.
(Tưởng núi Hoa-sơn, nhìn về phương Bắc, huyết trong tim đã khô kiệt.
Sống ở phương Nam, nhớ cố hương, ruột trong bụng đứt ra).
Ghi chú của thuật giả:
Hoa-sơn, tên dãy núi, tại huyện Hoa-âm, tỉnh Thiểm-tây, còn có tên là Thái-hoa sơn. Hoa-sơn là ngọn núi đứng về phía Tây của năm ngọn núi được tôn là Ngũ-nhạc. Hoa-sơn có ba ngọn núi chính. Ngọn đứng giữa là Liên-hoa phong. Ngọn ở phía Đông gọi là Tiên-nhân chưởng. Ngọn phía Nam tên là Lạc-nhạn phong. Văn nhân Trung-quốc gọi chung ba ngọn này là Hoa-nhạc tam-phong. Ngoài ra, còn có ba ngọn nhỏ nữa, mang tên Vân-đài, Công-chúa, Mao-nữ gọi chung là Hoa-nhạc tam nương. Núi Hoa-sơn là nơi phát tích ra võ phái Hoa-sơn. Võ phái này được lập ra từ đời nhà Đường. Trong thời Ngũ-đại, đạo sĩ Trần Đoàn giúp đỡ anh em Triệu Khuông-Duẫn, Triệu Khuông-Nghĩa lúc hàn vi. Sau Khuông-Duẫn trở thành Thái-tổ, Khuông-Nghĩa trở thành Thái-tông nhà Tống, thì phái này trở thành phái lớn nhất Trung-quốc. Chính vì vậy mà các vua nhà Tống đều sùng Lão-giáo. Các bà hoàng hậu, phi tần đều được phong tước mang tên như những nữ đạo sĩ.
Tần-lĩnh, còn có tên là Tần-sơn, Chung-Nam sơn . Núi khởi từ huyện Thiên-thủy, tỉnh Cam-túc, gồm nhiều ngọn nối tiếp nhau chạy dài về hướng Đông, tới Thiểm-huyện, tỉnh Hà-Nam. Ngọn chính là ngọn nằm tại huyện Trường-an, tỉnh Thiểm-tây. Chữ Tần-lĩnh trong đôi câu đối trên lấy ý trong thơ của Hàn Dũ. Hàn là nhà văn lớn đời Đường, nhân dâng biểu can vua không nên sùng bái Phật-giáo, ông bị đầy. Trên đường đi đầy, qua núi Tần-lĩnh, đường bị tuyết phủ đi không được. Ông làm bài thơ, trong đó có hai câu tuyệt bút :
Vân hoành Tần-lĩnh, gia hà tại.
Tuyết ủng Nam-quan, mã bất tiền.
(Mây trôi ngang qua núi Tần, nhà ta ở đâu ?
Tuyết lấp cửa Nam, ngựa không đi được).
Độc giả nào từng đọc nhiều thơ văn Trung-quốc, nên du lịch dài theo núi này một lần vào mùa Xuân sẽ cảm thấy...không tiếc tiền. Lấy máy bay đi Trường-an, rồi thuê xe...làm một vòng, khoảng bốn tới bảy ngày.
Trong truyện Kiều Nguyễn Du, đoạn Kiều ở với Từ Hải nhớ nhà có câu :
Đoái thương muôn dăm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa.
Lưu Kỳ tiến tới cửa miếu. Cửa không khoá. Y sẽ đẩy cửa, hai cánh cửa kêu đến kẹt một tiếng, rồi mở tung ra. Ngay cửa miếu là cái bàn thờ, dài, rộng khoảng gần trượng. Trên bàn thờ có cái đỉnh hương bằng đồng, hai bên là hai cái chân nến cũng bằng đồng, tạc giống hình con hạc, ngửa cổ lên. Kế tiếp là giá bằng gỗ sơn son thiếp vàng, trên gác bốn thanh kiếm. Sau giá kiếm là tượng bốn đạo sĩ, y phục bốn mầu trắng, đen, xanh, hồng trong tư thế ngồi luyện công.
Từ Ngô Giới cho tới những đệ tử thấp nhất đều cảm động đến nỗi chân tay run lên bần bật ; Giới nói với Lưu Kỳ :
- Chuyến đi của chúng ta chỉ với mục đích tìm bộ Vô-Trung kinh. Muốn tìm Vô-Trung kinh, thì phải tìm ra di tích bốn vị tổ sư. Trong mật thư các tổ gửi về nói rõ : Nếu sau này các tổ qua đời rồi, Vô-Trung kinh sẽ cất ở trong miếu thờ. Bây giờ ta phải tìm cho ra.
Lưu Kỳ cầm một thanh kiếm trên giá thờ lên xem, thuận tay y rút ra khỏi vỏ. Aùnh thép tỏa ra lạnh toát, y nhìn chuôi kiếm có khắc chữ Đông-nhạc Hoa-sơn. Y bật thành tiếng kêu :
- Không phải kiếm thờ bình thường, mà là di kiếm của tổ để lại.
Y cầm ba thanh kiếm còn lại, rút ra khỏi vỏ, thì quả nhiên ba thanh còn lại là Bắc-nhạc Hành-sơn, Đông-nhạc Thái-sơn và Nam-nhạc Hằng-sơn.
Ngay trước tượng Tứ đại thần kiếm có chiếc tráp. Ngô Giới chỉ tráp :
- Trong tất cả đền, miếu của Đại-Việt, đều có một cuốn phổ chép hành trạng của vị thần được thờ. Cuốn phổ chép thần tích của tứ tổ chắc đựng trong cái tráp kia.
Lưu Kỳ mở tráp ra, quả trong có một tập sách mỏng, ngoài bìa viết chữ triện :
Tống-triều, Hoa-sơn tứ linh thần phổ
Y đọc qua, thì thấy nội dung thuật tiểu sử bốn vị tổ không sai với sự thực làm bao. Duy một điều y chú ý là bốn tổ sư quá thọ. Cả bốn người đều tiêu dao vào tuổi trên chín mươi.
Y vừa bỏ cuốn phổ vào tráp, rồi bàn với Ngô Giới :
- Sư huynh. Trong mật thư gửi về, tổ dặn võ kinh dấu ở đâu ?
- Khi tổ viết thư thì các ngài mới có bẩy chục tuổi. Cứ như cuốn phổ này thì hai mươi năm sau các tổ mới du tiên cảnh. Trong thư chỉ thuật việc các ngài soạn võ kinh, và dặn sau khi các ngài tiêu dao tiên cảnh hãy sai người sang tìm ở miếu thờ. Ta có ba thắc mắc. Một là, với bản lĩnh nghiêng trời lệch đất của Tứ-tổ, các ngài không bị giam trong tù, mà tại sao lại không trốn đi ? Hai là, trong khi còn tại thế, các tổ biết mình sắp ra đi, hẳn sẽ đem võ kinh dấu tại nơi nào đó, chứ có đâu giữ bên mình cho đến chết ? Ví dù các ngài giữ bên mình, thì khi qua đời võ kinh sẽ về tay dân chúng quanh vùng. Vậy thì võ kinh không có ở trong miếu này. Ba là, miếu, với mộ của Tứ-tổ hẳn lập sau khi Tứ-tổ quy tiên, thì người lập sẽ là dân xung quanh đây. Vậy ta phải khéo léo hỏi dân làng này, may tìm ra manh mối.
Ngô Giới trầm tư, chưa có ý kiến gì, thì một đệ tử vào cung tay :
- Thưa sư phụ, thằng Cu, con Hĩm cùng sáu đứa trẻ nữa dẫn trâu tới tìm ta.
Ngô Giới Lưu Kỳ chạy ra sân. Thằng Cu lớn tiếng :
- Này ông đạo, chúng cháu trả lại bạc cho ông đây.
Ngô Giới kinh ngạc :
- Sao, cháu chê ít à ?
- Bố mẹ cháu dạy rằng, phàm người ta nhờ mình việc gì mà mình nhận tiền, thì có làm mới được lấy công. Còn như mình không làm được, thì phải trả người ta.
- Thì cháu chưa làm mà !
- Đúng thế ! Cháu đi tìm thêm sáu đứa nữa, đem trâu kéo thuyền cho ông. Nhưng khi chúng cháu tới, thì các ông đã đem thuyền đi mất rồi.
Chương trước | Chương sau