Và hiện tại, chỉ còn hai năm nữa thôi, người áo trắng sẽ trở lại Trung Nguyên, vung kiếm quét sạch võ lâm Trung thổ.
bạn đang xem “Ân thù kiếm lục - Cổ Long” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Hào kiệt anh hùng hắc bạch lưỡng đạo đã khẩn trương từ lúc đầu ngay sau ngày cuộc chiến bên bờ Đông Hải kết thúc. Giờ đây tất cả còn khẩn trương hơn, và một ngày qua thêm, là họ thêm một chút khẩn trương.
Ai sẽ là người đương đầu với bạch y kiếm khách?
Ai sẽ khoác lên mình cái danh dự đại diện võ lâm Trung Nguyên so kiếm với kiếm khách ngang tàng vùng hải ngoại?
Dù máu có đổ trong cuộc so tài, máu đó sẽ vẽ lên màu vinh dự cho người hy sinh vì đại cuộc.
Ai?......
Đinh lão phu nhân Liễu y Nhân chừng như không tưởng nổi là trên giang hồ lại bình tịnh một cách lạ lùng.
Năm năm qua, đúng là một cảnh thái bình, khắp non sông chẳng có nơi nào xảy ra một cuộc tranh chấp dù là nhỏ mọn.
Tại sao?
Vô luận là hắc đạo hay bạch đạo, vô luận là tiền bối, hậu sinh, tất cả đều gia tâm tập luyện võ công, chuẩn bị cho cuộc chạm trán với người áo trắng, chiếm đoạt vinh dự không tiền khoáng hậu!
Rất tiếc!
Trên vòm trời võ học, năm năm qua, chưa có một ngôi sao sáng nào xuất hiện!
Trong hàng cao thủ tiền bối, hiển nhiên có rất nhiều người siêu việt, song dù khổ công tập luyện suốt năm năm qua, so với Tử y Hầu, họ còn kém xa, như vậy thì mong gì họ thủ thắng trước một kiếm khách bạch y? Huống chi họ khổ công tập luyện,chẳng lẽ người áo trắng khoanh tay chờ ngày, dẹp bỏ tinh thần cầu tiến?
Trong hàng tiền bối đáng lưu ý nhất là Vân mộng đại hiệp Vạn tử Lương, nhưng năm năm qua, Vạn đại hiệp không đạt một tiến bộ nào, điều đó cũng chẳng lạ gì, vì gia vụ đa đoan, đại hiệp không còn thời giờ rảnh rang tập luyện liên tục.
Trong vũ lâm Trung Nguyên lúc đó, những người thắng nổi Vạn đại hiệp đếm không trọn đầu ngón một bàn tay.
Như vậy, hàng tiền bối hầu như bất khả dụng rồi.
Những vị tiền bối cũng biết thân phận mình lắm, tự họ đã chẳng trong mong gì nơi họ, thì họ nhìn xuống.
Họ nhìn xuống, không phải họ nhìn vào cái tài thấp hơn họ, bởi họ đang mong có người tài cao thay họ mà đương đầu với người áo trắng kia mà.
Họ nhìn xuống, nhìn thấp hơn, là nhìn vào lớp tuổi trẻ.
Lớp tuổi trẻ đã sản xuất ra tay nào siêu việt chưa?
Trong khi họ đặt kỳ vọng nơi lớp tuổi trẻ, thì một huyền thoại được loan truyền khắp nơi.
Theo huyền thoại đó, thì Tử y hầu chưa chết.
Và hiện tại Tử y hầu đang rong thuyền ngoài biển khơi như độ nào, để chờ người áo trắng trở lại.
Bởi có những thương khách từng ra khơi, khi rong thuyền từ hải ngoại trở về, vào một buổi chiều, có thấy chiếc thuyền buồm ngũ sắc, như ngày nào, bềnh bồng trên mặt biển, thuyền vẫn y như xưa.
Một khách thương trông thấy, nhiều khách thương trông thấy, một đồn mười, mười đồn ra trăm, ra ngàn, chỉ trong thời gian ngắn, khắp sông hồ đều nghe cái tin đó, vang dội như sấm rền.
Cái tiếng sét đánh vào đầu, chưa chắc làm cho hào kiệt anh hùng kinh sợ bằng cái tin đó.
Nhưng, họ kinh sợ trong niềm hân hoan, họ kinh sợ vì cái tin quá đột ngột, cái tin mà nằm mộng họ cũng chẳng dám mong!
Nhưng, có chắc như thế không?
Có kẻ quá sốt sắng, thả thuyền trên mặt biển suốt ngày đêm, suốt tháng, nhưng chẳng trông thấy gì cả.
Họ không thất vọng, bởi họ tin những khách thương đó, chẳng có lý do gì mà bịa đặt như vậy.
Nhưng, tin mà chẳng thấy gì cả, thì còn hy vọng làm sao?
Rồi, họ tạm quên đi cái tin đó, họ bắt đầu chú ý đến lớp thanh thiếu, tìm xem có tay nào khả dĩ thay thế hàng tiền bối, đứng mũi chịu sào trước cơn lốc do người áo trắng mang đến, giữ con thuyền võ lâm Trung thổ khỏi dao động giữa ba đào.
Bọn thanh thiếu, khi nghe tin là thuyền buồm ngũ sắc tái hiện, họ phì cười, nghe bên tai này, họ cho lọt ra bên tai kia, họ gột rửa khối óc sạch sẽ để chuyên chú luyện tập võ công, không để cho huyền thoại Tử y hầu hồi sinh làm vẩn loạn tâm tư.
Tráng khí dâng cao, hùng tâm sôi mạnh, họ không nhìn thấy cái gì khác hơn là:
thắng!
Thắng sẽ đưa họ đến đài vinh quang, cái danh của họ sẽ sáng chói như Bắc Đẩu giữa vòm trời không mây, họ sẽ là thần tượng của muôn đời, dựng cao trong võ lâm, người muôn phương đổ dồn ánh mắt ngời khâm phục.
Lạc Dương, Khai Phong, Kim Lăng, Bắc Kinh, Tô Châu... khắp những danh thị suốt mười ba tỉnh Nam Bắc Trung Nguyên, nơi nào cũng có kẻ cho mình có lá gan to hơn Thái Sơn, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, máu nóng một bầu sẵn sàng tuôn đổ nếu cần, để đánh bật người áo trắng ra ngoài khơi Đông Hải.
Không ai tưởng rằng mình sẽ bị bại trước người áo trắng.
Y là người, họ cũng là người, tất cả đều do xương thịt tạo thành, mà có môn công kỳ diệu nào lại chẳng do sự tập luyện mới thành?
Y luyện được bản lĩnh quán tuyệt, thì họ cũng luyện được tài năng siêu việt.
Tại sao họ kém y? Tại sao họ không tin tưởng được là họ sẽ thắng y? Họ lấy tiêu chuẩn nào đặt thành một định lệ vô ý thức như vậy chứ!
Ở mỗi nơi đều có một người hùng xuất thân từ giới thanh thiếu, song chẳng lẽ đến kỳ tranh đấu với người áo trắng, tất cả những người hùng đều ào ra một lượt?
Không! Phải có một đại diện.
Làm sao có một đại diện? Do sự bình luận của hàng tiền bối chăng?
Không! Họ sẽ không phục bất cứ sự bình luận nào, kể cả sự bình luận của sư phó họ, của bậc sinh thành ra họ. Họ đang lứa tuổi khí huyết phương cương, họ có máu nóng sôi sục trong huyết quản, họ hiếu thắng, bảo họ cúi đầu nhượng bộ trước một người khi chưa có bằng chứng gì xác thực là người đó hơn họ, thì dù có chặt đầu họ, họ cũng không phục.
Như vậy phải có một cuộc tỷ thí.
Hàng tiền bối không chấp nhận một cuộc tỷ thí như vậy, bởi gọi là tỷ thí, chứ thực ra là một cuộc tử đấu, nếu có một thắng phải có một chết. Tỷ thí như vậy là hao mòn tài nguyên thanh thiếu anh hùng, tài nguyên đang vượng đáng mừng.
Hạng thanh thiếu thà chết chứ chẳng chịu từ bỏ cái vinh dự đại diện vũ lâm đương đầu với người áo trắng.
Hàng tiền bối không chấp nhận cuộc tỷ thí, nhưng liệu có ngăn trở họ làm cuộc tỷ thí đó chăng? Ngăn trở nổi chăng?
Trời! Nếu cuộc tỷ thí xảy ra, thì đúng là một điều đại bất hạnh cho võ lâm Trung nguyên.
Người áo trắng chưa tới nơi, mà một nửa thanh thiếu niên phải chết vì nhau, dưới tay nhau!
Không ai ngăn chặn được một cơn lốc của cuồng phong, một giòng nước trào cuốn như thác lũ.
Thì, cuộc tỷ thí phải thành hình.
Hàng thanh thiếu tự ước hẹn với nhau, quy tụ tại đỉnh Thái sơn, vào ngày mùng tám tháng chạp, để tranh đoạt cái danh dự đại diện võ lâm, so tài cùng bạch y kiếm khách.
Hôm nay, tiết trùng dương đã qua, còn không hơn ba tháng nữa là đến ngày tỷ thí.
Một sự kiện đột ngột phát sinh, khích động toàn thể võ lâm mãnh liệt.
Sự kiện đó là các môn phái lớn:
Thiếu Lâm, Võ Đương, Nga Mi, Điểm Thương, Không Động, Hoa Sơn, Hoài Dương, nhân ngày Trùng Cửu, có phát hịch ra khắp giang hồ, báo tin là sẽ phái đệ nhất đại đệ tử đến Thái Sơn dự cuộc tỷ thí tuyển chọn đại diện võ lâm đối đầu với người áo trắng vào năm sau.
Bảy phái kiếm lừng danh đó, cho đệ tử hạ sơn, nghĩ ra cũng là một sự rất thường, bời năm nào các phái đó cũng cho đệ tử hạ sơn, không nhiều thì ít.
Nhưng hạ sơn là việc riêng tư của môn phái, cớ sao lại phát hịch thông tri khắp giang hồ?
Chính việc đó làm cho toàn thể võ lâm phải chú ý.
Và họ đã bắt đầu nghĩ là lần này, bảy phái kiếm đó cho hạ sơn những tay hiệt kiệt nhất.
Mỗi phái kiếm chỉ cho một đệ tử hạ sơn, và vị đệ tử đó mang theo mình cả kỳ vọng của sư môn, cả danh dự của sư môn. Với tầm quan trọng đó, người hạ sơn ít nhất cũng phải ngang tài với chưởng môn, hoặc cao hơn một vài phần...
Vân Mộng đại hiệp Vạn tử Lương tiếp được tờ hịch của Vô Tướng đại sư, chưởng môn nhân phái Thiếu Lâm.
Tờ hịch đó gây nên một luồng dư luận không nhỏ trong võ lâm, và nơi nào cũng có người đề cập đến.
Vô Tướng đại sư đã nói gì với Vân Mộng đại hiệp Vạn tử Lương, khiến mọi người đều chú ý?
Tờ hịch đại khái như thế này:
- Vạn Quân túc hạ! Từ lâu hằng mến tác phong, nghi biểu của Vạn Quân, hận chưa có dịp bái kiến để tỏ rõ lòng ngưỡng mộ. Hôm nay, nhân bảy môn phái lớn cho đệ tử hạ sơn, điều đó rất thường đối với năm nào, nhưng năm nay thì lại có tầm quan trọng phi thường, cái tầm quan trọng đó làm xao xuyến nhân tâm không ít.
Tại sao lại có cái tầm quan trọng?
Bảy đệ tử của bảy phái, nguyên xưa là đệ tử của Thanh Bình Kiếm khách Bạch Tam Không, họ từng được sư phó giáo huấn ngay từ thưở nhỏ, căn cơ rất dày, sau ngày Thanh Bình kiếm khách so gươm với người áo trắng, thì bảy đệ tử đó vâng lịnh sư phó, phân nhau gia nhập mỗi người một môn phái, còn Bạch Tam Không thì ôm hận rời bỏ hồng trần, vùi chân trong quên lãng của thời gian.
Năm năm qua, bảy đệ tử chuyên cần học tập, khắc khổ học tập, luôn luôn họ nhớ cái nhục bại của sư phó, luôn luôn họ nhớ cái hận đối với người áo trắng, sự tiên bộ của họ đã đạt đến mức phi thường, trên xa kỳ vọng của bậc sư phó. Có thể bảo, màu xanh xuất từ chàm, nhưng lại xanh hơn chàm. Bần tăng cùng các vị chưởng môn kia từng thảo luận với nhau, quyết cho bảy đệ tử xuống núi, thay mặt cho môn phái, cùng người áo trắng tranh thư hùng. Bần tăng đã quá già rồi, không tiện bôn tẩu để lo liệu cho một việc trọng đại như vậy, may thay cho hàng đệ tử thay thế, bần tăng mong rằng chúng sẽ tạo nên một hãnh diện gì cho sơn môn nói riêng mà cho toàn thể võ lâm nói chung.
Từ bao lâu rồi, Vạn đại hiệp chủ trì chánh nghĩa võ lâm, Vạn đại hiệp là lãnh tụ quần hùng, bần tăng mong ước Vạn đại hiệp nhất tâm chiếu cố đến bảy đệ tử. Được vậy, bần tăng hân hạnh lắm, sáu vị chưởng môn kia hân hạnh lắm!
Dưới đây, bần tăng liệt kê danh tánh của bảy đệ tử:
Công Tôn Bất Trí, hiện thuộc phái Võ Đương.
Kim Bất Húy, hiện thuộc phái Nga Mi.
Thạch Bất Vi, hiện thuộc phái Điểm Thương.
Ngụy Bất Tham, hiện thuộc phái Không Động.
Tây Môn Bất Nhược, hiện thuộc phái Hoa Sơn.
Dương Bất Nộ, hiện thuộc phái Hoài Dương.
Mạc Bất Khuất, hiện thuộc phái Thiếu Lâm.
* * * Tờ hịch đó, tuy chỉ có Vạn tử Lương và năm sáu người bằng hữu đọc mà thôi, nhưng, năm sáu người đó đồn ra thành mười, mười thành trăm thành ngàn, thành ra toàn thể võ lâm đều rõ.
Vô Tướng đại sư, chưởng môn nhân phái Thiếu Lâm, là người thông hiểu thiền cơ, người không cầu tiến về võ công, tuy vậy người vẫn được trọng vọng trên giang hồ vì đức độ rất cao. Trong giang hồ thiên hạ không ai vì võ công của đại sư kém mà dám khinh thường.
Từ bao lâu nay, Vô Tướng đại sư không hề can dự vào các việc thị phi trên đời, đối với giang hồ, đại sư chẳng có mảy may ân oán, tính tình nghiêm trọng, chẳng chịu nói một lời khinh suất, cho nên hễ nói ra là lời có giá trị như núi Thái.
Vậy mà đại sư cực lực tán thưởng tài nghệ của bảy đệ tử, cho rằng bảy đệ tử còn trên sư phó một vài bậc, điều đó khiến quần hùng phải chú ý đặc biệt.
Sau tiết Trùng Dương, bảy đệ tử đều xuống núi, và họ quy tụ tại nhà Vạn tử Lương.
Họ đến đây làm gì? Vâng lịnh sư môn đến yết kiến Liên vân Mông đại hiệp, hay còn có mục đích gì khác nữa?
* * * Về phía nam lĩnh Sơn Tây, ngoài Đồng Quan, có một khu rừng, vô cùng rộng lớn, diện tích có trên trăm dặm vuông, rừng gồm phẩn nhiều tùng và bá, chen lẫn với ngô đồng, cho nên dù đang tiết thu đông, cành lá vẫn xanh tươi dày đặc, khu rừng có một bóng mát muôn đời, chẳng ngày tháng nào trong năm trơ cành trụi lá để cho ánh thái dương soi rọi.
Đứng bên ngoài nhìn vào khu rừng, thì xem như một cánh rừng hoang, không một bóng người.
Nhưng đến gần ven rừng, thì nghe có tiếng ngựa hí vang, bất cứ giờ phút nào trong ngày cũng nghe cả, rồi thì tiếng người xao xuyến, chừng như bên trong có cả thiên quân vạn mã đang trú đọng.
Ven khu rừng có một tấm bảng, trên bảng có mấy chữ:
Chương trước | Chương sau