-Từ thất đương-gia văn võ song toàn, lại có đức độ và nhân phẩm. Ý tôi muốn tác hợp cho hai người nên duyên giai ngẫu. Hiềm vì...
bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Trần-Gia-Cách nghe nói cả mừng đỡ lời:
-Tưởng là việc gì! Nếu là chuyện này thì vãn bối sẵn sàng xin nhận ngay. Châu lão bá là Thái-Sơn Bắc-Đẩu của võ lâm. Nếu Từ thất ca mà được hân hạnh làm nữ tế (#2) thì thật là phúc cho cả Hồng Hoa Hội chứ không riêng gì thất ca. Vãn bối xin đi bắt tay vào việc ngay.
Trần-Gia-Cách trở về nói rõ ý định của Châu-Trọng-Anh. Từ-Thiện-Hoằng không ngờ hạnh phúc lại đến với mình đột ngột như thế nên hớn hở ra mặt, nói với Trần-Gia-Cách:
-Thôi, mọi việc xin nhờ Tổng-Đà-Chủ giúp cho.
Ngẫm nghĩ một hồi, Trần-Gia-Cách đề nghị với Từ-Thiện-Hoằng:
-Tôi có một điều tâm huyết muốn thảo luận với Từ thất ca trước.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Xin Tổng-Đà-Chủ cứ nói rõ tôn ý.
Trần-Gia-Cách nghiêm trang nói:
-Châu lão anh hùng vốn chỉ có một đứa cho trai duy nhất để nối dõi tông đường nhưng chẳng may lại phải chết thảm thiết vì chuyện Hồng Hoa Hội chúng ta. Hương lửa Châu gia đã tuyệt. Đó là nỗi khổ tâm nhất của Châu lão anh hùng, và cũng là tội nặng nhất của Hồng Hoa Hội chúng ta. Thế mà cha con Châu lão anh hùng không thù hận mà lại còn liên kết, sống chết với chúng ta, tình nghĩa càng ngày càng thêm mật thiết. Nay xem chừng Châu phu nhân cũng sẽ sát cánh với chúng ta nữa. Chẳng hiểu ý thất ca thế nào?
Từ-Thiện-Hoằng chẳng chút do dự nói ngay:
-Có phải ý Tổng-Đà-Chủ muốn sau này tôi cho con trai trưởng lấy họ Châu để giữ hương lửa cho Châu lão anh hùng hay không?
Trần-Gia-Cách mừng rỡ, gật đầu nói:
-Thất ca có lòng như thế thật là quý hóa. Như thế cũng tạm gọi là đền đáp lại được phần nào ân nghĩa của Châu lão anh hùng. Mà thất ca cũng chẳng có gì phải lo. Con thứ sẽ lấy họ Từ mà giữ hương lửa cho thất ca thôi!
Liền sao đó, Trần-Gia-Cách dẫn Từ-Thiện-Hoằng sang ra mắt vợ chồng Châu-Trọng-Anh nói rõ ý định. Cả hai người đều vui vẻ, thích chí vô cùng. Châu-Trọng-Anh cao hứng nói:
-Hiện nay cha không có món gì quý báu để cho hai con làm của hồi môn. Cha chỉ có mông Thiết-Đảm này truyền lại cho con mà thôi. Đó là tuyệt kỹ của Châu-gia, một đời tung hoành trong thiên hạ, chưa hề nhượng bộ bất cứ một cao thủ nào!
Từ-Thiện-Hoằng vốn sẵn đã ngưỡng mộ võ công của Châu-Trọng-Anh, muốn học mà không được, nay nghe Châu-Trọng-Anh đích thân truyền lại cho mình thì cảm kích vô cùng, bèn quỳ xuống làm lễ bái sư theo quy luật của võ lâm.
Châu phu nhân cũng nói:
-Cha con có môn Thiết-Đảm, mẹ cũng có phép sử dụng song tiên. Để mẹ sẽ truyền luôn cho con. Tưởng đó cũng không phải là vô ích.
Tư-Thiện-Hoằng lại định quỳ xuống bái sư thì Châu-Trọng-Anh cản lại bảo:
-Đã là con cái trong nhà, hà tất phải theo quy luật của võ lâm làm gì!
Tin Từ-Thiện-Hoằng sẽ thành hôn với Châu-Ỷ truyền ra rất lẹ. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đua nhau đến chúc mừng...
Sau đó, Trần-Gia-Cách mở một cuộc họp nhỏ, bàn sơ qua những kế hoạch cho những ngày sắp tới.
Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta đóng ở đây đã mấy ngày, không có tin gì của Văn tứ ca cả, mà Tây-Xuyên Song-Hiệp cũng chưa về. Vậy anh em có kế hoạch gì không?
Chương-Tấn nói:
-Coi bộ Trương-Siêu-Trọng đã giải tứ ca về Bắc-Kinh rồi! Do đó mà Tây-Xuyên Song-Hiệp không tìm được tin tức gì cả. Có lẽ chúng ta phải lên Bắc-Kinh một chuyến thôi chứ không thể nào ở đây mà đợi mãi được.
Người bàn thế này, người bàn thế nọ, không ai đồng ý với ai cả. Vì vậy, Trần-Gia-Cách không có một quyết định nào rõ rệt...
Khi ấy, Thạch-Song-Anh mới hoàn thành công tác trở về. Thập-nhị đương-gia tìm Trần-Gia-Cách báo tin và trao một phong thư nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ, Mộc lão anh hùng có thư hồi âm cho Tổng-Đà-Chủ đây.
Trần-Gia-Cách mở thư Mộc-Trác-Luân ra xem. Lời lẽ trong thư hết sức bi tráng khiến Trần-Gia-Cách xúc động vô cùng.
Nhìn Thạch-Song-Anh, Trần-Gia-Cách hỏi thăm:
-Gia đình Mộc-Trác-Luân đối đãi với Thập-nhị ca có chu đáo không?
Thạch-Song-Anh gật đầu nói:
-Cả gia đình ông ta quả thật là anh hùng, lại vô cùng hiếu khách. Họ hết sức niềm nở đối với tôi. Ông cho vợ, hai người con gái và một người con trai ra chào đón và tiếp đãi rất ân cần. Cô con gái lớn có lần nói chuyện với Tổng-Đà-Chủ vừa thấy tôi đã ra hỏi thăm ngay sức khỏe của Tổng-Đà-Chủ.
Trần-Gia-Cách lại hỏi:
-Cô ấy có nhắn tôi lời gì không?
Thạch-Song-Anh suy nghĩ giây lâu như cố nhớ lại rồi mới đáp:
-Có... mà không! Ý chừng cô ấy muốn gửi thăm Tổng-Đà-Chủ lắm nhưng nghĩ sao lại thôi.
Trần-Gia-Cách lặng thinh, rút thanh đoản kiếm của Tiêu-Thanh-Đồng tặng ra xem xét, cố tìm những gì bí mật ẩn bên trong. Kiếm vừa rút khỏi vỏ liền tỏa ra ánh sáng chói lòa, kiếm khí toát ra lạnh cả người...
Vừa lúc đó, Tưởng-Tứ-Căn trở về báo tin, tường thuật lại những tai ách của dân chúng qua cơn lụt do sông Hoàng-Hà gây nên, cũng như các hành vi của bọn tham quan ô lại. Chàng cho biết sông Hoàng-Hà mới vừa lặng lại dậy sóng trở lại. Chuyến này còn có vẻ khủng khiếp hơn nữa, chưa biết được thiệt hại nhân mạng và tài sản nhiều đến thế nào.
Bọn quan lại cai trị giá áo túi cơm trước tình cảnh đau khổ ấy, chẳng những không tìm biện pháp nào để cứu giúp dân chúng lầm than, còn bắt họ phải phải cùng nhau mang đất đắp đê, bó gai cản nước, làm toàn những chuyện vô ích. Một mặt, chúng viết biểu tâu về triều đình phóng đại thêm những thiệt hại để thừa cơ hội đục khoét thêm ngân quỹ của công. Không những thế, lợi dụng lúc triều đình xuất ra lúa vựa, tiền kho ra cứu giúp nạn nhân, chúng cùng nhau vơ vét chia nhau cho thỏa thích. Rốt cuộc, chẳng có một thứ gì đến tay người dân.
Mọi người ai nấy ngậm ngùi, thương xót dân chúng hết bị trời đày lại bị người hành.
Trần-Gia-Cách nói:
-Cứu người như cứu hỏa! Hồng Hoa Hội chúng ta hãy đến tận nơi để xem giúp đỡ gì được cho dân chúng thì giúp.
Nghe Trần-Gia-Cách nói vậy, ai nấy đều đồng ý, hết sức tán thành. Rồi không ai bảo ai, tất cả cùng kéo nhau lên đường cứu nạn dưới sự lãnh đạo của vị Tổng-Đà-Chủ của họ...
Suốt đêm ấy, đám hào kiệt Hồng Hoa Hội đi không nghỉ. Trời vừa hừng sáng, mọi người đã đến cửa sông. Sóng vẫn vỗ ào ào, bao nhiêu nhà cửa, súc vật đều bị cuốn trôi hết. Đi đến đâu cũng nghe tiếng khóc van, cầu cứu.
Mọi người đi quan sát khắp nơi trước khi đến trại Đỗ-Lương. Họ dự định sẽ đến Thiên-Thảo vào giờ Mùi. Đây là một thị trấn lớn nằm trên bờ sông Hoàng-Hà nên tất cả nạn nhân đều quy tụ về đó.
Lạc-Băng đem bán hết số vàng ròng mang theo mua lương thực sẵn sàng để phân phát cho dân. Chỉ trong chốc lát, nạn nhân kéo đến đông như kiến cỏ.
Trần-Gia-Cách nói:
-Bổn phận chúng ta là làm cách mạng lật đổ triều đình Mãn-Thanh, thiết lập một xã hội mới có trật tự với công bình bác ái. Nhưng đứng trước cảnh tượng đau khổ của dân chúng, chúng ta không thể nào làm ngơ được. Trách nhiệm cấp thời của Hồng Hoa Hội là là phải trực tiếp cứu dân bị nạn. Các anh em có ý kiến gì không?
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Lúc đi đường, tôi có nghĩ ra một biện pháp là cướp của tham quan, đoạt của nhà giàu bất lương mà giúp dân.
Trầng-Gia-Cách đồng ý nói:
-Kế ấy vô hại. Lâu nay phủ Lan-Phong có tiếng là giàu có hơn hết. Viên tri phủ này lại có tiếng là tham lam và tàn ác. Cái bọn a-dua theo hắn làm giàu bằng cách bất nhân hẳn không ít. Lấy của kẻ ác mà dùng vào việc thiện cứu mạng người cũng là điều hay. Chúng ta cứ tùy nghi mà hành động, đừng để đổ máu và nhớ tránh đừng cướp của những nhà giàu lương thiện.
Lúc ấy, một kỵ mã mặc y phục võ quan phi ngựa ngược chiều với đám hào kiệt Hồng Hoa Hội, ra vẻ gấp rút lắm. Y cho ngựa phóng nước, không cần để ý gì đến khách bộ hành. Một người đàn bà bế con trong khi cố gắng tránh né, trượt chân ngã xuống đất. Vệ-Xuân-Hoa chờ hắn phi đến gần liền lấy tay đẩy hắn một cái ngã nhào xuống ngựa.
Kỵ mã mặc võ phục lồm cồm ngồi dậy giận dữ mắng:
-Chúng bây quả là bọn ăn cướp lưu manh. Bản chức đang có việc gấp rút nên tạm gác chuyện này. Xong việc sẽ biết tay ta.
Trần-Gia-Cách nói:
-Thập ca! Anh lục thử trong túi hắn xem có gì không.
Chương-Tấn bước tới rút trong túi hắn một tờ công văn, thấy bên ngoài đề như sau: 600 dặm cấp tốc trình báo Chinh Tây Đại Nguyên-Soái. Mở công văn ra đọc, thấy có những hàng chữ vận lương quan tổng binh Tôn-Khắc-Dụng. Đại ý trong thư, Tôn-Khắc-Dụng cho Triệu-Huệ biết là lương thực tiếp tế cho quân đội Chinh Tây đã đủ số, đang trên đường chuyển đến phủ Lan-Phong. Chỉ vì sông Hoàng-Hà bị nước lụt thành ra phương tiện di chuyển bị thiếu hụt, phải chậm trễ mất vài hôm.
Trần-Gia-Cách xem xong trao cho Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Tờ công văn hết sức quan trọng, chỉ tiếc không thấy đề cập đến chuyện Văn tứ ca.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ! Tờ công văn này quý giá vô cùng, trước giúp được Mộc-Trác-Luân chống quân xâm lăng, sau cứu tế được dân bị nạn lụt sông Hoàng-Hà.
Bước đến trước mặt tên kỵ mã trong y phục võ quan cầm tờ công văn xé nát, Từ-Thiện-Hoằng cười nói:
-Để thất lạc công văn là tử tội, bị chém đầu. Nhưng ta chỉ cho mi một đường sống là nên đi chỗ khác mà làm ăn.
Tên võ quan thật là dở khóc dở cười, liền cởi bỏ bộ y phục võ quan, trà trộn vào trong đám nạn nhân tẩu thoát.
Trần-Gia-Cách đã hiểu được ý của Từ-Thiện-Hoằng nên gật đầu nói:
-Hay lắm! Thế nhưng lương thực là việc tối trọng của quân đội viễn chinh, chắc chắn là được hộ tống và canh phòng rất nghiêm trọng. Chúng ta ít người biết phải đối phó như thế nào? Thất ca có chủ kiến nào chưa?
Từ-Thiện-Hoằng ghé tai Trần-Gia-Cách nói vài câu. Trần-Gia-Cách mỉm cười gật đầu.
Sau đó, Trần-Gia-Cách liền tập họp tất cả mọi người lại phân công. Châu-Trọng-Anh và Châu phu nhân, Châu-Ỷ và Từ-Thiện-Hoằng đột nhập vào cửa Tây thành Lan-Phong. Vô-Trần Đạo-Nhân chỉ huy Dương-Thanh-Hiệp, Chương-Tấn và Tưởng-Tứ-Căn ở phương Bắc. Triệu-Bán-Sơn chỉ huy Vệ-Xuân-Hoa, Lạc-Băng và Thạch-Song-Anh tại cửa Nam. Còn đích thân Trần-Gia-Cách chỉ huy Mạnh-Kiện-Hùng, An-Kiện-Cường và Tâm-Nghiện vào cửa Đông.
Tất cả mọi người hóa trang làm nạn nhân chia nhau ra các ngả, hẹn đúng giờ Ngọ hôm sau sẽ ra tay hành động.
Hôm sau vào giờ Ngọ, có đến hàng trăm vạn nạn nhân ùa đến thành Lan-Phong như nước vỡ bờ, gây ra một tình trạng vô cùng hỗn loạn không sao kềm chế được.
Quan Tri-phủ Lan-Phong là Vương-Bá-Đạo thấy tình thế như vậy thì sai mấy tên bộ-khoái ra bắt ít nạn nhân vào tra hỏi thì người nào cũng bảo rằng họ được tin hôm nay phủ Lan-Phong phát lương cứu trợ nên đua nhau đến lãnh.
Vương-Bá-Đạo liền truyền lệnh đóng chặt bốn cửa thành lại rồi lén ra ngoài vào thẳng chùa Thạch-Phật là nơi quan Tổng-binh Tôn-Khắc-Dụng đồn trú mà báo tin.
Nắm được cơ hội tốt để kiếm chác, Tôn-Khắc-Dụng nói:
-Tiểu tướng tuân lệnh Triệu nguyên-soái giữ gìn quân lương, đúng ngày giờ phải chuyển nạp đủ số sang biên giới xứ Hồi. Nếu chẳng may để sơ thất thì cả họ hàng bị tru lục. Không phải tiểu tướng không muốn giúp, ngặt vì việc quân trọng đại, xin Vương đại nhân lượng thứ cho.
Vương-Bá-Đạo nghe nói thất vọng trở về. Phùng-Sơn-Thương, một quan lại làm việc tại bộ Hình, nổi tiếng là đa mưu lắm kế bàn rằng:
-Có phải đại quan cần binh lính đến giúp phải không? Mọi chuyện đều không qua tiền. Quan lớn cứ thử xem.
Vương-Bá-Đạo nghe lời trở về dinh lấy 5000 lượng bạc nhờ Phùng-Sơn-Thương đem đến đưa cho Tôn-Khắc-Dụng, gọi là ủy lạo quân sĩ. Quả nhiên, sau đó Tôn-Khắc-Dụng cho 500 quân thiện chiến, võ trang đầy đủ đến phủ Lan-Phong giúp canh giữ bốn cửa.
Trời vừa nhá nhem tối, bỗng có tin báo lửa bốc cháy dữ dội. Vương-Bá-Đạo đang ăn cơm phải bỏ đũa xuống đi đốc thúc các bộ khoái và quân lính đi cứu hỏa.
Một tên quân hớt ha hớt hãi chạy đến báo tin:
-Không biết ai mở cửa thành phía Tây để cho dân chúng tràn vào như thác đổ, không cách nào ngăn lại được!
Trong khi ấy, 500 quân của Tôn-Khắc-Dụng gửi đến cũng đua nhau chạy tán loạn. Đàng sau đám quân là một đạo-nhân tay cầm trường kiếm cùng với một người to lớn vung cây roi sắt, một người gù cầm hai cái búa và một người mặt lạnh lùng dữ như hộ pháp cầm thương đang rượt theo đánh giết đám quân kia chết như rạ.
Không dám chậm trễ, Vương-Bá-Đạo chạy ngay vào chùa Thạch-Phật. Ngoài chùa, từng lớp dân chúng nạn lụt vây chặt lấy chung quanh.
Tôn-Khắc-Dụng đứng trên thành gọi xuống:
-Hỡi tất cả! Đừng nghe lời đồn nhảm nhí! Ai nấy đều phải lập tức lui khỏi nơi này! Nếu cưỡng lời, bản chức sẽ ra lệnh cho xạ thủ bắn tên!
Nhưng đám dân chúng nhất định không lui, tiếp tục kéo đến càng lúc càng đông. Tôn-Khắc-Dụng liền ra lệnh buông tên.
Chương trước | Chương sau