XtGem Forum catalog
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 46 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 44

↓↓
Niên hiệu Nguyên-phong nguyên niên đời vua Thái-tông nhà Trần (DL.1251, Tân Hợi),


bên Trung-quốc, phương Nam nhằm niên hiệu Thuần-hựu thứ 11 nhà Tống;


phương Bắc nhằm niên hiệu Nguyên Hiến-tông Mông-Kha nguyên niên.


Hôm ấy là ngày 14 tháng 4. Khắp các thôn, các xã trong vùng Ngũ-yên là Yên-phụ, Yên-dưỡng, Yên-sinh, Yên-hưng, Yên-bang thuộc trấn Đông-triều như chìm vào trong không khí ảm đạm, thê lương. Dân chúng ít ra đường. Người người gặp nhau, chỉ liếc mắt nhìn lên, rồi lại cúi đầu lầm lũi đi. Nguyên do: Sáng nay, mõ khắp các thôn, các xã đều rao rằng: Yên-sinh vương lâm bệnh trầm trọng, khó qua khỏi. Ba vương tử là Hưng-Ninh vương Trần Quốc-Tung, Vũ-Thành vương Trần Quốc-Doãn, Hưng-Đạo vương Trần Quốc-Tuấn đang thao diễn Thủy-quân ở Tiên-yên, được tin báo vội vã trở về để nhận di chúc. Vương phi luôn sai ngựa trạm đi thúc ba vương tử về khẩn cấp. Bây giờ là giờ Ngọ, mà tam vị vương tử vẫn chưa về tới.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Kể từ niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6 (DL.1237, Đinh-Dậu), là năm Yên-sinh vương được cắt đất phong cho làm thang ấp. Vương về đây quy dân, khai thác đến nay trải đã 14 năm. Vùng Ngũ-yên trước kia, dân thưa sống rải rác trong rừng hoang, đầy thú dữ, rắn độc, khí hậu thấp nhiệt. Nay trở thành một vùng đất trù phú, đồng ruộng mênh mông, dân chúng từ các nơi tụ về đông đảo. Nhà nhà giầu có, gia súc nuôi thả khắp đồng cỏ, khắp ven núi, cạnh rừng. Dần dần Ngũ-yên trở thành vùng giầu có nhất nước.


Dân chúng các nơi thấy Ngũ-yên thuế nhẹ, không có nạn cường hào ở thôn xã, quan lại công bằng, trộm cắp không hề xẩy ra. Họ tấp nập tụ về. Yên-sinh vương, vương phi, cùng các vương tử luôn gần dân, thương dân, thăm nuôi người già, an ủi kẻ bệnh, giúp đỡ người nghèo. Thành ra họ coi vương như bậc cha mẹ.


Họ biết vương là anh ruột của Nguyên-Phong hoàng đế (Trần Thái-tông). Nhưng họ không hề thấy vương về Thăng-long triều kiến. Họ cũng không thấy triều đình cử các quan đến Ngũ-yên cai trị. Luật lệ của triều đình dường như không được thi hành ở Ngũ-yên. Ngũ-yên như một nước riêng biệt, không thống thuộc triều đình.


Hầu hết những anh hùng võ lâm, những kẻ sĩ, những người bất mãn với triều đình, đều tụ tập về Ngũ-yên. Yên-sinh vương chiêu nạp họ làm tân khách. Họ không có nhà thì cấp nhà. Họ không có ruộng thì cấp ruộng. Họ không có tiền thì cấp tiền. Trong vương phủ, có hàng trăm dẫy nhà, để cưu mang hàng mấy nghìn tân khách. Dần dần, bao nhiêu tinh hoa của võ lâm, bao nhiêu bậc văn tài của trời Nam, đều tụ về Ngũ-yên cả.


Dân chúng Ngũ-yên sống trong hạnh phúc. Họ chẳng hiểu tại sao vùng Ngũ-yên lại không bị triều đình quản chế. Có một vài người biết chuyện. Họ thì thầm với nhau rằng giữa nhà vua với vương có một mối thâm thù, mà lỗi về phía nhà vua. Cho nên suốt vùng đất Ngũ-yên, vương muốn làm gì thì làm, nhà vua cũng phải nhắm mắt lờ đi. Triều đình không ai dám đề cập tới. Ngay cả người có uy quyền lớn nhất, bao trùm nhà vua là Quốc Thượng-phụ Trần Thủ-Độ cũng làm lơ chuyện Ngũ-yên.


Sang giờ Thân, thì tam vị vương tử về tới. Tam vị bái kiến vương mẫu rồi vào thăm phụ vương. Yên-sinh vương đã mệt mỏi lắm rồi. Ngài ngồi trên giường, dựa lưng vào cái gối lớn, mắt lờ đờ nhìn vào không gian. Thấy ba con trở về, thần thái của vương trở thành linh hoạt. Hai mắt sáng rực, mặt hồng hào. Vương vẫy tay ra hiệu miễn lễ, rồi ban chỉ:


- Ba con về vừa kịp. Bằng không, ta ra đi, mà không để di chúc cho các con, thì đành ôm hận xuống suối vàng. Vậy các con ra gọi tất cả anh em, cùng 18 tân khách thân tín vào đây.


Mọi người tề tựu quanh giường bệnh. Yên-sinh vương cất giọng trầm trầm nói:


- Các vị là tân khách của ta. Các vị đã cùng ta luận bàn quốc sự. Các vị đã cho ta những lời khuyên, vì vậy ta coi các vị như bậc thầy. Bây giờ, biết rằng gần đất xa trời, ta mời các vị vào đây để trao di chúc.


Các tân khách đều im lặng, vì họ biết lúc này là lúc quan trọng nhất, thiêng liêng nhất của đời người.


Vương chỉ vào một thiếu niên dáng người hiền hòa, tai to, mặt trông giống như đức Thích-ca Mâu-ni :


- Đây là con trưởng của ta tên Quốc-Tung. Bẩm sinh tính khí ôn hòa, tâm mở rộng như trời như, biển; thương xót dân chúng như thương xót con cháu. Tung lại sớm ngộ đạo từ bi, không tham danh lợi. Trong các con ta, Tung là người bác học đa năng, nghe rộng, nhớ dai. Phúc đức giòng họ ta sau này nếu có là nhờ Tung. Chính sách nuôi dân, chăm sóc dân, tổ chức học phong vùng Ngũ-yên là do Tung nhi.


Vương lại chỉ vào một thiếu niên uy vũ, mắt rồng, mũi lân, dáng người như Thanh-y đồng tử trong tranh:


- Đây là con thứ của ta, tên Quốc-Tuấn. Quốc-Tuấn có tài nghiêng trời lệch đất, giỏi tổ chức binh bị. Ta e Tôn Vũ, Ngô Khởi cũng không hơn. Lực lượng quân sự Ngũ-yên mạnh như ngày nay, hoàn toàn do Tuấn nhi. Suốt vùng Ngũ-yên ra Bắc-biên, mười năm qua không trộm, chẳng cướp là do Quốc-Tuấn.


Lại chỉ vào một thiếu anh tuấn:


- Đây là con thứ của ta tên Quốc-Doãn. Cả Tung, Tuấn lẫn Doãn đều là những thiếu niên có chí khí dọc ngang trời đất, có tài lấp biển vá trời. Cả ba đều có thể nối chí của ta.


Vương chỉ vào một thiếu niên thân thể hùng vĩ, mặt đẹp như ngọc:


- Đây là cháu Trần Tử-Đức của ta, tước phong Phú-lương hầu, lĩnh ấn Trung-vũ thượng tướng quân, hiện chỉ huy ba hiệu bộ binh của Ngũ-yên. Võ công Đức cực cao. Tính tình cương trực. Sau này có thể trao việc lớn.


Lại chỉ vào một người dáng dấp như một văn nhân:


- Đây là một thiếu niên, mà ta yêu thương như con đẻ, tên Phạm Cụ-Chích. Chích mồ côi, phải đi ở chăn trâu, bị đời khinh khiến. Ta đem về nuôi dạy. Chích hiện lĩnh ấn Tả-thiên ngưu vệ thượng tướng quân, coi hiệu Ngưu-binh của Ngũ-yên. Tính tình ngay thẳng, biết yêu thương kẻ dưới, nên tương lai có thể thành một Ngô Khởi.


Vương ngừng lại thở hai hơi, rồi chỉ vào một người da đen, mắt sáng như sao:


- Người này là bạn ta, dòng dõi vua Lê, hiện là sư đệ, cũng là em ruột của chưởng môn phái Sài-sơn Lê Ngân-Sơn, được võ lâm tặng cho mỹ danh Nam-thiên tam tuyệt. Đệ nhất tuyệt là khinh công. Đệ nhị tuyệt là mưu thần, chước thánh. Đệ tam tuyệt là thuật kỵ mã. Lê đệ hiện lĩnh ấn Vũ-kỵ thượng tướng quân, coi hiệu Kỵ-binh Phù-Đổng. Tiến trình tương lai của Lê đệ thực vô cùng rộng lớn.


Vương ngừng lại, hít một hơi dài, rồi tiếp:


"...Thời vua Cao-tông nhà Lý, vì nghe lời gian thần, giết cha con một tướng tài có công là Phạm Bỉnh-Di, Phạm Bỉnh-Du, mà có loạn. Đức Nguyên-tổ nhà ta (Trần Lý) nhân đó suất lĩnh hào kiệt dẹp loạn, lập lại thời thịnh trị. Đức Nguyên-tổ băng, đức Thái-tổ khai vận, lập cực, hoằng nhân, ứng đạo, thuần chân, chí đức, thần vũ, thánh văn, thùy dụ, chí hiếu hoàng đế (Trần Thừa) cùng em là Kiến-quốc đại vương (Trần Tự-Khánh) đánh Đông, dẹp Bắc, nhân tâm quy phục.


Vua Huệ-tông nhà Lý không con nối dòng, mới nghĩ đến truyền ngôi cho con gái. Người có hai công chúa. Lớn là Thuận-Thiên, đã gả cho ta, lại phong cho ta tước Phụng-càn vương. Nhỏ là Chiêu-Thánh, được lập làm Thái-tử, truyền ngôi thành Chiêu-Hoàng. Nhờ ân đức của đức Thái-tổ nhà ta, mà em ta là Trần Cảnh được kết hôn với Chiêu-Hoàng, rồi được nhường ngôi. Bấy giờ mới tám tuổi. Nhận ngôi vua từ triều Lý, nhân tâm ly tán, giặc dã khắp nơi, đất nước kỷ cương không còn, Cảnh chỉ ngồi trên ngai cho có vị. Việc cai trị thiên hạ, do đức Thái-tổ lèo lái, dần dần đất nước trở lại thanh bình, thịnh trị.


Niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ ba (DL,1234. Giáp Ngọ), đức Thái-tổ băng, ta kế vị người được phong Hiển-hoàng, lĩnh Phụ-quốc thái-úy".


Vương ngừng lại, đưa mắt nhìn Quốc-Tuấn:


".... Ba năm sau, giữa ta với Thái-sư Trần Thủ-Độ có chỗ bất đồng trong việc cai trị. Ta thì ta muốn dùng chủ đạo mấy nghìn năm của tộc Việt, mà cai trị dân. Nhất thiết noi theo phong tục, luật lệ của Đại-Việt từ nhiều đời để lại.


Còn Thủ-Độ thì lại muốn đem phong tục của bọn rợ Hung-nô, bọn Thát-đát vào nước ta. Sau những lần tranh cãi, giữa ta với Thủ-Độ đã có nhiều điều tương thuận. Duy điều Thủ-Độ muốn từ nay về sau, trong Hoàng-tộc thì cho con cô, con cậu; con chú, con bác kết hôn với nhau. Phàm Hoàng-hậu thì phải là con chú con bác ruột. Ta cực lực phản đối. Vì như thế là loạn luân. Các Ngự-y cũng đồng ý với ta, bởi nếu như cứ để trong họ kết hôn với nhau, thì con cháu sinh ra sẽ bệnh hoạn, ngu đần, tàn tật. Thủ-Độ cho rằng ta nói móc người. Vì người đã giáng Linh-từ Kiến-vũ thái hậu xuống làm công chúa, rồi lấy làm vợ. Nhân ta thu nạp một cung nhân triều Lý làm tỳ thiếp. Thủ-Độ sai chân tay vu cáo ta cưỡng dâm thị. Triều đình họa theo Độ, đàn hặc ta, rồi giáng ta xuống làm Hoài-vương. Ta giận quá, từ chức Thái-úy. Độ cử Phạm Kính-Ân thay ta để an lòng tướng sĩ".


Ghi chú của thuật giả


Biến cố này, ĐVSKTT,Trần kỷ, Thái-tông kỷ chép :


Bính Thân (DL.1236) niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6.


...Mùa hạ tháng 6, nước to, vỡ tràn vào cung Lệ-thiên.


Bấy giờ Hiển-hoàng Trần Liễu làm tri Thanh-Từ cung, nhân nước to đi thuyền vào chầu, thấy người cung phi cũ của triều Lý, liền cưỡng dâm ở cung Lệ-thiên. Đình thần hặc tâu, vì thế mới đổi tên cung ấy là cung Thưởng-xuân. Giáng Hiển-hoàng làm Hoài-vương.


Sự kiện này hết sức vô lý. Bởi niên hiệu Kiến-trung thứ nhì (1226), triều đình đã đem tất cả cung nhân, con gái họ hàng Lý Huệ-tông gả cho các tù trưởng người Man ; thì làm gì còn cung phi triều Lý để Hiển-hoàng cưỡng dâm ? Chỉ độc giả AHĐA mới biết rõ sự thực vụ này là : Thủ-Độ muốn hạ uy tín Hiển-hoàng Trần Liễu. Cho nên ngay năm sau mới có vụ đem vương phi của vương là công chúa Thuận-Thiên vào làm hoàng hậu của vua Thái-tông.


Trước đây, các tân khách, cũng như vương tử đều nghe phong phanh rằng, Yên-sinh vương dám kết tội Thái-sư Quốc Thượng-phụ Thủ-Độ với Linh-từ Quốc-mẫu cũng là mẹ vợ, là cô ruột. Không ai hiểu nội vụ ra sao. Bây giờ nghe Vương nói, mọi người mới hiểu rõ.


"... Ta kết hôn với công chúa Thuận-Thiên từ năm công chúa mới 9 tuổi, còn ta đã 15 tuổi. Đến năm công chúa 18 tuổi thì sinh Quốc-Doãn.


Niên hiệu Thiên-ứng Chính-bình thứ 6 (DL.1237. Đinh Dậu), trong cung, Chiêu-Thánh hoàng hậu mới 20 tuổi, chưa sinh hoàng nam. Tôn thất nhà Lý bắt đầu nghị luận. Họ mong Cảnh với Chiêu-Thánh không con, để có cớ đòi lập một tôn thất nhà Lý lên ngôi vua.


Bấy giờ công chúa Thuận-Thiên có thai lần thứ nhì với ta. Thủ-Độ lo sợ, không có kế gì đối phó, mới bàn với Linh-Từ, bắt công chúa Thuận-Thiên lập làm Hoàng-hậu. Độ nghĩ rằng, sẽ dùng con của ta dối rằng con của Cảnh, để bịt miệng thế gian, giữ ngôi vua cho họ Trần. Lại giáng Chiêu-Thánh xuống làm công chúa.


Trước việc làm thương luân bại lý như vậy, ta xuất thân binh đánh chiếm phủ Thái-sư giết Thủ-Độ. Ta chiếm được. Nhưng Linh-Từ quốc mẫu can không cho ta giết lão. Ta rút quân về. Còn Cảnh phải xa Chiêu-Thánh, quá khổ sở, đang đêm lấy ngựa trốn lên chùa Yên-tử, xin với bạn cũ của người là sư Phù-vân, cho thọ giới tỳ kheo.


Thủ-Độ không ngờ anh em ta lại phản đối quyết liệt như vậy. Độ dẫn các quan lên chùa Yên-tử đón vua trở về kinh sư. Vua nói:


" Vì trẫm còn trẻ, không cáng đáng nổi sứ mệnh nặng nề. Phụ hoàng lại vội lìa bỏ, trẫm thiếu chỗ trông cậy, nên không dám giữ ngôi vua, làm nhục Xã-tắc".


Độ nài nỉ nhiều lần không được vua nghe, mới nói với các quan rằng:


"Xa giá ở đâu tức là triều đình ở đó".


Thế rồi Độ cắm nêu trong núi, chỗ này là điện Thiên-an, chỗ kia là gác Đoan-minh, sai người xây dựng.


Sư Phù-Vân thấy thế tâu rằng:


"Bệ hạ nên gấp quay xa giá trở về, chớ để làm hại rừng của trời đất".


Vua trở về Thăng-long thì được tin Chiêu-Thánh mất tích. Tin này làm rúng động triều đình. Thủ-Độ sợ Chiêu-Thánh trốn ra ngoài các trấn, rồi hô hào phục hồi triều Lý thì loạn to. Một mặt Thủ-Độ bắt phải dấu nhẹm chuyện này, rồi ra lệnh cho Khu-mật viện tìm kiếm. Một mặt tìm một thiếu phụ có gương mặt giống Chiêu-Thánh, đem vào cung thay thế. Bí ẩn này, cho đến nay cũng không ai biết. Riêng ta, ta biết Chiêu-Thánh đang ở đâu, nhưng ta không nói ra.


Thủ-Độ đem quân ăn mày bao vây dinh thự của ta.Ta không thèm lý đến y. Ta chờ Cảnh về Thăng-long, lẻn đến giết chết đứa em tàn bạo. Giữa lúc ta sắp hạ thủ, thì Linh-Từ xuất hiện. Người can ta. Võ công ta thấp hơn Linh-Từ một bậc. Ta đành nín nhịn. Linh-Từ giảng giải cho ta biết rằng việc làm nghịch thiên, bạo địa này là do Thủ-Độ, vua cũng là nạn nhân như ta. Anh em ta ôm nhau mà khóc. Chúng ta, biết không làm gì được Độ. Cảnh thiết triều phong cho ta vùng Yên-phụ, Yên-đường, Yên-sinh, Yên-hưng, Yên-bang. Những vùng đất này đều là vùng rừng thiêng nước độc. Phàm quan quân lên trấn nhậm chỉ có đi mà không có về.


Ta căm thù, dẫn vương phi, các con, tộc thuộc lên vùng này. Từ hồi ấy đến giờ, trải 14 năm, nằm gai nếm mật, chờ này phục thù, rửa nhục. Cách đây ba năm Thuận-Thiên băng, trong khi tuổi mới 33. Hồi đầu năm nay, Cảnh đem con gái là công chúa Thiên-Thành gả cho Quốc-Tuấn với ý định dùng cuộc hôn nhân, xóa mối thù".


Vương nhìn công chúa Thiên-Thành, tức Hưng-Đạo vương phi đang ngồi ôm mặt khóc:


"...Con khóc ư? Con đau khổ một, thì ta đau khổ mười. Bây giờ gần đất xa trời, ta vẫn chưa rửa được cái hận mười mấy năm nay. Hỡi ơi, bây giờ bệnh tình ta quá nặng, không hy vọng gì trả thù nữa rồi ".


Vương hướng mắt qua cửa sổ, nhìn vào không gian đen như mực, rồi tiếp:


" Đây là di chúc của ta: Sau khi ta qua đời rồi, thì các con, cũng như tân khách, tiếp tục nối chí ta. Nhất thiết trọng nghĩa, khinh tài, khuất thân cầu hiền. Khi thấy lực lượng đã đủ, thí cất quân về Thăng-long, trước giết Thủ-Độ, sau đoạt lấy ngôi vua. Có như vậy hồn ta mới siêu thoát được".


Công chúa Thiên-Thành hỏi:


- Thưa phụ vương. Như phụ vương dạy, thì phụ hoàng cũng như phụ vương đều là nạn nhân của Thái-sư Thủ-Độ. Tại sao lại đoạt ngôi vua để trả thù?


- Khi Linh-Từ giảng hòa giữa ta với Cảnh. Cảnh khóc lóc than thở rằng: Dù Thủ-Độ cố đem Thuận-Thiên vào cung, đặt lên ngôi Hoàng-hậu chăng nữa, Cảnh quyết giữ gìn cái tình chị dâu em chồng, không bao giờ phạm đến thân thể. Thế nhưng, sau khi sinh ra đứa con của ta, đặt tên là Quốc-Khang, Thuận-Thiên lại sinh ra Thái-tử Hoảng, rồi Quang-Khải, Nhật-Vĩnh, Ích-Tắc. Thế thì rõ ràng thằng em của ta là đồ vô luân, chứ đâu phải Thủ-Độ?


Chư vị vương tử, vương tôn, quận chúa, tiểu thư cùng chắp tay:


- Chúng con không bao giờ quên thù này.


Các tân khách đều rơi lệ thông cảm mối thương tâm của vương. Họ cùng dơ tay thề:


- Bọn thuộc hạ nguyện trả thù cho vương gia.


Vương thở dài nhẹ nhõm:


- Sau khi ta hoăng rồi, việc tang chế nhất thiết giản dị. Tuyệt đối không nhận phúng điếu. Phần mộ của ta xây cho có. Đừng xây lăng mộ lớn, mà tốn sức, tốn của, tốn mồ hôi của dân. Sau 100 ngày thì đốt tang phục. Mọi người tiếp tục công việc.


Ghi chú của thuật giả


Hiện nay, ngôi mộ của Yên-sinh vương vẫn còn ở Đông-triều, nằm cạnh con đường dẫn tới chùa Yên-tử. Trong dịp hướng dẫn phái đoàn Pháp nghiên cứu vùng vịnh Hạ-long, Đông-triều hè 1998, chúng tôi có thăm mộ Yên-sinh vương. Tôi không ngờ ngôi mộ một vị Đại-vương, uy quyền, giầu sang bậc nhất hồi đó, sinh ra nhiều con, cháu là những anh hùng dân tộc, cầm binh quyền toàn quốc, mà lại nhỏ như vậy. Có lẽ Hưng-Đạo vương chiếu di chúc, xây giản dị, sau này cũng không cải táng, để nêu cái đức cần kiệm thương dân của phụ vương. Tôi tò mò, quan sát địa thế ngôi mộ về phương diện phong thủy, và tìm ra ngôi mộ này kết phát tới hơn 700 năm. Nay linh khí đã hết. Tôi nhờ. Kỹ sư Pháp dùng máy trắc nghiệm. Kết quả: Quan tài còn nguyên. Những xương chính còn đầy đủ. Chiều sâu của mộ là 1,8m. Nhưng tôi không dám quyết rằng đây là mộ thật của ngài, bởi truyền thống họ Trần thuộc dòng Hưng-Đạo vương, khi qua đời thì thiêu rồi chôn vào một nơi bí mật. Cả hai trường hợp đều làm mộ giả.


Hiện (1988) tại núi Yên-phụ, xã Kim-xuyên, huyện Hiệp-sơn, nay là huyện Kim-sơn tỉnh Hải-hưng còn ngôi đền thờ An-sinh vương mang tên Trần hoàng thân từ. Trong đền có đôi câu đối :


Phụ linh giáng trần, lẫm liệt khôn phò chính khí,


Đông a dực vận, huy hoàng sử sách lưu danh.


(Cha linh thiêng, nên có con là thánh giáng trần phù chính khí. Làm cho vận số dòng họ Trần lâu bền, trong sử sách còn chép tên).


Phụ linh văn trung, Trần khải thánh , An-sinh vương linh thanh truyền cổ miếu.


Đào nguyên động thượng, Lạc-long quân từ thanh thế hợp tân Xuân.


(Cha là An-sinh vương Liễu linh thiêng, tiếng đồn mãi về cổ miếu này. Suối Đào-nguyên, quốc tổ Lạc-long quân dùng lời từ ái gọi vương về hưởng phúc mùa Xuân mới).


Tài liệu.


ĐVSKTT, Trần kỷ Thái-tông kỷ.


ĐNNTC.


Đồng-Khánh địa dư chí lược.


Nói đến đây quá mệt mỏi, hơi thở của vương ngắt quãng. Vương nhắm mắt lại, rồi thều thào:


- Thuận-Thiên! Thuận-Thiên...Hãy...hãy...chờ ta.


Rồi mắt vương trợn ngược. Vương phi kêu thét lên:


- Vương gia! Vương gia!


Ngự y chẩn mạch, lắc đầu:


- Vương gia quy tiên rồi.


Bấy giờ là giờ Tuất, ngày 14 tháng 4 niên hiệu Nguyên-phong nguyên niên đời vua Thái-tông (DL.1251,Tân Hợi).


Ghi chú của thuật giả


Về ngày hoăng của Yên-sinh vương, sử không ghi rõ. Nhưng con cháu Vương cúng giỗ vào ngày 14-4, thì ta có thể tin chắc đó là ngày Vương hoăng.


Quốc-Tung là con trưởng, là tang chủ, tức khắc họp gia thuộc, tân khách, loan báo đại tang. Khắp vùng Ngũ-yên, dân chúng đều để tang vương. Hưng-Ninh vương sai sứ phi ngựa về Thăng-long báo tang. Nguyên-phong hoàng đế (Thái-tông) khẩn thiết đại triều, báo tang trên toàn quốc, cùng gửi sứ giả ra Đông-triều điếu tang, ban chiếu gia phong Đại-vương.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Nếu mọi nhà ở thành Lạc Dương nao nức chờ đến một ngày mới trong cái Tết ròng

11-07-2016 51 chương
Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Nếu mọi nhà ở thành Lạc Dương nao nức chờ đến một ngày mới trong cái Tết ròng

11-07-2016 51 chương
Trở về bên mẹ

Trở về bên mẹ

Mùa đông năm đó, Mẹ được tin con trai đã anh dũng hy sinh tại chiến trường để bảo

25-06-2016
Người chồng tham ăn

Người chồng tham ăn

Xưa, có một người rất ham ăn, thấy gì cũng muốn ăn một miếng, nếm thử một chút.

28-06-2016
Chuyện tình hôm qua

Chuyện tình hôm qua

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán

25-06-2016
Làm sao để quên

Làm sao để quên

Sau khi thất tình, chúng ta cứ thích hỏi : "Tôi làm sao để có thể quên anh ta? Tôi rất

24-06-2016
Yêu và trọng

Yêu và trọng

Sáng đầu tuần, cô tạp vụ nghỉ ốm, thế là mất suất cà phê sáng. Cố nhịn, rồi

29-06-2016
Con dâu của bà Đức

Con dâu của bà Đức

- Trèo lên giường ngay, tôi đã cấm bà không được đi ra ngoài này cơ mà. Nhanh lên, này

29-06-2016