Polly po-cket
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 33 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 16

↓↓
Mông-cổ lập quốc


Niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ sáu (Mậu-Tý, DL.1168), đời vua Lý Anh-tông bên Đại-Việt, bên Trung-nguyên là niên hiệu Càn-Đạo thứ tư , đời vua Hiếu-tông nhà Nam-Tống.


Mùa Thu tháng 8.


Đại-Việt thiết đại triều tại điện Uy-viễn. Nhạc tấu bản Nguyên-thọ, nhà vua cùng Tuyên-phi Từ Thụy-Hương ra. Nhà vua ngồi trên ngai vàng. Bên trái là một long ỷ, Tuyên-phi Thụy-Hương ngồi đây. Bên phải là một long ỷ khác, dành cho thái-tử Long-Xưởng và ba hoàng tử là Kiến-Ninh vương Long-Minh, Kiến-An vương Long-Đức, Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Lễ nghi tất.


Tể tướng Đỗ An-Di bước ra tâu :


- Thần Kiểm-hiệu Thiếu-sư, Đồng-bình-chương sự, Uy-viễn đại học sĩ, Kinh-Bắc tiết độ sứ kính tâu.


Thái-tử Long-Xưởng tuyên chỉ :


- Xin tể tướng bình thân.


- Chương trình nghị sự hôm nay gồm có ba phần. Phần thứ nhất, để nghe tâu về việc đi sứ Kim.


Nghe Đỗ An-Di tâu, bách quan đều kinh ngạc vô cùng, vì họ chưa từng nghe nói đến việc triều đình cử sứ giả sang Kim-quốc bao giờ, thế mà nay họ lại nghe tâu sứ đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ trở về. Thế chánh sứ là ai ? Lên đường bao giờ ? Sứ sang Kim với nhiệm vụ gì ?


Họ cùng đưa mắt nhìn Lễ-bộ thượng thư Ngô Lý-Tín như để dò hỏi, thì ông này cũng ngơ ngơ ngác ngác. Họ lại nhìn nhà vua, thì thấy đôi mắt nhà vua lờ đờ, tỏ vẻ mệt mỏi, không mấy chú ý đến việc này. Họ nhìn thái-tử Long-Xưởng, thì thấy ông vua con mắt sáng long lanh, da tươi hồng. Như vậy rõ ràng vụ này do thái-tử chủ xướng.


Long-Xưởng biết phụ hoàng mình hoàn toàn u mê, ù ù, cạc cạc về việc liên kết với Kim, vương nhắc lại để cho ngài nhớ, và cũng để cho quần thần biết :


- Tâu phụ hoàng, cách đây hơn năm, trong lần mật nghị quốc sự với thần nhi, phụ hoàng ban chỉ rằng : Cái thế Đại-Việt ta an hay nguy là do Tống với Chiêm. Nay Chiêm đã hoàn toàn quy phục, chỉ có Tống là đáng chú ý. Nhưng tình hình Tống lại tùy thuộc vào Kim với Hạ. Vậy cần cử người sang Kim quốc, tặng phương vật, kết hiếu, để thăm dò tình hình.


Nghe Long-Xưởng tâu, nhà vua mới chợt nhớ :


- Hôm ấy, trẫm trao toàn quyền cho hoàng nhi. Nay sự ấy ra sao ?


- Sau một tháng chuẩn bị, thần nhi đã tâu rằng : Sứ Việt sang Kim-quốc, phải qua lãnh thổ Tống, vì vậy nên giữ kín. Vì thế, vụ này không đem ra triều nghị, cũng không làm lễ tiễn sứ. Phụ-hoàng ban chỉ cử phò mã Trần Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi làm chánh phó sứ, lại nhờ hai trong Đại-Việt ngũ tuyệt là y-sư Phạm Tử-Tuệ, thần-tiễn Trần Tử-Giác xung vào sứ đoàn. Ngoài ra còn có Vỵ-xuyên ngũ tiên giả làm tỳ nữ đi theo nữa.


Nghe Long-Xưởng tâu, nhóm quần thần chủ yên phận hưởng thụ nghĩ thầm :


- Cái vụ này ắt là thái-tử chủ xướng, chứ ông vua nào có thiết tha gì đến quốc sự đâu. Hèn gì, cách nay hơn năm, sau lễ cưới của công chúa Đoan-Nghi với quốc-công Thủ-Huy, thì thái-tử loan báo rằng cử phò mã với công chúa làm khâm sai đại thần, mang Thượng-phương bảo kiếm đi kinh lý khắp Đại-Việt. Khâm-sai đặc mệnh được toàn quyền xử tử, cách chức bọn tham quan, bọn cường hào ác bá. Hồi ấy ai cũng nghi ngờ rằng Thủ-Huy đang giữ trọng trách tổng-lĩnh Thiên-tử binh, là cánh tay mặt của thái-tử, mà sao thái-tử lại cho rời Thăng-long ? Bây giờ mình mới hiểu ! Hà, nay mai ông vua con này lên ngôi, ắt có nhiều cải cách, ta khó mà ngồi yên hưởng thụ được.


Long-Xưởng tuyên chỉ :


- Thỉnh phò mã, công chúa vào.


Thủ-Huy, Đoan-Nghi vào điện, trong khi hơn trăm nhạc công tấu, ca bản Viễn-hành quy triều (đi xa về chầu vua).


Tự Thiên-tử sở,


Thiên-tử mệnh chi.


Chấp sự hữu khác,


Đức-âm mạc vi.


Chưng tai ! Mao sĩ,


Bạc ngôn hữu chi.


Duy kì hữu chi,


Bi nhiên lai ti.


Bảo hữu quyết thổ,


Bang gia chi ki.


Dịch:


(Tự nơi đức vua,


Đức vua sai đi.


Nhiệm vụ kính cẩn,


Quyết chẳng sai di.


Tốt thay tuấn sĩ,


Lời nói cẩn trọng,


Duy có người thôi.


Vui vẻ trở về,


Bảo vệ xã tắc,


Gốc của nước nhà)


Càn-nguyên điện đại học sĩ Trần Thủ-Huy tâu :


- Thần Thiếu-bảo, Trung-nghĩa thượng tướng quân, lĩnh Càn-nguyên điện đại học sĩ, kiêm Thượng-thư lệnh, tổng-lĩnh Thiên-tử binh, tước Côi-sơn công kính tâu.


Nhà vua tuyên chỉ :


- Phò mã bình thân .


Long-Xưởng kéo ghế cho Thủ-Huy, Đoan-Nghi ngồi. Vừa ngồi xuống, đôi mắt Thủ-Huy chạm ngay phải nhãn quang Tuyên-phi Thụy-Hương. Cả hai cùng ngỡ ngàng, cùng bồi hồi, cùng rung động thực mạnh. Nhưng mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thủ-Huy thì nghĩ thầm:« Mình với Thụy-Hương đã qua biết bao nhiêu hạnh phúc, biết bao nhiêu kỷ niệm mặn nồng. Vì mình không chủ trương được, mà ví dù có chủ trương được, thì cũng không có quyền chủ trương ; thành ra mình phụ nàng. Nhưng thôi, may mắn cho nàng, đã trở thành Tuyên-phi » .


Trong khi đó Thụy-Hương nghĩ :« Người tình của mình ngồi ngay trước mắt mình, mà hóa ra nghìn trùng cách biệt. Cái tình là cái chi chi, thực khó hiểu. Chính mình chăng lưới bắt con nai Long-Xưởng, con nai Chính-long Bảo-ứng, mà sao mình vẫn không quên được Thủ-Huy ».


Trong khi đó, tiếng Thủ-Huy vẫn đều đều :


- Tuân chỉ phụ-hoàng, thần nhi dẫn sứ đoàn, giả làm khách thương vượt biển sang Kim-quốc. Nay sứ mệnh đã hoàn thành, xin tấu trình. Kim chúa có gửi quốc thư, và phương vật tặng phụ hoàng và mẫu hậu. Thần nhi kính cẩn dâng lên.


Thủ-Huy dâng quốc thư. Nhà vua liếc qua, rồi trao cho Long-Xưởng. Công chúa lại dâng lên hai cái áo ngự hàn bằng da điêu, cúc bằng vàng. Nhà vua tiếp lấy mặc thử, lông điêu bóng mượt thực đẹp. Còn một chiếc, ngài truyền mang vào nội cung cho hoàng-hậu.


Liếc mắt nhìn ngang, thấy Thụy-Hương ngồi trên chiếc ghế ở phía trái ngai vàng, tim Thủ-Huy đập đến bình một cái.


- Sứ đoàn dùng đường biển.


Thủ-Huy kể : Tất cả xuống một chiếc thuyền buôn của Tống, tại bến Vỵ-hoàng thuộc trấn Thiên-trường. Đây là một thương thuyền mà thủy quân tịch thu của bọn gian thương Tống. Phải nửa tháng, thuyền mới ra khỏi lãnh hải Việt. Khi thuyền qua eo biển đảo Hải-Nam thì gặp thủy quân Tống. Họ kiểm soát, thấy thuyền là thuyền Tống, dưới thuyền chở nhiều hương liệu, cá khô, tôm khô, đồ đồng, đồ gỗ, thì họ tin ngay. Nhất là họ thấy trong đoàn ai cũng biết nói tiếng Hoa bằng giọng Hàng-châu, họ càng tin hơn. Thuyền tiếp tục hướng Bắc mà đi. Hơn hai tháng sau, thì tới Liêu-Đông. Thuyền gặp thủy quân của Kim. Sứ đoàn nói cho họ biết rõ nhiệm vụ. Họ hộ tống, đổ bộ lên bờ, rồi quan trấn thủ Liêu-Đông cấp xe, ngựa, sai thiết kỵ hộ tống về Yên-kinh. Tới Yên-kinh, sứ đoàn được quan Lễ-bộ tham tri Gia-luật Sử-tri tiếp đón, cho ở Nam-thanh cung. Gia-luật Sử-tri tiết lộ cho thần nhi biết, triều đình Kim-quốc đang nghị về việc gửi sứ sang Đại-Việt, Đại-Lý. Mục đích việc gửi sứ, là bàn kế liên binh đánh Tống. Kim sẽ cho quân đánh từ Bắc xuống, Đại-lý đem quân vượt Kim-sa giang tiến đánh Tứ-xuyên, rồi chiếm Đông-xuyên, Tây-xuyên. Còn Đại-Việt thì đem quân tiến chiếm Quảng-Đông, Quảng-Tây, Kinh-Hồ (Kinh-châu, Hồ-Nam).


Nhóm đại thần chủ chiến đưa mắt nhìn nhau, trong cái nhìn, ngụ ý :


- Thì ra Kim cũng nghĩ như Đại-Việt. Vụ này có cơ thành công đây.


- Hai ngày sau sứ đoàn được triều kiến.


Lễ-bộ thượng thư Ngô Lý-Tín hỏi :


- Thưa Thiếu-bảo, triều đình Kim họ nói tiếng gì ? Về lễ nghi có giống Đại-Việt không ?


- Các đại thần lớn tuổi, thì họ nói hai thứ tiếng, một thứ tiếng của bộ lạc Nữ-chân, và tiếng Hoa vùng Yên-kinh. Còn các đại thần trẻ, thì họ chỉ nói tiếng Hoa. Lễ nghi của họ rất giản dị. Khi thiết triều, các quan đều được ngồi ghế. Sau khi thiết triều, thì vua, hoàng hậu , phi tần, công chúa với các quan, vợ các quan cùng ngồi ăn yến. Họ không ngồi trên sập như mình, mà ngồi ghế, còn thực vật thì để trên bàn tròn. Họ cũng không ngồi theo thứ bậc, mà ai thích ngồi đâu thì ngồi. Sau khi ăn yến, lại cùng nhau xem hát.


Long-Xưởng vẫy tay cho Thủ-Huy ngừng lại, rồi hỏi quần thần :


- Không biết các vị có cao kiến gì không ?


Tể-tướng Đỗ An-Di hỏi :


- Thưa phò mã, nghe nói người Nữ-chân theo chế độ mẫu hệ, không biết sự thực ra sao ?


- Không phải thế ! Họ trọng đàn bà, cho nên khi nhà vua thiết triều, thì thái-hậu, hoàng-hậu cũng tham dự. Trên toàn quốc, nam, nữ cũng phải luyện tập võ nghệ, học xung phong hãm trận, tổ chức hơi giống thời Lĩnh-Nam của ta. Có điều hơi khác là thời Lĩnh-Nam thì cả nam binh, nữ binh đều ra trận. Còn Kim thì nữ binh giữ nhiệm trấn thủ canh phòng, bảo vệ. Khi nghe nói trong sứ đoàn Đại-Việt có công chúa, với Vỵ-xuyên ngũ tiên nên hoàng hậu truyền mời vào hậu cung khoản đãi, và đàm đạo.


- Tổ chức nội cung của Kim ra sao ?


Long-Xưởng hỏi Đoan-Nghi : Nghi muội tâu lên để phụ hoàng cùng triều đình biết.


- Tâu phụ hoàng, nội cung Kim có tổ chức hơi khác nội cung Tống, cái khác ấy lại giống nội cung Đại-Việt thời đức Thái-tổ, Thái-tông. Vua có ba bà hoàng-hậu, hoàng hậu có toàn quyền trong nội cung như tuyển các vương phi cho hoàng tử, tuyển cung nga, tuyển thái giám, ban chế bổ nhiệm nữ quan. Một điều hơi khác Đại-Việt ta, là các hoàng hậu, phi tần đều luyện võ, học binh pháp, hành binh, xung phong hãm trận. Ngay khi thần nhi vào cung, thì Chính-Đức, Nhất-Đức, Nguyên-Đức hoàng hậu cùng họp lại khoản đãi. Các bà hỏi thăm rất kỹ tình hình Đại-Việt.


Tuyên-phi Từ Thụy-Hương gật đầu tỏ vẻ hài lòng :


- Trước đây tôi cứ phân vân mãi về việc Kim chỉ là một bộ tộc kém văn minh, so với tộc Tống với Liêu, thế mà họ thắng Tống, thắng Liêu. Bây giờ tôi mới hiểu rằng họ biết trọng phụ nữ, như thời vua Trưng của ta. Ta phải học lấy cái hay của họ.


Thụy-Hương vừa dứt lời, thì bọn chủ hòa như Tô Hiến-Thành, Ngô Lý-Tín, Lý Kính-Tu, Trần Trung-Tá mỗi người một câu tỏ vẻ phụ họa theo nàng, làm Thủ-Huy, Đoan-Nghi kinh ngạc không ít.


Nguyên khi nhà vua ban chỉ phong cho Từ Thụy-Hương làm Tuyên phi, thì từ triều đình đến hậu cung đều nổi lên những chống đối mãnh liệt. Hoàng-hậu gặp nhà vua, tâu cho ngài biết rất chi tiết những gì diễn ra ở Đông-cung giữa Thụy-Hương với Thủ-Huy, Long-Xưởng. Bà kết luận : Về danh nghĩa thì Thụy-Hương là cung nữ của Long-Xưởng, tức con dâu của nhà vua. Nhà vua không thể làm chuyện trái luân thường. Còn triều đình thì chống đối về tư cách của vú Mai, về việc vú Mai mang thai mà không biết cha của Thụy-Hương đích thực là ai. Lập tức Thụy-Hương soạn ngay một bài dụ trả lời các quan, trao cho nhà vua ký, rằng trước đây vua Thánh-tông từng đem một thôn nữ về cung, sau thành Linh-Nhân hoàng thái hậu. Thì nay, sao lại chống đối nhà vua phong quận chúa Thụy-Hương làm Tuyên-phi ? Nàng từng lập rất nhiều công với triều đình. Rằng võ công của nàng rất cao, văn chương cùng kiến thức mênh mông ! Nàng lại tâu với nhà vua rằng việc nàng với Thủ-Huy, Long-Xưởng là sự thực. Trước khi trao thân cho ngài, nàng đã từng tâu hết ngọn nguồn, xin ngài đừng ép nàng. Nay sự đã ra thế này, thì chỉ mình nhà vua có thể dập tắt dư luận mà thôi. Việc dập tắt đó rất dễ, chỉ cần trong một buổi thiết đại triều, nhà vua khẳng định rằng : khi Tuyên-phi Thụy-Hương dâng hiến cho ngài, ngài thấy rõ ràng rằng Tuyên-phi còn là một xử nữ. Ai còn nói ra, nói vào về đức hạnh của nàng, sẽ bị giết cả nhà.


Thế là không ai dám chống đối nữa. Hoàng-hậu, quần thần đều phải ngậm tăm, vì có tâu gì chăng nữa, nhà vua cũng không nghe, trong khi sự đã rồi. Nàng lại soạn chế, tuyển quận chúa Bùi Trang-Hòa làm chính phi cho Long-Xưởng. Lễ cưới được tổ chức ngay sau đó. Nàng còn tâu xin nhà vua cho mẹ nàng giữ chức trưởng ty Thượng-thiện, một chức vụ rất nhỏ, nhưng cực quan trọng, trông coi việc nấu nướng cho nhà vua ăn hằng ngày, làm yến ban cho các quan, sứ thần. v.v. Thế là vú Mai đương nhiên dọn vào ở trong cung của con. Ngày đêm bà bầy mưu thiết kế cho nàng.


Cũng kể từ khi Thụy-Hương được phong làm Tuyên-phi, hằng ngày nàng làm việc cạnh nhà vua như một đại học sĩ. Đấy là bề ngoài, chứ thực ra, mọi tấu chương đều do nàng đọc, phê chuẩn. Còn nhà vua thì chỉ duyệt rồi ký mà thôi. Mọi quyền hành của nhà vua trước đây chuyển sang Đông-cung, thì nay lại trở về với nhà vua.


Long-Xưởng, với Đông-cung triều chỉ còn là cái bóng mờ. Nhân đó phe chủ hòa lại xúm vào mà xu phụ Thụy-Hương. Những ông đại thần phe này đa số là nho gia già nua, mũ cao, áo rộng. Chính các ông, trước đây từng chống đối vú Mai với Thụy-Hương, thì bây giờ lại ra luồn vào cúi với nàng, để giữ được cái chức, cái tước. Họ luôn dâng biểu, làm thơ làm từ ca tụng nàng : Nào là tài trí không thua tể tướng thời Lĩnh-Nam Nguyễn Phương-Dung. Nào Tuyên-phi có phong cách mẫu nghi thiên hạ như Linh-Nhân hoàng thái hậu.v.v.


Những khi nhà vua thiết triều, quần thần nghị sự có rất nhiều điều trái với châu phê của Thụy-Hương, nhà vua cũng ừ hự cho qua ; thành ra cùng một việc mà có hai lối giải quyết khác nhau. Thụy-Hương rất bực mình về việc này, nàng trách cứ nhà vua. Nhà vua đề nghị nàng nên dự các buổi thiết triều, để đối đáp với các đại thần. Nàng bèn soạn một chỉ dụ, căn cứ vào tích xưa, vua Thánh-tông cho Ỷ-Lan thần phi dự các buổi thiết triều, nghị quốc sự, nay ngài cũng cho Tuyên-phi Thụy-Hương cái quyền ấy.


Sau khi chỉ dụ ban ra, Thụy-Hương đường đường, chính chính tham dự các buổi thiết triều cạnh nhà vua. Thế là, trong cung bao nhiêu tấu chương, nàng giải quyết hết. Khi thiết triều nàng ban chỉ, quyết định chính sách. Trong triều, ngoài dã bàn tán thì thầm rằng Tuyên-phi làm vua, chứ không phải Chính-long Bảo-ứng hoàng đế làm vua. Bọn nho thần chủ hòa càng được dịp nịnh hót, tâng bốc nàng hết lời.


Những biến cố này xẩy ra trong khi Thủ-Huy đi sứ, thành ra quốc công với công chúa Đoan-Nghi không biết gì. Nay, sau hơn năm trở về, hai người thấy Thụy-Hương hành xử như ... một ông vua đầy quyền hành, thì ngạc nhiên không ít.


Thái-tử Thái-phó, lĩnh Lại-bộ thượng thư Lý Kính-Tu hỏi công chúa Đoan-Nghi về việc đối đáp trong cuộc nghị sự với các bà hoàng hậu Kim :


- Khải điện hạ, không biết điện hạ trả lời thế nào ?


- Thượng-thư sợ tôi tiết lộ cơ mật của Đại-Việt chăng ?


- Thần sợ điện hạ không quen đối đáp với những mánh lới trong phép dụng gián...


- Này Thượng-thư ơi ! Ta đi sứ Kim với mục đích gì ? Ta cầu họ hay họ cầu ta ? Dĩ nhiên ta cầu họ. Khi ta cầu họ thì trước hết ta phải mua lòng tin của họ trước. Vì vậy ta phải thực thà. Tại sao ? Các bà hoàng hậu Kim đều tham dự chính sự. Khi Kim triều chuẩn bị gửi sứ sang ta, thì tế tác của họ đã biết hết tình hình ta ; bọn tế tác đó đã tâu về triều, thì các bà hậu đương nhiên biết hết rồi. Ta dấu làm gì ? Vô ích.


Công chúa tâu tiếp :


- Ngay chiều hôm ấy , nhà vua, tể tướng, Binh-bộ thượng thư, ba bà hoàng hậu đãi yến thần nhi với phò mã trong cung. Sau yến là cuộc nghị sự mật. Hai bên bàn với nhau tới canh ba mới chấm dứt. Các khoản hai bên đồng ý với nhau gồm :« Đại-Việt, Đại-lý, Đại-Kim cùng ra quân đánh Tống. Đại-Kim sẽ giữ nhiệm vụ thuyết phục Đại-lý hợp tung, liên binh với nhau. Sau khi Tống bị diệt, thì giang sơn Tống chia làm ba.


Vì vậy :


- Phía Đại-lý đem quân vượt Độ-khẩu tiến chiếm Thành-đô, rồi thuận thế đánh Đông-xuyên, Tây-xuyên. Ba vùng này vĩnh viễn thuộc Đại-lý.


- Phía Kim, đem quân vượt sông đánh xuống Nam-kinh, rồi tỏa ra chiếm tất cả châu quận còn lại.


- Phía Đại-Việt đem quân vượt biên tiến chiếm Quảng-Đông, Quảng-Tây, Hồ-Nam rồi Trường-sa. Tất cả các vùng này đều thuộc Đại-Việt.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Chỉ đao - Nam Kim Thạch

Chỉ đao - Nam Kim Thạch

Văn án: Mưa càng lúc càng nặng hạt. Đêm đã khuya, trên đường cũng đã vắng khách

10-07-2016 20 chương
Liên Thành quyết - Kim Dung

Liên Thành quyết - Kim Dung

Giới thiệu: Liên thành quyết là câu chuyện kể về chàng trai Địch Vân thật thà,

08-07-2016 49 chương
Bàn Long Đao - Ưu Đàm Hoa

Bàn Long Đao - Ưu Đàm Hoa

Giới thiệu: Một căn nhà đơn độc trong nghĩa địa của Tô Châu hoa lệ, một mẹ góa

11-07-2016 24 chương
Những ván cờ caro

Những ván cờ caro

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bào cho tập truyện "Tháng năm không ở lại") An biết, Huy

27-06-2016
Của mình của người

Của mình của người

Và hoa ở nhà người, bèo ở ao vườn người, trang phục của người, sự dịu dàng của

23-06-2016
Phía sau lưng

Phía sau lưng

Bốn năm trước, trong một buổi chiều mùa thu lộng gió, nó rời quê nhà để bắt đầu

30-06-2016
Naruto chap 21: Lên Bờ

Naruto chap 21: Lên Bờ

Đọc truyện tranh Naruto chap 21: Lên Bờ     Tiếp nối chap 20, Mặc dù tạm  thời đã

04-10-2016