Teya Salat
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 70 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 16

↓↓

Ranh giới Đại-Kim với Đại-Việt lấy sông Trường-giang làm giới hạn. Đại-Kim, Đại-Việt là hai nước bạn với nhau. Hằng năm, hai bên gửi sứ sang thông hiếu, và tặng phương vật.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Về thời gian ra binh, ấn định là ngày mười rằm tháng tám, năm Nhâm-Thìn (1172) ».


Đối với vấn đề liên binh Đại-Kim, Đại-lý đánh Tống, nhà vua không có một ý niệm gì. Trong thâm tâm ngài thì: Phía Bắc cứ để nguyên tình trạng như vậy, ba năm tiến cống một lần. Phía Nam, Chiêm-thành ; phía Tây, Lão-qua muốn làm gì cũng bỏ qua, miễn sao họ không xâm phạm mình, để cho mình yên ổn là được rồi. Tuy vậy, thấy Long-Xưởng, Đoan-Nghi, Thủ-Huy định làm những việc mà ngài coi như vá trời, không ngờ lại thành công. Ngài hỏi quần thần :


- Chư khanh nghĩ sao ?


Đám quan lại thuộc phe ù lì chỉ chờ có thế, người nào cũng muốn lên tiếng chống đối vụ này, nhưng không ai có can đảm. Họ đưa mắt nhìn người cầm đầu là Tô Hiến-Thành. Bất đắc dĩ Tô phải bước ra :


- Thần Tô Hiến-Thành, Kiểm-hiệu Thái-úy, Đồng-bình chương-sự, Trung-vũ quân tiết độ sứ, Phụ-quốc thượng tướng quân, Chiêu-văn quan đại học sĩ, Giám-tu quốc sử, Đăng-châu quốc công kính tâu.


Long-Xưởng tuyên chỉ :


- Quốc công bình thân.


- Khổng-tử nói rằng : Di bất khả loạn Hoa. Nghĩa là các sắc dân di địch không thể nào xâm chiếm nổi Trung-nguyên. Từ sau khi nhà Tấn bị suy vong, thì xẩy ra cái vạ Ngũ-hồ loạn Hoa. Năm sắc dân phía Bắc vượt Vạn-lý trường thành vào chiếm Trung-nguyên. Họ có sức mạnh, thì họ chiếm được. Nhưng chiếm được rồi, họ bị người Hoa đồng hóa, rút cuộc năm tộc Hồ bị mất giống. Nay Kim cũng như Liêu, nguyên là những bọn rợ sống ở Quan-ngoại (chỉ phía Bắc Vạn-lý trường thành), xâm lấn Trung-nguyên. Liêu gốc là rợ Khất-đan, Kim gốc là rợ Nữ-chân. Chúng không có phong hóa, chẳng có văn hiến, vì vậy khi dùng sức mạnh chiếm được Trung-nguyên, thì bị Trung-nguyên đồng hóa. Trước đây Liêu cai trị Hoa-Bắc, nhưng trải hơn trăm năm thì tộc Khất-đan không còn nữa, chúng hóa thành người Hoa hết. Kim dùng sức mạnh chiếm được Liêu và Hoa-Bắc, chúng cai trị Trung-nguyên mới có mấy chục năm, mà lớp trẻ đã bị đồng hóa rồi. Như phò mã nói : Các quan trẻ chỉ nói được tiếng Hoa, mà không nói được tiếng Nữ-chân. Đến đây thần thấy Đại-Việt mình có mấy cái may.


Hiến-Thành ngừng lại một lát rồi tiếp : Cái may thứ nhất là vào thời vua Trưng. Bấy giờ nếu như công chúa Gia-Hưng đánh chiếm được Trung-nguyên, hay dù không chiếm được Trung-nguyên, nhưng ta tái chiếm Nam-hải, Quế-lâm, Tượng-quận, rồi cai trị thì... giờ này chúng ta đều thành người Hoa, nói tiếng Hoa, chứ đâu có còn là người Việt, nói tiếng Việt nữa ? Cái may thứ nhì, là vào thời đức Thái-tôn, sau khi ta giúp Nùng Trí-Cao chiếm vùng Nam sông Trường-giang, lập nước Đại-Nam. Giả như Trí-Cao không bị Địch-Thanh đánh bại, Đại-Nam sát nhập vào Đại-Việt, thì giờ này Đại-Việt cũng chung số phận của Ngũ-hồ, trở thành châu quận của Trung-nguyên.


Nghe Hiến-Thành nói, quần thần đều đưa mắt nhìn Long-Xưởng. Vì từ gần mười năm qua, Long-Xưởng cùng một số đại thần trẻ, chủ trương liên binh với Kim, Hạ, Đại-lý đánh Tống, đòi lại vùng đất Lưỡng-Quảng, Hồ-Nam của tộc Việt. Việc sai Thủ-Huy đi sứ nằm trong sách lược đó. Nhưng nay Thủ-Huy vừa mới thuật sơ về Kim triều, mà Tô Hiến-Thành đã lên tiếng công kích. Long-Xưởng nổi giận cành hông, vương đưa mắt nhìn công chúa Đoan-Nghi, ngụ ý : Em trả lời ông già ù lỳ này đi.


Công-chúa Đoan-Nghi phóng tầm mắt nhìn Tô Hiến-Thành một cái. Hồi này nội công Âm-nhu của nàng đã tiến tới tuyệt đỉnh, hàn quang chiếu ra, làm Tô rùng mình thoái lui hai bước. Công chúa lắc đầu :


- Tô Thái-úy ơi ! Chết thực, Tô thái-úy hiện là lão thần số một, số hai của bản triều, mà người kiến giải như vậy thì thực tôi không biết phải phê phán như thế nào. Thái-úy đem một nước lớn như Đại-Việt ta, vốn có văn hiến, phong tục, tiếng nói riêng biệt, khác hẳn với Trung-nguyên ra, so sánh với một bộ tộc như Khất-đan, Nữ-chân thì còn trời đất nào nữa ?


Công-chúa nói chậm lại :


- Thái-úy nên biết rằng xa xưa là Ngũ-hồ, gần đây là Khất-Đan, là Nữ-chân ..., họ đều thuộc những bộ tộc thiểu số của Trung-quốc, họ là người Trung-quốc. Khi họ là người Trung-quốc, thì họ nói tiếng Hán, pha lẫn một số tiếng Khất-đan, Nữ-chân. Lúc họ chiếm được toàn thể Trung-nguyên, họ di cư về vùng có nhiều người Hán, thì họ nói tiếng Hán là lẽ thường. Tỷ như bên ta, tộc Thái, tộc Mèo, tộc Nùng, tộc Lô-lô, họ là các trang động Bắc-cương, nhưng họ đều là người Việt, họ nói tiếng Việt, hoặc tiếng Việt pha lẫn tiếng riêng của họ. Nếu như họ về vùng đồng bằng sinh sống, thì đương nhiên họ phải nói tiếng Việt, con cháu họ sẽ chỉ nói tiếng Việt, đó là lẽ thường.


Các quan nhìn nhau nghĩ thầm :


- Chí của cô công chúa này thực rộng, bỏ xa mấy ông già lo hưởng thụ, lười biếng.


- Còn như Thái-úy dẫn lời Khổng-tử Di bất khả loạn Hoa, rồi giải nghĩa rằng : Man di không thể chiếm nổi Trung-quốc, thì đó là Thái-úy nói chứ không phải Khổng-tử nói. Từ xưa đến giờ, các danh gia đều giải nghĩa câu này như sau : Tộc Hoa vốn là tộc có phong hóa, có văn hiến, có pháp độ. Những thứ đó giúp cho việc giáo hóa con người. Các sắc dân di, tức sắc dân thiếu văn minh không thể, không nên phá bỏ những thứ đó ; chứ Khổng-tử không chủ ý nói Di là sắc dân Khất-đan, Nữ-chân...vì đương thời Khổng -tử, các sắc dân Khất-đan, Nữ-chân chưa kết hợp thành. Chính ngay Khổng-tử cũng không hề dùng chữ di để chỉ tộc Việt mình.


Công chúa hỏi Tô Hiến-Thành :


- Tôi nói như vậy có đúng không ?


Hiến-Thành im lặng.


- Còn như, Tô thái-úy cho rằng ta đòi được cố thổ, rồi dân ta sẽ nói tiếng Hoa, và thành người Hoa. Điều này thực là một điều tự ty hết sức ! Thưa Tô thái úy, nếu ta đòi được các vùng tộc Việt, ta vẫn để cho dân chúng muốn nói tiếng gì thì nói. Nhưng tiếng chính thức vẫn là tiếng Việt. Bấy giờ những người Hoa gốc Việt sẽ nói tiếng Việt. Như vậy sao lại gọi là mất nước ?


Thái-tử thái-phó, lĩnh Lại-bộ thượng thư Lý Kính-Tu bước ra, xá Long-Xưởng :


- Khải điện hạ, Đại-Việt ta liên kết với Kim, như vậy là từ nay, ta không còn xưng thần với Tống nữa sao ? Một chư hầu, đã mấy đời được thánh Thiên-tử phong vương tước, ngồi tọa trấn Nam-phương, bây giờ bỏ đấng quân phụ, đi theo bọn rợ Nữ-chân thì sao có thể cai trị được nước? Từ đời Tam-hoàng, Ngũ-đế đến giờ chưa có vị vua nào bỏ một vị Thiên-tử, liên kết với một nước di địch. Thần mong điện hạ xét lại.


Bọn văn quan chủ hòa nghe Kính-Tu khải, đều sáng mắt ra, tỏ vẻ khoan khoái, đồng ý với những lời ông ta phát biểu. Nghĩa-Thành vương Lý Long-Căn, thái-tử Lý Long-Xưởng, thêm các hoàng tử Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa cùng bật lên tiếng hừ, rồi đưa mắt nhìn Thủ-Huy với Đoan-Nghi. Trong y muốn hai người này trả lời Lý Kính-Tu.


Trong khi đó Long-Xưởng mỉm cười. Cái cười của người thiếu niên này bầy tỏ mối cảm khái, thương xót cho một nho thần, chỉ biết sách vở, giống như con ngựa kéo xe, bị che mất hai bên mắt :


- Được rồi, trước đây vì muốn bảo mật, mà cô gia không đem ra triều nghị về việc kết hiếu với Kim. Chính sách đối ngoại của ta, từ trước đến giờ, triều đình vẫn chưa hoàn toàn đồng ý với nhau. Đây là một vấn đề sống còn của xã tắc. Các vị đều là đại thần, ai cũng có trách nhiệm. Vậy các vị có cao kiến gì, thì phát biểu. Sau đó, không ai có quyền bàn ra, nói vào nữa. Cô gia hoàn toàn không phát biểu ý kiến. Nào xin các vị phát biểu.


Gì chứ luận bàn về sách vở, thì đám nho thần chủ hòa chuyên nhai văn, nhấm chữ này rất giỏi. Nghe Long-Xưởng nói, họ cùng nhìn nhau, tỏ ý mừng rỡ, vì sẽ được xử dụng mớ kiến thức trong sách vở mà họ đọc được.Tô Hiến-Thành đưa mắt nhìn Dao-thụ Thái-phó Ngô Lý-Tín, lĩnh Lễ-bộ thượng thư, người mà cứ mở miệng ra là dẫn Tứ-thư, Ngũ-kinh.


Ngô bước ra, cung tay :


- Khải điện hạ ! Kinh-thư, thiên Thái-thệ viết : « Trời sinh ra dân, đặt ra vua, đặt ra thầy, đều là để giúp Thượng-đế, vỗ về yên dân bốn phương ». Sách Tả-truyện cũng viết : « Làm chủ thiên hạ là trời. Nối trời là vua ». Kinh Thư, thiên Vũ-cống gọi thế giới ta ở là Thiên-hạ. Thiên-hạ chia làm chín châu. Đất Thiên-hạ chia làm năm cõi, gọi là Ngũ-phục, ở giữa là kinh thành. Tiếp với bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc của kinh thành 500 dặm (250 km) là cõi Điện-phục.


Kiến-Ninh vương Long-Minh gật đầu, mỉa mai :


- Phải rồi, phía trong Điện-phục là Giao. Phía trong Giao 100 dặm là Quốc.Trong Quốc có thành gọi là Đô. Đô là nơi vua ở. Thưa Thái-phó có đúng thế không ?


Lời mỉa mai Ngô Lý-Tín của Long-Minh làm Long-Xưởng, Thủ-Huy suýt bật cười. Nhưng ông ta không biết. Trái lại ông ta còn vui vẻ vì được dịp xả ra những gì ông ta đã thuộc lòng. Ông ta tiếp :


- Quả như điện hạ phán. Trong Thiên-hạ, nước chính giữa là Trung-quốc. Vua của Trung-quốc là thiên-tử . Các nước chư hầu phải quy phục.


Kiến-An vương Long-Đức thấy ông quan văn này không hiểu ý nghĩa châm biếm của Long-Minh, trong ý nghĩ người thiếu niên nảy ra một cách châm biếm : Cứ hỏi cho ông ta nói, nói đến mệt hết hơi thì thôi. Vương cười :


- Thưa Thái-phó, Thái-phó nói Ngũ-phục, thế còn bốn phục kia là gì ?


- Cõi thứ nhì, ngoài Điện-phục là Hầu-phục, cách Điện-phục 500 dặm. Trong Hầu-phục thì cách Điện-phục 100 dặm là thái ấp phong cho các khanh đại phu ; xa hơn 200 dặm là thái ấp phong cho chư hầu tước Nam ; còn lại 300 dặm là thái ấp phong cho các chư hầu tước Công, Hầu, Bá, Tư û. Ngoài Hầu-phục là Tuy-phục. Ở cõi Tuy-phục, trong 300 dặm gần là nơi truyền bá văn chương, giáo hóa ; 200 dặm tiếp là nơi tổ chức võ bị bảo vệ nước. Ngoài cõi Tuy-phục là cõi Yêu-phục. Trong 300 dặm gần nhất cho dân rợ Đông-di. Còn 200 dặm là cõi đầy những kẻ có tội. Cõi cuối cùng là cõi Hoang-phục, cách Yêu-phục 500 dặm. Trong 300 dặm dành cho rợ Nam-man. Còn 200 dặm để dầy những kẻ có tội nặng. Như vậy khắp Thiên-hạ đều là Trung-quốc. Hay nói rõ hơn : Trung-quốc là cả Thiên-hạ.


Đến đây thấy Ngô Lý-Tín có vẻ mệt mỏi, Thủ-Huy biết, nếu ông ta nói nữa thì sẽ lẫn. Khi lẫn thì không làm chủ được ngôn ngữ. Vì vậy công hỏi tiep cho lão mệt :


- Thái-phó mới dẫn giải về Ngũ-phục trong kinh Thư. Vậy tiếp theo kinh Thư, cái lý về Trung-quốc với Thiên-hạ là một có chi khác lạ không ?


Quả nhiên Ngô mắc mưu. Ông vừa thở hổn hển vừa nói :


- Sách Thuyết-văn giải tự nói : « Xét cổ thời, bờ cõi thuộc nội canh, đô ở trong giao, chỗ chư hầu được thực ấp gọi là quốc ». Mạnh-tử, thiên Ly-lâu nói : « Thiên-hạ là quốc gia. Gốc của Thiên-hạ là ở quốc. Gốc của quốc là ở gia ». Cho nên suốt mấy nghìn năm qua, trải Tam-hoàng, Ngũ-đế, khắp thiên-hạ này đều lấy nằm lòng, trăm nước đều hướng về Trung-nguyên : « Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ. Xuất thổ chi tân, mạc phi vương thần ».Nghĩa là : Khắp dưới gầm trời, không đâu không là đất của vua. Tất cà dân trên mặt đất, không ai không là tôi tớ vua. Kinh Thư thiên Quán-thích từng thuật lời Chu-công Đán rằng : « Ta muốn hoàn thành công nghiệp của Văn vương mãi mà không nản. Công nghiệp đó là che chở khắp cho dân, đem đức tới góc biển hay chỗ mặt trời mọc, không đâu là không thần phục ». Trong Sử-ký, Tư Mã-Thiên thuật lời thừa tướng Lý Tư, nói với vua Thủy-Hoàng : « Ngày xưa đất Tần chẳng qua nghìn dặm, nay nhờ bệ hạ anh linh sáng suốt, nên bình định được bốn biển, đuổi được man di. Mặt trời mặt trăng chiếu tới đâu thì nơi ấy phải quy phục.»


Đến đây Ngô Lý-Tín vừa thở hổn hển vừa nói. Thủ-Huy dùng lăng không truyền ngữ rót vào tai Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa : « Xin điện hạ đặt thêm câu hỏi Ngô Thái-phó về nguồn gốc chữ Hoa-Hạ, để ông có dịp trổ tài ».


Long-Hòa mỉm cười hướng Ngô Lý-Tín :


- Thưa Thái-phó, thế chữ Hoa-hạ để chỉ Trung-quốc gốc từ đâu ? Tại sao lại có tên này ?


Đáng lẽ đến đây Ngô Lý-Tín ngừng lại để thở, nhưng khi một hoàng tử hỏi một câu đúng vào cái sở trường của mình, ông cố lấy hơi tiếp :


- Nguyên từ thượng cổ, người Trung-hoa cư trú quanh vùng sông Hoàng-hà. Còn bốn phương là các tộc khác. Để đề cao mình là giống dân có lễ nghĩa, nên họ tự xưng là Hoa-hạ. Chữ Hoa-hạ được giải thích trong Tả-truyện : « Miện phục thái chương viết Hoa, đại quốc viết Hạ ». Nghĩa là : Áo mũ đẹp đẽ, rực rỡ gọi là Hoa, nước lớn gọi là Hạ. Như vậy Trung-quốc là Hoa-hạ, các tộc xung quanh phải theo gió mà quy phục. Chu Lễ, thiên Vương-chế nói :


Đông phương viết Di,


Tây phương viết Nhung,


Nam phương viết Man,


Bắc phương viết Địch.


Nghĩa là :


Dân tộc ở phương Đông của Trung-quốc là Man-di, ở phương Tây là Khuyển-nhung, ở phương Nam là Nam-man, ở phương Bắc là Bắc-địch. Điện hạ có thấy không ? Khi viết Man, người Hoa họ dùng bộ trùng là sâu bọ, chữ Địch họ dùng bộ khuyển là chó không ? Ta so với họ chỉ là sâu bọ , là chó mà thôi, vì thế ta phải hướng về Trung-nguyên mà quy phục, như chó theo chủ.


Đến đây ông ta mệt quá, không nói nổi nữa. Long-Xưởng nói với mấy đại thần chủ hòa :


- Không biết Ngô Thái-phó giảng như vậy có đúng sách vở không ?


Tô Hiến-Thành, Lý Kính-Tu đều gật đầu :


- Ngô Thái-phó kiến giải thực không sai. Cái lý của thiên hạ là như vậy !


Long-Xưởng đưa mắt cho Thủ-Huy, ngụ ý nói : Như vậy đủ rồi, nhị đệ bẻ gẫy lý luận của bọn hủ nho đi.


Nhưng Thủ-Huy chưa kịp nói thì Tham-tri chính sự (phó tể tướng), kiêm Hộ-bộ thượng thư Vũ Tán-Đường, lĩnh Vũ-lâm đại học sĩ đã bước ra xin nói. Long-Xưởng gật đầu :


- Xin đại học sĩ bình thân mà nghị luận.


- Thưa quan Thái-phó, những lời nghị luận của quan Thái-phó đều trích dẫn trong các sách cổ của Trung-quốc. Mà các sách này lại được viết ra bởi bọn văn nhân hồ đồ, không đi ra ngoài, chỉ ngồi trong bốn bức màn, tưởng tượng ra. Căn bản là Ngũ-phục, Cửu-châu. Cái gọi là Ngũ-phục hay Thiên-hạ chỉ quanh quẩn ở lưu vực sông Hoàng-hà, chứ đâu có bao gồm Đại-Việt ta ? Thế thì kinh Thư nay có còn đúng nữa hay không ?


Kiến-Ninh vương Long-Minh nói lớn :


- Lý luận quanh sách của người Hoa, thì tại sao không lý luận thực tiễn lịch sử của Trung-hoa, của ta ? Xưa kia vua Minh lập đàn trên núi Ngũ-lĩnh, tế cáo trời đất, rồi phân chia lãnh thổ làm hai. Từ núi Ngũ-lĩnh về Bắc chia cho con trưởng là vua Nghi làm vua phương Bắc, từ Ngũ-lĩnh về Nam phong cho con thứ là Lộc-Tục, ngài thề rằng : Cương thổ hai con đã phân, đời đời phải thương yêu nhau. Nam chẳng xâm Bắc. Bắc chẳng xâm Nam. Kẻ nào vi phạm lời này, sẽ tuyệt tử tuyệt tôn. Sau Bắc thành Trung-nguyên, Nam thành Đại-Việt. Nơi ngài lập đàn tế cáo trời đất đó, gọi là Thiên-đài. Núi Thiên-đài nằm bên bờ sông Tương, phía Nam hồ Động-đình. Bốn nghìn năm qua, Ngũ-lĩnh vẫn còn kia, Thiên-đài vẫn tồn tại với đôi câu đối :


Thiên-đài đại đại phân Nam, Bắc,


Lĩnh-địa niên niên dữ Việt thường.


(Thiên-đài thời thời chia Nam, Bắc,


Lĩnh-đia năm năm với Việt-thường).


Gần đây, vào thời vua Trưng, trong trận đánh Trường-sa hồ Động-đình, Hổ-nha đại tướng quân Đào Hiển-Hiệu được lệnh trấn thủ tại Thiên-đài chặn quân Hán, để cho đại quân Việt rút về Nam. Nhưng khi ngài cùng chư quân thấy Thiên-đài là đất linh của Đại-Việt, đã cùng chư quân tử chiến, chống Lưu Long, khiến vua Quang-Vũ phải thân xuống đốc chiến. Nay tại Thiên-đài vẫn còn đôi câu đối :


Nhất kiếm Nam hồ kinh Vũ Đế,


Thiên-đao Bắc lĩnh trấn Lưu Long.


( Một kiếm của nữ vương Phật-Nguyệt ở phía Nam hồ Động-đình làm kinh hồn vua Quang-Vũ nhà Hán.


Một nghìn tay đao ở phía Bắc núi Ngũ-lĩnh trấn Lưu Long).


Trải bốn nghìn năm, Đại-Việt ở phương Nam, Trung-nguyên ở phương Bắc, lãnh thổ đã phân, tiếng nói có khác, phong tục bất đồng, mà luật pháp, điển chương càng không giống nhau. Kìa, Hán cai trị Đại-Việt, vua Trưng cùng 162 anh hùng khởi binh, dựng lại chính thống. Rồi Triệu Trinh-Nương, Tiền Lý Nam đế, Bố Cái đại vương. Kể từ Ngô vương lập ra triều đình, chính thống sáng rực, rồi Đinh triều, Lê triều. Gần đây, đức Thái-tổ nhà ta ứng lòng người, thuận mệnh trời lập nghiệp rồng. Vì dân ta thưa, đất ta hẹp, ta phải tiến cống, để được yên dân. Chứ ta đâu có hèn, nước ta đâu thiếu anh hùng ? Thời đức Thái-tổ, Thái-tông, Thánh-tông đã nói lên rằng : Nếu như Tống để ta yên, thì họ sẽ có một Nam biên yên ổn. Còn như họ cứ cho mình là thiên-tử, dùng sức mạnh áp chế ta, thì họ sẽ có một kẻ thù ghê gớm, mà cái gương Bắc phạt đánh Ung, Khâm, Liêm, Dung, Nghi, Bạch thời Anh-vũ chiêu thắng âm vang chưa hết. Sau trận này, ta tu cống đầy đủ. Nhưng ta vẫn là ta, vẫn là Đại-Việt. Mấy năm trước, Tống dùng mưu sâu lập triều đình gà mái gáy, nhưng nhờ các đại thần, nhờ anh hùng võ lâm, nên dẹp yên được. Sau đó ta chỉnh bị binh mã định hỏi tội Tống. Tống phải nhượng bộ bằng việc công nhận quốc danh An-Nam, khi phong phải phong ngay là An-Nam quốc vương, chứ không còn cái nhục phong là Giao-chỉ quận vương nữa.


Hơn ai hết, Kiến-Ninh vương Long-Minh cực thông minh. Tuy tuổi mới mười tám, nhưng được Long-Xưởng uốn nắn, nên kiến thức rất rộng. Long-Minh biết rằng dùng kinh điển để lý luận với một lão thần cả đời nhai văn, nhấm chữ này thì vạn vạn lần vương không thắng nổi, nên vương đã dùng lịch sử, dùng chủ đạo tộc Việt, bẻ gãy lý luận của ông ta.


Kiến-An vương Long-Đức tiếp lời anh :


- Chúng ta học nho, nhưng không phải học nho, rồi cái gì nho nói cũng phải. Nho vốn phát xuất từ Trung-nguyên, nhưng không phải học nho rồi phải cúi đầu trước người Trung-nguyên. Cứ như lý của Thái-phó thì Thái-phó muốn ta phải nhận cái gọi là Nam-man của Tống hay sao ? Ta nhục nhã đến độ hạ mình là sâu bọ, là chó mèo ư ? Thái phó muốn làm sâu, làm bọ, làm chó, làm mèo thì là quyền thái phó. Thái phó không thể bắt cả tộc Việt chịu nhục như vậy.


Kiến-Tĩnh vương Long-Hòa tiếp lời anh :


- Cô gia lấy làm kinh ngạc, kinh ngạc đến kinh hoàng, khi Thái-tử thái phó Lý Kính-Tu cho rằng mình kết thân với Kim là đi theo rợ Nữ-chân. Phò mã Thủ-Huy với công chúa Đoan-Nghi mới đi sứ để kết thân với Kim, trong thế liên hợp, hai nước ngang vai với nhau, chứ đâu có cúi đầu làm tôi Kim ? Chính cái ông vua Tống, với bọn nho thần Tống mới phải cúi đầu đem vàng, lụa, gái đẹp dâng cho Kim để được yên. Thế mà Lý thượng thư lại tôn cái gã vua Tống là đấng quân phụ, là thánh thiên tử thì còn trời đất nào nữa ? Hỡi ơi ! Khí phách anh hùng của người Việt trong tâm thượng thư bị rơi mất ở chỗ nào rồi ?


Tăng Khoa, vốn ngang tuổi với Long-Minh, Long-Đức, Long-Hòa, nên hầu hiểu rõ cái hài hước trong câu nói của ba hoàng tử. Hầu hỏi Ngô Lý-Tín một câu đứng đắn :


- Thưa Thái-phó, trở lại vấn đề Ngũ-phục, cứ theo kinh Thư thì vùng cách xa kinh đô 2500 dặm là cõi của rợ. Bấy giờ kinh đô của vua Hoàng-Đế cho tới triều Chu, Tần đều ở vùng Lạc-dương. Mà từ Lạc-dương đến Khúc-phụ là quê hương của Khổng-tử xa đến hơn 3000 nghìn dặm. Như vậy Khổng-tử cũng là rợ sao ? Hỡi ơi ! Thánh nhân của nho gia mà là rợ ư ?


Câu hỏi của Tăng Khoa làm cho Ngô Lý-Tín luống cuống không trả lời được đã đành, mà đến các nho thần chủ hòa cũng im.


Long-Xưởng kết luận :


- Cuộc triều nghị về việc kết thân với Kim đã xong. Nếu chư vị không có ý kiến gì, thì xin phò mã, công chúa tâu tiếp về việc sứ đoàn đã làm ở Kim.


Công chúa Đoan-Nghi nhìn Tô Hiến-Thành, Lý Kính-Tu mỉm cười :


- Tô Thái-úy, Lý Thái-phó, Ngô thượng thư ơi ! Vả tôi với phò mã chỉ ước hẹn sơ với Kim như vậy thôi, chứ đâu có bắt buộc phải thi hành ? Chúng tôi cũng không hề tâu xin phụ hoàng xuất binh đánh Tống mà ? Trong khi đi sứ, tôi thấy Kim không mấy thực tâm, họ cũng sắp mất nước đến nơi rồi, họ lo giữ thân chưa xong, thì hy vọng gì họ liên kết với ta ?


Triều đình kinh ngạc, họ đều chờ đợi Thủ-Huy, Đoan-Nghi nói rõ về tình hình Kim... Long-Xưởng mỉm cười đưa mắt nhìn Thủ-Huy :


- Phò mã tâu lên phụ hoàng chi tiết tình hình Kim, để chúng ta còn định quốc kế.


Thủ-Huy tiếp lời Đoan-Nghi :


- Trong thời gian lưu trú ở Yên-kinh, thần nhi được biết, đối với Tống thì Kim mạnh. Nhưng ở phía Bắc của Kim còn rất nhiều nước, dân chúng vũ dũng kinh nhân, binh lực hùng mạnh vô cùng. Các nước đó là Khắc-liệt, Nãi-man, Mông-cổ , Thát-đát, Tây-liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn. Chưa biết lúc nào các nước này sẽ tràn vào chiếm Kim. Vì vậy việc liên kết với Kim chưa chắc đã thực hiện được.


Cả triều đình đều im lặng, lắng tai nghe.


- Trong các nước này, thì Tây-liêu, Tây-hạ, Thổ-phồn có tổ chức triều đình giống như Tống, Kim, Đại-Việt. Còn các nước Khắc-liệt, Nãi-man, Mông-cổ thì phân nửa dân chúng sống theo chế độ định cư như chúng ta, phân nửa sống theo chế đệ lều trại, du mục. Còn Thát-đát cùng hơn hai trăm bộ tộc khác sống lẻ tẻ. Khắc-liệt, Mông-cổ đã chinh phục được nhiều nước nhỏ, mà trở thành đế quốc hùng mạnh. Vua nước Khắc-liệt là Thoát-Lý. Khắc-liệt gồm hơn năm mươi chư hầu. Tuy vậy các nước ấy khó có thể hùng manh thêm. Duy Mông-cổ, chúa là Thiết Mộc Chân, thì có hùng tài, đại lược, tương lai có thể thôn tính các nước kia. Thiết Mộc Chân là con nuôi Thoát-Lý. Trước đây Kim đã sai sứ sang phong cho vua nước Khắc-liệt làm Bắc-cương vương hãn, và con nuôi của ông ta là Thiết Mộc Chân làm Đại-Kim quốc Bắc-cường chiêu thảo sứ. Từ đấy Khắc-liệt , Mông-cổ chinh phục hết các tiểu quốc, mà trở thành hai trong bốn quốc gia hùng mạnh hơn Kim đó là Khắêc-liệt, Thát-đát, Nãi-man, Mông-cổ. Kim lấy làm lo lắng nhất là Khắc-liệt, có ý tìm cách làm cho Khắc-liệt yếu đi. Những năm gần đây, Mông-cổ ngày càng trở thành hùng mạnh, giầu có, hơn hẳn Khắc-liệt. Kim biết việc đó, ngầm sai sứ sang xúi Thiết Mộc Chân thôn tính Khắc-liệt. Như vậy chiến tranh giữa Mông-cổ với Khắc-liệt sẽ bùng nổ. Kim khoanh tay làm ngư ông hưởng lợi. Khi Kim sai sứ sang phong cho Thiết Mộc Chân làm Mông-cổ quận vương thì Thiết Mộc Chân không những không tiếp sứ, mà còn tỏ vẻ khinh rẻ, đuổi sứ về. Kim đế giận lắm truyền đem quân tiến đánh. Các đại thần hết sức can gián, vì nếu đánh Mông-cổ chưa chắc đã thắng, ấy là không kể việc Khắc-liệt sẽ ra binh cứu chư hầu, Thát-đát đánh sau lưng. Nhà vua mới bỏ qua. Đệ lục vương tử Vĩnh-Tế là người túc trí, đa mưu, mới hiến kế rằng : Mông-cổ là nước nhỏ hơn Khắc-liệt, hiện thống lĩnh 72 bộ tộc. Lãnh thổ Mộng-cổ tuy nhỏ hơn, dân chúng ít hơn Khắc-liệt, nhưng binh lực mạnh hơn. Thoát-Lý vẫn lo ngại khi mình qua đời rồi, thì Thiết Mộc Chân sẽ chiếm ngôi vua của con. Con của Thoát-Lý là Tang-Côn vốn nóng nảy, lại thiển cận, vẫn có ý ganh tỵ với Thiết Mộc Chân, y chiêu dụ kẻ thù của Mộc Chân là Trác Mộc Hợp làm vây cánh. Nếu như ta ban chỉ cách chức Thiết Mộc Chân, phong Tang-Côn làm Mông-cổ vương, ắt Tang-Côn đem quân đánh Thiết Mộc Chân. Ta đứng ngoài nhìn hai hổ cắn nhau. Khi một hổ bị chết, thì hổ còn lại tất bị thương nặng. Bấy giờ ta chỉ cử tay một cái là lấy được cả Khắc-liệt lẫn Mông-cổ. Nhà vua nghe theo kế này.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Anh hùng Vô lệ - Cổ Long

Anh hùng Vô lệ - Cổ Long

Giới thiệu: Giọng ca của ca nữ, điệu múa của vũ giả, kiếm của kiếm khách, bút

11-07-2016 20 chương
Nàng Cự Giải mạnh mẽ

Nàng Cự Giải mạnh mẽ

Một ngày nào đó, rất gần thôi, tôi sẽ ôm cậu ấy thật chặt, với tất cả yêu mến

25-06-2016
Vết thương tỉnh thức

Vết thương tỉnh thức

Những ngày tháng này tình bạn và tình yêu mang đến một niềm vui sống lạ kỳ. "Hãy

24-06-2016
Hoàng hôn màu lửa

Hoàng hôn màu lửa

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?") Chị và

25-06-2016
Chuyến bus số 26

Chuyến bus số 26

(Giải Nhì - Cuộc thi Viết truyện Kinh dị) - Bảo An là sinh viên năm 1 của một trường

24-06-2016
Khi xương rồng nở hoa

Khi xương rồng nở hoa

Tôi ngồi chống cằm bên cửa sổ, nhìn chậu xương rồng đặt trên bệ, nhớ lại cách

23-06-2016
Sắc

Sắc

(khotruyenhay.gq) Trong tình yêu, luôn có hai người hạnh phúc. Ở thế giới yêu thương đó,

28-06-2016