Lê Minh trở về phòng giam trút bỏ bộ quần ~ áo ka ki mang từ nhà đi và thay bộ quần áo tù màu ghi nhạt có sọc đen còn rất mới. Vốn là người điềm tĩnh nhưng không hiểu sao từ lúc nhận tin ra ngoài gặp Cheng, Lê Minh cứ thấy một cảm giác hồi hộp pha lẫn chút đắc thắng dâng lên trong lòng mỗi lúc một mãnh liệt. Từ hôm vào trại, hầu như không tuần nào Lê Minh không có người đến thăm và gửi quà. Đó là những đệ tử cũ, những người từng chịu ơn, những bạn bè là quan chức chính quyền tỉnh. Mỗi lần có người đến thăm, mà nhất lại là những người đang đương chức đương quyền, Lê Minh lại thấy có chút thỏa mãn và một cảm giác là lạ mơ hồ. Ngày xưa, nếu ai phải đi tù, có khi cha mẹ, vợ con, họ hàng ra đường không dám ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ. Ai cũng coi chuyện có người nhà phải mắc vòng lao lý là điều đáng xấu hổ. Nhưng bây giờ thì khác, hình như số người bị tù mỗi năm mỗi tăng cho nên không ít người coi chuyện tù đày là bình thường. Cuộc chuyển đổi kinh tế từ hình thức tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường đã mang lại nhiều kết quả to lớn nhưng cũng đã bộc lộ nhiều mặt trái của nó mà những người lãnh đạo đất nước không phải đã nhìn ra ngay. Điều dễ nhận thấy nhất là người ta phải bươn chải kiếm tiền bằng mọi cách và đồng tiền đã phô diễn sức mạnh khủng khiếp của nó. Người ta không thể tồn tại nếu như không có tiền vì thế nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, lừa đảo đã diễn ra như một bệnh dịch và vô phương cứu chữa. Chả thế mà có một lần Lê Minh đã được nghe một vị lãnh đạo khá có tiếng tăm thốt lên rằng:"Người liêm khiết bây giờ đó là người không có quyền lực gì và giữ vị trí công tác không có ai muốn biếu quà và không có cách gì để ăn cắp tiền Nhà nước".
bạn đang xem “Cổ Cồn Trắng ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!Càng ngẫm càng thấy đúng. Lê Minh không nhớ nổi là đã bao nhiêu lần mang tiền rồi các thứ hàng hóa đắt tiền khác đi hối lộ các quan chức của tỉnh và cả một số người trên Hà Nội. Chưa có ai chê, chưa có ai từ chối và có điều lạ là không ít người nhận tiền của Lê Minh với thái độ vô cảm. Hình như họ coi việc Lê Minh hay ai đó phải mang tiền biếu họ là lẽ đương nhiên, là bổn phận của kẻ làm ra tiền phải như vậy.
Hôm nay Cheng đến, Lê Minh biết hơn ai hết là kể từ nay, thân xác này tuy nằm trong tù, nhưng quyền lực và cái uy của một thời bắt đầu sống lại.
Mải mê với nhưng suy nghĩ, Lê Minh chợt sực tỉnh khi thấy mình đã vào đến nhà đón tiếp gia đình phạm nhân. Sau khi khai báo tên ở phòng trực ban, Lê Minh được đưa ra gian nhà ngoài khá rộng và có hai dãy bàn bằng đá granito dài chạy dọc nhà. Bàn đá nhưng ghế lại là ghế gỗ vì thế nom cứ khập khiễng thế nào ấy. Vì là vào buổi sáng thứ hai cho nên không có người nhà phạm nhân đến thăm nuôi vì vậy gian nhà đến hơn trăm mét vuông chợt trở nên rộng mênh mông.
Lê Minh nhận ra ngay Cheng và một cô nhân viên khác rất trẻ, đẹp đang ngồi ở bàn hồi hộp chờ đón. Cheng vươn người qua bàn, nắm lấy tay Lê Minh:
- Khỏe không anh Minh.
- Cảm ơn ông, tôi khỏe. Ô, không phải cô Hạnh đi cùng ư?
Không, cô ấy bận việc ở nhà, nhưng có gửi anh quà và chúc anh mạnh khỏe.
- Ông cho tôi gửi lời cảm ơn cô ấy. Thế nào, giữa hai người vẫn tốt đẹp đấy chứ?
- Cho đến giờ này thì tốt nhưng đến mai thì có trời biết.
Cheng mang thuốc lá đến mời người quản giáo đứng ở góc phòng, tiện thể, Cheng đưa anh ta một túi quà khá to:
- Thưa ông, tôi đến thăm ông Lê Minh. Có chút quà gửi biếu Ban giám thị. ông có thể kiểm tra.
Túi quà được một quản giáo mở ra: Có ba cây thuốc ba số 5, hai chai rượu tây và hai hộp bánh. Anh cán bộ quản giáo cảm ơn Cheng rồi giao cho cô nhân viên trực ban ghi tên các loại quà biếu vào sổ và nhã nhặn đưa cho Cheng ký.
- Xong việc, anh lại đứng ở góc nhà lặng lẽ nhìn mọi người.
Cô gái đi cùng Cheng mở túi lấy ra mấy lon bia, thuốc lá, kẹo bày lên bàn rồi ra ngoài sân để hai người nói chuyện.
Cheng mở nắp lon bia đưa cho Lê Minh:
- Nào, xin chúc sức khỏe. Chúc anh sớm được tha
Lê Minh cười nhạt và khẽ đưa mắt nhìn vào chiếc gạt tàn thuốc lá được đóng bằng gỗ cẩm lai, vuông vức như một quyển sổ. Nhìn ánh mắt Minh, Cheng hiểu ngay đó là một chiếc máy ghi âm thu phát sóng. Cheng đổi giọng:
- Anh sống trong trại thế nào? Mọi việc ổn cả chứ?
- Nói chung là ổn. Đây là một trại cải tạo kiểu mẫu cho nên cuộc sống của những phạm nhân như tôi được đảm bảo tốt về mọi mặt. Tôi cũng được sắp xếp một công việc phù hợp với sức khỏe. Tối vẫn được xem ti vi, có báo đọc, dĩ nhiên là chỉ có báo Nhân dân, Quân đội nhân dân và tờ báo của tỉnh.
Lê Minh nói chậm rãi, và hơi to quá mức, dường như muốn để những lời nói của mình được máy ghi âm ghi lại rõ ràng. Lê Minh biết rất rõ là cách phòng gặp này chỉ hơn hai chục mét, phía đầu hồi nhà là có một phòng nhỏ dành cho bộ phận kỹ thuật. Họ có ba người, thay nhau ngồi ghi âm lại toàn bộ các cuộc đối thoại của phạm nhân và gia đình, dĩ nhiên là chỉ với ai mà Ban giám thị có yêu cầu. Mà những yêu cầu đó thường là từ các cơ quan nghiệp vụ đặt ra.
Hai người bắt đầu nói chuyện với nhau bằng những câu chuyện vô bổ, nhạt như nước ốc. Khi nhìn đồng hồ, thấy thời gian không còn nhiều, Lê Minh mới đứng dậy, ra nói với anh cán bộ quản giáo:
- Thưa Ban, tôi bị gai đôi cột sống L3, vì thế ngồi lâu đau lưng không chịu nổi. Xin Ban cho phép tôi được đi lại nói chuyện với ông bạn.
- Được thôi - Anh cán bộ quan giáo tỏ ra dễ dãi gật đầu - Nếu anh thích, đưa ông ấy đi dạo ngay trong khu vườn hoa này.
- Rất cám ơn Ban - Lê Minh thở phào nhẹ nhoài vì biết người quản giáo đồng ý như vậy tức là cấp trên đã không có yêu cầu giám sát bằng biện pháp nghiệp vụ
- Tôi chỉ xin đi lại trong phòng thôi ạ.
Phòng rộng lại vắng nên Lê Minh và Cheng đi lại khá thoải mái:
- Chúc ông làm ăn may mắn. Còn tôi, ông biết tôi sẽ phải ngồi tại đây ít nhất là bao nhiêu năm không? - Minh ngừng một chút rồi tự trả lời- Không dưới mười hai năm, nếu như mọi chuyện suôn sẻ và tôi được giảm án đều đặn. Đến lúc tôi ra tù, e rằng phải chống gậy mà đì rồi.
Cheng cười:
- Mười năm ư? Không đến vậy đâu. Nhưng thôi, anh đừng nản chí vội. Chúng tôi sẽ tìm mọi cách để cho anh có cuộc sống trong trại thật tốt.
- Công việc của ông thế nào?
- Mọi sự bắt đầu ổn định dần. Thú thật là tôi cũng không tin là mình có thể quay lại Việt Nam. Chính vì vậy, trong thâm tâm, tôi rất khâm phục anh đã tôn trọng luật chơi và không bán đứng bạn bè trong lúc hoạn nạn. Hiện nay, tỉnh đã tìm cho chúng tôi một đối tác khác để tiếp tục dự án khu vui chơi Hòn Ngọc. Anh có biết ai sẽ tiếp tục sự nghiệp của anh với chúng tôi không?
- Làm sao mà tôi biết được?
- Đó là một chiến hữu thân cận của anh, không, là đệ từ trung thành của anh mới đúng.
- Ai Vậy?
- Chả lẽ anh lại còn giấu tôi? Tiến, Giám đốc Thành Đạt, con trai của Túy "đen"!
Lê Minh sầm mặt lại:
- Từ hôm tôi vào trại, chưa thấy mặt cha con nó đâu?
- Anh phải mừng là họ đã khôn ngoan hơn anh tưởng. Rồi họ sẽ đến đây và sẽ lại phải nghe anh.
- Nếu như tôi không muốn gặp họ nữa thì sao?
Cheng cười kín đáo:
- Lê Minh ơi, anh giấu tôi mà làm gì. Nhìn mắt anh, nhìn vẻ mặt anh lúc mới gặp nhau, tôi biết anh mong ngày mong đêm buổi gặp này. Anh cứ yên tâm đi, mọi việc lại đâu có đó. Còn anh, hãy vào thư viện của trại mượn Tam Quốc. diễn nghĩa mà đọc để hiểu Quan Vân Trường "thân tại Tào doanh tâm tại Hán" là như thế nào.
Anh quản giáo đứng ở góc nhà bắt đầu tập trung sự chú ý vào hai người. Thấy kim đồng hồ đã chỉ 10 giờ trưa, Cheng đứng dậy:
- Thôi, tạm biệt anh. Sẽ có người đến thăm anh thường xuyên. Tôi có thể sẽ ít tới. Anh đừng buồn. à, tôi muốn gửi anh ít tiền để chi tiêu.
- Tôi không cần nữa. Trong sổ tiết kiệm của tôi ở trại vẫn còn 1 triệu... ông biết đấy, nhu cầu chi tiêu trong trại là không lớn. Đối với người thông minh, đồng tiền chỉ là phương tiện.
Nói rồi Cheng đến bên cô trực ban và nộp vào sổ cho Lê Minh 10 triệu đồng. Cheng ra về và còn giơ hai ngón tay lên hình chữ V chào Lê Minh.
Minh "hói" ở nhà một mình và ngồi uống rượu suông. Từ ngày công an dẹp băng nhóm Tiên "chỉ" và triệt phá nhóm Lê Minh, Minh"hói" luôn sống trong tâm trạng biết ngày nào hay ngày ấy. Minh "hói" cũng nằm trong diện bị khởi tố điều tra. Cảnh sát Điều tra cũng gọi Minh "hói" lên lấy lời khai nhiều lần, nhưng có lẽ vì không đủ chứng cứ nên cuối cùng họ ra lệnh đình chỉ điều tra. Suốt một thời gian dài, Minh "hói" hầu như quanh quẩn trong nhà, chăm sóc mấy con chim yểng, sáo, họa mi, khướu hoặc ra mương đi câu cá rô với bọn trẻ con. Nhà có con yểng nói leo lẻo suốt ngày: "Minh ơi. Có nhà không".
Nhưng chả hiểu sao bỗng một hôm nó nói "Công an, công an. Minh không có nhà đâu . Thoạt đầu, mỗi khi nghe nó nói "công an", Minh giật bắn người.
Nhưng rồi nghe mãi cũng quen và còn thấy vui tai.
Thật ra thì Minh "hói" cũng đã tốn khá nhiều tiền để tạo được mối quan hệ với một anh điều tra viên của đội điều tra trọng án. Nhờ anh này mà Minh biết được tiến trình điều tra. Hắn cũng đã chuẩn bị sẵn sàng chuồn đi Trung Quốc hoặc sang Đức nếu như cảm thấy không thể thoát. Tất cả số bạn bè chiến hữu, trừ vài người đặc biệt tin cẩn là Minh thi thoảng bí mật gặp, còn thì xa lánh hết. Khi vụ án Lê Minh xét xử xong, lúc ấy, Minh "hói" mới thở phào nhẹ nhõm.
Có tiếng chuông gọi của, Minh ra mở của và nhận ra đó là Túc, người thanh niên mà đã đưa tiền cho Hoàng Ngọc Quả ngoài sân bay. Túc ngày xưa vốn là đệ tử của Minh, nhưng mấy năm nay, Túc chuyển đến làm trong trang trại của Hoàng Văn Túy nên quan hệ cũng nhạt dần. Ngày còn dưới trướng của Minh, Túc được coi là tên dao búa tin cậy. Hắn là kẻ ít mồm ít miệng, tính lì lợm và đặc biệt là có máu liều vì thế bọn khác rất sợ. Từ ngày đầu quân về cho Túy "đen", Túc và Minh hầu như không gặp nhau. Hôm nay, thấy Túc lại tìm mình, Minh " hói" biết là có chuyện. Minh rót rượu mời hắn rồi kẻ cả:
- Thế nào thằng em, từ ngày về với ông Túy, mày biến mất tăm, hay tưởng tao sức tàn lực kiệt rồi. Sống với ông ấy chắc sung sướng lắm nhỉ. Tao thấy mày vượng tướng đấy.
- Em đâu dám. Nhưng ông anh phải hiểu cho, trong lúc công an làm vụ án bắt Tiên "chỉ", tống tù Lê Minh và hàng chục tên, liệu có ai đảm bảo là không có một gã bơm xe đạp, một thằng xe ôm suốt ngày rình ở nhà anh không? Trong lúc này cần phải biết học cách của con chạch.
- Khá, chú khôn ngoan nhiều hơn anh nghĩ.
- Em cũng chẳng nghĩ ra đâu. Đó là ông bảo thế. Nghe tin ông anh bị hoạn nạn, cũng lo lắm. Nhiều bạn muốn tới thăm nhưng ông cấm.
- Hôm nay chú đến, chắc không phải chỉ thăm sức khỏe mà thôi.
Túc róc rượu uống tự nhiên như không:
- Vâng, ông gửi em mang tới cho anh ít tiền - Nói rồi hắn đưa cho Minh "hói" một phong bì toàn đô la.
Minh tròn mắt:
- Sao lại nhiều thế này?
- Ông bảo anh hôm nào lên ông chơi. Thời gian vừa rồi, ông phải cắt quan hệ với anh cũng chính là để bảo vệ anh. Anh nghỉ một thời gian dài không làm ăn gì cả, chắc cũng "đói".
- Điều đó tao biết chứ. ông bây giờ giàu lắm nhỉ, hôm nọ tao xem ti vi, thấy ông lên nói kinh nghiệm nhà nông trồng vải thiều, tao cứ buồn cười.
- Trước mắt, ông muốn anh về giúp cho anh Tiến. Công ty anh ấy đầu tư bất động sản khá lắm, nhưng có vài chỗ nó dây dưa nợ nần, thậm chí nhận tiền rồi cứ ì ra, cần phải có người đủ bản lĩnh... Việc ấy ông giao cho anh và anh Tiến cũng muốn vậy.
- Còn việc thứ hai, thằng Quả trốn biệt tăm rồi.
- Quả nào ?
- Anh lạ gì nó, ngày xưa nó lái xe cho chỗ tay Lập, quân lão Lê Minh. Nó là một mắt xích quan trọng lắm.
- Nhớ rồi. Thằng Quả chuyên chạy cơm đen chứ gì?
- Đúng nó. Nhưng thằng Tám, trước lúc bị tử hình, sợ quá, khai ra bao nhiêu chuyện, nhưng rất may là nó thường giao hàng cho thằng Quả. ông đã đưa tiền cho thằng Quả trốn vào đắk Lắk, nhưng nó lừa ông và trốn ngay tại sân bay. Khả năng là nó về Hà Nội. Ngày xưa nó có con vợ bé, nuôi giấu nó ở chỗ nào đó ngoài khu xóm liều Chương Dương. ông nhờ anh tìm hộ. ảnh của nó đây.
- Tìm thấy xong thì làm gì?
- Em không biết ông xử lý thế nào. Nhưng ông có bảo em là phải giáo dục nó, đừng nói linh tinh, mà không nói nữa thì càng tốt.
Nghe nói vậy, Minh "hói" cười khùng khục:
- Ông già ghê thật đó. Thôi được rồi, chú bảo ông là chủ nhật anh sẽ lên chơi. Còn việc thằng Quả, cứ từ từ rồi tính.
- Không phải là từ từ... mà phải nhanh? - Túc đột nhiên nghiêm mặt, nói như ra lệnh.
Nhìn ánh mắt của Túc, Minh "hói" biết thời thế đã đổi thay, nó không còn là quân của mình nửa.
Gã kia đi rồi, Minh "hói" lại ngồi uống rượu và xòe tập đô la ra xem. Hắn lôi dưới gậm bàn ra chiếc máy soi tiền loại nhỏ chiếu vào tập đô la rồi cười khùng khục. Minh nhấc máy lên gọi cho một gã đệ tử là Hùng "sát thủ" bằng giọng êm ái, dịu dàng lạ thường:
- Em đấy à?.
Hùng đang nằm với gái, nghe điện thoại, hắn càu nhàu:
- Đang thú thì điện với chả đóm.
Hắn không ngờ là câu hắn nói lọt vào máy:
- Anh Minh đây, nếu em bận, để khi khác vậy
Hùng "sát thủ" giật mình vội đổi giọng khi nghe tiếng của Minh:
- Dạ, em đây. Em xin lỗi, cứ tưởng con vợ em!
- Sáng mai em đến chỗ anh, ta bàn việc kinh doanh mới nhé.
- Kinh doanh hàng gì hả anh?
- Thập cẩm ngũ vị. Này, chú có mấy đệ tử ở khu xóm liều Chương Dương?
- Hơn chục thằng.
Bảo chúng nó tìm xem có thằng nào mới đến ngụ cư. Tuổi khoảng ngoài bốn mươi, gầy, nhỏ, gáy có nốt ruồi to, nốt ruồi Ngụy Diên ấy. Khi xúc động, hay nói lắp.
- Đặc điểm ấy thì dễ thôi.
- Nó sống với một con bồ. Con mụ này trước bán bún sáo măng ở cửa chợ Long Biên, chồng chết vì chích quá liều. Tìm được, chú cho anh hay. Sáng mai đến nhận kinh phí mở cửa hàng nhé.
Trong phòng họp của giám đốc Trần Phúc, có Tường, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Vũ Văn Đắc, Thành, Đức. Tâm, Lưu và Thượng tá Hoan - Phó cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm về ma túy Tường báo cáo:
Chương trước | Chương sau