-Có gì mà tiểu huynh đệ lại giận dữ vậy? Lão Đổng chỉ tỏ thiện ý làm quen chứ có phải thị tiền với cậu đâu?
bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Châu-Anh-Kiệt lại nói:
-Cái bản mặt vô liêm sỉ của ngươi hỏi có ai thèm làm quen kia chứ?
Khi Mạnh-Kiện-Hùng thấy Đổng-Triệu-Hòa chạy ra Mẫu-Đơn-Đình định o bế gây cảm tình với Châu-Anh-Kiệt thì trong lòng chàng hết sức lo lắng và hồi hộp. Tuy biết rõ Châu-Anh-Kiệt là một đứa trẻ khác thường nhưng chắc chắn không làm sao quỷ quyệt mánh lới bằng Đổng-Triệu-Hòa được. Nếu chẳng may Châu-Anh-Kiệt hớ hênh một câu thôi cũng đủ gây rắc rối cho Văn-Thái-Lai ngay, đồng thời còn liên lụy đến tất cả người trong Thiết-Đảm-Trang nữa.
Đang lúc chưa biết nghĩ được cách nào ngăn lại thì lại được nghe những lời nói hùng hồn và thái độ cứng rắn của Châu-Anh-Kiệt nên Mạnh-Kiện-Hùng mới thấy vững dạ an lòng được. Nhưng chàng bắt đầu nơm nớp lo sợ vì biết chắc Đổng-Triệu-Hòa sẽ không ngừng khai thác Châu-Anh-Kiệt để đạt được mục đích của hắn.
Còn Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn thì đều rất đỗi ngạc nhiên, không ngờ một cậu bé con như thế ấy mà tính khí lại can cường, thái độ ngang nhiên, võ công tuyệt vời đến độ một tiêu-sư từng trải giang hồ, đầy đủ mánh khóe mà vẫn không làm sao áp đảo được. Trương-Siêu-Trọng nghĩ thầm:
-Một đứa trẻ như Châu-Anh-Kiệt mà còn lợi hại đến thế huống hồ là Tống-Thiện-Bằng và Mạnh-Kiện-Hùng. Cứ theo đó mà suy thì cũng đủ hiểu Châu-Trọng-Anh còn ghê gớm đến thế nào! Tình hình như vậy coi bộ muốn tìm ra được Văn-Thái-Lai thật không phải là một chuyện dễ dàng!
Về phần Đổng-Triệu-Hòa, hắn không vì bị Châu-Anh-Kiệt làm nhục mà nản chí. Hắn thần nghĩ:
-"Thỉnh tướng không bằng khích tướng. Đúng, ta cứ thế mà làm!"
Nghĩ đoạn, Đổng-Triệu-Hòa bèn đổi chiến thuật nói:
-Này tiểu huynh đệ! Ba người khách nhà cậu đó là bạn thân của chúng tôi. Họ là những người có tên tuổi lừng lẫy trong giới giang hồ, chưa chắc gì Châu lão anh-hùng đã được hân hạnh biết mặt khi họ đến đây. Như vậy họ đâu phải là bằng hữu gì với Châu-Trọng-Anh, thân phụ của cậu? Có đứng vậy không?
Châu-Anh-Kiệt bèn phun một bãi nước miếng vào mặt Đổng-Triệu-Hòa. Lần này hắn tránh không kịp nên lãnh nguyên bãi nước bọt ấy vào giữa mặt, bèn kéo vạt áo lên chùi. Châu-Anh-Kiệt lại cười khinh bỉ nói:
-Bọn chúng bây là một lũ tẩu cẩu hết cả thảy! Có ai là bằng hữu với các ngươi đâu! Thân phụ ta khắp một vùng Tây-Bắc này có thiếu chi là bạn bè thân thiết? Phàm những bậc anh-hùng hào kiệt trong thiên-hạ có dịp đi ngang qua đây đều ghé lại viếng thăm. Những người ấy quyết không phải là bằng hữu của các ngươi!
Mạnh-Kiện-Hùng nghe Châu-Anh-Kiệt nói hơi lố, sợ làm lộ bí mật ra định cản lại nhưng không kịp, lại nghe đứa con trai của sư-phụ chàng nói tiếp:
-Nhà ta chỉ tiếp những anh-hùng hào kiệt nên ngày nào cũng có khách quý đến rồi đi, đi rồi đến, chẳng biết con số là bao nhiêu mà đếm. Như vậy những người đến nhà ta hẳn không phải là bằng hữu của các ngươi rồi! Đừng lôi thôi nữa, vô ích!
Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng bấy giờ mới thở được một hơi khoan khoái nhẹ nhõm vì lời nói của Châu-Anh-Kiệt đã hùng hồn lại không ngoan kín đáo.
Đổng-Triệu-Hòa vẫn chưa chịu thua, lại tiếp tục tấn công bằng một câu nói khác nữa:
-Cậu có giấu kỹ ba người bạn thân thiết của chúng ta cũng không làm sao mà giấu được lâu dài được! Chúng ta sẽ cương quyết tìm kiếm cho ra. Khi ấy, trước mặt họ, cậu mới thấy đó là những người bạn thân của chúng ta chứ không quen biết gì về Châu lão anh-hùng cả. Nhưng tôi phải nói thật cho cậu biết điều này nữa là một khi chúng tôi tìm ra ba người ấy rồi thì tất nhiên cha mẹ cậu và luôn cả cậu nữa cũng bị tôi lột mặt nạ ra cho mà coi! Tại sao dám giữ ba người bạn thân của chúng tôi? Có phải là để âm mưu làm hại họ không?
Châu-Anh-Kiệt vừa nóng tính, vừa hăng máu không kém gì Châu-Trọng-Anh nên khi nghe Đổng-Triệu-Hòa nói chạm đến danh dự thân phụ mình bằng một giọng hách dịch thì đùng đùng nổi giận, liền trợn hai mắt hét lên rằng:
-Hỡi cái tên khốn kiếp! Ngươi dám đến đây làm phách hả? Ta bảo cho ngươi biết rằng thân phụ ta là Thiết-Đảm-Trang Châu-Trọng-Anh chưa hề biết sợ ai dưới vòm trời này cả!
Tiếp theo lời nói là cánh tay, Châu-Anh-Kiệt nhảy tới tung một quyền hết sức lợi hại ngay mặt Đổng-Triệu-Hòa. Trương-Siêu-Trọng đứng đó thấy Đổng-Triệu-Hòa luống cuống như khó bề chống đỡ nổi liền dùng bàn tay lên chặn đứng quyền của Châu-Anh-Kiệt lại, cứu nguy cho gã tiêu-sư. Châu-Anh-Kiệt cảm tưởng như tay mình chạm vào gang thép làm ê ẩm cả gân liền rút tay về liền. Trương-Siêu-Trọng cũng ngầm kinh hãi, không ngờ quyền của Châu-Anh-Kiệt lại có khí lực mạnh mẽ đến thế. Chính y cũng cảm thấy tay mình là đe, còn tay Châu-Anh-Kiệt là búa. Trương-Siêu-Trọng trong bụng bảo thầm:
-"Nó lợi hại như thế thảo nào Đổng-Triệu-Hòa thấy mặt nó là chạy mặt như gà gặp diều hâu. Lại bao phen bị nó làm nhục mà Đổng-Triệu-Hòa đành nhịn mà không dám tác sắc thị oai."
Thấy Đổng-Triệu-Hòa vô kế khả thi (#4) trước Châu-Anh-Kiệt thì Trương-Siêu-Trọng lại nghĩ:
-"Hay là ta thử đóng vai trò như Đổng-Triệu-Hòa thử xem có khuất phục được thằng nhỏ này không?"
Nghĩ đoạn, Trương-Siêu-Trọng ra dấu bảo Đổng-Triệu-Hòa lui ra. Rút kinh nghiệm, Trương-Siêu-Trọng nhận thấy mình phải tỏ ra là một người đứng đắn đạo mạo để tạo ra ấn tượng tốt cho Châu-Anh-Kiệt trước mới mong được thằng bé kính nể và có chút hảo cảm, sau đó mới dùng mánh lới xảo quyệt sau chứ không thể lất kha lất khất như Đổng-Triệu-Hòa được.
Châu-Anh-Kiệt sau khi bị Trương-Siêu-Trọng dùng tay gạt quyền đỡ cho Đổng-Triệu-Hòa lập tức biết rõ đây là một nhân vật cừ khôi thuộc chứ không phải thứ tầm thường như Đổng-Triệu-Hòa nên cũng có ý kiêng nể và e dè. Nhìn kỹ gương mặt Trương-Siêu-Trọng, Châu-Anh-Kiệt thấy mi thanh mục tú, oai phong lẫm liệt, cử chỉ nghiêm trang. Cậu ta thầm nghĩ đây là một nhân vật siêu phàm, tài nghệ quán chúng, đồng đẳng với thân phụ mình nên bỏ hẳn thái độ khinh nhờn đối với Đổng-Triệu-Hòa khi nãy.
Trương-Siêu-Trọng ngoài bản lãnh siêu quần còn là người tinh tế, túc trí đa mưu, từng trải việc đời nên rất sành tâm lý nhân gian. Vì vậy chỉ cần nhìn thoáng qua là biết ngay Châu-Anh-Kiệt vừa kính nể, vừa có cảm tình với mình rồi. Và chính ngay bản thân Trương-Siêu-Trọng cũng không dám coi thường đứa bé này. Sau khi được nhìn thấy cách đối phó can cường, linh mẫn của Châu-Anh-Kiệt với Đổng-Triệu-Hòa, Trương-Siêu-Trọng biết nó là một đứa con nít biết trọng danh dự, không ham tiền bạc. Đối với một đứa trẻ như vậy mà chạm đến tự ái của nó ắt sẽ bị nó chống cự lại ngay. Muốn chinh phục nó, trước tiên phải chiều nó, làm cho nó vừa lòng trước đã. Suy nghĩ một hồi, Trương-Siêu-Trọng bèn thò tay vào trong túi lấy ra một vật hình chữ nhật làm bằng vàng, dài độ một tấc, bề ngang chừng năm phân. Mặt trước là một vật sáng ngời trong như thủy tinh, hình tròn. Mặt sau là hình tượng hai con rồng đang ghìm nhau được chạm trổ rất tinh vi. Đuôi và mình rồng ở mặt sau nhưng đầu rồng uốn khúc ra mặt trước nên trông giống hệt như là lưỡng long tranh châu (#5). Đây là một bảo vật quý giá gọi là Thiên-Lý-Cảnh. (#6)
Cầm Thiên-Lý-Cảnh trong tay, Trương-Siêu-Trọng soi qua soi lại với vẻ thích thú, cốt ý để cho Châu-Anh-Kiệt trông thấy. Trương-Siêu-Trọng nghĩ rằng món đồ chơi mới lạ này thế nào cũng gây được sự chú ý của Châu-Anh-Kiệt và có thể dùng vật này dụ cậu bé tiết lộ ra hết tung tích của bọn Văn-Thái-Lai.
Nguyên báu vật Thiên-Lý-Cảnh này không phải do Trương-Siêu-Trọng mua mà có được. Xuất xứ của nó là do từ một đại thương gia ở Âu-Châu đem biếu cho vị Tổng Thủ-Lãnh Ngự-Lâm Quân của Thanh-Đế Càn-Long là Thân-Vương Phúc-An-Khang làm lễ tương kiến, với mục đích nhờ vận động với triều đình Mãn-Thanh để vào được thị-trường Trung-Quốc mà kinh doanh buôn bán.
Công dụng của vật Thiên-Lý-Cảnh này thật không phải nhỏ vì nhờ nó mà Phúc-An-Khang tìm bắt được nhiều phạm nhân lẫn trốn ngoài vòng pháp luật. Hễ biết phạm nhâm trốn ở đâu chỉ việc rọi Thiên-Lý-Cảnh vào ngay chỗ đó là hình ảnh phạm nhân hiện rõ trên mặt ống kính. Thân-Vương Phúc-An-Khang là một nhân vật nhất, được vua Càn-Long tin dùng nên mới giao cho chức Tổng-Thủ-Lãnh Ngự-Lâm-Quân. Trương-Siêu-Trọng làm chức Thống-Chế Ngự-Lâm-Quân là trực tiếp đặt dưới quyền chỉ huy điều khiển của Phúc-An-Khang.
Thấy Trương-Siêu-Trọng võ nghệ siêu đẳng lại tận tụy trung thành nên được Phúc-An-Khang xem là tay chân đắc lực; những việc bí mật đến thế cũng nói cho nghe; những của lạ quý báu đến thế nào cũng ban thưởng cho, hết lòng mua chuộc. Cũng vì vậy mà Trương-Siêu-Trọng hy sinh danh dự và sẵn sàng luôn cả tánh mạng để cam tâm làm chó săn chim mồi.
Trách nhiệm của Ngự-Lâm-Quân là bảo vệ ngai vàng cho vua, nhưng mục đích chính của Phúc-An-Khang là bắt sống cho được Văn-Thái-Lai đem về dâng nạp, nói riêng; tiêu diệt Hồng Hoa Hội, nói chung. Những công tác quan trọng này Phúc-An-Khang hoàn toàn phó thác cho Trương-Siêu-Trọng.
Lúc Trương-Siêu-Trọng khởi hành công tác đi lùng bắt Văn-Thái-Lai, Phúc-An-Khang làm tiệc thết đãi, tặng cho bảo vật Thiên-Lý-Cảnh này, đồng thời tiễn chân ra tận Tây-Môn. Phúc-An-Khang không quên dặn dò Trương-Siêu-Trọng rằng bằng mọi giá phải bắt cho kỳ được Văn-Thái-Lai càng sớm càng tồt vì đó là nhân vật trọng yếu của Hồng Hoa Hội mà Thanh-Đế cần gặp mặt và đừng để khâm-phạm chạy thoát vào An-Tây.
Trương-Siêu-Trọng tuân mệnh ra đi, trong lòng ôm ấp hoài bão là nếu hoàn thành được sứ mệnh ắt đường công danh sẽ đạt được mức tột đỉnh, có nhiều triển vọng sẽ lên được hàng võ quan nhất phẩm...
Trước cặp mắt háo hức và thèm thuồng của Châu-Anh-Kiệt, Trương-Siêu-Trọng cầm Thiên-Lý-Cảnh qua về phía các đỉnh núi xa xa, ghé mắt vào nhìn rồi xuýt xoa khen ngợi...
Bỗng nhiên, Trương-Siêu-Trọng ngừng lại, quay sang phía Châu-Anh-Kiệt nói:
-Đây là một báu vật hiếm có trong đời. Những vật ở đàng xa mà ta chỉ thấy được lờ mờ, nhưng khi dùng Thiên-Lý-Cảnh mà xem thì mọi vật như hiện ra ở trước mặt ta vậy. Cậu không tin thử nhìn xem cho biết rõ hư thực.
Dứt lời, Trương-Siêu-Trọng đưa Thiên-Lý-Cảnh cho Châu-Anh-Kiệt xem. Con nít thì ai không thích vật lạ với ham vui, nên Châu-Anh-Kiệt do dự nửa muốn cầm lấy nửa e dè. Thấy Châu-Anh-Kiệt trù trừ không quyết, Trương-Siêu-Trọng lại đưa ống kính lên mắt nhìn khắp nơi một lượt rồi reo lên:
-Ôi! Thật là xinh đẹp, lạ lùng biết bao nhiêu!
Dù sao thì Châu-Anh-Kiệt cũng vẫn là trẻ thơ. Cho dù có thông minh khác với những đứa trẻ cùng trang lứa nhưng bản chất cũng chỉ là một. Vì vậy khi nghe Trương-Siêu-Trọng reo mừng thích thú như vậy thì bản tính hiếu kỳ của trẻ thơ lại nổi dậy. Trương-Siêu-Trọng mừng thầm trong bụng, cầm Thiên-Lý-Cảnh trao vào tận tay Châu-Anh-Kiệt, vui vẻ nói:
-Cậu cứ thử cầm lấy mà xem đi. Tôi không nói gạt cậu đâu.
Châu-Anh-Kiệt đưa tay đón lấy rồi ghé mắt vào xem rồi bỗng vui mừng thích thú nhảy tưng tưng lên vì thấy ngay trước mắt có những ngọn đồi xanh, có hoa cỏ nhiều màu sắc, có giòng suối nước trong, lại có cả tiều phu vác búa vào rừng... Nói tóm lại. món đồ chơi này chẳng khác gì một đôi mắt thần, có thể trông xa nghìn dặm.
Trương-Siêu-Trọng lại bảo:
-Người cậu còn hơi thấp nên chưa thâu thập hết đượ£c những điều kỳ diệu của thiên nhiên. Hãy leo lên mặt bàn mà đứng xem sẽ thấy được đầy đủ những cái đẹp, những cái lạ mà chân cậu chưa hề bước tới, mắt cậu chưa hề trông qua bao giờ.
Châu-Anh-Kiệt bị Trương-Siêu-Trọng mê hoặc, gãi đúng vào chỗ ngứa nên không còn đủ lý trí để phân biệt hư thực, phải trái ra sao nữa, chỉ còn nghĩ đến chuyện làm sao cho thỏa mãn tính ham vui của tuổi thơ mà thôi. Vì vậy, sau khi nghe Trương-Siêu-Trọng mách nước liền nhảy phóc lên mặt bàn đá cẩm thạch đứng, đưa Thiên-Lý-Cảnh lên mắt nhìn ra phía ngoài tường của hoa-viên. Ôi, nào là khách bộ hành qua lại; nào là những bác nông phu đang cày bừa; nào là những bước chân liếng thoắng của những mục đồng; nào là những nụ cười tươi như hoa của các cô thôn nữ... Tất cả những ngoại vật như đang linh hoạt trước mặt kính làm cho Châu-Anh-Kiệt khoái chí không biết mấy!
Bỏ Thiên-Lý-Cảnh ra mà nhìn bằng cặp mắt thịt của mình, Châu-Anh-Kiệt chỉ còn thấy được lờ mờ chút đỉnh, chẳng có gì là vui, là thú cả. Cái quang cảnh thiên nhiên của hóa công tô điểm, theo ý Châu-Anh-Kiệt phải được rọi bằng Thiên-Lý-Cảnh này mới hấp dẫn được mỹ quan của con người. Nếu không như vậy thì bao nhiêu cảnh vật xinh đẹp đều trở thành xác xơ trơ trẽn cả mà thôi.
Mải mê cầm Thiên-Lý-Cảnh của Trương-Siêu-Trọng đưa, Châu-Anh-Kiệt cứ đứng mãi trên mặt bàn soi hết nơi này lại soi sang nơi khác, dường như không biết chán, không biết mỏi. Trương-Siêu-Trọng cũng không đòi lại mà cũng không hối thúc, cứ để mặc cho Châu-Anh-Kiệt vui chơi thỏa thích với chiếc Thiên-Lý-Cảnh kia.
Mạnh-Kiện-Hùng biết Châu-Anh-Kiệt đã trúng phải kế gian của Trương-Siêu-Trọng bày ra nhưng không cách nào ngăn ngừa thằng bé đừng nói chuyện với Trương-Siêu-Trọng được. Vắng mặt Châu-Trọng-Anh thật khó khăn cho chàng hết sức. Chàng không biết phải nên ứng phó ra làm sao trước tình huống này!
Mạnh-Kiện-Hùng càng lúc càng rối trí mà nhìn quanh không có ai có thể giúp được chàng trong cơn nguy biến này. Bọn Trương-Siêu-Trọng đã đông, lại toàn là những kẻ có võ công tuyệt đỉnh, túc trí đa mưu thì hỏi sao một mình chàng có thể gìn giữ được cho Thiết-Đảm-Trang khỏi bị liên lụy và đám người Hồng Hoa Hội khỏi bị phát giác! Nếu chúng tiếp tục kéo dài chuyến bao vây và lục soát một cách khôn ngoan và chu đáo như thế này thì sớm muộn gì mọi chuyện cũng bị đổ bể mà thôi. Nhất là hiện thời Châu-Anh-Kiệt, một con cừu non đang bị Trương-Siêu-Trọng, một con cáo già dụ dỗ. Mà cái bẫy của Trương-Siêu-Trọng giăng ra, Châu-Anh-Kiệt càng lúc càng lún sâu vào.
Trương-Siêu-Trọng không vội vã mà cũng không kém cỏi như Đổng-Triệu-Hòa. Y làm việc gì cũng từ tốn, kiên nhẫn. Không ít thì nhiều, Trương-Siêu-Trọng đã gây được lòng tín nhiệm của Châu-Anh-Kiệt, Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy điều này rất rõ. Nếu là Đổng-Triệu-Hòa thì cho dù hắn có dụ dỗ cả ngày đi chăng nữa, Mạnh-Kiện-Hùng cũng chẳng lo Châu-Anh-Kiệt hé răng. Nhưng với chiến lược của Trương-Siêu-Trọng đang áp dụng, chàng lo ngại rằng sẽ đến lúc Châu-Anh-Kiệt để hở môi! Mà hễ hở môi là nguy cơ sẽ đến, không biết tai hại đến chừng nào. Nhưng Mạnh-Kiện-Hùng còn biết làm gì được? Ngoài chàng ra, hiện tại chỉ có Tống-Thiện-Bằng là người có bản lãnh khá nhất phe chàng mà thôi. Nhưng Tống-Thiện-Bằng chỉ là một kẻ thừa hành chứ không phải là người biết xoay xở dùng mưu cao kế lạ.
Châu-Anh-Kiệt sau khi dán mắt dán mũi vào Thiên-Lý-Cảnh một hồi lâu thì cũng tự cảm thấy đã đến lúc phải trao trả báu vật lại cho khổ chủ nên đành nhảy từ trên bàn cẩm thạch xuống đất đưa lại cho Trương-Siêu-Trọng tuy rằng trong bụng vẫn còn tiếc rẻ.
Trương-Siêu-Trọng mỉm cười đón lấy Thiên-Lý-Cảnh, nhìn Châu-Anh-Kiệt hỏi:
-Cậu muốn Thiên-Lý-Cảnh này thuộc về cậu không?
Châu-Anh-Kiệt liếc mắt nhìn Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng đang bàn chuyện to nhỏ với nhau nên liếc nhìn Trương-Siêu-Trọng khẽ gật đầu tỏ ý bằng lòng.
Nhìn cử chỉ đó của Châu-Anh-Kiệt, Trương-Siêu-Trọng biết cậu bé rất thích món đồ chơi quý giá này nhưng còn sợ Mạnh-Kiện-Hùng và Tống-Thiện-Bằng nên không dám lên tiếng mà chỉ lén canh chừng hai người rồi mới khẽ gật đầu với y. Vì thế, Trương-Siêu-Trọng thừa lúc hai người còn đang bận chuyện to nhỏ liền bí mật nắm tay Châu-Anh-Kiệt đi ra nơi xa mà hỏi cậu bé rằng:
-Cậu chỉ cần nói cho tôi biết rằng ba người khách đến ở trong nhà cậu ẩn núp chỗ nào thì chiếc Thiên-Lý-Cảnh này thuộc về cậu. Tôi vui lòng tặng cậu ngay mà không cần cậu phải trả lời tôi thêm một câu thứ nhì.
Châu-Anh-Kiệt bèn rỉ tai nói với Trương-Siêu-Trọng rằng:
-Thật tình tôi không biết.
Trương-Siêu-Trọng rất tinh ý, biết câu trả lời của Châu-Anh-Kiệt là miễn cưỡng chứ trên thực tế chắc chắn nó biết. Chỉ vì nó sợ nếu khai ra cho Trương-Siêu-Trọng biết rủi có người trong Thiết-Đảm-Trang nghe được và mách lại với Châu-Trọng-Anh thì chắc chắn nó sẽ bị trừng phạt. Trương-Siêu-Trọng nghĩ thầm:
-"Nếu trấn an được nỗi lo sợ của thằng bé này thì lo gì mà nó chẳng nói?"
Nghĩ đoạn, Trương-Siêu-Trọng dỗ dành, dùng lời ngon ngọt dịu dàng nói với Châu-Anh-Kiệt:
-Cậu cứ nói nhỏ cho một mình tôi nghe mà thôi, không còn người thứ hai biết được nữa đâu mà e ngại. Tôi nghe vào tai rồi chỉ để trong lòng mà thôi, dù cho là thân phụ hay thân mẫu của cậu cũng không hay nữa chứ đừng nói là người nào khác trong gia đình cậu. Cứ tin tôi mà nói đi, đừng đắn đo suy nghĩ gì nữa! Mấy người kia sở dĩ không muốn cậu nói chỉ vì họ không muốn cậu được chiếc Thiên-Lý-Cảnh này đó thôi!
Châu-Anh-Kiệt vốn là trẻ thơ, tuy có được chút nghĩa khí do phụ thân rèn luyện nhưng bản chất vẫn chỉ là con nít, vẫn chỉ là một người tầm thường, khi thấy báu vật thì vẫn thèm muốn, chỉ mong sao có cho bằng được chứ nào đã biết đắn đo suy nghĩ đến những chuyện lớn động trời có thể nguy hại đến gia đình nó như không.
Châu-Anh-Kiệt cho rằng Văn-Thái-Lai cũng chỉ là một khách tầm thường như những người khách khác ghé thăm Thiết-Đảm-Trang mà thôi. Vì vậy, nó nghĩ rằng có nói cho Trương-Siêu-Trọng biết cũng chẳng hại gì. Có lẽ Văn-Thái-Lai cùng hai người kia có thù oán gì với Trương-Siêu-Trông mà thôi nên cùng lắm hai bên sẽ đi đến chỗ đâm chém hay ẩu đả là cùng. Khi đó, nó sẽ cùng Mạnh-Kiện-Hùng đứng ra can thiệp giảng hòa cho đôi bên thì mọi việc êm ngay. Nhưng nó nào có biết đâu là một lời khai của nó sẽ trở thành một tai họa ghê gớm sẽ giáng xuống Thiết-Đảm-Trang, có thể chuốc lấy họa diệt tộc vì dám chứa chấp khâm-phạm triều đình...
Mà cũng khó mà trách được Mạnh-Kiện-Hùng không cảnh giác cho Châu-Anh-Kiệt trước được. Chàng bất quá cũng chỉ là đệ tử của cha nó thôi. Trong khi chủ nhân vắng mặt, một mình Mạnh-Kiện-Hùng phải đứng ra gánh vác bao nhiêu việc, tránh sao khỏi những sơ xuất? Mà có lẽ cũng phải công nhận rằng Trương-Siêu-Trọng quá ư lợi hại mà thôi. Y tung ra một chiêu thật bất ngờ ngoài sự tiên liệu của tất cả mọi người. Vả lại, biết đâu Châu-Anh-Kiệt chẳng là một Trương-Siêu-Trọng nhỏ tuổi, vì lợi sẵn sàng quên hết tất cả! Tuy rằng thiên-hạ vẫn nói là không bao giờ chấp nhặt trẻ nhỏ, nhưng lắm lúc tính tình, bản chất con người thường hiện ngay ra trong lúc tuổi còn thơ ấu...
Tóm lại, mọi sự phúc họa, số phận của con người hầu như đều có sự an bài của hóa công sẵn cả rồi...
Biết Trương-Siêu-Trọng là kẻ mưu mô nên Mạnh-Kiện-Hùng lúc nào cũng đề phòng. Từ lúc thấy Châu-Anh-Kiệt say mê chiếc Thiên-Lý-Cảnh của y, đô mắt của Mạnh-Kiện-Hùng không lúc nào rời y cũng như Châu-Anh-Kiệt. Đang bàn chuyện với Tống-Thiện-Bằng, chàng liếc nhìn thấy Châu-Anh-Kiệt gật đầu với Trương-Siêu-Trọng thì sợ đến toát cả mồ hôi, linh tính như có điều gì nguy ngập sẽ xảy đến cho Văn-Thái-Lai cũng như Thiết-Đảm-Trang. Không biết làn gì khác hơn, Mạnh-Kiện-Hùng đành lớn tiếng gọi Châu-Anh-Kiệt:
-Sư đệ không nên nói chuyện ở đây! Mau mời khách vào trong nhà dùng trà chờ sư phụ về. Cứ ở đây mà chơi mãi nếu sư phụ về mà bắt gặp thì thế nào cũng bị quở phạt mà thôi! Sư phụ đã dặn gì, tiểu sư đệ còn nhớ hay không? Thôi, mau đi vào!
Châu-Anh-Kiệt đáp:
-Xin tuân theo lời của sư huynh.
Sau đó quay qua Trương-Siêu-Trọng, Châu-Anh-Kiệt khẽ nói:
-Ông hãy theo tôi vào trong vì Mạnh sư huynh của tôi gọi vào, không cho nói chuyện ở vườn hoa theo lời dặn của thân phụ tôi. Nếu người về mà không thấy tôi trong nhà thì tôi sẽ bị trách phạt nặng nề chứ chẳng chơi!
Biết Châu-Anh-Kiệt rất nể sợ sư huynh Mạnh-Kiện-Hùng nên Trương-Siêu-Trọng đành theo cậu bé vào bên trong. Nhưng khi vừa nắm tay Châu-Anh-Kiệt thì Trương-Siêu-Trọng vừa đưa Thiên-Lý-Cảnh ngay trước mặt nó đồng thời dùng đủ cách khôn khéo để dụ. Sau khi nghe những lời trấn an của Trương-Siêu-Trọng, và nhìn Thiên-Lý-Cảnh không ngừng quơ qua trước mặt mình, Châu-Anh-Kiệt trong bụng đã lấy làm khoan khoái, ghé tai Trương-Siêu-Trọng nói nhỏ:
-Tôi chỉ sợ nói cho ông nghe, gia gia tôi về biết được thì đánh tôi chết!
Trương-Siêu-Trọng thấy cá đã cắn câu thì trong bụng sướng như mở cờ liền đề nghị:
-Ai học lại mà cậu sợ thân phụ cậu biết được mà đánh đòn chứ? Nhưng tôi có cách này đây, nếu cậu nghe tôi thì cho dù chuyện có đổ bể cũng không có ai trách được cậu. Bây giờ tôi bày cậu cách này. Cậu đừng nói gì với tôi cả. Tôi hỏi câu nào thì cậu cứ trả lời câu đó cho tôi nghe thôi. Như vậy có nghĩa là không phải tại cậu nói, mà tại tôi hỏi.
Nói xong, Trương-Siêu-Trọng cầm Thiên-Lý-Cảnh dúi vào tận tay Châu-Anh-Kiệt mà nói:
-Tôi tặng cậu báu vật này. Bây giờ là của cậu rồi, cậu có quyền tùy nghi sử dụng. Cậu chỉ cần trả lời tôi vài câu vắn tắt thôi.
Không dằn được lòng ham muốn, Châu-Anh-Kiệt đưa tay đón lấy Thiên-Lý-Cảnh. Trong lòng cậu ta lúc này dâng lên một niềm sung sướng tưởng không còn gì trên thế gian này có thể đổi lấy được. Dẫu ngay bây giờ có bị thân phụ quở phạt trách mắng, thậm chí có đánh đòn đau, Châu-Anh-Kiệt cũng cho là bõ công. Trương-Siêu-Trọng lại khôn khéo đánh thêm một đòn tâm lý cuối cùng.
-Cậu bất tất phải mở miệng ra nói một lời nào. Tôi hỏi câu nào, nếu đúng cậu cứ gật đầu, nếu sai thì cậu lắc đầu, thế là xong. Như thế thì rõ ràng là không có ai nghe được giọng cậu cả, Châu lão anh-hùng làm sao mà trách phạt cậu được?
Quả nhiên cái kế này của Trương-Siêu-Trọng thật là vô cùng độc đáo, như giải thoát được tất cả những nỗi lo âu sợ sệt của một đứa trẻ. Châu-Anh-Kiệt nghe xong lại càng vững bụng hơn nữa. Thấy mưu đã thành công, Trương-Siêu-Trọng bắt đầu hỏi:
-Có phải hắn núp bên trong lẩm lúa không?
Châu-Anh-Kiệt lắc đầu. Trương-Siêu-Trọng bèn hỏi tiếp:
-Ở ngoài hoa-viên chăng?
Châu-Anh-Kiệt nhìn trước nhìn sau rồi gật đầu một cái thật lẹ. Trương-Siêu-Trọng mỉm cười ra vẻ mãn nguyện. Thế là y không cần phải lặn lội tìm đâu cho xa ở nơi Thiết-Đảm-Trang mênh mông này nữa mà chỉ chăm chú để ý thu gọn vào trong phạm vi hoa-viên mà thôi.
Vừa đi, cặp mắt Trương-Siêu-Trọng vừa quan sát thật tỉ mỉ. Y thấy ở chính giữa hoa-viên có một cái hồ lớn, ngay giữa hồ là một hòn giả sơn khá lớn trông rất xinh, phong cảnh thanh kỳ như một Bồn-Lai nhược thủy. Quanh hòn giả sơn là nước biếc trong xanh với những đóa hoa sen thơm ngát và những con thiên nga bơi qua bơi lại, thung dung rửa cánh. Có mấy chiếc thuyền con được cột chặt, neo vào mấy cây thùy dương ven bờ. Từ bên ngoài đi vào hòn giả sơn có một con đường trải đá, hai bên là hoa cỏ tốt tươi. Trên hòn giả sơn có mấy gian nhà thật đẹp trông hết sức thanh tịnh, chẳng khác nào là nơi ẩn dật của những ẩn sĩ không còn chuyện gì phải vương vấn đến nhân gian nữa.
Trương-Siêu-Trọng để ý đến hòn giả sơn này thật là kỹ, đinh ninh rằng chắc chắc Văn-Thái-Lai được Mạnh-Kiện-Hùng đưa đến ẩn núp trong này nhưng chưa biết là nơi nào mà dò xét để khỏi bị lầm lạc. Trương-Siêu-Trọng định hỏi Châu-Anh-Kiệt thêm một câu nữa nhưng thấy Mạnh-Kiện-Hùng đang từ từ đi tới nên thấy bất tiện lại thôi.
Số là Mạnh-Kiện-Hùng nhìn thấy Trương-Siêu-Trọng nắm tay Châu-Anh-Kiệt vừa đi vừa hỏi. Lại thấy Châu-Anh-Kiệt tay cầm Thiên-Lý-Cảnh khi lắc đầu khi gật thì chàng thấy chuyện thật không ổn tí nào cả. Nếu cứ để tình trạng này tiếp tục xảy ra ắt thế nào con cáo già Trương-Siêu-Trọng cũng khai thác được hết mọi chuyện mà thôi. Nghĩ vậy chàng liền dặn lẹ Tống-Thiện-Bằng mấy câu rồi ba chân bốn cẳng đi theo Trương-Siêu-Trọng để kèm Châu-Anh-Kiệt, hy vọng may ra còn cứu vãn được tình thế...
Trương-Siêu-Trọng giả đóng tuồng đi quanh hai bên ven hồ ra vẻ là người ưa thích phong cảnh thần tiên hữu tình nhưng kỳ thực trong thâm tâm là để dọ thám, cố tìm cho ra chỗ ẩn núp của Văn-Thái-Lai. Trương-Siêu-Trọng chợt nghĩ ra một âm mưu khéo léo nên giả vờ hỏi Châu-Anh-Kiệt:
-Hẳn nơi đây khách quý của chủ nhân cũng được mời vào xem chứ?
Chương trước | Chương sau