XtGem Forum catalog
Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung


Tác giả:
Đăng ngày: 09-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 96 đánh giá )

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung - Chương 13 - Trần Gia Cách trổ tài giao đấu - Châu Trọng Anh giàu nghĩa khả tuân

↓↓

-Thưa Tổng-Đà-Chủ, Trang-chủ Thiết-Đảm-Trang có ý muốn tỉ thí bằng quyền cước thì sao Tổng-Đà-Chủ không dùng quyền cước mà đáp lễ có phải hay hơn không?

bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Nguyên Từ-Thiện-Hoằng có cặp mắt rất nhạy bén. Qua mấy trận ác đấu, chàng đã nhìn thấy rõ được phong độ trưởng thượng của Châu-Trọng-Anh nên bất giác sinh lòng ngưỡng mộ. Nếu ông ta không có ý nhường nhịn ắt tình thế đã khác xa rồi. Dù anh em Hồng Hoa Hội của chàng xem Châu-Trọng-Anh như kẻ thù không đội trời chung thế mà ông ta vẫn không giận hờn, không chịu nặng đòn đả thương người nào cả. Vì vậy, chàng mong hai bên quyết đấu lần này trong tinh thần võ thuật nhiều hơn là một trận chiến sinh tử.


Nghe Từ-Thiện-Hoằng nói, Trần-Gia-Cách mỉm cười gật đầu tán thành. Chàng kính cẩn vòng tay nói:


-Hay lắm! Nếu Châu lão anh hùng muốn dùng quyền cước thì tại hạ cũng xin dùng quyền cước để hầu tiếp. Thật là một vinh dự lớn lao được học hỏi nơi một đại cao thủ, tên tuổi từ lâu làm chấn động cả võ lâm. Xin Châu chỉ dạy thêm cho và nhớ hạ thủ lưu tình cho kẻ hậu bối này.


Châu-Trọng-Anh gật đầu tỏ vẻ hài lòng đáp:


-Hay lắm! Hay lắm! Trần Tổng-đà-chủ bất tất phải khiêm nhượng!


Châu-Ỷ bước tới cởi áo choàng cho thân phụ, miệng khẽ nói:


-Gã Tổng-Đà-Chủ này có lối điểm huyệt lanh lẹ và độc đáo chưa từng thấy. Phụ thân phải cẩn thận, đừng khinh thường hắn nhé!


Dặn dò thân phụ xong, Châu-Ỷ lui ra sau, nhưng cặp mắt và đôi tai luôn luôn để ý, không rời đám người Hồng Hoa Hội. Nàng sợ rằng họ thế nào cũng ra tay đột kích thân phụ nếu Châu-Trọng-Anh chiếm được ưu thế trong trận đấu. An-Kiện-Cường sợ nàng nóng tính sinh sự nên đứng gần để kềm giữ. Mạnh-Kiện-Hùng thì để ý đến Châu-Trọng-Anh, ngấm ngầm cố sức bảo vệ.


Châu-Ỷ, Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường hiểu rõ rằng trận đấu này có thể quyết định đến số phận của Thiết-Đảm-Trang nên hết sức cẩn thận đề phòng. Nếu chẳng may sơ ý, cả Thiết-Đảm-Trang cùng tánh mạng của bao nhiêu người đều trở thành tro bụi dưới tay của đám người Hồng Hoa Hội kia. Châu-Trọng-Anh dường như còn hiểu rõ hơn nữa nên ông ta đã nghĩ ra điều sau cùng, điều kém may mắn nhất có thể xảy ra. Ông quay lại nhìn Châu-Ỷ nói:


-Châu Ỷ, con! Nếu trận này cha có xảy tay mà bỏ mình, con đừng lưu luyến Thiết-Đảm-Trang làm gì nữa. Ân oán dù cho có giải xong được chuyến này với Hồng Hoa Hội cũng chưa hết đâu, sẽ còn Trấn-Viễn tiêu-cục, Vạn-Khánh-Nhuận và triều-đình Mãn-Thanh đến nữa. Những đại họa đó, Thiết-Đảm-Trang chúng ta không sao tránh khỏi được đâu! Âu cũng là do số trời, do định mệnh an bài cả. Con cũng đừng nên oán trách ai hay thù hằn ai hết. Bỏ Thiết-Đảm-Trang, con cấp tốc đem gia quyến về phủ Lang-Châu nương náu với thúc thúc của con. Nhất là không được gây thêm oán cừu nữa. Không nên trái lời cha dặn.


Châu-Ỷ lòng đau như dao cắt, nghẹn ngào không nói ra lời, chỉ gật đầu mà vâng lời phụ thân nàng dặn. Sau đó, Châu-Trọng-Anh lại gọi Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường lại dặn dò mọi việc nếu chẳng may ông ta phải chết. Hai người hết sức xúc động, hứa sẽ làm theo.


Lúc ấy, Tống-Thiện-Bằng đã chỉ huy đám tráng đinh dọn dẹp xong bàn ghế, đồ đạc chừa ra một khoảng trống lớn ở chính giữa đại sảnh để làm võ đài. Đèn đuốc bốn phía được thắp lên sáng chưng như ban ngày.


Châu-Trọng-Anh bước vào giữa khoảng trống vòng tay nói:


-Xin mời Trần Tổng-đà-chủ!


Trần-Gia-Cách không cởi áo choàng. Với dáng điệu khoan thai, chàng bước ra đứng đối diện với Châu-Trọng-Anh. Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội tay cầm quạt giấy vẽ hình Nại hàn tam hữu, quạt qua quạt lại mấy cái cho mát rồi thong thả nói:


-Nếu trận tỉ thí này tại hạ bị bại dưới tay Châu lão anh hùng thì nhất định sẽ mời hết các vị chưởng môn nhân tiền bối tại vùng Tây-Bắc để chứng kiến tại hạ cúi đầu tạ tội với Châu lão tiền bối và thề rằng từ nay và mãi mãi về sau không một bóng người Hồng Hoa Hội nào được bước chân đến vùng đất Cam-Túc này.


Châu-Trọng-Anh hỏi:


-Chẳng hay lời nói của Tổng-Đà-Chủ có tin tưởng được hay không?


Trần-Gia-Cách nhướng cặp lông mày như lá liễu nói:


-Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy (#9). Lời của vãn bối như dao chém đá, xin lão anh hùng cứ yên tâm!


Quay lại nhìn các đương gia, Trần-Gia-Cách nghiêm nghị nói lớn:


-Tất cả anh em Hồng Hoa Hội nghe ta nói đây! Nếu chẳng may ta bị bại trận này thì từ nay về sau không một người nào lớn nhỏ được đặt trên đến vùng đất Cam-Túc này nữa! Nghe rõ chưa?


Tất cả bang chúng Hồng Hoa Hội đều đồng thanh hô lớn:


-Xin tuân theo mệnh lệnh Tổng-Đà-Chủ!


Trần-Gia-Cách gật đầu thỏa mãn rồi sau đó nhìn Châu-Trọng-Anh hỏi:


-Tại hạ cũng xin hỏi lại rằng nếu trường hợp Châu tiền bối lỡ tay sểnh miếng nhường tại hạ một chiêu thì Châu lão anh hùng có ý kiến gì không?


Châu-Trọng-Anh ngước thẳng đầu ra trước, khẽ vuốt chòm râu bạc thản nhiên cười ha hả mấy tiếng rồi đáp:


-Lẽ nào lại không! Rủi lão phu có thua thì cả Thiết-Đảm-Trang lớn nhỏ mấy chục mạng xin giao hết cho Hồng Hoa Hội mặc tình mặc sức, tự ý xử tử hết tất cả.


Trần-Gia-Cách nói:


-Hồng Hoa Hội tuy là một tổ chức nhỏ bé nhưng ân oán rất phân minh, lẽ nào lại đi giết hại bao nhiêu người vô tội như thế? Kẻ hậu sinh chỉ xin đề nghị với tiền bối một điều kiện hết sức đơn giản mà thôi. Nếu vãn bối may mắn được tiền bối nương tay, chỉ xin lão tiền bối giao nạp ra người đã chỉ chỗ ẩn núp của Văn tứ ca cho bọn ưng khuyển của Càn-Long bắt và dẫn đi, là lệnh lang đó thôi! Hồng Hoa Hội sẽ đem lệnh lang về An-Tây, một lòng đối xử tử tế, quyết không ngược đãi. Khi nào cứu được Văn tứ ca về đến nơi bình an vô sự thì sẽ phái người đem lệnh lang tới Thiết-Đảm-Trang trao trả cho tiền bối, và bảo đảm một sợi lông chân cũng không bị suy suyển. Chỉ trừ trường hợp Văn tứ ca bị tổn thương đến tính mạng, lúc bấy giờ lệnh lang sẽ phải đền mạnh lại cho Văn tứ ca. Vãn bối nghĩ cách giải quyết thế này là hết sức công bình, chẳng hay lão tiền bối có tán thành không?


Nghe Trần-Gia-Cách nói đến việc bắt con mình làm con tin và trường hợp phải đền mạng cho Văn-Thái-Lai, Châu-Trọng-Anh bỗng động mới thương tâm, xót tình phụ tử, mặt đỏ, lệ tràn, râu tóc dựng ngược hết cả lên. Ông ta lấy tay thủ thế nói:


-Bất tất phải nói nhiều lời làm gì! Cứ thử sức nhau trước đã, hơn thua rồi sẽ tính sau!


Trần-Gia-Cách bèn xếp quạt lại đút vào túi, cúi đầu vòng tay tỏ vẻ cung kính người tuổi tác nói:


-Xin mời lão tiền bối ra tay trước!


Mọi người thấy Trần-Gia-Cách có khí phách anh hùng, với phong độ nhàn nhã và tự nhượng; vẻ bình tĩnh thái nhiên, một mực giữ lễ với bậc cao nhân tiền bối; không có gì nóng nảy như sắp sửa xảy ra một trận quyết đấu với địch nhân thì ai nấy thầm ngợi khen, cảm phục trong lòng.


Châu-Trọng-Anh tay trái tung một quyền vào không khí, tay mặt cung ngay trước ngực. Đó là thế thỉnh thủ (#10), là phép lịch-sự của con nhà võ trước khi giao đấu.


Biết đối phương tuổi trẻ muốn nhường cho mình ra tay trước cho nên thỉnh thủ xong, Châu-Trọng-Anh không khách khí nữa, dùng một thế Tả xuyên hoa thủ nắm tay mặt bảo vệ ngay bụng, tay trái đánh thốc một quyền nhanh như gió vào ngay giữa mặt Trần-Gia-Cách. Quyền chưa tới nơi mà kình lực đã nổi lên nghe vùn vụt khiến ai nấy đứng ngoài xem phải giật mình kinh hãi. Trần-Gia-Cách vẫn ung dung, thong thả dùng thế Hàn nha bộ, tay mặt đưa thẳng ra gạt ngọn quyền của Châu-Trọng-Anh sang một bên, tay trái đánh vòng một đường theo hình bán nguyệt, tréo vào hông đối phương theo thế Đơn phụng triều dương, một tuyệt chiêu của Thiếu-Lâm.


Châu-Trọng-Anh thầm kinh ngạc. Ông không ngờ Trần-Gia-Cách không những chỉ biết sử dụng tuyệt kỹ ấy của Thiếu-Lâm, mà còn sử dụng đến mức cao siêu đến như vậy. Ông ta tung mình lên không tránh né, buột miệng khen:


-Tuyệt diệu!


Không dám khinh thường, Châu-Trọng-Anh liên tiếp sử dụng hai thế Huỳnh anh lạc giá và Hoài trung bão nguyệt tấn công như vũ bão.


Trần-Gia-Cách vẫn điềm tĩnh, dùng quyền pháp của Thiếu-Lâm mà chống trả; tấn thối theo đúng quy tắc; đánh đỡ có phương pháp; khi công khi thủ... Có thể nói là võ nghệ của Thiếu-Lâm chàng ta mười phần thuần thục cả.


Hai bên đánh trên 50 hiệp mà vẫn không phân thắng bại, không ai lướt được ai một thế nào cả. Người đứng ngoài mà nhìn vào cuộc đấu sẽ tưởng rằng cả hai đều là người xuất thân cùng một phái.


Đánh thêm 50 hiệp nữa, sự tương đồng của hai bên càng bộc lộ thêm rõ rệt hơn nữa. Suốt 20 tu luyện trong Thiếu-Lâm, công phu của Châu-Trọng-Anh đã đạt được đến mức Thần hóa cảnh giới, có khả năng tay đánh rúng động mà chân đá gió vù mà môn phái Thiếu-Lâm gọi là tâm khoái, nhãn khoái, thủ khoái, thân khoái, bộ khoái, không thể nào diễn tả hay đo lường nổi.


Vì vậy, Châu-Trọng-Anh càng đánh càng lẹ; khi công, khi thủ, khi thôn (#11), khi thô (#12), luân chuyển không hề sai trật; lòng nghĩ sao, tay đánh y hệt như vậy, như một bản đàn uyên thâm huyền diệu. Thoáng một cái, Châu-Trọng-Anh đã thi triển được hết quá nửa 37 bài quyền đầu của Thiếu-Lâm.


Thế nhưng mặc cho Châu-Trọng-Anh mặc sức ra chiêu lanh lẹ, độc đáo đến thế nào, Trần-Gia-Cách cũng không bị lép vế một tí nào cả.


Đột nhiên Châu-Trọng-Anh hét lớn, toàn thân ông ta nghiêng qua một bên dùng một thế vô cùng dũng mãnh là Biên nhận ty kích khiến Trần-Gia-Cách phải thất kinh lùi lại một một bước. Nhưng chiêu thế của Châu-Trọng-Anh xuất quá lẹ, lại bao gồm cả chiều sâu cho nên dù Trần-Gia-Cách kịp thời thoái bộ, chiêu thế của Châu-Trọng-Anh vẫn theo đà nhắm Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội đánh thẳng xuống. Đám hào kiệt đương-gia đứng ngoài thấy vậy ai nấy đều giật mình lo sợ.


Trước nguy thế, Trần-Gia-Cách tung mình lên không lộn ra sau tránh thoát được tuyệt chiêu của Châu-Trọng-Anh. Chân vừa chạm xuống đất, chàng nhún mình lướt tới phản công. Lần này Trần-Gia-Cách không dùng võ Thiếu-Lâm chánh tông nữa mà lại sử dụng Ngũ hành liên hoàn quyền trong "Ngũ Thượng Quyền Thuật"; tay trái dùng thế Ô long thể qua nhắm ngay bụng Châu-Trọng-Anh đánh vụt tới. Châu-Trọng-Anh quát lớn lên:


-Thế càng hay!


Đoạn ông ta tiếp tục dùng tuyệt kỹ của Thiếu-Lâm để chống đỡ. Trao đổi thêm chừng 10 hiệp nữa, Trần-Gia-Cách lại đổi sang thế Bát quái du thân chưởng, hễ chưởng đánh ra đâu thì người Trần-Gia-Cách cũng tiến theo đó, lanh lẹ không thể nào tưởng tượng được.


Dưới ánh đèn đuốc của đại sảnh mường tượng như có mấy chục cái bóng qua lại. Toàn thân Trần-Gia-Cách như bay nhảy khắp nơi trong đấu trường; mới thấy bên này đã biến qua bên kia; vừa thấy đàng sau đã hiện ra đàng trước... Hai vạt áo của chàng tựa như hai cánh bướm bay lượn giữa trời xuân. Trông chàng có vẻ như đang biểu diễn một vũ điệu mê ly hơn là thi triển võ công.


Châu-Trọng-Anh không chút bấn loạn. Trần-Gia-Cách đánh đến đâu ông ta chống đỡ đến đó. Võ công của Trần-Gia-Cách cho dù biến ảo kỳ diệu và hết sức độc đáo nhưng vẫn không làm sao áp đảo được Châu-Trọng-Anh.


Đánh thêm vài hiệp nữa, Trần-Gia-Cách lại đổi chiêu thức, dùng một thế Như phong tại hải trong Thái-Cực-Quyền tấn công. Quyền đánh ra trông rất nhẹ nhàng nhưng trên thực tế rất là hiểm ác. Đó là sở trường của Thái-Cực-Quyền, dụng nhu chế cương, dụng nhược thắng cường.


Châu-Trọng-Anh không chút nao núng, hễ Trần-Gia-Cách tung ra quyền nào thì ông ta gạt quyền đó đồng thời lại đánh trả lại một quyền. Hai bên cứ thế mà quần nhau, chẳng ai chịu kém ai.


Cả hai bên Hồng Hoa Hội lẫn Thiết-Đảm-Trang đứng ngoài xem mà say mê đến độ quên cả chớp mắt. Võ công cả hai bên đều cao diệu, nhưng chiêu thức của Châu-Trọng-Anh thì mọi người còn hiểu được nhưng của Trần-Gia-Cách thì thật là khó hiểu, không biết chàng ta rèn luyện được võ công từ đâu mà tinh vi, kỳ diệu đến thế. Nhiều bộ pháp và chiêu thức Trần-Gia-Cách thi triển có thể nói rằng tất cả mọi người chỉ mới được thấy lần đầu. Mà kiêm thông được cả hai thủ pháp của Thiếu-Lâm và Thái-Cực thì có lẽ Trần-Gia-Cách là người duy nhất.


Châu-Trọng-Anh càng đánh càng hăng, sức lực chẳng kém gì thanh niên. Có thể nói trong đời chưa bao giờ tìm được một đối thủ lợi hại, xứng tay như Trần-Gia-Cách cho nên ông ta cảm thấy hứng thú vô cùng. Trần-Gia-Cách cũng ngầm kính phục vị chủ nhân Thiết-Đảm-Trang. Danh từ Châu lão anh-hùng không phải chỉ là ngẫu nhiên mà ông ta có được.


Một già, một trẻ, quyền qua cước lại, chưởng phong đỏ rực lên khắp đấu trường. Ai cũng thấy rõ, chỉ cần một sơ hở nhỏ là sự thắng bại sẽ hiện ra ngay. Đánh thêm 30 hiệp nữa cũng vẫn kẻ tám lạng, người nửa cân.


Trần-Gia-Cách bỗng nhiên dùng một thế Đảo bối hầu, rồi dùng võ công Thiếu-Lâm pha với võ công Thái-Cực, lại kèm theo 36 thế Dương quyền đại cầm nã, luôn cả bốn thứ quyền pháp họ Nhạc Phân trợ thế cốt thủ cũng được Trần-Gia-Cách đem ra sử dụng để cố mà tranh thắng.


Tuy chỉ sử dụng duy nhất có tuyệt kỹ của Thiếu-Lâm, Châu-Trọng-Anh vẫn giữ được thế quân bình mặc dù thủ nhiều hơn công theo phương pháp Bất biến ứng vạn biến, mục đích là giữ cho vững để chiếm lấy ưu thế và thắng lợi lúc tàn cuộc.


Châu-Trọng-Anh nhận xét thấy rằng tuy võ công của Trần-Gia-Cách hết sức tinh vi và cao diệu. Theo thời gian, trong võ lâm sẽ không còn người nào là đối thủ của chàng. Tuy nhiên hiện tại so với ông ta, Tổng-Đà-Chủ Hồng Hoa Hội vẫn còn kém ba phần hỏa hầu. Mà rèn luyện được tuyệt kỹ Thiếu-Lâm đến trình độ như ông ta thì trên võ lâm hiện nay chưa chắc đã có được người thứ hai. Đồng thời kinh nghiệm chiến trường suốt mấy chục năm đi lại trên võ lâm như ông ta cũng chẳng có được mấy kẻ trong thiên hạ. Vì vậy, Châu-Trọng-Anh rất tự tin rằng ông có cơ hội chiến thắng nếu trận đấu kéo dài. Mà cho dù ông không thắng nổi Trần-Gia-Cách, ông vẫn có đủ sức để thủ hòa.


Thình lình, chân trái Châu-Trọng-Anh bước tới một bước, tay trái nắm lấy vạt áo của Trần-Gia-Cách theo thế Thản đán thiết chưởng đồng thời nhắm ngay bàn quan của chàng mà đánh ra một quyền hết sức mạnh bạo, có sức nặng đến cả nghìn cân.


Bị đánh quá đột ngột, Trần-Gia-Cách vô phương đỡ gạt và cũng hết đường tránh né. Trong lúc cấp bách, Trần-Gia-Cách hét lên một tiếng thối lui được ra đàng sau đồng thời tung ra một quyền để hóa giải chiêu thức của Châu-Trọng-Anh, nhưng vạt áo của chàng bị xé toạc một đường dài.


Châu-Trọng-Anh cười hỏi:


-Hy sinh vạt áo à?


Trần-Gia-Cách mặt mũi đỏ bừng, giơ ngón tay điểm thẳng vào Nhuyễn ma huyệt của Châu-Trọng-Anh. Ông ta vừa tránh khỏi thì Trần-Gia-Cách lại tiếp tục phóng luôn một lượt ba quyền trong chớp nhoáng mà đánh tới. Mọi người trố mắt nhìn vì quyền pháp của Trần-Gia-Cách thật lạ lùng, chưa một ai bao giờ nghĩ tới chứ đừng nói là biết qua. Trong khi ai nấy đều nặn óc suy nghĩ thì quyền của Trần-Gia-Cách bỗng nhiên biến thành chỉ, tìm những trọng huyệt trên người Châu-Trọng-Anh mà điểm.


Châu-Trọng-Anh khi đỡ, khi tránh, hai tay nhanh nhẹn, luôn bảo vệ các huyệt đạo trên mình. Điểm không trúng, Trần-Gia-Cách hai tay liên tiếp phóng chưởng ra. Ai nấy đều thấy rõ ràng là chàng sử dụng Bát-Quái-Chưởng, nhưng khi chưởng pháp được thâu hồi trở lại thì lại chẳng khác gì Thái-Cực-Quyền.


Mọi người đều hoa cả mắt lên, không biết đâu mà lường nổi, đâu là chưởng, đâu là quyền hay đâu là chỉ. Châu-Trọng-Anh phải luôn luôn chú ý vào đôi tay của Trần-Gia-Cách hết sức kỹ càng mà không dám lơ đễnh.


Nguyên lai võ công Trần-Gia-Cách vừa đem ra sử dụng là Bách Hoa Thố Quyền của phái Thiên-Trì do Thiên-Trì Quái-Hiệp Viên-Sĩ-Tiêu sáng chế ra. Thuở nhỏ, ông ta hễ nghe đâu có võ nào hay, bất luận là của ai hay môn phái nào là đều tìm đến học cho bằng được với mọi cách. Càng lớn, võ nghệ của Viên-Sĩ-Tiêu càng siêu việt, ông đã rèn luyện được hầu như tất cả võ công của các môn phái chính tông đến mức thượng thừa, đồng thời lại có được một vốn kiến thức khổng lồ. Ông ta nhận thấy võ công của bất cứ một môn phái nào đều có một đặc điểm riêng biệt, và khi sử dụng đều có hữu hiệu như nhau cả, có khác chăng là chỉ hình thức. Vì vậy, ông rút tỉa tất cả những tinh hoa của võ thuật của các phái mà nghiên cứu ra Bách Hoa Thố Quyền, và tự mình lập riêng cho mình một môn phái. Có thể nói, khi ấy trên võ lâm không còn ai là đối thủ của Viên-Sĩ-Tiêu nữa. Tuy nhiên, ông cũng đã chán những chuyện ân oán trên giang hồ nên lui mình về ẩn cư trên đỉnh núi Thiên-Trì thuộc tỉnh Tân-Cương mà lập ra môn phái Thiên-Trì, định sẽ thâu môn đệ truyền thụ võ công.


Nhưng Bách Hoa Thố Quyền không phải dễ học. Một người trước khi học được tuyệt kẽ này phải tinh thông hết các ngón võ công tuyệt kỹ của các môn phái chánh tông khác thì mới hiểu được chiêu thức và biến hóa của nó. Có thể nói, tất cả các chiêu thức của Bách Hoa Thố Quyền là các chiêu thức của các phái võ khác gom lại. Nhưng sự biến hóa của nó thì không biết đâu mà lường được. Như Viên-Sĩ-Tiêu, nếu ông giao đấu với một cao thủ phái nào, ông sẽ dùng ngay chiêu thức của môn phái đó mà đối phó. Nhưng sau đó, ông sẽ tùy theo trường hợp mà cải biến chiêu thức, không nhất định phải bám lấy bất cứ một quy tắc nào để cho địch thủ có thể nhận ra, biết trước mà đề phòng.


Vì vậy, từ khi sáng lập ra môn phái, ông chỉ thâu nhận được duy nhất một người là Trần-Gia-Cách, là người thấu triệt được cái nguyên lý và triết lý của võ học, không bị gò bó vào một phương pháp cố định và bị hoàn toàn lệ thuộc vào lý thuyết của bất cứ một môn phái nào.


Khi đã tinh thông Bách Hoa Thố Quyền còn phải rèn luyện thêm các môn như khinh công, điểm huyệt, cầm nã công, cũng như các ngoại gia hay nội gia công phu nữa.


Từ khi nghiên cứu ra Bách Hoa Thố Quyền, Viên-Sĩ-Tiêu chưa hề có cơ hội áp dụng với ai cả, và cũng chưa truyền dạy cho ai ngoài Trần-Gia-Cách. Vì vậy, lần tỉ thí với Châu-Trọng-Anh này, Trần-Gia-Cách nhân tiện đem Bách Hoa Thố Quyền ra thi triển, vừa là để thí nghiệm, vừa là để trau giồi. Và cũng vì thế mà mọi người ai nấy đều ngạc nhiên khó hiểu, vì chỉ được trông thấy lần đầu.


Từ lúc Trần-Gia-Cách đem Bách Hoa Thố Quyền ra sử dụng, Châu-Trọng-Anh phải chống đỡ hoa cả mắt và né tránh liên hồi, không mấy khi được dịp phản công. Châu-Trọng-Anh tưởng cố gắng thủ vững sẽ chiếm được ưu thế lúc tàn cuộc, nhưng Trần-Gia-Cách càng đánh, chiêu thức càng biến ảo khôn lường, mà chiêu số thì thật là vô hạn định.


Châu-Ỷ đứng ngoài xem mà lòng hồi hộp vô cùng. Nàng biết nếu cứ tiếp tục theo điệu này thì không sớm thì muộn, thân phụ nàng phải bại mất thôi!


Phe Hồng Hoa Hội trái lại, ai nấy đều vui sướng vì thấy Tổng-Đà-Chủ của họ đã chiếm được ưu thế, và cái thắng có thể nói đã nắm chắc được trong tay.


Vừa khi ấy, hai bóng người từ đâu chạy vào đại sảnh nói lớn:


-Xin dừng tay lại đã!


Mọi người ngạc nhiên đưa mắt nhìn hai người. Thì ra đó là Lục-Phỉ-Thanh và Triệu-Bán-Sơn. Đám người Hồng Hoa Hội đang định đem đầu đuôi mọi việc kể hết cho hai người thì bên ngoài có tiếng người kêu hớt ha hớt hãi:


-Mau mau xách nước thật nhiều! Lửa cháy! Lửa cháy! Cháy khắp cả tứ phía rồi!


Mọi người thất kinh liếc mắt nhìn ra bên ngoài thì xa xa, quả nhiên có ánh lửa hồng đang phừng lên dữ dội. Mạnh-Kiện-Hùng, An-Kiện-Cường và Tống-Thiện-Bằng cả kinh chạy vội ra ngoài để chỉ huy, điều động gia nhân tráng đinh đi cứu hỏa.


Lúc ấy, trận so tài giữa Châu-Trọng-Anh và Trần-Gia-Cách đã đến hồi quyết liệt. Đang bị Trần-Gia-Cách dùng Bách Hoa Thố Quyền đánh mười phần nguy ngập lại nghe tin sơn trang đang bị hỏa hoạn cần cấp cứu, hình ảnh mấy chục người của Thiết-Đảm-Trang như sắp chết cháy hiện ra trong đầu ông ta. Dù bình tĩnh cách mấy, vị anh hùng Thiết-Đảm-Trang cũng không sao giữ được thái độ bình thản như trước. Ông bỗng khựng lại như người bị lạc thần. Chợt nghe gót chân trái nhói lên một cái, Châu-Trọng-Anh giật mình, không sao đứng vững được, liền lảo đảo và ngã xuống đất như một thân cây cổ thụ bị cuồng phong bứng tróc gốc. Châu-Ỷ vội vàng chạy tới ôm chặt lấy thân phụ, đỡ ông ta dậy dìu đứng cho vững, miệng không ngớt gọi:


-Gia gia!


Châu-Trọng-Anh vẫn im lặng không một lời. Châu-Ỷ một tay nắm chặt Châu-Trọng-Anh, một tay cầm ngang đao bảo vệ, sợ địch nhân thừa cơ ám hại phụ thân mình.


Trần-Gia-Cách sau khi điểm trúng Phù hy huyệt khiến cho Châu-Trọng-Anh bị tê liệt gân chân thì vẫn thản nhiên đứng y nguyên một chỗ, mặt không lộ một nét gì cả. Chàng cũng không thừa cơ nguy của đối phương mà ra tay ám hại. Sau khi Châu-Ỷ dìu Châu-Trọng-Anh đứng vững lại rồi, Trần-Gia-Cách mới vòng tay, từ tốn nói:


-Xin đa tạ trang chủ đã nương tay cho!


Châu-Trọng-Anh cố che dấu nỗi đau khổ, gượng cười nói:


-Quả thật là trùng dương sóng sau xô sóng trước. Lão phu không phải là đối thủ của Tổng-Đà-Chủ, vậy cho lão phu được lên tiếng chịu thua. Giữ lời hứa, lão phu sẽ giao con trai lại cho Hồng Hoa Hội. Xin mời Tổng-Đà-Chủ cùng các vị đương gia!


Châu-Ỷ đưa Châu-Trọng-Anh ra khỏi đại sảnh, đám người Hồng Hoa Hội theo bước Trần-Gia-Cách, nối gót theo sau...


Chú thích:


(1-) Hậu bối: người sinh sau.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bạch Cốt Lâm - Cổ Long

Bạch Cốt Lâm - Cổ Long

Giới thiệu: Trung Nguyên Tứ Tuyệt là bốn người có võ công siêu tuyệt trong võ

11-07-2016 40 chương
Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Giới thiệu: Lộc Đỉnh Ký là bộ truyện tranh hành động nói về một cậu bé sống

09-07-2016 248 chương
Anh hùng Vô lệ - Cổ Long

Anh hùng Vô lệ - Cổ Long

Giới thiệu: Giọng ca của ca nữ, điệu múa của vũ giả, kiếm của kiếm khách, bút

11-07-2016 20 chương
Liên Thành quyết - Kim Dung

Liên Thành quyết - Kim Dung

Giới thiệu: Liên thành quyết là câu chuyện kể về chàng trai Địch Vân thật thà,

08-07-2016 49 chương
Tuyệt mệnh

Tuyệt mệnh

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện kinh dị số 1) Cũng không thể hoàn toàn

27-06-2016
Váy cưới đỏ

Váy cưới đỏ

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?") Lam

25-06-2016
Giường

Giường

Tôi đưa em qua cửa và bảo: "Cho một giường đôi". Em bụm miệng cười. Cậu phục vụ

01-07-2016
Dư âm

Dư âm

Tình yêu là một thứ không thể hỏi tại sao khi nó đến với người này thì lại dịu

30-06-2016
Nhà Nàng Ở Cạnh Nhà Tôi

Nhà Nàng Ở Cạnh Nhà Tôi

Tên truyện: Nhà Nàng Ở Cạnh Nhà TôiTác giả: Li Ni Thông MinhThể loại: Truyện Teen, Hài

18-07-2016 24 chương
Hang động

Hang động

"Chỉ lạ đôi khi em nghe thèm một tiếng người…" *** Nhìn vào bản vẽ nhà con gái

24-06-2016
Người tình của cha

Người tình của cha

Cha tôi nói, trong gia đình, quan trọng là người đàn bà. Giữ được êm ấm hay đổ vỡ

30-06-2016