XtGem Forum catalog
Thiên long bát bộ - Kim Dung

Thiên long bát bộ - Kim Dung


Tác giả:
Đăng ngày: 09-07-2016
Số chương: 100
5 sao 5 / 5 ( 10 đánh giá )

Thiên long bát bộ - Kim Dung - Chương 21 - Hoán Sào Loan Phượng (4)

↓↓
Cưu Ma Trí chắp hai tay nói:


-Đức Phật có dạy rằng: Phải vào được cảnh giới không sinh không diệt, không nhơ bẩn cũng không thanh sạch. Thế nhưng tiểu tăng căn khí ngu độn không sao hiểu được lý lẽ yêu ghét tử sinh. Bình sinh tiểu tăng có một người tri giao, là người đất Cô Tô nhà Đại Tống, họ Mộ Dung, tên đơn là Bác. Năm xưa tiểu tăng có duyên gặp gỡ, hai bên đàm luận chuyện võ nghệ. Vị Mộ Dung tiên sinh kia võ học trong thiên hạ không gì không am tường, chỗ nào cũng tinh thông, tiểu tăng được ông ta chỉ điểm mấy ngày, những chỗ còn hồ nghi đều được giải đáp, lại được Mộ Dung tiên sinh khẳng khái tặng cho bí cập thượng thừa, cái ơn sâu xa đó không thể nào quên được. Ngờ đâu bậc đại anh hùng trời lại không cho ở lâu, Mộ Dung tiên sinh tây qui cực lạc mất rồi. Tiểu tăng có một việc cầu xin thật là không thuận tình xin quí vị trưởng lão mở lòng từ bi.


Bản Nhân phương trượng nói:


-Minh Vương quen biết Mộ Dung tiên sinh cũng là nhân duyên mà thôi, duyên phận hết rồi việc gì phải cưỡng cầu làm gì? Mộ Dung tiên sinh vãng sinh cực lạc đi lễ phật ở chốn liên trì thì còn để tâm gì đến chuyện võ học ở chốn nhân gian? Việc của Minh Vương đang cố công kia phải chăng thêm chân cho rắn?

bạn đang xem “Thiên long bát bộ - Kim Dung ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Cưu Ma Trí đáp:


-Phương trượng chỉ điểm quả thực là chí lý. Có điều tiểu tăng tính tình tham luyến chấp nê, bế quan bốn mươi ngày vẫn không sao dứt được mối tình bè bạn. Năm xưa khi Mộ Dung tiên sinh luận về kiếm pháp trong thiên hạ quả quyết rằng Lục Mạch Thần Kiếm của chùa Thiên Long nước Đại Lý là kiếm pháp đệ nhất trong thiên hạ, nhưng tiếc rằng chưa dịp thấy qua khiến phải hối tiếc cả một đời.


Bản Nhân nói:


-Tệ tự ở nơi hẻo lánh phương nam được Mộ Dung tiên sinh yêu mến quả là vinh hạnh. Thế nhưng sao năm xưa Mộ Dung tiên sinh không đích thân tới mượn kiếm kinh xem qua cho biết?


Cưu Ma Trí thở dài một tiếng, sắc mặt sầu thảm, yên lặng một hồi rồi mới đáp:


-Mộ Dung tiên sinh cũng biết kinh này là vật chí bảo của quí tự nếu đến đòi xem ắt là không được. Ông ta bảo là họ Đoàn Đại Lý tuy ở chỗ phú quí đến cực điểm nhưng không quên nghĩa khí giang hồ thuở xưa, yêu thương trăm họ, nhân đức thấm nhuần khắp lê dân nên không tiện ra tay cưỡng đoạt trộm cắp.


Bản Nhân cảm tạ nói:


-Xin cám ơn Mộ Dung tiên sinh đã khen ngợi. Nếu Mộ Dung tiên sinh đã coi trọng họ Đoàn nước Đại Lý như thế, Minh Vương là bằng hữu của ông ta thì cũng nên thể niệm di chí của người đã khuất.


Cưu Ma Trí đáp:


-Có điều năm xưa tiểu tăng từng huênh hoang nói rằng: Tiểu tăng là Quốc Sư nước Thổ Phồn đối với họ Đoàn Đại Lý vô thân vô cố, Thổ Phồn Đại Lý hai nước cũng chưa từng có bang giao mật thiết. Nếu như Mộ Dung tiên sinh không tiện tự mình đến lấy thì tiểu tăng thay mặt làm cho. Đại trượng phu một lời nói ra, dẫu chết cũng không hối hận. Tiểu tăng đã ước hẹn với Mộ Dung tiên sinh như thế rồi thì không thể nào nuốt lời được.


Nói xong giơ tay vỗ nhẹ ba cái. Từ ngoài cửa hai hán tử khiêng một cái rương bằng gỗ đàn hương tiến vào để dưới đất. Cưu Ma Trí phất tay áo một cái, nắp thùng không có gió mà tự mở ra, thấy bên trong là một hộp nhỏ khác màu vàng chói lọi. Cưu Ma Trí cúi xuống cầm cái hộp bưng lên tay.


Bản Nhân nghĩ thầm: "Bọn ta đã là người xa lánh cuộc đời, không lẽ còn tham lam những loại kỳ trân dị bảo? Hơn nữa, họ Đoàn là chủ nước Đại Lý, tích súc trong một trăm năm mươi năm qua, có thiếu gì bạc vàng châu báu?".


Cưu Ma Trí mở chiếc hộp ra, lấy ra ba tập sách mỏng. Y tiện tay lật mấy tờ, bọn Bản Nhân liếc mắt nhìn qua thấy trong sách có vẽ hình viết chữ bằng mực bằng son. Cưu Ma Trí đăm đăm nhìn ba cuốn sách, đột nhiên nước mắt đầm đìa rơi xuống ướt đẫm cả bâu áo, thần tình thật là đau khổ không sao kể xiết. Cả bọn Bản Nhân ai ai cũng thấy ngạc nhiên.


Khô Vinh đại sư nói:


-Minh Vương vẫn còn nghĩ đến người bạn xưa chưa quên, lòng trần chưa thanh tịnh há chẳng thẹn cho hai tiếng "cao tăng" hay sao?


Đại Luân Minh Vương ủ rũ đáp:


-Đại sư đầy đủ trí tuệ, đại thần thông, tiểu tăng làm sao theo kịp. Ba quyển võ công yếu quyết này, chính là từ tay Mộ Dung tiên sinh viết thành, xiển thuật yếu chỉ về tập luyện và cách phá giải bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm.


Mọi người nghe nói thế ai nấy đều sửng sốt, nghĩ thầm: "Bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm đã lừng danh thiên hạ, nghe nói từ khi phái Thiếu Lâm sáng lập đến nay, trừ một vị cao tăng đầu đời Tống luyện được hai mươi ba môn, ngoài ra không một ai luyện được trên hai mươi tuyệt kỹ cả. Vị Mộ Dung tiên sinh này thông hiểu toàn bộ bảy mươi hai môn cũng đã khó tin rồi, lại còn biết cả cách phá giải thì không thể nào ngờ nổi".


Lại nghe Cưu Ma Trí nói tiếp:


-Được Mộ Dung tiên sinh tặng cho ba quyển kỳ thư này, tiểu tăng giở ra xem quả thật ích lợi rất nhiều. Vậy nay xin đem ba quyển kỳ thư để xin đổi lấy Lục Mạch Thần Kiếm bảo kinh của quí tự. Xin quí vị đại sư bằng lòng cho để tiểu tăng được hoàn thành lời hứa năm xưa, quả thực cảm kích không đâu cho hết.


Bản Nhân phương trượng lặng thinh không trả lời, nghĩ thầm: "Ba cuốn sách này nếu quả có chép bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm thì bản tự có được rồi, võ học không phải chỉ cùng phái Thiếu Lâm đứng ngang hàng mà còn có phần trội hơn là khác. Chùa Thiên Long từ nay thông hiểu tất cả tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm nhưng phái Thiếu Lâm làm sao biết được tuyệt kỹ của chùa Thiên Long".


Cưu Ma Trí nói tiếp:


-Trước khi quí tự tặng cho bảo kinh vẫn có thể để lại phó bản, chúng vị đại sư gia ơn cho tiểu tăng, thương xót cả đến nắm xương trắng dưới mồ, tự thân không mất mát gì là một điều. Tiểu tăng bái lĩnh bảo kinh lập tức gói kín, quyết không ghé mắt coi trộm, tự mình đem đến trước mộ Mộ Dung tiên sinh phàn hóa, cao nghệ của quí tự không thể nào lọt được ra ngoài, đó là hai điều. Các vị đại sư trong quí tự võ học uyên thâm, vốn chẳng cầu đến những môn của người ngoài, nhưng khốn nỗi đá núi vẫn có thể đem đập vỡ được ngọc, bảy mươi hai môn tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm cũng có chỗ độc đáo của nó, trong đó Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ, và Vô Tướng Kiếp Chỉ ba loại chỉ pháp, cùng với Nhất Dương Chỉ của quí phái có thể đem ra ấn chứng lẫn nhau, đó là ba điều.


Bọn Bản Nhân lúc đầu khi nhận được lá thư viết bằng vàng lá của y nghĩ rằng Cưu Ma Trí mưu toan cưỡng đoạt bảo vật trấn tự của chùa Thiên Long, quả thật ngang ngược, thế nhưng đến lúc này thấy y nói năng rành rọt, xem ra có tình có lý, dường như chùa Thiên Long chỉ có lợi mà không tổn hại gì, lại còn được y tự tay mang đến một món lễ vật hậu hĩ. Bản Tướng đại sư vốn tính tham lam, trong bụng đã có ý bằng lòng, thế nhưng đứng về mặt tôn ti thì còn sư thúc ở trên, còn nói về mặt địa vị thì còn phương trượng nên không tiện nói ra thành lời.


Cưu Ma Trí nói tiếp:


-Tiểu tăng tuổi còn trẻ, kiến thức còn nông, chỉ nói không chưa chắc các vị đại sư đã tin. Chi bằng tiểu tăng đem phô cái xấu ra trước các vị ba môn chỉ pháp trong bảy mươi hai tuyệt kỹ của phái Thiếu Lâm.


Y nói xong đứng lên:


-Năm xưa tiểu tăng chẳng qua chỉ vì quá cao hứng nên vụng về tập qua, công phu còn thô sơ lắm, mong được các vị chỉ điểm thêm. Lộ chỉ pháp này là Niêm Hoa Chỉ.


Y giơ ngón tay cái và ngón tay trỏ bên phải làm như đang cầm một đóa hoa tươi, miệng hơi mỉm cười, năm ngón tay trái búng nhẹ qua bên phải. Trong Mâu Ni Đường ngoài Đoàn Dự ra, ai ai cũng là những đại hành gia suốt đời nghiên cứu chỉ pháp, thấy y ra tay thật là nhẹ nhàng, mỗi lần tay trái búng ra tưởng như đang rũ cho những hạt sương còn đọng trên đóa hoa tươi nhưng lại e ngại sẽ làm rụng những cánh hoa, mặt lúc nào cũng mỉm cười hết sức từ hòa quả là trong lòng sảng khoái. Cứ như lịch sử Thiền tông truyền lại, khi đức Thích Ca Mâu Ni thuyết pháp trên đỉnh Linh Sơn, ngài cầm trên tay một bông hoa ba la vàng giơ lên cho mọi người coi, ai nấy lặng thinh không trả lời, chỉ có Ca Diếp tôn giả mặt rạng rỡ nở một nụ cười. Thích Ca Mâu Ni biết Ca Diếp đã lãnh ngộ được tâm pháp liền nói:


-Ta có chính pháp nhãn tàng, niết bàn pháp môn, thực tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền nay trao cho Ma Ha Ca Diếp.


Thiền tông coi việc tâm truyền, đốn ngộ là điều quan trọng nhất, phái Thiếu Lâm thuộc về Thiền tông, lại càng tinh cứu môn Niêm Hoa Chỉ này.


Thế nhưng Cưu Ma Trí búng ngón tay không thấy gì là thần thông, liên tiếp mấy chục cái rồi giơ tay áo bên phải lên, há mồm thổi phù một cái, lập tức tay áo bay lả tả những mảnh vải tròn như đồng tiền, trên tay áo hiện ra mấy chục cái lỗ nhỏ. Thì ra mấy chục lần sử dụng Niêm Hoa Chỉ của Cưu Ma Trí đều xuyên qua không khí đâm vào tay áo mình, nhu lực làm rách áo nhưng thoạt nhìn không ai biết, chỉ hơi có gió lúc ấy công lực mới lộ ra.


Bản Nhân cùng với Bản Quan, Bản Tướng, Bản Tham và Bảo Định Đế người nọ nhìn người kia, ai nấy kinh hãi thầm: "Với công lực của mình nếu dùng Nhất Dương Chỉ hư điểm vào cho rách áo thành lỗ thì không có gì khó, nhưng ra tay nhẹ nhàng như thế, vẻ mặt ôn hòa mỉm cười mà vận được thần công thì mình không thể nào làm nổi. Môn Niêm Hoa Chỉ này khác hẳn Nhất Dương Chỉ, nội lực âm nhu, quả thực có điểm độc đáo đáng phải học hỏi".


Cưu Ma Trí mỉm cười nói:


-Quả đáng xấu hổ, công phu Niêm Hoa Chỉ của tiểu tăng còn kém xa Huyền Độ đại sư của chùa Thiếu Lâm. Môn Đa La Diệp Chỉ này chắc còn sai sót nhiều.


Tiếp theo thân hình chuyển động rảo bước đi vòng quanh cái hòm gỗ dưới đất, mười ngón tay liên tiếp điểm ra, nắp hòm bay tung tóe, nhảy nhót liên tiếp, chỉ trong giây lát đã vỡ tan thành từng mảnh nhỏ.


Bọn Bảo Định Đế thấy chỉ lực của y phá tan chiếc rương gỗ thực không có gì làm lạ, có điều ngay cả xích sắt, bản đồng, dây đai, bản lề các loại kim thuộc cũng bị chỉ lực của y cắt nát vụn khiến cho ai nấy không khỏi kinh hoàng.


Cưu Ma Trí cười nói:


-Tiểu tăng trình diễn môn Đa La Diệp Chỉ có hơi bá đạo, công phu quả thực là nông cạn vụng về.


Nói xong đưa hai bàn tay thu vào bên trong tay áo. Đột nhiên một mảnh gỗ vỡ bỗng dưng nhảy tưng tưng, tưởng như có một người vô hình nào đó dùng gậy khuấy lên. Nhìn lại Cưu Ma Trí thấy mặt y vẫn ôn hòa rạng rỡ, tay áo không hề rung động, thì ra chỉ lực dấu trong tay áo lén bắn ra, không có một chút hình tích nào. Bản Tướng nhịn không nổi buột miệng khen:


-Vô Tướng Kiếp Chỉ quả là danh bất hư truyền. Bội phục! Bội phục!


Cưu Ma Trí khom lưng đáp:


-Đại sư quá khen. Mảnh gỗ kia bay tung lên đã là hữu tướng rồi. Nếu như muốn cho danh thực ăn khớp với nhau, luyện đến mức vô hình vô tướng, phải mất cả một đời người chưa chắc dã thành.


Bản Tướng đại sư nói:


-Trong quyển kỳ thư Mộ Dung tiên sinh để lại, quả có cách phá giải Vô Tướng Kiếp Chỉ ư?


Cưu Ma Trí đáp:


-Có chứ! Cách phá giải cũng giống như pháp danh của đại sư vậy thôi.


Bản Tướng trầm ngâm một hồi rồi nói:


-Ồ, lấy bản tướng phá vô tướng, thực là cao minh.


Bản Nhân, Bản Quan, Bản Tướng, Bản Tham bốn người thấy Cưu Ma Trí thi diễn ba môn chỉ lực, ai nấy đều động lòng, biết rằng ba quyển kỳ thư này quả có chép bảy mươi hai loại tuyệt kỹ lừng danh thiên hạ của chùa Thiếu Lâm, liệu có đem phó bản đồ phổ của Lục Mạch Thần Kiếm Kinh đánh đổi hay không quả là khó nghĩ nên ai nấy đều trù trừ.


Bản Nhân nói:


-Sư thúc, Minh Vương từ xa đến đây, quả là có lòng thành, chúng ta ứng tiếp ra sao, xin sư thúc chỉ thị.


Khô Vinh đại sư hỏi:


-Bản Nhân, chúng ta luyện công tập nghệ là để làm gì thế?


Bản Nhân phương trượng không ngờ sư thúc lại hỏi như thế, hơi ngạc nhiên rồi trả lời:


-Cốt là để hoằng dương đạo pháp, bảo vệ bờ cõi.


Khô Vinh đại sư hỏi thêm:


-Nếu như ngoại ma đến mà chúng ta đạo hạnh thô thiển không đủ sức dùng Phật pháp điểm hóa, không thể không ra tay hàng phục thì phải dùng công phu gì?


Bản Nhân đáp:


-Nếu bất đắc dĩ phải ra tay thì phải dùng Nhất Dương Chỉ.


Khô Vinh đại sư hỏi tiếp:


-Thế công phu tu tập Nhất Dương Chỉ của nhà ngươi đến được cảnh giới nào rồi?


Bản Nhân trán toát mồ hôi, trả lời:


-Đệ tử căn cơ dốt nát, chẳng tiến bộ được bao nhiêu nên chỉ mới đến được phẩm thứ tư.


Khô Vinh đại sư hỏi thêm:


-Theo ngươi thì Nhất Dương Chỉ của họ Đoàn Đại Lý so với ba loại chỉ pháp Niêm Hoa Chỉ, Đa La Diệp Chỉ, Vô Tướng Kiếp Chỉ của Thiếu Lâm đằng nào hơn, đằng nào kém?


Bản Nhân đáp:


-Chỉ pháp không có hơn kém, chỉ có công lực là cao thấp thôi.


Khô Vinh đại sư nói:


-Đúng lắm. Nếu như Nhất Dương Chỉ của chúng ta luyện đến đệ nhất phẩm thì sẽ thế nào?


Bản Nhân đáp:


-Đến mức đó thì uyên thâm khôn biết đâu mà lường, đệ tử không dám nói liều.


Khô Vinh đại sư nói:


-Ví như ngươi sống thêm một trăm năm nữa thì liệu luyện đến được phẩm thứ mấy?


Mồ hôi trán Bản Nhân rơi tong tỏng xuống đất, run run đáp:


-Đệ tử không biết.


Khô Vinh đại sư hỏi thêm:


-Liệu có đến được phẩm thứ nhất chăng?


Bản Nhân đáp:


-Chắc là không được.


Khô Vinh đại sư lặng thinh không nói thêm nữa. Bản Nhân nói:


-Sư thúc chỉ điểm rất đúng, đến như Nhất Dương Chỉ của chúng ta tu tập còn chưa xong, còn mong muốn có thêm võ học kỳ kinh của người ngoài làm gì? Minh Vương từ xa khổ nhọc đến đây, để tệ tự dọn đồ chay khoản đãi.


Câu nói đó rõ ràng có ý cự tuyệt lời yêu cầu của Đại Luân Minh Vương. Cưu Ma Trí thở dài một tiếng nói:


-Cũng chỉ vì tiểu tăng năm xưa nói một câu không ra gì, nếu không thì Mộ Dung tiên sinh dẫu sao cũng chết rồi, được hay không được cuốn Lục Mạch Thần Kiếm Kinh này cũng thế thôi, có gì khác đâu? Hôm nay tiểu tăng cuồng vọng, nói một câu không biết trời cao đất dày là gì, kiếm pháp trong bộ Lục Mạch Thần Kiếm Kinh này, nếu quả thực tinh áo như Mộ Dung tiên sinh đã nói, e rằng quí tự tuy có đồ phổ thật thì cũng không ai có năng lực luyện cho thành. Mà dẫu có người luyện thành chăng nữa thì chưa chắc gì kiếm pháp đó đã thần diệu như Mộ Dung tiên sinh đã nghĩ.


Khô Vinh đại sư nói:


-Lão nạp có một điều không rõ muốn thỉnh cầu Minh Vương chỉ điểm.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Giới thiệu: "Tru Tiên " là tiểu thuyết huyễn tưởng thuộc thể loại tiên hiệp của

09-07-2016 258 chương
Bạch Cốt Lâm - Cổ Long

Bạch Cốt Lâm - Cổ Long

Giới thiệu: Trung Nguyên Tứ Tuyệt là bốn người có võ công siêu tuyệt trong võ

11-07-2016 40 chương
Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Giới thiệu: "Tru Tiên " là tiểu thuyết huyễn tưởng thuộc thể loại tiên hiệp của

09-07-2016 258 chương
Bố và con gái

Bố và con gái

Bố dạy con gái tập xe máy... - Mạnh vào! Vào số! Ga

29-06-2016
Con heo gàn dở

Con heo gàn dở

Thế là mọi sự bắt đầu từ chuyện con heo mà vợ tôi mua cách đây sáu

27-06-2016
Thuê mẹ cho con

Thuê mẹ cho con

Đời người đàn bà cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn. *** Đã một hai hôm nay ông già

24-06-2016
Cười hay khóc!

Cười hay khóc!

Và nếu đến một ngày bạn không còn khóc được nữa thì đó cũng là lúc bạn chẳng

30-06-2016