Hai gã Úc Ngô dẫn Đoàn Dự đi qua năm gian phòng rồi lại qua một vườn hoa lớn đến trước một căn nhà ba gian. Ngô Quang Thắng mở cửa phòng, Úc Quang Tiêu liền đẩy mạnh vào lưng chàng khiến Đoàn Dự nhào vào trong nhà rồi lập tức đóng cửa lại, chỉ nghe lạch cạch bọn chúng đã khóa ở bên ngoài.
bạn đang xem “Thiên long bát bộ - Kim Dung ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Đoàn Dự kêu lớn:
-Các ngươi Vô Lượng Kiếm có biết phải quấy gì không? Thế này thì ta có khác gì phạm nhân đâu? Vô Lượng Kiếm nào có phải quan phủ sao dám tự tiện bắt người?
Bên ngoài không nghe động tĩnh, dẫu chàng có gào thét cách mấy cũng chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến. Đoàn Dự thở dài nghĩ thầm: "Thôi thì đến đâu hay đó, cũng chỉ đành phó thác cho số mệnh". Quãng đường xuống được núi rồi đi về đến đây chàng đã mỏi mệt lắm rồi, thấy trong phòng có giường có bàn, chàng liền trèo lên giường nằm ngủ.
Ngủ chưa bao lâu thì có người đem cơm đến, ăn uống cũng không đến nỗi đạm bạc. Đoàn Dự nói với người bộc dịch:
-Nhờ ông lên bẩm với Tả Tân hai vị chưởng môn, nói tôi có chuyện ...
Chàng chưa nói dứt câu đã nghe Úc Quang Tiêu ở bên ngoài quát tháo:
-Họ Đoàn kia, ngươi để yên cho ta, muốn ngồi thì ngồi, muốn nằm thì nằm, nếu còn léo nhéo xí xố, đừng nói chúng ta sao không nể nang. Ngươi mà còn mở mồm nói một câu, ta sẽ cho ngươi một bạt tai, nói hai câu, hai bạt tai, ba câu ba cái. Ngươi biết đếm đấy chứ?
Đoàn Dự vội vàng ngậm miệng, nghĩ thầm: "Thằng cha bặm trợn này nói sao làm vậy. Ta tuy bị Mộc cô nương tát mấy cái thật nhưng tuy đau trên má, trong bụng lại vui vui. Còn như bị anh chàng này cho ăn bạt tai, mùi vị chắc không phải như thế đâu!". Chàng ăn ba bát đầy rồi lại nằm trên giường mà ngủ, nghĩ thầm: "Mộc cô nương lúc này không biết ra sao rồi? Tốt nhất là nàng phóng tên độc giết được Nam Hải Ngạc Thần, chạy thoát ra đến đây cứu mình. Ôi! Sao ta lại mong nàng giết người?". Chàng nghĩ ngợi vẩn vơ một hồi rồi lại ngủ tiếp.
Lần này chàng ngủ mãi đến sáng hôm sau mới dậy. Trong phòng trần thiết giản dị, các cửa sổ đều có song sắt, xem ra là chỗ để Vô Lượng Kiếm giam người nhưng được cái thoáng mát rộng rãi nên cũng không đến nỗi thấy tù túng. Chuyện đầu tiên chàng tính đến là theo lời dặn dò của thần tiên tỉ tỉ tập luyện Bắc Minh thần công nên mò trong bọc ra quyển trục, mở trên bàn, vừa nghĩ đến hình người khỏa thân trong cuốn lụa, tim chàng không khỏi đập bình bình, mặt đỏ tía tai, vội vàng ngồi ngay ngắn, khấn thầm: "Thần tiên tỉ tỉ, đệ tử tuân hành lời tỉ tỉ dặn dò, tu tập thần công chứ không phải cốt nhìn trộm quí thể của tỉ tỉ, xin đừng trách cứ".
Chàng từ từ mở cuộn lụa ra, đọc kỹ những chữ nhỏ viết bên cạnh đồ hình thứ nhất vài lần. Những công phu ghi trên đó chàng đọc dễ dàng chẳng khác gì ăn cơm hàng ngày, chỉ lướt qua là hiểu ngay, đọc đến lần thứ hai thì đã thuộc, đọc đến lần thứ ba thì đã thông hiểu kỹ càng. Chàng không dám nhìn lâu hình vẽ người đàn bà, chỉ ghi nhớ kinh mạch và vị trí huyệt đạo rồi theo những pháp môn ghi chú trong cuộn lụa mà tập luyện.
Trong văn có viết rằng:
Nội công bản môn so với các môn các phái khác thì đi ngược chiều, những ai từng tu tập nội công thì phải quên hết những gì đã học, chuyên tâm tu tập công phu mới, nếu như lẫn lộn với nhau thì hai công phu ắt sẽ chống chỏi, lập tức điên cuồng thổ huyết, các kinh mạch bị phế, cực kỳ hung hiểm.
Trong kinh văn nhắc đi nhắc lại điểm này, coi đây là một vấn đề hết sức trọng đại. Đoàn Dự trước nay chưa hề tập qua nội công nên điểm tối gian nan này không hề quan tâm lại thấy thật là dễ dàng.
Chỉ khoảng nửa giờ chàng đã làm được y như trong hình vẽ, nhớ hết các kinh mạch huyệt đạo trong Thủ Thái Âm Phế Kinh, có điều trong người không có chút nội tức nào nên không làm sao vận chuyển chân khí chạy tới kinh mạch. Tiếp theo chàng luyện sang Nhâm Mạch, mạch này khởi đầu từ huyệt Hội Âm nằm ở giữa hậu môn và sinh thực khí theo các huyện Khúc Cốt, Trung Cực, Quan Nguyên, Thạch Môn ... đi thẳng lên qua bụng, ngực, yết hầu đến tận huyệt Ngân Cơ ở hàm dưới trong mồm. Nhâm Mạch huyệt đạo rất nhiều nhưng mạch chạy thẳng từ dưới lên trên rất là giản dị, chỉ giây lát Đoàn Dự đã nhớ hết những vị trí và tên huyệt đạo, giơ tay sờ thử tất cả những huyệt trên người mình. Mạch này cũng luyện chiều nghịch đi từ Ngân Cơ, Thừa Tương, Liêm Tuyền, Thiên Đột chạy xuống tới Hội Âm thì ngừng.
Trong hình vẽ có nói:
Thủ Thái Âm Phế Kinh và Nhâm Mạch là cơ sở của Bắc Minh thần công trong đó huyệt Thiếu Thương ở ngón tay cái, và huyệt Đãn Trung ở giữa hai vú, là hai nơi quan trọng nhất, một đằng thu vào một đằng chứa lấy. Con người có bốn biển: dạ dày là biển chứa nước và cốc loại, Xung Mạch là biển của mười hai kinh, Đãn Trung là biển của khí, còn não bộ là biển của tủy. Ăn uống chứa vào vị, trẻ sơ sinh vừa mới đẻ đã biết nhưng người ta ăn uống chỉ không quá một ngày đã phải thải ra ngoài. Ta thu nội lực của người một phân cũng giữ lại một phân, không hề tiết ra, càng tích trữ càng nhiều, chẳng khác gì ao trời Bắc Minh có thể cho cá côn dài nghìn dặm vùng vẫy.
Đoàn Dự cuộn trục lại nghĩ thầm: "Môn công phu này chuyên luyện theo đường lối hại cho người để lợi cho mình, đem nội lực người khác mất bao công phu luyện được thu vào tích trữ tại thân thể mình chẳng phải là ăn thịt uống máu người ta hay sao? Thế có khác gì kẻ tham lam vơ vét tiền tài người ta lấy làm của mình? Ta đã nhận lời thần tiên tỉ tỉ không luyện không xong nhưng trong đời ta nhất định không đi hút nội lực của người khác".
Chàng lại nghĩ thêm: "Bá phụ thường dạy rằng con người sống trên đời, nếu không ăn không mặc thì không thể sống được. Thế nhưng một bát cháo, một bát com, một vuông vải, một mảnh khăn cũng đều là lấy của người khác. Lấy của người khác là chuyện không thể tránh được, có điều phải báo đáp như thế nào? Nếu thu vào ít mà báo đền nhiều thì được. Nếu lấy của kẻ giàu có bất nhân để đem cho kẻ nghèo hèn không cơm áo thì cũng không có điều gì đáng hổ thẹn, hành vi nhân nghĩa của nhà nho, hay tâm từ bi của nhà Phật cũng đều như thế. Lấy máu lấy mỡ của dân để tiêu xài xa xỉ cho thỏa cái lòng tham của mình thì là đường lối tàn dân; còn như đem ra làm điều thiện cho cả thiên hạ, bố thí cho khắp mọi người thì là Phật sống của muôn nhà. Thành thử không phải ở chuyện thu hay không thu, mà tại cách dùng thiện hay ác".
Chàng nghĩ cho rõ ràng rồi thấy tu tập môn công phu này không có gì còn đáng chê trách nữa. Chàng thấy thoải mái trong lòng, nghĩ tiếp: "Nói đúng ra ta từ khi sinh ra chỉ muốn làm điều hay, không muốn làm điều dở. Con voi to lớn kia có thể mang được nghìn cân, con kiến nhỏ bé kia chỉ mang được một hạt cải, lực có lớn mới làm được chuyện lớn nhưng nếu làm đều xấu cũng càng xấu hơn. Với bản lãnh như Nam Hải Ngạc Thần nếu biết chuyên tâm làm điều tốt há chẳng tạo phúc nhiều lắm hay sao?". Chàng nghĩ như thế rồi, tự nhủ nếu phải bái Nam Hải Ngạc Thần làm thầy thì sẽ chỉ bẻ cổ những kẻ xấu, xem ra "Lời đó nghe cũng có lý".
Trong quyển trục này ngoài ra còn rất nhiều phương pháp tu tập kinh mạch, tất cả đều dạy phép làm sao thu được nội lực của người khác, Đoàn Dự tuy đã giải quyết được khúc mắc trong lòng nhưng vẫn cảm thấy dường như tu tập sẽ ngược lại với bản tính của mình, ngay cả việc tham lam muốn đủ mọi thứ cũng đã không có gì hay nên gác qua một bên chưa ngó đến vội.
Chàng giở đến cuối cuốn trục lại gặp bốn chữ Lăng Ba Vi Bộ liền nghĩ ngay đến bài Lạc Thần Phú có mấy câu:
Chú thích:
1 Hai bên cùng chết
2 Trong sách tướng gọi là Trẩm Cốt, là một trong chín xương đầu mà người Trung Hoa coi là có ý nghĩa rất quan trọng. Thần Tướng Toàn Biên viết: Chỗ kỳ lạ của xương sọ là ở chỗ xương sau đầu thành trẩm. Người có trẩm cốt chẳng khác gì trong đá núi có ngọc, trong sông có châu (ngọc trai) ... Xương đằng sau ót sách gọi là Tinh Thai, nếu nổi lên thì gọi là Trẩm Cốt. Người có trẩm cốt rộng thì phú quí, lép hãm thì bần tiện. Trẩm cốt còn gọi là Ngọc Trẩm. (Xin đọc thêm Những Nguyên Lý của Tướng Học của dịch giả)
3 đao hình như cái kéo
4 lấy nhàn tản chống lại nhọc mệt, mình đứng yên mà địch chạy đông chạy tây, kế thứ 4 trong 36 kế.
5 Vạn loại hoa cỏ tranh nhau vẻ đẹp
6 rìu chặt cây
7 Phú ca tụng nữ thần sông Lạc. Lạc thần tức là Mật Phi, con gái họ Mật Hi, chết đuối nơi sông Lạc biến thành thần. Theo sách Hán Thư Âm Nghĩa, Tào Thực (Tử Kiến, con trai út của Tào Tháo nổi tiếng bảy bước thành thơ) làm bài Lạc Thần Phú để ca tụng Chân Phi. Sử chép rằng Chân thị vốn
Chương trước | Chương sau