Ngày xuân, ở Giang Nam Đoàn Ngọc đang tuổi thiếu niên.
Ngựa là thứ danh chủng Ngọc Diện Thanh Hoa Thông, rất hợp với bộ yên ngựa mới tinh bóng loáng.
Bên yên ngựa có treo thanh bạch ngân đao, vỏ đen bằng da cá sấu, trạm bảy viên phỉ thúy. vỏ đao cọ vào bàn đạp bằng đồng, phát ra những tiếng tinh tang nghe như âm nhạc.
Y phục cũng màu sắc tươi đẹp, rất nhẹ, rất mỏng, may rất vừa người, thêm vào đôi giày bằng da bò mua từ Quan Ngoại vào, rồi cây roi ngựa tinh chế ở Ôn Châu, trên tay cầm còn có khảm một viên minh châu lớn còn hơn cả mắt rồng hai phân.
bạn đang xem “Thất chủng binh khí 3 - Bích ngọc đao - Cổ Long” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
Hiện tại là buổi chiều mùa xuân vào tháng ba, Giang Nam cỏ mượt, chim chóc kêu hót bay nhảy loạn khắp nơi. Một làn gió xuân đem theo mùi thơm của hoa đào, đang thổi qua mọi nơi, ôn nhu như hơi thở của tình nhân.
Gió xuân thổi từng làn sóng nước xanh rì nổi lăn tăn, một cặp chim én vừa bay ra khỏi rừng hoa, đậu xuống lan can của chiếc cầu sơn màu đỏ tươi, rủ rỉ với nhau, cũng không biết là đang nói gì.
Đoàn Ngọc buông thả dây cương, để con ngựa thong thả bước qua cầu, gió ấm thổi nhẹ vào mặt, thổi bay tà áo rất mỏng màu xanh của y.
Trong cái bọc màu tím để bên ngực trái của y, là chồng chồng bạc trắng xếp đặt chỉnh tề, đủ để cho bất cứ một người trẻ tuổi nào như y tiêu xài thoải mái ba tháng trời.
Năm nay, y mới có mười chín tuổi, vừa từ phía Bắc ngàn dặm đóng băng đến Giang Nam, một nơi phong quang minh mị như thế này.
Cặp chim én bị vó ngựa trên cầu làm kinh động, y chỉ thấy mình nhẹ nhàng cũng như cặp én kia, nhẹ nhàng muốn bay lên vậy.
Nhưng không phải là y hoàn toàn không có tâm sự.
Vợ chồng Trung Nguyên đại hào Đoàn Phi Hùng gia giáo vốn rất nghiêm, dĩ nhiên không thể nào vô duyên vô cớ thả đứa con trai độc nhất của mình đến Giang Nam.
Đoàn Ngọc đi lại đây lần này dĩ nhiên là có nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của y là trước mười lăm tháng tư, gấp tới Bảo Châu sơn trang, đại diện cho phụ thân y, bái thọ người bạn kết nghĩa kim lan thuở thiếu thời của ông ta, là Giang Nam đại hiệp Châu nhị thái gia Châu Khoan. Y sẽ đem lễ vật là cây Bích Ngọc Đao tổ truyền nhà họ Đoàn lại bái thọ, sau đó sẽ đem bảo châu nhà họ Châu về.
Bảo Châu sơn trang, cái viên bảo châu quý giá nhất, chính là con gái yêu của Châu nhị thái gia.
Cô năm nay chỉ mới mười bảy tuổi.
Cô tên là Châu Châu.
Nghe nói Châu nhị thái gia năm nay phá lệ mở tiệc chúc thọ, là để chọn nữ tế cho cô con gái quý.
Châu gia ở Cô Tô là thế gia võ lâm thanh danh hiển hách nhất ở Giang Nam.
Châu đại tiểu thơ không những là người đẹp có tiếng, mà còn là một bậc tài nữ xuất sắc.
Nghe cái tin tức đó, các bậc công tử thiếu hiệp trong giang hồ còn chưa lập gia đình, e rằng đã có hơn nửa đều sẽ đổ xô lại Bảo châu sơn trang trước ngày mười lăm tháng tư.
Đoàn Ngọc sẽ được trúng tuyển hay không, đem cái viên bảo châu này về được hay không, y thật tình không chắc trong bụng.
Đấy là tâm sự của Đoàn Ngọc.
Nhưng đứng trước cảnh Giang Nam, bờ sông hoa đỏ rực hơn lửa, nước xanh đậm thế này, còn có tâm sự gì mà một gã thiếu niên mười chín tuổi ném không đi, thả không xong ?
Quả thật còn có một thứ, đấy là lúc y vừa ra khỏi cửa, phụ thân của y đã nghiêm sắc mặt, nói đi nói lại với y rằng, phải ráng hết sức đừng quên bảy điều giới luật.
Cho đến bây giờ, y phảng phất còn nghe phụ thân nghiêm nghị nhắn nhủ:
- Lấy cái thông minh và vũ công của con, có thể cũng gượng gạo ra lăn lộn trong giang hồ được rồi, nhưng có mấy chuyện này, con phải nhất định làm không được, nếu không ta bảo đảm con sẽ lập tức rước phiền lụy vào thân ngay. Đây là lời dạy dỗ từ kinh nghiệm tích lũy mấy chục năm nay của cha, con nhất định ráng mà nhớ vào lòng cho kỹ.
Đoàn Ngọc từ nhỏ vốn là đứa bé rất hiếu thảo vâng lời, mấy điều đó, y không dám quên điều nào, mỗi sáng tỉnh dậy là trong bụng nhẩm đi nhẩm lại mấy lần:
- Thứ nhất, không được kiếm chuyện phá phách, hay xen vào chuyện người khác.
- Thứ hai, không được tùy tiện kết bạn với người lạ.
- Thứ ba, không được cờ bạc với người lạ.
- Thứ tư, không được gây thù oán với nhà sư, đạo sĩ, ăn mày.
- Thứ năm, tiền bạc không được để ra ngoài.
- Thứ sáu, không được tin lời người ta đồn đãi.
- Thứ bảy, cũng là điều trọng yếu nhất, là không được qua lại với đàn bà không quen biết.
Đoàn Ngọc trước giờ vốn là đứa bé rất được lòng mọi người, không những y mạnh khỏe anh tuấn, lễ phép nhã nhặn, y còn rất thích cười, rất biết cười, cười rất ngọt ngào.
Huống gì y áo quần bảnh bao, cưỡi ngựa cao ráo, thiếu niên nhiều tiền, đàn bà gặp y mà không thích, đấy mới là chuyện lạ. Đây vốn là cái điểm Đoàn Phi Hùng lão gia tử lấy làm hãnh diện nhất, nhưng hiện tại biến thành điểm đáng lo ngại nhất.
- Đàn bà vốn là tai họa, đàn bà hư hỏng trong giang hồ lại quá nhiều, con chỉ cần dính vào một người, phiền phức sẽ đeo đẵng vĩnh viễn với con không bao giờ cho hết.
Câu nói ấy Đoàn Phi Hùng lão gia tử đã lập đi lập lại với con mình chừng năm chục lần, Đoàn Ngọc dù có muốn quên cũng khó mà quên cho nổi.
Có phải vậy không ?
Xuân sắc ở Giang Nam nếu có mười phần, thì ít nhất đã có bảy phần ở Tây hồ.
Có người nói, xuân sắc ở Tây hồ đẹp như tranh vẽ, nhưng trên đời này làm gì có người vẽ ra được xuân sắc của Tây hồ ?
Nếu đã bước qua Hàng Châu mà không dạo qua Tây hồ một chuyến, thật tình là uổng cả đời, đã đến Tây hồ, còn chưa đến thưởng thức Tống Tẩu Ngư ở Tam Nhã Viên, thật tình cũng uổng lắm.
Hiện tại Đoàn Ngọc tấu xảo quá bước lại Hàng Châu, đến Tây hồ, dĩ nhiên y không thể để coi cái cảm giác tiếc rẻ ấy lại trong lòng.
Tống Tẩu Ngư là cá chưng.
Cá phải còn sống rồi giết đi đem chưng mới là thứ thượng hạng, chưng xong, rồi rưới nước gia vị lên đem lên bàn ăn, vì vậy đang còn ngun ngút khói, đúng là vào miệng là tan ra, vừa tươi vừa béo.
Cũng như Ma Bà, Đậu Bà ở Thành Đô, cá chưng này gọi là Tống Tẩu Ngư, bởi vì cách nấu là do một người đàn bà ở Nam Tống, họ Tống sáng chế ra.
Nhưng Tây hồ nước cạn, dưới ba thước đều là bùn đất, cá ở trong hồ không lớn nổi.
Vả lại Tây hồ không cho bắt cá. Ở Tây hồ mà bắt cá, quậy cả hồ đang xanh biếc lên, không phải là chuyện đốt đàn đem nấu thịt gà, mất hết cả nhĩ hứng đi sao ?
Vì vậy tuy cá chưng nổi tiếng ở Tây hồ, nhưng không phải cá ở Tây hồ, mà từ Tây hương.
Nhất là Đường Thê hương, không những hoa mai ở đó đẹp, cá cũng ngon nữa.
Nơi đó cơ hồ nhà nào cũng có ao cá. Thuyền bỏ cá vào trong thành, đáy thuyền đan bằng trúc, so với thuyền hoa trên Tây hồ còn lớn hơn, cá nằm dưới đáy thuyền, giống như nằm trong nước sông vậy.
Thuyền đi tới trước cửa Vũ Lâm, bèn cập bến, các ngư phủ chân trần bèn lấy thúng xúc cá đem vào thành bán. Trong thúng cũng đựng đầy nước sông, trong giỏ trên thúng, còn có để một bầy tôm xanh đang búng lóc chóc.
Vào buổi sáng sớm mùa xuân, vài chục gã trai trẻ khỏe mạnh cười đùa, gánh những thúng đồ thu hoạch hôm đó, bước trên con đường lót đá xanh đi lại thành, cảnh tượng ấy, còn thậm chí làm người ta vui sướng hơn cả món cá chưng.
Do đó các quán rượu bên hồ bèn đem những con cá còn bơi lội đó, bỏ vào trong lồng trúc lớn, để dưới hồ đợi khách lại viếng.
Đoàn lão gia tử thích nhất là Tam Nhã Viên mỗi khi đến Tây hồ, là không thiếu được chuyện đến Tam Nhã Viên bắt vài con cá tươi, đem chưng nhắm rượu.
Vì vậy, Đoàn Ngọc cũng đến Tam Nhã Viên.
Tam Nhã Viên nằm ngay bên hồ, mặt nhìn ra cả một hồ nước mùa xuân, bốn bề lan can làm bằng gỗ hồng lê cao ba thước bao bọc.
Bên cạnh lan can có để mười mấy cái bàn bằng gỗ trắng dàu, sạch bóng loáng mỗi bàn đều có để sẵn đồ câu cá và mồi câu.
Cá đã bỏ vào trong hồ, có hàng rào trúc ngăn lại, muốn ăn chỉ mới câu lên thôi.
Có mình câu lên, mùi vị dù gì cũng có đặc biệt tươi ngon hơn.
Đoàn Ngọc câu được hai con, kêu hai giác rượu, đối diện với cảnh xuân sắc bên Tây hồ thế này, không có cá cũng còn uống được, huống gì là có cá đó ?
Vì vậy mà hai giác rượu đã cạn, lại thêm hai giác nữa.
Đoàn Phi Hùng không dặn y, phải uống ít đi một chút, bởi vì ai ai cũng biết đại công tử nhà họ Đoàn tửu lượng như biển, ngàn chung còn chưa say.
Bất cứ ai muốn đổ rượu cho y sang, là cũng khó khăn như muốn cho cá chết đuối vậy.
Rượu đựng trong bình rượu bằng đồng, một bình có tới mười sáu lượng.
Bốn giác rượu là bốn cân, Đoàn Ngọc đang uống thứ rượu Thiện Lưỡng còn mắc hơn cả Hoa Điêu để lâu năm gấp bội.
Thứ rượu này vốn dành cho viễn khách, tuy mắc hơn Hoa Điêu gấp bội, nhưng chắc gì đã ngon hơn Hoa Điêu bao nhiêu.
Chân chính rượu ngon phải là Trúc Diệp Thanh để lâu năm, mùi rượu nhẹ nhàng, vào miệng mềm như lụa, nhưng hậu kình rất đầy, hai ba chén vào bụng đã có cảm giác ngà ngà ngay.
Đoàn Ngọc tuy không uống Trúc Diệp Thanh, hiện tại cũng đã có cảm giác ngà ngà đó.
Y thích cái thứ cảm giác đó, y chuẩn bị uống xong hai bình đó, thêm hai bình nữa, sau đó mới kêu một dĩa miến tôm ăn cho giả rượu.
Nghe nói miến ở nơi đây không thua gì Thuê Vô Quán ở Quan Hạng Khẩu.
Dân Hàng Châu đại đa số ai cũng uống rượu.
Bọn họ uống rượu bằng chén, một chén là bốn lạng, thường thường uống sáu bảy ly cũng không có gì là ly kỳ. Nhưng uống là làm ngay năm sáu cân, chuyện đó lại ly kỳ rồi, huống gì người uống rượu chỉ bất quá là một gã thiếu niên mười tám mười chín tuổi.
Đã có rất nhiều người bắt đầu chú ý đến y, cặp mắt trừng lớn nhất, là một gã thiếu niên mặt mày trắng trẻo mặc một chiếc áo dài màu tím lạt.
Cái vị thiếu niên này tuổi tác xem ra hình như có nhỏ hơn Đoàn Ngọc hai tuổi, cặp mắt lớn thiệt lớn, cái mũi thẳng, ăn mặc y phục rất tân thời, dáng điệu cũng rất ôn nhu, rất thanh tú, xem ra cũng xuất thân con nhà phú gia như Đoàn Ngọc vậy.
Diệu nhất là, trên bàn y cũng có vài cái bình rượu không, hiển nhiên tửu lượng của y cũng không kém cỏi tí nào.
Người tửu lượng khá, thường thường ít nhiều cũng có hứng thú với người tửu lượng khá.
Vì vậy y bỗng hướng về Đoàn Ngọc cười một cái.
Đoàn Ngọc không thấy.
Thật ra y đã chú ý đến gã thiếu niên có cặp mắt to ấy từ lâu, và cũng không phải không có hứng thú với người này.
Chỉ bất quá Đoàn công tử tuy mới bước chân vào giang hồ, nhưng y không phải là kẻ ngốc, càng không phải là kẻ mù, thật ra, y thông minh còn hơn đại đa số nhiều, cặp mắt cũng sáng hơn đại đa số người khác nhiều lắm.
Y vừa nhìn là đã nhận ra ngay cái gã cặp mắt to ấy, không phải là một gã thiếu niên thật, mà là một cô gái giả trai.
- Trên đường đi, không được qua lại với đàn bà chưa quen biết.
Lời giáo huấn ấy Đoàn Ngọc chưa hề quên, cũng không dám quên, trước giờ y là một đứa bé rất nghe lời, rất hiếu thảo.
Vì vậy cặp mắt của y cứ nhìn thẳng vào cái thuyền hoa ở trước mặt.
Chiếc thuyền hoa ấy vừa ở trong đám liễu chèo ra, phía trên sơn màu xanh biếc, lan can màu đỏ, cánh cửa sổ chạm trổ hoa, bức màn Tương Phi bằng trúc vén lên một nửa.
Một người đàn bà tuyệt đẹp, phong tư trác tước, đang ngồi bên song cửa, đùa nghịch với con anh vũ lông trắng trong lồng.
Một tay cô đang cầm cây lược, cổ tay tròn lẳn, ngón tay thuôn dài, vẻ mặt ra chiều như ai oán, phảng phất như cảm thương xuân đến rồi qua mau, tình nhân sắp ly biệt.
Cô là người đàn bà, chỉ bất quá cô là đàn bà ở xa thật xa, đại khái còn an toàn hơn đàn bà ngồi bên cạnh bàn một chút.
Chương sau