XtGem Forum catalog
Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung

Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung


Tác giả:
Đăng ngày: 09-07-2016
Số chương: 118
5 sao 5 / 5 ( 115 đánh giá )

Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung - Hồi 38

↓↓

Thế là chỉ qua một câu chuyện ngắn ngủi ấy, đủ thấy Khổng Minh chưa ra khỏi lều tranh mà đã dư biết "Thiên hạ chia ba" sau này. Thật là bật kỳ tài quán thế, vạn cổ chỉ có một không hai vậy.

bạn đang xem “Tam quốc diễn nghĩa - La Quán Trung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Người sau có thơ rằng:


Dự châu đang lúc vận gieo neo,


May gặp danh nhân dưới mái lều.


Thiên hạ chia ba, rồi sẽ thấy,


Tiên sinh cười trỏ bản đồ treo.


Huyền Ðức ngỏ lời bái thỉnh Khổng Minh:


- Bị này tuy danh hèn đức mỏng, xin tiên sinh chớ nệ, xuất sơn giúp cho, Bị này nguyện chắp tay nghe theo lời chỉ dạy.


Khổng Minh từ tạ:


- Lượng này đã vui nghề cày cuốc, lười biếng việc đời từ lâu. Thật không thể vâng lời Tướng quân được.


Huyền Ðức ngẹn ngào năn nỉ:


- Nếu tiên sinh không ra giúp thì thiên hạ biết chừng nào mới êm ấm được và sinh linh còn trông mong ai cứu vớt nữa?


Dứt lời, lệ tuôn ướt đầm cả tay áo.


Khổng Minh thấy lòng của Huyền Ðức quả thật chân thành, bèn nhận lời:


- Tướng quân có lòng đoái tưởng thì tôi xin nguyện đem hết sức hèn này mà báo đáp ân tình.


Huyền Ðức vui mừng khôn xiết, liền gọi Quan, Trương vào bái kiến và dâng lễ vật, vàng lụa.


Khổng Minh từ chối không nhận.


Huyền Ðức nói:


- Ðây không phải là lễ ra mắt đại hiền. Chỉ gọi là một chút vật mọn để tỏ tấm lòng của Bị này thôi.


Khổng Minh thấy không thể từ chối được, sai tiểu đồng đem lễ vật vào trong.


Thế rồi Huyền Ðức cùng mọi người ngủ lại trong thảo trang một đêm.


Sáng hôm sau, Gia Cát Quân trở về, Khổng Minh dặn:


- Anh chịu ơn Lưu Hoàng Thúc ba lần họ cố, không thể không ra giúp. Em hãy ở nhà chăm lo cày ruộng, chớ để ruộng rẫy hoang rậm nhé. Một ngày kia thành công rồi, anh sẽ trở về đây nương tựa.


Người sau có thơ rằng:


Thân chưa bay nhảy, tính lui rồi,


Ngày khác thành công, hẳn nhớ lời.


Bởi Chúa nghiêng lòng đem phó thác,


Trận tiền gió lạnh, ánh sao rơi...


Lại có bài thơ cổ phong như sau:


Cao Hoàng vung kiếm thần ba thước,


Rắn trắng Mang đường đổ máu loang.


Diệt Sở, bình Tần, xây xã tắc,


Hai trăm năm lẻ, dứt triều cương.


Lạc dương, Quang Vũ kế ngai rồng,


Truyền đến Hoàn, Linh lại lở long.


Hiến Ðế dời đô về huyện Hứa,


Bốn phương hào kiệt nổi như ong!


Chuyên quyền Tào Tháo được thiên thời,


Mở nghiệp, Tôn Quyền cũng vững nơi.


Huyền ức riêng mình không đất đứng,


Nương thân Tân Dã tạm thời thôi...


Nam Dương Gia Cát ẩn tài danh,


Bụng chứa kinh luân với giáp binh.


Từ Thứ ra đi, vừa tiến cử,


Lưu Quân ba lượt đến lều tranh!


Tiên sinh hăm bảy tuổi đương xuân,


Thu xếp cầm thư, giữ ruộng vườn.


Tây Thục, Kinh châu trời sẳn để...


Cho người mở rộng túi kinh luân.


Một lời đầu lưỡi, nổi ba đào,


Muôn kế tung ra, sấm sét gào!


Rồng cuộn, hổ vờn yên bốn cõi,


Muôn đời ai dễ sánh tài cao?


Rồi sau đó, Huyền Ðức, Quan, Trương từ biệt Gia Cát Quân, rồi cùng Khổng Minh trở về Tân Dã.


Từ ngày được Khổng Minh, Huyền Ðức kính trọng như bậc thầy, ăn cùng mâm, ngủ cùng giường, suốt ngày bàn luận việc thiên hạ.


Một hôm, Khổng Minh nói:


- Nghe Tào Tháo đào ao Huyền Vũ ở Kỵ châu để luyện tập thủy quân, ắt đã có bụng xâm phạm Giang Nam rồi. Vậy thì Chúa công cũng nên cho người sang sông dò xem hư thật ra sao?


Huyền Ðức theo lời, sai quân sang đất Giang Ðông dọ la.


Nhắc lại Tôn Quyền từ ngày thừa kế sự nghiệp của Tôn Sách, giữ vững Giang Ðông, rộng lòng thâu nạp hiền sĩ, mở quán nghênh tân ở Ngô Hội, sai Cố Ung và Trương Hoành túc trực đón tiếp tân khác bốn phương.


Luôn mấy năm, cứ người này tiến cử người kia, người kia lại tiến cử người nọ, số mưu sĩ tề tựu mỗi lúc một đông.


Bấy giờ đã được thêm Hám Trạch tự Ðức Thuận ở Cối Kê, Nghiêm Tuấn tự là Man Tài người Bành thành, Tiết Tổng tự là Kính Văn ở Bái huyện, Trình Bỉnh tự là Ðức Khu người Nhữ Nam, Châu Hoàn tự là Hưu Mục ở Ngô quận, Lục Tích tự là Công Kỷ ở Hoài Nam, Trương Ôn tự là Huệ Thứ người đất Ngô, Lăng Thống tự là Công Trực ở Cối Kê, Ngô Xán tự là Khổng Hưu ở Ô Trình...


Những người này ở khắp nơi kéo về Giang Ðông, được Tôn Quyền kính lễ hậu đãi.


Sau đó, lại còn có thêm mấy tướng giỏi nữa đến phò như Lữ Mông tự là Tứ Minh người Nhữ Dương, Lục Tốn tự là Bá Ngôn ở Ngô quận, Từ Thịnh tự là Văn Hưởng người Lang gia, Phan Cương tự là Văn Khuê ở Ðông quận, Ðinh Phụng tự là Thừa Uyên ở Lư Giang...


Văn thần võ tướng đều hợp sức phò tá, cho nên Giang Ðông bấy giờ mới được tiếng là nhiều nhân tài.


Năm Kiến An thứ bảy, Tào Tháo phá xong Viên Thiệu xong, thanh thế càng ngày càng lẫy lừng, binh hùng tướng mạnh không sao kể hết.


Tào Tháo lại sai sứ qua Giang Ðông bảo Tôn Quyền đem con vào triều tùy giá.


Tôn Quyền do dự mãi, chưa biết nên xử trí thế nào?


Ngô Thái phu nhân cho đòi Trương Chiêu và Châu Du vào thương nghị, bàn tính


Trương Chiêu nói:


- Tào Tháo khiến Chúa công cho con vào triều tùy giá tức là lối "khiên chế chư hầu" đó. Nhưng nếu Chúa công không tuân theo thì Tháo sẽ hưng binh sang đánh Giang Ðông. Với khí thế của Tào Tháo hiện nay, chúng ta cự sao lại!


Châu Du nói:


- Chúa công thừa kế nghiệp của cha anh để lại gồm sáu quận, binh tinh lương đủ, tướng sĩ hết lòng theo mệnh lệnh, có gì bức bách mà phải đưa con vào làm tin nơi xứ người? Hễ đưa con sang tức là phải liên hòa với Tháo, mỗi khi Tháo ra hiệu lệnh gì cũng phải nghe theo. Phỏng như Tháo lại triệu Chúa công vào chầu, chẳng lẽ Chúa công không tuân. Như thế thì ta tự lấy dây buộc mình rồi. Chi bằng cứ để thong thả, xem hạ giở trò gì rồi sẽ dùng kế mà đối phó.


Ngô Thái phu nhân khen:


- Lời Châu Du nói rất phải.


Tôn Quyền nghe theo, liền từ khước sứ giả, không chịu gửi con mình vào triều. Tào Tháo bất bình, có ỵ đánh Giang Nam từ đó, ngặt vì phía Bắc chưa yên, nên chưa thể xuất quân Nam chinh được.


Năm Kiến An thứ tám, vào tháng mười một, Tôn Quyền lại dẫn binh sang đánh Hoàng Tổ.


Hai bên giao chiến trên sông Ðại giang (1). Quân Hoàng Tổ thua chạy.


Một bộ tướng của Quyền là Lăng Tháo phóng thuyền nhẹ đi trước, đánh đuổi tới Hạ khẩu, bị bộ tướng của Tổ là Cam Ninh bắn một mũi tên mà chết.


Con của Lăng Tháo là Lăng Thống, bấy giờ mới mười lăm tuổi, rán sức đoạt thuyền cướp thây cha đem về.


Quyền thấy xuất sư không lợi nên bãi chiến, tạm thu quân về Ðông Ngô.


Bấy giờ có người em trai Quyền là Tôn Dực làm quan Thái Thú quận Ðan Dương.


Dực vốn tánh cương cường nóng nảy, lại hay uống rượu.


Mỗi khi say, thường đánh đập quân sĩ tàn nhẫn.


Viên Ðốc tướng Ðan Dương là Qui Lãm cùng viên Quận thừa là Ðái Viên có bụng mưu sát Dực.


Hai người mới kết thông với người tùy tùng của Dực là Biên Hồng để sát hại Dực.


Hôm ấy, chư tướng cùng các vị huyện lệnh về hội hợp đông đủ tại Ðan Dương.


Tôn Dực cho bày yến tiệc thết đãi. Vợ của Dực là Từ thị xinh đẹp và thông minh, rất giỏi về khoa bói Dịch.


Bấy giờ nàng gieo thử một quẻ, thấy "tượng" rất xấu, liền khuyên chồng đừng ra tiếp khách.


Nhưng Dực không nghe, cứ đi cùng các quan ra công đường chủ tọa buổi tiệc.


Ðến chiều, tiệc mới tan, Biên Hồng ngầm giấu con dao trong mình theo chân Dực ra cửa, bất thình lình rút dao đâm Dực chết ngay tại chỗ.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Vợ Ơi, Em Đừng Chạy

Vợ Ơi, Em Đừng Chạy

Cô cũng không biết tại sao hôm đó hắn lại đi theo cô, không biết tại sao hắn vừa

23-07-2016 22 chương
Nữ tỳ và dê đực

Nữ tỳ và dê đực

Tỳ nữ này quả thật chưa từng trộm một hạt đậu mạch của chủ nhân, vì thế cô

28-06-2016
Những vì sao cô đơn

Những vì sao cô đơn

Sứt cầm đèn pin của mẹ soi lên bầu trời. Bầu trời như một tấm thảm nhung lấp

24-06-2016
Vẻ đẹp

Vẻ đẹp

Gấu và Sói ngồi nói chuyện trên trời dưới đất. Cạnh đó có một chị Bướm đang

24-06-2016