Ring ring
Chờ Đợi Giọng Nói Của Em

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em


Tác giả:
Đăng ngày: 26-07-2016
Số chương: 15
5 sao 5 / 5 ( 36 đánh giá )

Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 16

↓↓
Trạm Dừng Chân Của Con

Trinh Dương, nữ, mười bảy tuổi, học sinh cấp ba.

Năm nay tôi mười bảy tuổi, đang học cấp ba. Trước đây, tôi là một đứa con gái ngoan, biết nghe lời, biểu hiện ở trường lớp rất tốt, thành tích học tập cũng rất khá. Các thầy cô đều rất thích tôi, thường xuyên khen ngợi tôi trước lớp. Nhưng tất cả những điều này đã là chuyện quá khứ. Không hiểu sao sau khi lên cấp ba, tôi lại cảm thấy chuyện học hành thật vất vả. Còn nhớ lúc lên cấp hai, niềm vui lớn nhất của tôi là được nghe thầy giáo công bố kết quả thi, bởi vì lúc nào tôi cũng là học sinh xếp thứ nhất hoặc thứ nhì của lớp. Thế nhưng bây giờ, số lần thi cử tăng lên chóng mặt, tôi không những không vui vẻ mà còn cảm thấy có một gánh nặng rất lớn về mặt tâm lí. Kết quả học tập của tôi không còn dẫn đầu lớp như trước nữa; rất nhiều bạn (nhất là các bạn nam) trước đây học không bằng tôi, nay đều lần lượt vượt mặt tôi. Đầu óc tôi như đang rơi vào một trạng thái mơ hồ không xác định, thậm chí tôi còn lo rằng bản thân mình không thi đỗ đại học. Điều đó đối với tôi cực kì đáng sợ, bởi thầy cô giáo và bố mẹ gửi gắm vào tôi quá nhiều kì vọng, các bạn trong lớp ai cũng tin chắc rằng tôi sẽ đỗ đại học. Nếu chẳng may để mọi người thất vọng, tôi còn mặt mũi nào sống trên đời này nữa?

Tình hình học tập của tôi ngày một thảm hại. Cô giáo chủ nhiệm cho gọi tôi lên hỏi han tình hình. Cô hỏi tôi lí do của sự sa sút này, tôi nói tôi cũng không biết, không hiểu được là vì sao nữa, chỉ cảm thấy mình học sút đi. Cô chủ nhiệm đột nhiên nhắc đến chuyện tôi qua lại với một anh lớp trên, nghe giọng điệu có vẻ như đang dò xét tôi vậy. Tôi rất bực bội. Tôi và anh ấy chẳng qua chỉ là quan hệ bạn bè bình thường. Anh ấy là anh họ của bạn thân tôi. Tôi quen và chơi với anh ấy trong một dịp nhà trường tổ chức đi tham quan hai ngày. Chúng tôi thường xuyên nói chuyện điện thoại, thỉnh thoảng còn viết thư cho nhau. Mặc dù cùng học một trường nhưng chúng tôi rất thích liên lạc với nhau bằng thư từ, bởi có rất nhiều điều không tiện nói thẳng trước mặt, nhưng lại rất dễ dàng nói ra khi viết thư. Trong thư chúng tôi không bao giờ đề cập đến vấn đề yêu đương; quan hệ giữa chúng tôi vẫn chưa phát triển đến mức đó. Tôi nói sự thật cho cô giáo chủ nhiệm nghe, nhưng cô hoàn toàn không tin lời tôi, còn cảnh cáo tôi rằng: “Đây là thời kỳ rất quan trọng, đừng để những thứ tình cảm trẻ con đó làm ảnh hưởng đến chuyện học hành!”

bạn đang xem “Chờ Đợi Giọng Nói Của Em ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!

Lúc tôi về đến nhà, bố tôi đã ngồi đợi tôi rồi. Hóa ra cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện nói chuyện với bố tôi. Bố tôi là một người tính tình nóng nảy, bình thường tôi cũng hơi sợ bố. Mặc dù bố hay nổi cáu với mọi người nhưng bố rất yêu thương tôi. Vậy mà hôm nay, tôi với bước chân vào nhà, bố đã quát tháo ầm ĩ, còn nói những điều rất khó nghe. Tôi cảm thấy mình chẳng còn chút tự trọng nào nữa. Tôi không nói bất cứ điều gì để biện hộ cho mình, bởi tôi biết dù tôi có nói gì thì người lớn cũng không tin. Bố mắng tôi một thôi một hồi, cấm tôi không được chơi bời với con trai. Tôi đành ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, bố chưa nguôi cơn giận, bố còn xông vào phòng tôi, bắt tôi phải mở ngăn kéo tủ của mình, mang tất cả thư từ, thiệp chúc mừng, cả nhật ký, băng đài của tôi nữa. Tôi nhìn bố như nhìn một bạo chúa. Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy thất vọng và hụt hẫng về gia đình mình. Ở đây, tôi không có quyền tự do biện hộ cho mình, bất cứ lúc nào cũng có thể bị cướp đi lòng tự trọng, ngay kể cả những đồ vật mà tôi yêu quý cũng bị cho là những thứ xấu xa, đáng vứt bỏ hết... Hôm đó, tôi nhốt mình trong phòng và khóc rất to. Mặc cho mẹ gọi cửa, tôi nhất định không chịu ra. Bố còn ở đó quát lên: “Mặc kệ nó, cho nó chết đói. Tôi không cần một đứa con gái kém cỏi như vậy.”

Mọi chuyện rồi cũng qua đi, tôi nghĩ rằng thế là xong. Nhưng nửa tháng sau, một bạn gái học cùng tôi gọi điện đến, bố nhấc máy, nói với bạn ấy bằng giọng điệu rất khó chịu, thậm chí còn cúp máy khi bạn ấy vẫn chưa nói hết. Đã vậy lúc ăn cơm, bố còn nói tôi: “Không hiểu sao con lại chơi được với những đứa bạn như vậy?”. Tôi không nhịn được, bèn giải thích vài câu, thế là bố lại quát vào mặt tôi, nói tôi không chịu tiếp thu ý kiến phê bình, không tôn trọng bố. Trời đất ơi! Có phải bố tôi đã quá vô lý rồi không?

Tôi ngày càng chán ghét gia đình mình, nhất là bố tôi. Cứ động một chút là bố tôi lại nổi cáu, cứ uống rượu vào là mắng mọi người xung quanh. Tôi cảm thấy gia đình mình như địa ngục vậy, không còn chút cảm giác đầm ấm nào, chỉ còn lại sự giày vò mà thôi. Tôi hết chịu nổi rồi. Còn về việc học hành của tôi, chắc không cần nói mọi người cũng biết. Làm sao tôi có thể học được trong hoàn cảnh như vậy cơ chứ?

Chat room

Bố bạn đang ở độ tuổi trung niên, trên có già, dưới có trẻ, phải gánh trên vai những trọng trách hết sức nặng nề; chính vì thế, con gái cần phải hiểu và thông cảm cho sự nóng nảy của bố. Cho dù có xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ đi chăng nữa, bạn cũng cần phải học cách giải quyết mâu thuẫn và biết cách thuyết phục bố mình. Có thể nói, đây cũng chính là cơ hội tốt cho bạn rèn luyện bản lĩnh của mình.

Lên cấp ba, có rất nhiều bạn nữ học kém hơn các bạn nam, họ cho rằng mình học tập sa sút, thực ra cũng không hẳn là như vậy. Khả năng tu duy trừu tượng của con trai thường tương đối tốt, thích hợp với các môn khoa học tự nhiên; trong khi con gái lại có khả năng tư duy hình ảnh cao, thường học giỏi các môn học như: văn học, ngoại ngữ, lịch sử. Tôi cho rằng, các bạn nữ hoàn toàn có thể sánh ngang với các bạn nam. Chỉ là trong giai đoạn này, do quá trình dậy thì đến sớm hơn con trai nên con gái thường quan tâm nhiều đến thế giới nội tâm. Điều này đã ảnh hưởng đến việc mở rộng tầm nhìn và tư duy của con gái. Vì thế, chỉ cần chú ý hơn một chút thì các bạn nữ hoàn toàn có thể vượt xa các bạn nam.

Nếu hai bố con Trịnh Dương vẫn không thể hiểu nhau, tôi khuyên bạn nên biến những nỗi buồn phiền trong suy nghĩ thành động lực học tập. Gia đình, xét cho cùng cũng chỉ là một trạm dừng chân trong quá trình trưởng thành của chúng ta. Sau một vài năm nữa, khi đôi cánh của bạn đã đủ cứng cáp, bạn có thể bay đi tìm cho mình một bầu trời riêng. Đến lúc đó, cảm giác của bạn về gia đình của mình sẽ chỉ còn lại hai chữ “ấm áp” mà thôi!

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO CUỘC SỐNG TỰ DO

SW, nữ, mười bảy tuổi, sinh viên trường dạy nghề.

Tôi đang là sinh viên của một trường dạy nghề. Cuộc sống của tôi tương đối vui vẻ. Thế nhưng, gần đây tôi gặp phải chút chuyện buồn phiền.

Trong đợt thi học kì trước, môn ngữ văn ngoài thi viết còn tăng cường thêm nội dung học thuộc lòng và phần thi này chiếm ba mươi phần trăm tổng số điểm của bài thi. Tôi là lớp trưởng, là người đầu tiên thi qua phần thi này. Sau khi thi xong, cô giáo giao trách nhiệm cho tôi kiểm tra phần “học thuộc lòng” của tất cả các bạn trong lớp.

Bài học thuộc lòng thường là những bài văn cổ vừa dài vừa khó. Mọi người ai nấy đều xin tôi hãy “giơ cao đánh khẽ”. Tôi đắc ý cười nói: “Đừng nhiều lời, cố mà học đi”. Có năm hay sáu bạn học kém đến kỳ lạ, làm thế nào cũng không thể thuộc bài. Nhìn khuôn mặt méo xệch của họ, tôi lại không nỡ nhẫn tâm. Thế là tôi liền cho họ qua hết. Mọi người ai nấy đều vui mừng. Cô giáo tôi cũng tỏ ra rất hài lòng.

Thế nhưng trong lớp đã có người mách cô giáo chủ nhiệm. Cô gọi tôi lên nói chuyện. Tôi không giải thích gì vì biết mình là người có lỗi. Tôi cũng không định trốn tránh, hay mong thoát tội, cũng không có cách nào giải thích với cô giáo.

Cô giáo chủ nhiệm tuyên bố trước lớp rằng tôi bao che cho các bạn khác nên sẽ bị cách chức lớp trưởng. Mấy người bạn làm tôi bị liên lụy cảm thấy áy náy, liền chạy đến xin lỗi tôi. Nhưng tôi chẳng thấy buồn, bởi vì tôi hiểu bản thân hơn ai hết. Từ trước đến nay tôi không phải là một đứa con gái ngoan ngoãn, chẳng qua chỉ có vài tài lẻ mà thôi. Tôi lại có thói quen việc ta ta làm, không chịu học mấy chiêu nịnh nọt, đưa đẩy giống người khác. Thực ra không phải là tôi không biết nịnh, mà chỉ là vì tôi không thích làm vậy mà thôi. Chính vì thế, tôi đã sớm biết mình không hợp với vị trí cán bộ lớp, thôi thì để ai thích làm lớp trưởng thì đi mà làm vậy.

Học kì mới lại bắt đầu. Cô giáo gọi tôi lên văn phòng để nói chuyện phục chức của tôi. Nhưng tôi không muốn được phục chức, tôi không muốn nhận trách nhiệm đầy phiền ấy nữa. Tôi chỉ muốn được là một người bình thường, sống thật vui vẻ! Kết quả là tôi bị cô giáo mắng cho một trận, cô nói tôi không có tinh thần phấn đấu, chỉ biết hài lòng với những thứ tầm thường trước mắt. Nhưng đến khi lớp tôi bỏ phiếu bầu ban cán sự lớp, tôi vẫn “bất hạnh” trúng cử chức lớp trưởng. Sau khi tuyên bố kết quả, cô giáo nhắc nhở tôi trước lớp rằng phải biết “rút kinh nghiệm”, khiến cho tôi rất mất mặt.

Điều làm tôi cảm thấy buồn phiền nhất là tương lai. Mặc dù trường tôi là trường dạy nghề, nhưng lại có quy định thi lên đại học bằng hình thức thi vấn đáp. Do kết quả học tập kì trước của tôi rất cao (tôi toàn nước đến chân mới nhảy, sát ngày thi mới chịu học thuộc), thế nhưng sang đến học kì này, kết quả bài kiểm tra lần một của tôi lại không lọt được vào tốp ba của lớp. Điều này dẫn đến sự “quan tâm đặc biệt” của thầy cô và bố mẹ. Họ luôn để mắt đến tôi, ca cẩm bên tai tôi, nói tôi nào là nhát gan, nào là không có tinh thần cầu tiến, tôi đã nghe đến chán cả tai. Mặc dù tôi biết họ nói vậy chỉ vì họ rất kì vọng vào tôi, nhưng tôi thật sự không có chí hướng và hoài bão lớn lao đến thế, tôi muốn làm một người thật bình thường. Tôi chỉ cần có thể vui vẻ đón chào một ngày mới, như vậy chẳng lẽ còn chưa đủ sao? Tôi không muốn học giỏi để lập nên công trạng cho đất nước. Tôi chỉ muốn tìm một công việc nho nhỏ (lương thấp cũng không sao, chỉ cần vui vẻ, thoải mái là được), thuê một căn nhà nhỏ ở cùng bạn bè. Tôi muốn ngủ trên giường, lúc nào rảnh rỗi thì đọc sách, nghe đài, xem ti vi, cố gắng hết mình giúp đỡ bạn bè xung quanh, tìm một người chồng yêu thương tôi thật sự, xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc. Nhưng tất cả những điều đó chỉ là giấc mơ của tôi mà thôi, tôi sợ rằng sau khi biết được giấc mơ này của tôi, bố mẹ sẽ vô cùng thất vọng.

Tôi cũng không hề cảm thấy buồn phiền về chuyện tình cảm bởi vì tôi mắc chứng “sợ yêu”, cứ nghĩ đến chuyện hai người qua lại với nhau là tôi sởn hết cả da gà, thật chẳng ra làm sao! Tôi không muốn thế, cũng không thích như thế! Nhìn thấy các bạn trong lớp đã có đôi có cặp (mặc dù họ chẳng bao giờ chịu thừa nhận điều đó), tôi cảm thấy khó chịu thay cho họ. Tôi nghĩ yêu đương là một chuyện vô cùng mệt mỏi. Tại sao lại có người muốn sớm mệt mỏi như vậy nhỉ? Đúng là không thể tưởng tượng nổi!

Bây giờ, điều tôi sợ nhất chính là thầy cô giáo và bố mẹ luôn tìm cách cướp đi khoảng thời gian thư giãn và vui chơi của tôi. Họ chỉ mong tôi dành tất cả thời gian cho việc học tập. Ôi! Sao bố mẹ tôi không nghĩ, nếu như tôi muốn thi vào đại học thì năm đó tôi đã chẳng thi vào trường này. Nhưng tôi cũng cảm thấy có phần có lỗi với bố mẹ, bởi vì tôi không sao nói thật được những suy nghĩ của mình với họ. Mà cho dù tôi có nói ra thì có thể họ cũng sẽ không hiểu, đó chính là “khoảng cách giữa hai thế hệ” mà mọi người thường nhắc đến.

Chat room

Có thể thấy SW là một người rất cá tính, vừa thẳng thắn lại rất thích sự tự do. Tính cách đó quả là đáng quý. Tuy nhiên, hài lòng với thực tại thì có thể duy trì được ước mơ ấy trong bao lâu? Xã hội ngày nay chứa đầy những thách thức và cạnh tranh; kiến thức và khả năng của một người có vai trò quyết định đến sự tự do trong cuộc sống về sau của bình thường người đó. SW vẫn chưa bước vào xã hội, chưa hiểu được điều này; thế nhưng thầy cô và bố mẹ bạn lại hiểu rất rõ, chính vì vậy họ mới tìm mọi cách thuyết phục SW. Tôi nghĩ, SW yêu tụ do hơn bất cứ bạn gái nào, hết mình với cuộc sống. Điều này trong con mắt của nhiều người trưởng thành là một sự xa xỉ khó mà có được. Chính vì vậy, SW cần phải nỗ lực để tạo cơ sở thực tế cho mục tiêu về cuộc sống như vậy.

Rất nhiều sinh viên trung cấp sau khi mất đi cơ hội học cao hơn đã cảm thấy vô cùng hối tiếc. SW thật sự rất may mắn, vậy mà bạn lại định bỏ lỡ một cơ hội tốt như vậy thì quả là đáng tiếc!

SW muốn có được một cuộc sống bình dị, nhưng không biết cô bé có hiểu được ý nghĩa sâu xa ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc ngôn ngữ kia không? Người xưa có câu: “Nhạt nhòa là đỉnh điểm của rực rỡ”; chưa bắt đầu đi đến đỉnh cao của sự “rực rỡ” thì làm sao mong có được sự “nhạt nhòa” về sau? Nhà biểu diễn nghệ thuật Hề Mỹ Quyên đã từng nói, tôi nghĩ rằng, chỉ có những người đã thành công trong sự nghiệp mới có quyền nói câu “không màng danh lợi”; nếu không, anh có tư cách gì mà nói đến từ “không màng” đây? Mong SW sẽ đọc và rút ra được một điều gì đó!

ĐỪNG KÉO CĂNG DÂY ĐÀN

Tiểu Đình, nữ, mười bảy tuổi, học sinh cấp ba.

Tôi là một đứa trẻ được bố mẹ nuông chiều. Ngay từ nhỏ tôi đã rất thích nhảy nhót, cứ Chủ Nhật hàng tuần mẹ lại dẫn tôi tới Cung thiếu nhi để học nhảy. Tháng đầu tiên đi học, tôi cảm thấy rất vui vẻ, nhưng về sau, học nhảy mãi tôi sinh ra chán, không chịu đi nữa, thế là mẹ đành phải chiều theo ý tôi. Về sau, thấy bạn bè biết chơi đàn điện tử, tôi rất ngưỡng mộ, liền đòi bố mua cho một cái. Thế là bố tôi mồ hôi mồ kê nhễ nhại vác về cho tôi một cây đàn điện tử Casio. Tôi mừng quá, nhảy cẫng lên, vỗ tay hoan hô ầm ĩ, bố tôi nhìn tôi mà không nhịn được cười. Tuy nhiên, thời gian tôi học đàn thậm chí còn ngắn hơn cả thời gian tôi học nhảy. Còn nhớ hồi học mẫu giáo, tôi có học qua tiếng Anh, vẽ, ngâm thơ... nhưng rồi tất cả đều bị bỏ dở giữa chừng do thói cả thèm chóng chán của tôi. Vậy mà bố mẹ chưa bao giờ mắng mỏ tôi về điều này, lại càng không bao giờ đánh tôi. Đấy, hồi nhỏ tôi được bố mẹ cưng chiều như thế đấy!

Do được bố mẹ nuông chiều quá nên tôi trở thành một cô bé hồn nhiên. Tôi thích chơi đùa cùng các bạn nam, thích đánh trận, trượt pa tanh, bắn súng cao su... Tôi còn hay chọc ghẹo, lên lớp, làm nũng bọn họ nữa. Nhưng không hiểu sao, các bạn ấy luôn nhường nhịn tôi. Đó là những tháng ngày thật vui vẻ!

Nhưng bốn năm trước, khi tôi mười ba tuổi, bố mẹ tôi đã ly hôn. Bố mẹ tôi trở nên bất hòa từ khi nào vậy nhỉ? Tôi không hề biết gì. Trước mặt tôi, bố mẹ chưa từng cãi nhau, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng sẽ có ngày cái gia đình hạnh phúc này lại tan vỡ như hôm nay. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Tôi chọn ở với mẹ, bà ngoại nói con gái nên ở với mẹ. Tôi thấy bà nói đúng, hơn nữa, ngay từ khi tôi còn nhỏ, mẹ đã luôn ở bên cạnh và rất ít khi rời xa tôi. Tôi không thể nào tưởng tượng được nếu mình rời xa mẹ thì sẽ thế nào. Căn phòng chúng tôi đang ở là nhà đơn vị bố phân cho. Bố nói bố sẽ dọn đi, nhường lại căn phòng cho hai mẹ con tôi. Thế nhưng, vì lòng tự trọng quá cao, mẹ đã từ chối. Mẹ thu dọn đồ đạc của hai mẹ con tôi rồi dẫn tôi về nhà bà ngoại ở. Lúc tôi chuẩn bị đi, bố ôm lấy tôi mà khóc. Trong tôi, cái góc nhỏ yên tĩnh và xinh đẹp ngày nào giờ bỗng chốc mọc đầy cỏ dại. Trong phút chốc, tôi thấy mình đã lớn.

Nhà bà ngoại cách trường rất xa, hằng ngày tôi phải mất hai tiếng đồng hồ để đi học và về nhà. Tôi không biết mình đã lấy động lực từ đâu mà có thể chịu được khổ cực, không còn khóc lóc làm nũng mỗi khi có chuyện gì không vừa ý như trước nữa. Tôi cảm thấy như thế này cũng tạm ổn, bởi dù rời xa căn nhà ngày xưa nhưng giờ vẫn có một căn phòng đủ rộng để cho hai mẹ con tôi ở. Thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm bố, phát hiện ra giờ bố đã có người phụ nữ khác, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi hiểu rằng, giờ đây bố không còn hoàn toàn thuộc về tôi nữa. Mẹ tôi vẫn ở một mình, tôi cảm thấy buồn thay cho mẹ, bởi vì người phụ nữ mới của bố trẻ đẹp hơn mẹ. Từ đó, tôi rất ít khi đến nhà bố, thế nên bố phải đến trường thăm tôi, cho tôi tiền sinh hoạt. Các bạn cùng lớp tôi nhìn thấy, họ bàn tán linh tinh làm tôi rất khó chịu.

Một hôm, bố lại đến trường tìm gặp tôi và cho tôi rất nhiều tiền. Bố nói bố phải đi xa một thời gian, bố với dì đi hưởng tuần trăng mật. Mặc dù biết chuyện này sớm muộn gì cũng xảy ra nhưng tôi vẫn thấy buồn. Trở lại phòng học, tôi không sao tập trung nghe cô giáo giảng được. Nghĩ đến chuyện kết hôn của bố, tôi không thể chịu đựng được, liền nằm úp mặt xuống bàn mà khóc…

Về nhà, một tin xấu nữa lại ập đến, mẹ tôi bị mất việc. Mẹ tôi phụ trách việc đào đạo công nhân viên trong một xí nghiệp nhỏ. Hiện nay, xí nghiệp đó bị phá sản, mẹ cùng rất nhiều công nhân viên khác bị mất việc làm. Mẹ tôi là một phụ nữ rất kiên cường. Vốn là một nhân viên thao tác máy, mẹ tự học và thi đỗ làm giáo viên. Mất việc quả là một cú sốc lớn đối với mẹ. Tôi cảm thấy rất lo lắng, mẹ mất việc rồi, tôi sẽ phải làm sao? Hai mẹ con tôi đều sống dựa vào đồng lương hằng tháng của mẹ.

Về sau, mẹ tìm được ba chỗ dạy ở ngoài, mỗi tuần khoảng ba mươi tiết. Hằng ngày mẹ phải chạy đôn chạy đáo ở bên ngoài, trưa còn không có thời gian về nhà, tối đến lại soạn giáo án tới tận khuya, thậm chí tôi còn không biết được hằng đêm mẹ có được ngủ chút nào không nữa. Mẹ gửi gắm ở tôi rất nhiều hy vọng. Chuyên ngành của mẹ là tiếng Anh, thế nên mẹ muốn sau này tôi thi vào trường đại học Ngoại Ngữ Bắc Kinh. Mẹ nói đó là trường đạo học bậc nhất trong nước, học ở đó sau này có nhiều cơ hội ra nước ngoài hơn. Để tôi có thể học tiếng Anh tốt hơn, mẹ cho tôi lên lớp đại học để học cùng các anh các chị sinh viên. Bây giờ, tôi chỉ còn một con đường duy nhất đó là thi đại học. Tôi hiểu điều này, thế nên mặc dù học hành rất mệt mỏi, chán nản, nhưng tôi luôn cố gắng chịu đựng. Mặc dù vậy, tôi mới là học sinh cấp ba, cũng có lúc cảm thấy không thể chịu đựng hơn được nữa. Nhìn dáng vẻ vất vả của mẹ, tôi không biết phải làm sao? Nhưng tôi luôn cho rằng, bản thân mình là một người hạnh phúc, vì tôi có một người mẹ thật tuyệt vời!

Chat room

Mặc dù ly hôn là chuyện của bố mẹ, nhưng người cảm thấy sợ hãi nhất lại chính là con cái. Bởi vì chúng vẫn còn quá nhỏ, vẫn cần sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Cho dù thiếu sự chăm sóc của ai thì cũng khiến cho chúng cảm thấy bị mất đi cảm giác an toàn. Vì thế, khi Tiểu Đình nói hai mẹ con cô bé chuyển đến nhà bà ngoại ở, cảm thấy cũng tạm ổn, lại khiến cho người nghe cảm thấy rất xót xa. Hơn nữa, thật cảm động khi thấy Tiểu Đình còn nhỏ tuổi mà đã phải gồng mình gánh chịu sức ép từ bên ngoài. Cô bé ngây thơ có cuộc sống vô lo vô nghĩ trước đây giờ đã trở thành một người lớn thực thụ, một cô bé kiên cường, hiểu chuyện và biết kiềm chế bản thân.

Bố mẹ đã ly hôn, đương nhiên bố Tiểu Đình có quyền tìm cho mình một cuộc hôn nhân khác. Tôi cảm thấy hiểu được sự đau khổ trong lòng Tiểu Đình, thế nhưng, Tiểu Đình cũng nên nhận thức được rằng, bố, cho dù là quá khứ hay hiện tại, thậm chí là tương lai, mãi mãi vẫn là bố của cô bé. Đây là một hiện thực không thể trốn tránh, bởi dòng máu đang chay trong người Tiểu Đình chính là máu thịt của bố.

Rõ ràng Tiểu Đình đã biến những đâu buồn trong cuộc sống thành động lực để học tập. Đây đáng lẽ là một điều đáng mừng, nhưng vì điều này tôi lại cảm thấy lo lắng. Tục ngữ có câu: “Dục tốc bất đạt”, tôi tin rằng Tiểu Đình cũng hiểu được hàm ý của câu tục ngữ này. Có khi nào hai mẹ con Tiểu Đình đang phạm phải sai lầm không? Có đôi lúc, do ước mơ, nguyện vọng quá mãnh liệt, con người luôn có cảm giác cực kì sốt ruột, làm việc không đạt được kết quả như mong muốn. Cũng giống như một vận động viên trên đường đua, nếu sợi dây đàn trong lòng bị kéo quá căng sẽ dễ bị đứt.

Tiểu Đình đã mười bảy tuổi rồi, đó là lứa tuổi tràn đầy sức sống. Nếu trong cuộc sống có bất cứ khó khăn gì, tôi tin rằng hai mẹ con bạn vẫn có đủ sức mạnh để vượt qua. Hơn nữa, cùng với sự trường thành của Tiểu Đình, cuộc sống của hai mẹ con sẽ dần tốt đẹp hơn!

Chương trước | Chương sau

↑↑
Hận Thù

Hận Thù

Truyện teen Hận Thù là câu chuyện xoay quanh Hoàng Anh Tuấn - thiếu gia tập đoàn Hoàng Gia

22-07-2016 16 chương
Hận Thù

Hận Thù

Truyện teen Hận Thù là câu chuyện xoay quanh Hoàng Anh Tuấn - thiếu gia tập đoàn Hoàng Gia

22-07-2016 16 chương
Vợ Lên Bảng Cho Thầy

Vợ Lên Bảng Cho Thầy

Tên truyện: Vợ Lên Bảng Cho ThầyTác giả: suzyzaThể loại: Truyện TeenTình trạng: Hoàn

23-07-2016 12 chương
Thành Phố Mùa Tuyết Tan

Thành Phố Mùa Tuyết Tan

Đây là một truyện teen nói về cuộc sống và con đường tìm kiếm tình yêu của Liễu

22-07-2016 20 chương
Tôi Ghét Thần Tượng

Tôi Ghét Thần Tượng

Tên truyện: Tôi Ghét Thần TượngTác giả: mysweetlovelydayThể loại: Truyện TeenTình

28-07-2016 22 chương
Em tiễn anh đi

Em tiễn anh đi

(khotruyenhay.gq) "Thật ra điều gì mới là có ý nghĩa với em, Vivian?". Gia Huy vừa nói

01-07-2016
Bà ơi, cháu đã về

Bà ơi, cháu đã về

Bà có sáu người con nhưng mỗi bố là con trai lại đi thoát ly . Các cô lớn lên lần

23-06-2016
Những ngày như thế

Những ngày như thế

Tự dưng, tất cả mọi chuyện khác trôi qua, nhẹ nhàng như gió, quan trọng là giờ tất

27-06-2016