Old school Swatch Watches
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 100 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 48

↓↓
Đoàn quân của các Đô-thống Lê Phẩm, Phạm Long, Nguyễn Bích rút về tới Phù-lỗ, thì được Nguyên-Phong hoàng đế cùng Hưng-Đạo vương ra đón. Đoàn quân mang theo 180 tù binh Mông-cổ. Các tướng tâu trình diễn tiến trận đánh lên hoàng đế. Ngài truyền lập đàn tế vọng tướng quân Phạm Cụ-Chích cùng chư quân. Bọn tướng trâu là 4 Cu, 5 Trâu, 5 Hĩm, 5 Cái cũng làm lễ tế Cu Méo. Chúng vừa tế xong, thì Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu cùng hai vương phi, dẫn Vũ Mạc, Mụ Tình và Cu Méo về tới. Bọn tướng trâu reo hò, ôm lấy nhau mừng chi siết kể. Chúng quên cả hành lễ với Thái-hoàng thái hậu.


Sau khi nghe Thái-hoàng thái hậu, hai vương phi tường thuật tình hình quân Mông-cổ :


- Lúc nghị kế, Hưng-Đạo vương đã định rõ rằng chúng ta cũng như các tôn sư võ học chia nhau, tìm cách ẩn thân để biết quân tình giặc. Tuyệt đối không xuất hiện. Chờ lúc phản công hãy ra tay. Nhưng trong trận Bình-lệ-nguyên, vì thấy Hoàng-nhi có thể bị hại, nên Lĩnh-Nam tam đại thần kiếm Vô Ảnh, Vô Sắc, Vô Huyền phải xuất hiện. Trong trận Cụ-bản, chúng ta ẩn thân từ đầu đến cuối. Nhưng sau cùng không nín được trước sự tàn bạo của Mông-cổ, mà phải xuất hiện giết A Tan, Triệt Triệt Đô. Chúng ta chịu lỗi với Tiết-chế.


Nghe nhắc đến Vô-Huyền bồ tát, tim Nguyên-Phong hoàng đế nhi bị kim đâm vào, ngài cảm thấy đau nhói một cái.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Hưng-Đạo vương chắp tay :


- Muôn ngàn lần thần nhi không dám.


Ghi chú của thuật giả


Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu là thái tổ mẫu (cụ) của Hưng-Đạo vương. Nhưng, khi lĩnh nhiệm vụ, Ngài vẫn tự coi mình là người thuộc quyền của vương. Như vậy tỏ ra đức của Ngài cao biết mấy. Nhắc để độc giả nhớ :


Nguyên-tổ Trần Lý, Tuyên-Minh thái hoàng thái hậu sinh Thái-tổ Trần Thừa. Thái-tổ Trần Thừa sinh Anh-sinh vương Trần Liễu. An-sinh vương Trần Liễu sinh Hưng-Đạo vương.


Nguyên-Phong hoàng đế ban chỉ phong chức tước cho các tướng Cụ-bản như sau :


Đô-thống Lê Phẩm thăng lên Vân-ma thượng tướng quân, tước Phong-điền bá.


Đô-thống Nguyễn Bích thăng lên Chinh-thảo thượng tướng quân, tước Nga-sơn bá.


Đô-thống Phạm Long thăng lên Bình-Tây thượng tướng quân, tước Hiệp-sơn bá.


Đại-tư Vũ Mạc thăng lên An-phủ sứ Hồng-châu.


Mụ Tình xin được theo hầu Tuyên-minh thái hoàng thái hậu.


Quách thị Gái được truy phong Thạc-hòa Vũ-liệt Anh-văn công chúa. Sau này, hết giặc, triều đình ban tiền truyền dân làng Cụ-bản lập miếu thờ. Nay không còn di tích.


Bọn tướng trâu lại được thăng chức từ Đô-úy lên Vệ-úy, quân hàm Tá-lĩnh. Tuy cách nhau có mấy ngày, nhưng bọn tướng trâu đã biết giá trị của quân giai, chúng tạ ơn nhà vua, vui vẻ nhận sự ban thưởng. Riêng Dã-Tượng, Hĩm Còi, công trạng quá nhiều, chúng được thăng lên cấp Đô-thống. Tổng lĩnh bọn tướng trâu.


Các tướng sĩ nhất nhất đều được thăng chức, tước. Lại truyền tất cả rút về Đông Thăng-long đặt dưới quyền Hưng-Ninh vương để bổ xung quân số, chuẩn bị phản công.


Bọn tướng trâu lại nhao nhao đòi ở lại chiến đấu. Ai nói chúng cũng không nghe. Chúng còn viện dẫn một điều luật của Ngưu-binh, mà chúng được học tại trường Hoa-lư :


« Chúng ta là con cháu của Phù-Đổng thiên vương, là hậu duệ của vua Đinh. Khi đối diện với địch quân, chúng ta chỉ tiến mà không lùi. Tiến là vinh, lùi là nhục ».


Cuối cùng Hưng-Đạo vương phải can thiệp :


- Ta biết các con là con cháu Phù-Đổng thiên vương, là hậu duệ của vua Đinh. Ta ghi nhận tấc lòng son với xã tắc của các con. Thế nhưng địa thế Phù-lỗ quá chật hẹp, không cần nhiều Ngưu-binh. Vậy trong 20 Vệ-úy, chỉ 5 con ở lại cũng đủ rồi.


Nghe vương ban lệnh, chúng răm rắp tuân theo. Vương tiếp :


- Ta quyết định để Đô-thống Hĩm Còi với 5 Vệ-úy Cái ở lại dự trận Phù-lỗ.


Vương gọi Hĩm Còi vào trướng, rồi ghé miệng vào tai nó dặn dò một lúc. Không biết vương dặn gì, mà chỉ thấy con bé cười rất tươi luôn gật đầu, tỏ ra thích thú vô cùng.


Hưng-Đạo vương ban lệnh cho Phú-lương hầu Trần Tử-Đức:


- Hơn tháng trước, triều đình phái loa đi khắp các phường quanh Thăng-long giảng cho dân chúng biết rõ sự tàn bạo của Mông-cổ, rồi ban lệnh cho dân chúng phải rời khỏi Thăng-long. Thế nhưng có người nghe, có người không. Vì vậy mà đến hôm qua, Thăng-long còn đến ba phần chưa sơ tán. Sau khi Bình-lệ-nguyên thất thủ, tin đưa về, triều đình lại sai loa đi báo cho dân biết, rồi hạ lệnh: Nội trong một hai ngày, quan quân sẽ rút khỏi Thăng-long. Dù Mông-cổ chưa tới, nhưng Thăng-long không có quân canh phòng, e trộm cướp sẽ hoành hành. Thế nhưng bọn người Hoa nhất định không tin, không nghe. Họ cho rằng Mông-cổ sang đây với mục đích đánh vua Việt, dân Việt. Họ là người ngoại quốc, họ vô can. Những người Hoa này ảnh hưởng tới nhiều người Việt.


Trần Tử-Đức than:


- Triều đình cũng như vương huynh đã hết sức lo lắng, yêu thương dân, ngay dù dân đó là người Hoa. Nhưng họ lại không tự biết yêu thương lấy họ, thì mình cũng không làm gì hơn được.


- Đệ luận như vậy là luận theo lý. Phàm làm vua, làm quan, phải coi dân như con đỏ. Con mình, mình dạy năm lần bẩy lượt mà còn không xong, huống hồ dân chúng. Dù họ không nghe triều đình, nhưng triều đình không thể để họ bị giặc giết. Nên Hoàng-thượng truyền Khâm-Thiên đại vương lưu ba hiệu Thiên-thuộc, Thiên-cương, Thiên-thánh, đóng lẫn với dân trong thành Thăng-long, để bảo vệ họ đến giờ chót... Tôi cũng đã ban lệnh cho chiến lũy Cụ-bản, bằng mọi giá phải cầm chân giặc trong năm ngày, để dân chúng Thăng-long có thời giờ sơ tán. Nhưng thế giặc mạnh quá, thành ra Cụ-bản thất thủ.


Vương nắm tay Hầu:


- Vậy quân hầu hãy cố gắng cầm cự càng lâu càng tốt, để dân Thăng-long kịp chạy về các vùng quê.


Trần Tử-Đức cam kết:


- Xin Tiết-chế an tâm. Nếu giặc muốn vượt qua Phù-lỗ thì chúng phải bước qua xác thần.


Nguyên-Phong hoàng đế, Hưng-Đạo vương cùng một số đại thần xuống thuyền xuôi về Thăng-long.


Phú-lương hầu họp chư tướng lại, phân nhiệm vụ lần cuối. Hầu nói với chư tướng:


- Từ khi nhập biên đến giờ, giặc bị bất ngờ, bị trúng kế của ta quá nhiều. Tuy chúng bị thiệt hại nặng, nhưng chưa quá 1 phần mười quân số. Bây giờ, Cụ-bản thất thủ, có lẽ sáng mai chúng sẽ đánh ta.


Ông chỉ vào địa thế Phù-lỗ:


- Vị trí của ta hai mặt là sông. Phía sau là cánh đồng. Bên hông trái là rừng lau sậy. Nếu ta phá cầu, thì không dễ gì chúng vượt sông tấn công ta được. Nhưng sông về mùa Đông, nước cạn, có thể chúng lội sang tấn công. Chúng ta hiện chỉ có một hiệu bộ binh Yên-phụ, một đạo Ngưu-binh, một đạo Kỵ-binh. Trong khi giặc có hai chục vạn. Vậy chúng ta phải nghênh chiến như thế nào, để có thể cầm chân giặc ?


Đô-thống Trần Trữ, chỉ huy hiệu binh Yên-phụ đề nghị:


- Theo binh pháp của Hưng-Đạo vương, khi đối phương là quân ngoại quốc, dù dùng chiến thuật nào chăng nữa, ta cũng luôn đặt chúng vào thế bị động. Vì thế, từ khi Mông-cổ nhập biên đến giờ, chúng không bao giờ được yên. Như đoạn đường từ biên giới tới Thảo-lâm do Vũ-Uy vương. Từ Thảo-lâm đến Bình-lệ-nguyên do tướng Lê Phụ-Trần. Từ Bình-lệ-nguyên tới Cụ-bản do tướng Phạm Cụ-Chích. Không lẽ từ Cụ-bản đến đây, ta để cho chúng yên?


Đô-thống Nguyễn Thiên-Sanh đứng dậy :


- Không! Đời nào ta để cho chúng yên nhỉ?


Là người có chí khí hùng tráng, ông phát biểu như thế, nhưng vốn ít mưu, ông hỏi lại cử tọa :


- Vậy chúng ta nên làm những gì?


Cử tọa bật cười.


Đô-thống Trần Trữ nghị:


- Từ Cụ-bản tới đây không quá hai chục dặm. Đường lại rộng, hai bên là cánh đồng lau sậy, cỏ gianh, rất khó ẩn núp. Mông-cổ chỉ cần một khắc là chiến mã của chúng có thể tới đây. Muốn cản chúng ta phải làm gì ? Ta dùng Ngưu-binh đột kích trong đêm, e không hiệu nghiệm nữa. Nã Lôi-tiễn e cũng khó khăn, vì địa thế quanh Phù-lỗ không có vị trí nào an toàn để đặt Lôi-tiễn.


Mọi người đưa mắt nhìn Đô-thống Lý Tùng-Bách, bởi ông nổi tiếng là mưu thần, chước thánh. Lý Tùng-Bách trầm tư một lát rồi đứng lên:


- Trước hết, căn cứ Phù-lỗ này là một ải, hơn là một chiến lũy, cũng không phải là một làng như Cụ-bản. Trong ải chỉ có quân, không có dân. Cũng lại không có hào sâu, lũy tre phòng vệ. Từ bờ đê đến ải có một khu rừng trúc khoảng hơn dặm. Khu này đất cứng. Giặc có thể đặt máy bắn đá, Lôi-tiễn nã vào ta. Vì vậy tôi có đề nghị : Một là, dọc hàng rào, cũng như trong ải, ta đào thực nhiều hố cá nhân, vừa đủ một người ngồi nấp ở dưới. Như vậy, nếu chúng nã Lôi-tiễn, bắn đá vào, thì chỉ khi nào rơi trúng hố, mới khiến quân ta thiệt hại mà thôi. Khi giặc tấn công, ta đợi chúng tới hàng rào, quân hai bên lẫn vào nhau, Lôi-tiễn, máy bắn đá vô dụng. Bấy giờ ta dùng đao-quất phản công, thì có thể giữ được ải lâu hơn. Hai là, ải quá hẹp, giữ Ngưu-binh, Kỵ-binh ở trong vô ích, chỉ làm mồi cho Lôi-tiễn, cho máy bắn đá. Từ lúc nhập biên đến giờ, bọn Mông-cổ chưa được xử dụng Kỵ-binh, chúng cực kỳ ấm ức. Nhân đoạn đường Cụ-bản đến đây, hai bên đường toàn cỏ gianh. Phía sau lớp cỏ gianh khoảng 3 đặm, có khu đất dài 8 dặm, sâu 10 dặm. Sâu nữa là đồng lầy. Tôi sẽ lừa cho chúng đem Lôi-kỵ vào đó, rồi kỵ chiến, ngưu chiến một trận cho chúng biết con cháu Phù-Đổng Thiên-vương giỏi kỵ chiến hơn chúng nhiều. Sau đó chúng ta làm như thế...như thế...May ra ta có thể cầm chân chúng được ít ngày, để Thăng-long có thời giờ di tản. Ba là khi chúng tiến quân đến bờ sông, thấy sông nông, chúng sẽ cho Lôi-kỵ lội qua. Ta đào hố cá nhân bên bờ Nam đê, phục binh tại đây, đợi khi Lôi-kỵ vừa tới thì nấp sau khiên-mây, dùng Nỏ-thần, đao-quất, tấn công.


Ông hỏi Đô-thống Ngưu-binh Hĩm Còi:


- Hôm qua bọn em giải 180 tù binh Mông-cổ theo. Lúc về tới đây thì 3 thương binh bị chết. Hiện chưa chôn. Khi rời đây về Thăng-long, Hưng-Đạo vương đã ban lệnh cho em phải làm như thế...như thế...Có đúng không?


- Đúng vậy!


- Ái chà!


Phú-lương hầu xua tay: Làm như vậy thì thành công, nhưng nguy hiểm lắm!


Đô-thống Nguyễn Thiên-Sanh tỏ ra thích thú :


- Nguy hiểm thì nguy hiểm, theo tôi nghĩ chỉ có phương pháp đó thôi. Tôi xin lĩnh nhiệm vụ này.


- Được !


Tử Đức miễn cưỡng gật đầu: Còn trấn thủ ải. Tuyến bờ sông do quận chúa Ý Ninh chỉ huy. Tuyến trái do phu nhân Thiệu Hoa chỉ huy. Tuyến phải do Đô-thống Trần Trữ chỉ huy. Tuyến hậu do Vệ-úy Trần Minh chỉ huy.


Quận chúa Trần Ý Ninh đề nghị:


- Trước sau gì thì chúng cũng cho Kỵ-binh vượt sông. Vậy dưới lòng giòng sông, nửa bên này, ta nên đóng thực nhiều chông, chăng giây ngầm. Khi chúng vừa tới bờ, bị vướng giây, dẵm chông, hàng ngũ hỗn loạn, thì Nỏ-thần, đao quất tấn công mới có hiệu quả.


Đến đó chim ưng mang lệnh của Hưng-Đạo vương đến:


" Phải tối cẩn thận. Quân Mông-cổ đang đóng thêm bè, nhặt những thuyền nhỏ của dân chúng. Có thể sáng mai, khi đánh Phù-lỗ quá khó khăn, chúng sẽ bỏ Phù-lỗ lại sau, rồi tốc thẳng tới Thăng-long. Trường hợp này cần thủ ải cho chắc. Mặt trận Thăng-long đã có Khâm-Thiên đại vương đối phó".


Sáng hôm sau, khi ánh bình minh vừa ló rạng, thì Ngột-lương Hợp-Thai ban lệnh cho các tướng :


- Trước mặt chúng ta là chiến lũy Phù-lỗ. Từ đây tới Phù-lỗ, đường không quá 20 dặm. Bên phải là sông, bên trái là khu rừng hoang toàn cỏ gianh. Bây giờ đang giữa mùa Đông, cỏ khô héo, lưa thưa, chúng không thể phục binh. Qua Phù-lỗ 20 dặm là tới Thăng-long. Chiếm Thăng-long rồi, thì các phủ, các trấn phải đầu hàng. Vậy lương thực ta để cả ở Cụ-bản. Đợi khi vào Thăng-long, thì ta bắt các quan lại An-Nam phải cung đốn.


Lập tức, y ra lệnh tiến quân. Hơn giờ sau, đoàn Lôi-kỵ đã xuất khỏi Cụ-bản, dàn hàng ba, nối đuôi nhau hướng về Phù-lỗ. Người chỉ huy chính là A Truật, con trai của Ngộït-lương Hợp-thai.


Sau cái chết của hai đại tướng Triệt Triệt Đô, A Tan, với năm Vạn-phu trưởng, mười Thiên-phu trưởng. Quân Mông-cổ không còn kiêu khí nữa, mà trong thâm tâm những người lính Mông-cổ đều nghĩ rằng, mình đang đi vào vùng đất linh. Thiên-phu dẫn đầu là Thiên-phu do Hòa-Khâm chỉ huy.


Vó ngựa vỗ dòn dã trên đường. Ra khỏi cổng hậu của làng, thì đi vào vùng đất hoang toàn cỏ gianh, lau sậy ở hai bên đường. Bấy giờ là tiết trọng Đông, cỏ khô héo. Mấy hôm nay trời lại không mưa, nên cây cỏ càng hiu hắt.


Thình lình quân ùn lại. Thập-phu trưởng đi đầu quay ngựa báo :


- Thưa tướng quân, giữa đường có năm Lôi-kỵ ngồi quay lưng lại phía ta. Xin tướng quân quyết định.


- Phải cẩn thận ! Coi chừng trúng ma kế của Nam-man.


Y tế ngựa lên quan sát : Năm Lôi-kỵ ngồi bất động. Quân phục trên người còn đầy đủ. Quan sát xung quanh, không thấy có gì đáng ngại. Y hất hàm ra lệnh. Hai Lôi-kỵ xuống ngựa, lại quan sát. Thì ra đó là năm xác tử sĩ, được đặt giữa đường.


- Hãy đem vào bãi đất kia chôn cất tử tế.


Vì là quân tiên phong, không có lao binh theo, nên mười Lôi-kỵ phải xuống ngựa. Ngựa thả bên đường. Vũ khí bỏ cạnh xác tử sĩ , rồi dùng mai đào lỗ. Toàn quân tiếp tục hành trình. Cho đến lúc người lính cuối cùng của Thiên-phu tiên phong đã khuất vào khu rừng cỏ, mà cuộc đào hố vẫn chưa xong.


Bỗng có tiếng quát lớn, rồi ba thây ma đang nằm trên bãi cỏ ven đường, vọt mình dậy, tay chụp đao. Đao vung lên, sáu Lôi-kỵ bị chặt làm hai khúc. Bốn Lôi-kỵ còn lại, chưa kịp phản ứng thì đã bị mười đứa con gái từ bụi rậm xuất hiện. Nhanh không thể tưởng tượng được, chúng dùng gậy tre phang túi bụi. Cả sáu Lôi-kỵ bị bắt.


Hĩm Còi khen :


- Anh Sanh ! Mưu anh hay thực. Bây giờ ta phải làm gì ?


- Đặt sáu xác chết này nằm ngay ngắn thành hàng giữa đường. Rồi ta làm như thế...như thế...


Thiên-phu thứ nhì nối tiếp ra khỏi Cụ-bản, do Thiên-phu trưởng Vương Huy chỉ huy. Vừa ra khỏi làng, viên Thập-phu trưởng đi đầu khám phá ra một hiện tượng kỳ lạ : Giữa đường, sáu xác chết Lôi-kỵ nằm thành một hàng ngay ngắn. Cạnh mỗi xác chết là một cây gậy tre, loại vót nhọn, mà dân binh Việt thường dùng. Sáu cây gậy cắm xuống cạnh sáu xác chết.


Y dừng ngựa lại, tay lăm lăm vũ khí, quan sát xung quanh : Trên bãi đất cạnh đường còn ba xác chết nữa, máu đã khô, đặt cạnh sáu cái hố mới đào. Hiện tượng quái gở này, không sao giải thích được. Y quay ngựa trở lại báo với Vương Huy. Vương Huy cũng kinh ngạc không ít :


- Rõ ràng Thiên-phu đi đầu chưa giao chiến với giặc, mà sao lại có sáu xác mới chết, và ba xác chết đã lâu ?


Bỗng có tiếng kêu cứu từ trong rừng cỏ vọng ra :


- Tôi là Thập-phu trưởng Dược Ca Đa (Jurcãdã). Cứu tôi với.


Tiếng kêu không xa mấy.


Vương Huy hỏi :


- Người ở đâu ?


- Tôi bị bắt, bị trói bỏ vào chỗ cỏ rậm này.


Rừng cỏ mênh mông, biết chỗ nào mà tìm ?


Vương Huy chỉ tay ra lệnh. Ba Lôi-kỵ rẽ ngựa vào rừng cỏ. Tiếng cầu cứu vẫn vọng lại :


- Cứu tôi với.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bích Huyết Kiếm - Kim Dung

Bích Huyết Kiếm - Kim Dung

Trích đoạn: Mặt trời sắp lặn, đàn quạ đang bay về tổ. Trên con đường cái quan

11-07-2016 1 chương
Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Nếu mọi nhà ở thành Lạc Dương nao nức chờ đến một ngày mới trong cái Tết ròng

11-07-2016 51 chương
Gọt giũa yêu thương

Gọt giũa yêu thương

Có thể mọi người sẽ nghĩ rằng đó là một điều khó chấp nhận khi tình yêu xuất

29-06-2016
Thanh Chương quê tôi

Thanh Chương quê tôi

Hà Nội mùa này đã vào Thu! Cái thời tiết se se lạnh làm cho lòng ta dẫy lên

23-06-2016
Bài kiểm tra nhớ đời

Bài kiểm tra nhớ đời

Khi tôi đang còn học năm thứ hai trường nữ hộ sinh, một ngày nọ, vị giáo sư già cho

01-07-2016
Có duyên không phận

Có duyên không phận

Một con dao, một dòng máu đỏ, một cái xác ôm một người. Tiếng gió rít mạnh mùa

27-06-2016
P.H.Ố

P.H.Ố

Ngày cuối năm chẳng hăm hở đi đâu như ngày đầu. Nằm im trong phòng thấy cái lạnh se

23-06-2016