Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 23 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 33

↓↓

Cương la mang mang.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Dĩ oán báo đức,


Thập bát tử thành.


Long sa thử địa,


Ty thằng u hoang


Ta hồ! Thống khổ,


Nhụ tử đoạn trường".


Nó cau mặt lại suy nghĩ, nhưng không hiểu ý nghĩa bốn câu đó.


Ghi chú của thuật giả:


Bài sấm này, tôi lấy trong gia phả của Chiêu-quốc vương Trần Ích-Tắc.


Sấm-ký vào thời Lý-Trần rất thịnh. Khi một bài sấm truyền ra, đương thời rất ít ai hiểu nổi. Phải chờ đến khi sự việc diễn ra xong, người ta mới vỡ lẽ.


Bài sấm này, xuất hiện vào năm Thiên-tư Gia-thụy thứ năm (DL.1194, Giáp Dần) khắc vào cây đề ở sau chùa Chân-giáo trong thành Thăng-long. Bấy giờ quan Thái-phó Lý Kính-Tu sai chép lại, rồi giải đoán, nhưng không ra. Phải chờ cho đến niên hiệu Kiến-trung thứ nhì đời vua Trần Thái-tông (DL.1226, Bính Tuất), khi vua Lý Huệ-tông thắt cổ trên cây ổi này chết, người ta mới hiểu rõ nghĩa.


Sự thực nghĩa tám câu này như sau: Trong khoảng trời đất mênh mông này, lưới trời lồng lộâng. Kẻ lấy oán thù mà báo đức của trăm họ chính là triều Lý (chữ thập, chữ bát, chữ tử thành chữ Lý). Rồng sẽ sa ở đây, bởi sợi dây tơ oan nghiệt vào lúc mặt trời lặn. Than ôi, Đau khổ biết bao! Thương thay đứa trẻ khổ sở, đến đứt ruột ra được.


Lời nguyện của Thủ-Độ vào đúng giờ linh, tại nơi có bài sấm định mệnh. Nên sau này Long-Sảm lên ngôi vua, tức Lý Huệ-tông, bị mất ngôi vua về họ Trần. Rồi sau 26 năm, vua Lý Huệ-tông treo cổ tại cây ổi này mà chết.(Ty là tơ, thằng là giây, u hoang nhật là mặt trời lặn, nghĩa là chữ sảm).


Chân-giáo là ngôi chùa nằm trong thành Thăng-long, được kiến tạo vào tháng 9 niên hiệu Thuận-thiên thứ mười lăm, đời vua Lý Thái-tổ (1024) để hằng ngày vua ra đó niệm Phật. Đến niên hiệu Chính-long Bảo-ứng thứ 7 thời vua Lý Anh-tông (1169), vua đã cho trùng tu lại. Thành ra ngôi chùa này gần như dành cho Hoàng-tộc đến lễ Phật, nghe kinh. Hôm ấy, tuy là ngày mười sáu, nhưng từ sáng sớm, các bà phi, cung nga, phu nhân đã tấp nập đến lễ bái. Ngoài cổng chùa, tiếng ngựa hí, tiếng người chào hỏi nhau ồn ào. Ăn mày xếp hàng chờ thập phương bố thí. Trong chùa tăng chúng chia nhau ra đón khách.


Trên người Thủ-Độ đầy những vết thương thâm tím, có chỗ chảy máu. Nó nằm co ro dưới gốc cây đề sau chùa, không ai để ý đến nó. Khoảng giờ Ngọ, khi chuông chùa đổ, nó mới giật mình thức giấc. Trong cơn mơ mơ tỉnh tỉnh, nó bật lên tiếng kêu:


- Khát nước! Xin cho uống nước!


Một phụ nữ lớn tuổi làm công quả trong chùa, nghe tiếng kêu, phát hiện ra nó. Bà chạy lại sờ trán nó, thấy trán nó nóng bỏng, bà vội dụt tay lại. Bà lên tiếng gọi:


- Sư bác ơi! Có thằng bé ăn mày bị ốm sắp chết! Xin sư bác cứu nó!


Một vị tăng còn trẻ chạy đến. Không nề quản đứa trẻ dơ bẩn, ông ta bồng nó đưa vào tăng phòng, đặt lên dường. Sau khi quan sát sơ sài ông ta hỏi nó:


- Con là ai? Tại sao lại bị đánh đòn thế nay? Ai đã đánh con?


Thủ-Độ đau quá, chỉ thều thào được mấy câu:


- Đau! Khát. Ông là ai ?


- Ta pháp danh là Chân-Minh !


Chân-Minh lấy nước đổ vào miệng Thủ-Độ, rồi gọi một thiếu niên:


- Con ra phường Yên-hoa mời Đại-phu Vũ Phòng-Phong, nói rằng: Thầy khẩn khoản thỉnh Đại-phu giá lâm, cứu mạng một đứa trẻ sắp chết.


Nghe Chân-Minh nói, Thủ-Độ chợt nhớ lại rằng cha nó có năm người sư tỷ tên Hoàng-Anh, Bạch-Hạc, Huyền-Mi, Thanh-Tước, Hồng-Yến được võ lâm tặng cho mỹ danh là Vỵ-xuyên ngũ tiên. Vỵ-xuyên ngũ tiên có thời đã cùng cha mẹ nó đi sứ Kim, rồi qua Mông-cổ chơi. Vỵ-xuyên ngũ-tiên kết hôn với Hồng-sơn ngũ đại-phu, học trò của Nam-phương Thần-y Lê Thúc-Cẩn. Trong năm đại phu đó, vị thứ nhì tên là Vũ Phòng-Phong, kết hôn vơí Bạch-Hạc. Nó nghĩ thầm:


- Không biết ông Phòng-Phong này có phải ông Phòng-Phong kết hôn với cô mình là Bạch-Hạc không? Xung quanh mình biết bao cạm bẫy, mình phải cẩn thận, chẳng nên nhận người thân vội. Long-Sảm, Long-Thẩm chẳng là máu thịt của mẹ ta ư? Thế mà chúng muốn giết ta! Biết đâu ông Phòng-Phong này chẳng giống bọn chúng?


Thiếu niên đi rồi, thấy Thủ-Độ đã tỉnh hẳn, vị tăng nói với nó:


- Đây là cửa Phật, không một quyền lực nào có thể ức chế con. Con đừng sợ hãi gì cả! Ai đã đánh con thế này ?


Đã mấy năm nay, bây giờ là lần đầu tiên Thủ-Độ mới được nghe mấy lời từ ái. Bao nhiêu uất ức chồng chất, như cái bong bóng căng thẳng nổ tung ra. Nó bật lên tiếng khóc. Nhà sư Chân-Minh vẫn ngọt ngào:


- Dường như con đói lắm rồi thì phải, để thầy lấy lộc Phật cho con hưởng.


Ông đứng lên, lấy hai bát chè bột sắn, một đĩa xôi lớn, một nải chuối để trước mặt nó. Không khách sáo, Thủ-Độ trộn xôi với chè rồi ăn. Nó vừa ăn xong, thì Đại-phu Vũ Phòng-Phong tới. Ông hành lễ với sư Chân-Minh, rồi bảo Thủ-Độ nằm xuống cho ông chẩn mạch. Sau khi xem các vết thương, mặt ông tái đi, hiện ra nét hoảng hốt như gặp một sự gì khủng khiếp lắm. Ông hỏi Thủ-Độ:


- Có phải cháu họ Trần không? Bố mẹ cháu là ai?


Thấy thái độ từ ái của Phòng-Phong, Thủ-Độ không muốn nói dối ông. Nó nắm lấy tay ông.


- Thưa Đại-phu! Đại-phu cứu mạng cho cháu, thì cháu muôn vàn cảm tạ. Nhưng xin Đại-phu đừng hỏi nai nịch cháu. Tong tâm cháu có điều khổ nắm, phải rấu ní nịch. Nên cháu không nói ra được. Cháu cũng không muốn nói rối Đại-phu.


Phòng-Phong bảo thiếu niên đi thỉnh ông ban nãy:


- Cháu trở về nhà ta, gọi phu nhân của ta đến đây, bảo rằng dù bận gì cũng phải đến ngay.


Ông quay lại nói với nhà sư Chân-Minh:


- Thưa thầy, đứa trẻ này khoảng tám, chín tuổi. Tiên-thiên khí của nó cực mạnh, chứng tỏ cha, mẹ nhiều đời luyện võ. Nó lại được nuôi dưỡng bằng thịt, rất ít rau đậu, cũng chẳng ăn cá. Khi nói, có nhiều giọng lơ lớ, thì ắt nó không phải là người sinh trưởng ở Đại-Việt. Chắc nó mới tới Đại-Việt ta không quá hai năm.


Thủ-Độ nghĩ thầm:


- Ông Đại-phu này thực là thần y. Ông chỉ chẩn đoán qua, mà biết rất rõ về ta.


Phòng-Phong tiếp:


- Tuy nó sinh ở ngoài Đại-Việt, nhưng chắc bố mẹ nó là người Thiên-trường, vì tiếng lai lịch, nó nói ra là nai nịch; lắm thành nắm; lý lịch thành ní nịch; dối thành rối; trong thành tong.


Chân-Minh gật đầu công nhận Phòng-Phong lý giải đúng. Phòng-Phong tiếp:


- Mông của nó hơi trai cứng, hai chân bành ra, thì nó được luyện thuật kỵ mã từ hồi ba bốn tuổi. Thuật kỵ mã này không phải của Trung-nguyên, cũng chẳng phải của Chiêm-thành, Đại-lý mà của phái Sài-sơn nhà tôi. Về nội công, thì căn bản nội công của nó là nội công Đông-A chính tông, mà chỉ con cháu trực hệ họ Trần mới được học. Hôm qua, nó đã đấu vơí người của phái Hoa-sơn, rồi nó bị đến năm người xúm vào đánh nó, vì tôi thấy có đến năm vết chân tay khác nhau. Hiện lá lách, gan, bọng đái của nó bị thương. Trong khi khu huyệt Tâm-du, Đản-trung bị trấn thương.


Nói rồi ông lắc đầu :


- Lá lách, can, bọng đái bị thương thì còn hy vọng cứu sống. Chứ khu Đản-trung, Tâm-du bị thương, thì tâm mạch bị trấn động, bị nghẽn, e nó không thể sống quá một năm nữa.


Nói rồi ông lấy ra một hộp kim, châm vào các huyệt Công-tôn, Nội-quan, Đản-trung, Tâm-du, Khuyết-âm-du, Túc Tam-lý , Dương-lăng-truyền và trên những chỗ bầm. Ông kinh ngạc vô cùng khi không thấy Thủ-Độ tỏ vẻ đau đớn như tất cả các bệnh nhân được trị bằng châm cứu. Lưu kim hơn khắc, ông rút kim ra, thì Thủ-Độ ngồi dậy được. Nó ọe một tiếng, mửa ra một búng máu bầm. Nó chắp tay:


- Đa tạ Đại-phu đã cứu cháu.


- Chưa xong đâu cháu.


Phòng-Phong nói vơí nó bằng cử chỉ thực dịu dàng: Mấy huyệt đó chỉ để tạm thông máu mà thôi. Ta sẽ dán cao trên các vết thương. Vì cháu bị đánh bầm khắp người, nên vừa trị bằng châm cứu, vừa trị bằng cao, cũng ít ra là mười ngày mới khỏi các viết ngoại thương. Còn nội thương thì phải trị bằng thuốc, bằng khí công.


Ông mơ màng nhìn trời :


- Nhưng muốn trị được lá lách, can, tâm, thì phải cần đến hai người có nội công thượng thừa liên thủ mới thành công.


Sư Chân-Minh hỏi :


- Hai người đó là ai ?


- Một người luyện nội công dương cương của phái Đông-A và một người luyện nội công âm nhu của phái Mê-linh. Nội công dương cương của Đông-A thì không khó. Còn nội công âm nhu của phái Mê-linh e bắc thang lên trời còn có thể làm được, chứ tìm nội công này thực vô phương.


Sư Chân-Minh kinh ngạc :


- Ý Đại-phu muốn nói ?


- Trong phái Đông-A hiện có tới gần trăm cao thủ luyện nội công tới mức thượng thừa. Còn nội công âm nhu của phái Mê-linh, thì chỉ có một người luyện thành. Mà người ấy với chúng ta nghìn trùng cách biệt, biết đâu mà tìm ?


Ông móc trong bọc ra một cuộn vải. Cuộn vải này một mặt trắng, một mặt trát cao đen. Thủ-Độ nhận ra đó là Hổ-cốt Phòng-phong cao, mà bố mẹ nó thường trị cho các đệ tử bị ngã, bị bầm chân tay. Phòng-Phong giảng giải:


- Cao này được chế ra từ thời Minh-Không bồ tát. Thành phần gồm Hổ-cốt, để trị trật đả, đau xương. Phòng-phong, Đinh-hương, Quế-chi để hoạt huyết. Xạ-hương để cho có mùi thơm.


Nói rồi ông cắt miếng vải miết cao thành những mảnh nhỏ, vừa bằng các vết thương, hơ vào cây nến, rồi dán lên người Thủ-Độ. Ông vừa dán xong, thì một thiếu phụ xinh đẹp tới. Ông thuật lại tất cả những gì liên quan đến Thủ-Độ, rồi nói với thiếu phụ:


- Bạch-Hạc! Em thử bắt mạch xem, có phải nội công của nó là nội công Đông-A chính tông không?


Bạch-Hạc cầm tay Thủ-Độ, bà dùng chân khí phóng vào người nó, thì thấy nội tức của nó có sức chống trả rất mạnh, rất quang minh chính đại. Bà mở to mắt nhìn nó, rồi rùng mình:


- Cháu! Ta tự giới thiệu, ta là vợ của Đại-phu đây. Ta là đệ tử của phái Đông-A như cháu. Cháu đã được luyện nội công Đông-A chính tông, thì nhất định cháu không là đệ tử thì cũng là con cháu họ Trần thuộc trực hệ. Vậy cha mẹ cháu là ai? Nếu không, ai đã dạy nội công này cho cháu?


Khi thấy Thủ-Độ xử dụng võ công, nội công Đông-A, thì Phòng-Phong cho rằng nó là đệ tử của một người ngang vai với vợ mình. Ông cực kỳ quan tâm, vì môn quy của phái Đông-A rất nghiêm, bất cứ ai, ức chế, đánh đập đệ tử của phái này, thì dù thủ phạm có chạy lên trời, môn phái cũng phải tìm cho ra để trả thù. Bây giờ thấy Thủ-Độ bị năm người đánh đến bị thương tích khắp người. Nên ông phải gọi vợ đến, để bà tìm hiểu xem đứa trẻ này thuộc giòng nào, chi nào của phái Đông-A? Ai đã đánh đập nó tàn nhẫn như vậy?


Thủ-Độ nhất định dấu lý lịch, nó trả lời:


- Cháu mồ côi mẹ, phải đi ăn mày kiếm sống. Trong lúc ăn xin, cháu gặp một bà rất xinh đẹp, bà bị người ta phục kích dùng loạn tên bắn bị trọng thương. Cháu cứu bà đem vào nhà băng bó vết thương cho bà. Bà cảm động, dạy cháu ít bản sự. Sau đó một tháng bà kiệt lực mà chết. Khi chết bà có di chúc ít điều, nhờ cháu nói lại với năm người.


- Bà ấy tên là gì?


- Cháu không dám nói. Bởi bà ấy dặn, cháu chỉ được nói tên bà với năm người mà thôi.


- Cháu có thể cho ta biết tên năm người ấy không?


Thủ-Độ ghé miệng và tai Bạch-Hạc nói nhỏ :


- Năm người đó là ông bà Trần Tự-Hấp, ông Trần Trần Lý, bà Trần Kim-Ngân và ông Trần Thủ-huy.


Bạch-Hạc giật bắn người lên. Bà bảo nó :


- Ta là con ông bà Tự-Hấp, là chị Trần Lý, Thủ-Huy, Kim-Ngân đây. Thủ-Huy hiện ở rất xa. Vậy cháu có thể về nhà ta nghỉ dưỡng bệnh một vài ngày, đợi bệnh của cháu thuyên giảm, ta sẽ sai người đưa cháu đi Thiên-trường gặp những người mà cháu muốn.


Thủ-Độ tin chắc người đối diện là chị nuôi, anh rể của bố mình. Nó không nghi ngờ, nhận lời :


- Vậy, cháu xin theo bà.


Nó móc trong bọc ra sợi dây bằng vàng, đeo một cái khánh ngọc xanh biếc, khắc hình con nai trong tư thế nhìn trời, trịnh trọng trao cho Phòng-Phong:


- Thưa Đại-phu, cháu xin tạ Đại-phu vật này, gọi là chút lòng thành, kỷ niệm Đại-phu đã cứu mạng cháu.


Phòng-Phong cầm lấy cái khánh ngọc, quan sát sơ qua, mặt ông tái xanh, giọng ông run run hỏi nó:


- Cái khánh này ở đâu mà cháu có?


Ông gọi vợ:


- Bạch-Hạc, em xem này!


Bạch-Hạc cầm cái khánh ngọc, mặt bà trở thành nghiêm trọng. Bà nói bằng giọng cực kỳ thiết tha:


- Côi-sơn song ưng! Cháu là người thế nào của Côi-sơn song ưng?


Nguyên cái khánh ngọc đó có lai lịch rất đặc biệt. Côi-sơn nam hiệp là hoàng trưởng tử của vua Lý Thần-tông với sủng phi Hồng-Hạnh. Khi ông sinh ra, phụ hoàng truyền lấy ngọc khắc hình con hươu, rồi ban cho, đặt tên là Thiên-Lộc, phong làm Thái-tử. Tuy ông là trưởng tử, nhưng mẹ xuất thân là dân dã, lại là thứ phi, nên khi phụ hoàng băng hà, ông không được truyền ngôi. Ông mất chức Thái-tử, được phong tước Minh-Đạo đại vương. Cảm-Thánh thái hậu gian dâm với Đỗ Anh-Vũ, sợ bóng sợ gió ông, rồi vu cho ông mưu phản. Vốn là đệ tử của đại hiệp Tự-Kinh phái Đông-A, mẹ là đệ tử phái Tản-viên. Hai mẹ con cùng bỏ đi giang hồ, xưng là Côi-sơn song ưng, dùng ba thước gươm tru diệt bọn tham quan, bọn hại dân, bọn cường hào. Khắp hoàng tộc nhà Lý cho tơí các đại thần, sĩ dân, võ lâm khi thấy cái khánh đó, thì coi như thấy Côi-sơn song ưng. Trong ngày Thủ-Huy Đoan-Nghi đang trên đường sang Tống, lúc tới Quảng-châu, thì sứ giả của Song-ưng mang đến tặng, với ngụ ý rằng " Ta trao cái nhiệm vụ Côi-sơn song ưng cho cháu". Khi Thủ-Độ lên đường về nước, Thủ-Huy đeo vào cổ cho con. Song ông không nói lai lịch cái khánh đó ra sao. Bây giờ vợ chồng Phòng-Phong thấy cái khánh này, hỏi sao không giật mình?


Phòng-Phong run run hỏi:


- Cái khánh này ở đâu mà cháu có?


Thủ-Độ sợ nói rằng của bố cho, thì nó sẽ bị lộ tông tích. Nó nói dối:

Chương trước | Chương sau

↑↑
Liên Thành quyết - Kim Dung

Liên Thành quyết - Kim Dung

Giới thiệu: Liên thành quyết là câu chuyện kể về chàng trai Địch Vân thật thà,

08-07-2016 49 chương
Ân Cừu Ký - Giả Cổ Long

Ân Cừu Ký - Giả Cổ Long

Mở đầu: Bốn đại cao thủ Thiên giáo vận y phục bó chẽn, màu xám ngoét sầm sập

12-07-2016 50 chương
Chờ đợi để yêu

Chờ đợi để yêu

Cuộc đời quả thật khó đoán. Một anh chàng từng làm "cấp trên" của tôi trong quán ăn

23-06-2016
Đời cười

Đời cười

(khotruyenhay.gq) Trong tôi lại hiện về kí ức của một sân khấu chật kín người, đứa

26-06-2016
Thư mục "Kỉ niệm"

Thư mục "Kỉ niệm"

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại") Đâu cần

27-06-2016
Lời xin lỗi nho nhỏ

Lời xin lỗi nho nhỏ

Tự dưng Trâm đi ngang qua tôi trên phố đông người, thản nhiên không hề biết. Tôi hơi

28-06-2016
Có một mùa hoa ở lại

Có một mùa hoa ở lại

Ai rồi cũng sẽ đi qua những tháng ngày vụng dại của tuổi trẻ. Ai rồi cũng có lúc

24-06-2016
Kẻ cắp giấc mơ

Kẻ cắp giấc mơ

Mấy bữa nó mon men lại gần mẹ, muốn ỉ ôi xin mẹ cho nó thi, rồi lại chùn chân ôm

24-06-2016
Đơn xin cầu hôn

Đơn xin cầu hôn

(khotruyenhay.gq) Và, anh, xin anh, anh hãy nghe cho rõ nhé.... Em sẽ chỉ dũng cảm được 1

30-06-2016

Old school Easter eggs.