Nước mắt đầm đìa, Đoan-Nghi vỗ vào vai Long-Tùng, Đoan-Thanh, hút độc tố Huyền-âm, rồi than :
- Tục ngữ Việt có câu : Đánh nhau vỡ đầu rồi mới nhận họ, thực không sai. Sáng nay chị thấy hai em theo dõi, lại tưởng là gian tế mưu hại, nên mới phóng độc, để biết tông tích kẻ theo mình. Không ngờ là ruột thịt mình.
Đoan-Nghi hỏi Đoan-Thanh :
- Tiểu muội ! Thế cái gã đánh xe ngựa cho chúng tôi là ai ?
bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
- Y là người của phái Không-động tại Quảng-châu. Thần không rõ y giả làm phu xe với ý định gì ?
Đoan-Nghi cầm tay Đoan-Thanh :
- Em ạ ! Vạn lý tha hương ngộ cố tri còn đáng mừng, huống chi chúng ta là máu mủ. Vậy hai em cứ gọi chúng ta là anh, là chị cho thân mật.
Thủ-Huy quyết định :
- Khả-hãn Mông-cổ đã có lòng tưởng nhớ cố cựu, chúng ta lại đang ở vào cái thế cùng đường. Về nước thì con dâm phụ Đỗ Thụy-Châu sẽ kết tội vi chỉ. Còn như ở đây, thì là tù giam lỏng. Nào ! Chúng ta hãy đi Mông-cổ du ngoạn một lần cho tiêu sầu. Vậy ngay từ ngày mai, hai em dậy tất cả chúng ta nói tiếng Mông-cổ. Không biết tiếng Mông-cổ có khó học không ?
- Rất dễ học.
Đoan-Thanh mỉm cười :
- Người Mông-cổ học tiếng Việt dễ dàng, thì người Việt học tiếng nói vùng Thảo-nguyên cũng không khó.
Từ khi theo cặp vợ chồng này, Thúy-Thúy thấy bất cứ quyết định gì, dù nhỏ nhặt, Thủ-Huy cũng hỏi ý kiến vợ . Thế mà bây giờ quyết định một việc cực kỳ hệ trọng, Thủ-Huy lại đơn phương hạ lệnh. Nàng không khỏi lo ngại cho hạnh phúc của chủ nhân.
Thủ-Huy hỏi Long-Tùng :
- Hồi chúng ta lên Mông-cổ, thì các em ở đâu, mà chúng ta không gặp ?
- Bấy giờ song thân em đang ở ngọn núi Thiết-sơn tại miền Bắc, để huấn luyện binh pháp Đại-Việt cho binh đoàn Mông-cổ. Sau khi sứ đoàn Mông-cổ đi Đại-Việt kết thân, Khả-hãn mới gọi song thân em về, để hỏi thăm lịch sử, phong tục nước mình.
- Thế từ khi chúng ta rời Mông-cổ đến giờ, Khả-hãn Thiết Mộc Chân với chư vị tướng lĩnh có gì thay đổi không ?
- Thay đổi nhiều lắm !
Long-Tùng thuật : Mông-cổ đang từ một bộï tộc nhỏ bé, nhờ Khả-hãn Thiết Mộc Chân có tài, có đức mà trở thành một nước đứng hàng thứ ba ở vùng đồng cỏ, nên không thể nào tránh được cái nạn ghen ghét. Lại nữa Khả-hãn Thiết Mộc Chân xuất thân từ một đứa trẻ mồ côi, bị đời khinh miệt, chỉ trong một thời gian ngắn, vươn lên địa vị vị Đại-hãn uy tín bậc nhì, bậc ba vùng cực Bắc, nên phải hứng tất cả những đố kị. Vì vậy, Mông-cổ luôn bị đặt vào thế phải chiến đấu để tự tồn.
Thủ-Huy muốn tìm hiểu tường tận về Mông-cổ, công tỏ mối chân tình :
- Tôi với các tướng Mông-cổ tuy thân với nhau. Nhờ Thái-tử sâm của họ mà tôi còn sống đến ngày nay. Tôi cũng cứu mạng cho họ. Tình nghĩa cực thâm trọng, nhưng tôi lại biết rất ít về họ. Thủa thiếu thời, đọc sử Trung-quốc, tôi chỉ biết rằng, vùng phía Nam Vạn-lý trường thành thì gọi là Quan-nội, tộc Hán sống ở đây. Vùng ngoài Vạn-lý trường thành thì gọi là Quan-ngoại. Các bộ tộc sống theo lối du mục, người Hán gọi là...
- Rợ ! Là Địch ! Là Hung-nô !
Đoan-Thanh cướp lời Thủ-Huy: Nếu cứ gọi theo người Hán, thì những người ở phương Bắc đều là Địch, ở phương Tây đều là Nhung, ở phương Đông đều là Di, và ở phương Nam đều là...
- Man !
Thủ-Huy cũng ngắt lời Đoan-Thanh :
- Đấy kinh Thư do mấy ông nhà văn hủ lậu viết ra, rồi người sau cứ thế mà tin. Cứ như trong bộ Sử-ký của Tư-mã Thiên, vào thời Tần Thủy-hoàng, các bộ tộc Hán ở phía Bắc bị những dân du mục vào đánh phá, nên nhà vua cho xây thành để đề phòng. Bộ Hán-thư thuật : Tuy có Trường-thành bảo vệ, nhưng đời Hán, dân Trung-quốc vẫn bị dân du mục vượt qua, vào đánh phá. Vua Hán phải đem những cung nga xinh đẹp cống cho các chúa ở Quan-ngoại để được yên thân. Sang đời Tấn, lại bị năm bộ tộc thay nhau đánh chiếm, rồi cai trị Trung-nguyên, sử Trung-quốc gọi là Ngũ Hồ loạn Hoa...(304-439 sau TL) Đầu đời Tống, bộ tộc Khiết-đan mạnh hơn, thành lập nước Liêu, đánh chiếm nửa giang sơn Tống, bắt Tống tiến cống, dâng đất rất nhục nhã. Cho đến gần đây, bộ tộc Nữ-chân hùng mạnh lên, diệt Liêu, thành lập Kim, tràn vào chiếm Trung-nguyên, bắt vua Huy-tông, Khâm-tông, hoàng hậu, phi tần mang về. Hiện Tống chỉ còn lại từ vùng Trường-giang trở xuống. Đấy, tôi biết có vậy mà thôi. Nguồn gốc tộc Mông-cổ thế nào, tôi mù tịt.
Thấy Thủ-Huy thành thực, Long-Tùng bảo Đoan-Thanh :
- Em hãy thuật tiểu sử Đại-hãn của Mông-cổ cho phò mã biết.
Đoan-Thanh ngồi ngay ngắn lại thuật :
- Kim chỉ cai trị được vùng Bắc Trung-nguyên, cùng một số vùng Quan-ngoại, nơi mà dân chúng sống bằng nghề nông. Còn vùng bình nguyên cỏ hoang mênh mông, đầy thú hoang, nước ngọt, thường gọi tắt là Thảo nguyên, dân du mục sống thành tộc nhỏ, thì Kim chịu thua. Khởi đầu Mông-cổ chỉ là một tộc của vùng Thảo-nguyên. Sau nhiều đời, tộc Mông-cổ chinh phục, hoặc kết nạp một số tộc khác về sống chung thành một bộ tộc. Tại vùng Thảo-nguyên trải qua mấy trăm năm, khi thì các bộ tộc chém giết, thôn tính lẫn nhau. Khi thì đoàn kết chống xâm lăng. Cuối cùng các bộ tộc hình thành nhiều nước. Các nước này nói cùng thứ tiếng, cùng một tổ chức cai trị, sống thành đoàn trại, gọi là tiểu quốc.
Long-Tùng giải thích thêm :
- Bên mình thì đơn vị nhỏ nhất là làng, xã, rồi quận, huyện, cao hơn là châu, lộ. Cuối cùng là nước. Tại vùng Thảo-nguyên thì là tộc, bộ tộc, tiểu quốc. Tuy tên khác nhau, nhưng cũng có hệ thống, thứ bậc.
Đoan-Thanh tiếp :
- Mỗi tộc có một tộc trưởng theo lối cha truyền con nối, họ là những nhà quý tộc. Người cầm đầu của mỗi bộ tộc gọi là Hãn. Hãn có thể do cha truyền con nối, có thể do các quý tộc bầu lên. Mọi luật lệ, mọi quyết định của bộ tộc đều do hội đồng quý tộc quyết định.
Thủ-Huy khen :
- Hay ! Như vậy tránh được cái nạn quyền hành nằm trong tay Hãn, rồi muốn giết ai thì giết, muốn ban phúc giáng họa cho ai thì ban. Thế cái hội đồng quý tộc đó do ai điều khiển ! Hay cũng bầu lên ?
- Người điều khiển hội đồng quý tộc không phải là các Hãn mà là các Đạo-sư. Đạo-sư là các tu sĩ, coi như người đại điện của Thượng-đế Mặt-trời.
Đoan-Nghi thắc mắc :
- Nếu vậy, thì giữa Đạo-sư với Hãn, ai nắm thực quyền ?
- Tùy bộ tộc. Khi các Hãn mạnh thì họ lấn át Đạo-sư. Khi Đạo-sư mạnh thì họ lấn át các Hãn. Có khi các Hãn kiêm luôn Đạo-sư. Trong khoảng hơn ba trăm năm gần đây vì nhu cầu tự vệ để sống còn, các bộ tộc hợp nhau lại thành những nước nhỏ. Thủ-lĩnh các nước nhỏ này gọi là Khả-hãn. Mỗi nước nhỏ đều có hội đồng quý tộc, hội đồng cũng do các Đạo-sư điều khiển. Từ ngày có các nước nhỏ, thì các nước này thường vượt biên tràn cào các nước văn minh, định cư như Thổ-phồn, Tây-hạ Tây-liêu, Đại-kim cướp bóc. Các nước này muốn có một biên giới phía Bắc yên ổn, đã tìm đủ cách thu phục các tiểu quốc Thảo-nguyên. Khi thì dụ dỗ phong chức tước, khi thì đem quân chinh phạt, khi thì giúp nước này đánh nước kia. Vì vậy chiến tranh giữa các nước vùng Thảo-nguyên không bao giờ ngừng. Sau một thời gian, các nước nhỏ bị chinh phạt, hoặc tự nguyện kết hợp lại thành những nước lớn. Hiện nay toàn Thảo-nguyên còn lại có ba nước lớn theo thứ tự là Nãi-man, Khắc-liệt, Mông-cổ. Mỗi nước có một vua, gọi là Đại-hãn. Cạnh Đại-hãn cũng có một hội đồng quý tộc, do các Tổng Đạo-sư điều khiển.
Đoan-Nghi hỏi :
- Em đã biết Trung-quốc, Đại-Việt. So với Trung, với Việt, vùng Thảo-nguyên này rộng, hẹp thế nào ?
- Về diện tích thì lớn hơn Trung-quốc. Về dân số, thì chỉ bằng ba Đại-Việt mà thôi. Phía Bắc là vùng tuyết phủ quanh năm không có người ở, chưa định được giới hạn. Đông-Nam giáp nước Kim. Nam giáp các nước Tây-liêu, Thổ-phồn, Tây-hạ. Tây giáp vùng đất núi hoang vu của các bộ tộc của rợ tóc đỏ, mũi lõ, tóc quăn (Nay thuộc Trung-Đông) .
Nghe Đoan-Thanh thuật, trí nhớ trở về mấy năm trước khi thăm Mông-cổ, Thủ-Huy nắm ngay được vấn đề trước mắt : Các nước vùng Thảo-nguyên, bị những nước lớn xung quanh như Tống, Kim, Liêu, Hạ khinh khi, khi thì bắt tiến cống, khi thì bắt phụ thuộc, để được phong chức tước vô vị... Trước sau gì các nước hoặc bị diệt, hoặc thống nhất về một mối. Nếu như ta giúp cho các nước thống nhất thì họ là mối lo lớn cho tộc Hoa. Tộc Hoa luôn phải đối phó với họ thì tộc Việt ta có thể bớt đi cái họa phương Bắc. Ta thấy, trong ba Đại-hãn, thì Thiết Mộc Chân có chí lớn, lại đang ra sức kết nạp hào kiệt, rõ ràng ông ta muốn làm một chúa của các Đại-hãn. Với tài nguyên trù phú, với tinh thần hiếu chiến, nếu như ba nước này thống nhất thì họ sẽ là một cái hoạ lớn cho Kim, Tây-hạ, Thổ-phồn, Tống. Ta nên gúp họ để họ chia bớt cái họa tộc Hoa với ta.
Nghĩ vậy Thủ-Huy hỏi :
- Thế Khả-hãn của mỗi nước theo lối cha truyền con nối, hay do cách cử người có tài ?
- Thưa lúc đầu thì theo lối cử người tài. Gần đây chuyển sang lối cha truyền con nối cũng có, mà cử người tài cũng có. Trong mỗi nước như vậy, Khả-hãn, Đạo-sư là người có uy quyền tuyệt đối. Dưới Khả-hãn chia làm bốn loại người. Loại thứ nhất là quý tộc, nắm quyền thống trị, gồm có Hãn, tộc trưởng, dũng sĩ , hiền nhân tức người tài giỏi. Lọai thứ nhì là các chiến sĩ. Loại thứ ba là thường dân. Loại thứ tư là tôi tớ, loại này là dân chúng những bộ lạc thua trận, bị bắt về để trồng cấy, chăn nuôi, hầu hạ. Về cuộc sống hằng ngày, dân chúng ở trong những lều trại bằng da thú. Họ di chuyển không ngừng. Nhưng chỉ di chuyển trong vùng thuộc lãnh thổ của họ. Về mùa Hạ thì họ di chuyển khắp nơi. Về mùa Đông thì họ di chuyển về phương Nam. Tuy nhiên họ luôn bám lấy những con sông, những thác nước, những vùng hồ ao. Vì chỉ những nơi này mới có thú. Họ sinh sống bằng canh nông hoặc săn bắn. Họ không có văn tự. Nhiều bộ tộc dùng văn tự Trung-quốc, Tây-hạ, Thổ-phồn. Trẻ con không tới trường học chữ. Ngay từ hồi sáu tuổi, chúng đã được sống tập thể, học bắn cung, cỡi ngựa, săn thú. Khi đến tuổi trưởng thành (12-14) thì mỗi người đều làm sở hữu chủ ít nhất một con ngựa. Dân chúng không theo một tôn giáo nào cả. Họ thờ nhiều thần như thần mặt trời, thần sông, thần núi, thần cây cổ thụ, thần hổ, thần báo...Trong mỗi tộc, bộ tộc đều có một đạo sư. Vị đạo sư này uy quyền ngang với các Hãn. Họ là người nhà trời. Mỗi lời nói của họ đều là lời nói của trời. Dân chúng tin theo răm rắp.
Thủ-Huy muốn biết về Mông-cổ, công kéo Đoan-Thanh trở về câu hỏi của mình :
- Thế Đại-hãn Thiết Mộc Chân được lên làm vua là do cử hiền hay cha truyền con nối ?
- Cả hai.
Đoan-Thanh đáp:
- Thiết Mộc Chân là hậu duệ đời thứ mười của giòng họ Kỳ-ác-ôn (1) thuộc tộc Ki-dát Bọt-di-linh (2) . Giòng họ này tự hào là con cháu của loài Sói-xám, cũng như ta tự hào là con Rồng, cháu Tiên vậy. Ông tổ mười đời tên Bột-đoan Nghĩa-nhi (3) , lập ra nước Mông-cổ, được tôn là Quốc-tổ. Nếu chủ đạo của ta tin việc Quốc-tổ Lạc-long quân lấy Quốc-mẫu Âu-cơ, đẻ ra trăm trứng, nở ra trăm con, thì chủ đạo Mông-cổ cũng có chủ đạo tương tự. Bà mẹ của Bột-đoan Nghĩa-nhi tên A-lan Đông-hỏa kết hôn với ông Thoát-bôn Dương-ly-kiến, sinh ra hai con trai. Con trưởng là Bác-cơ Cát-đáp-hắc, thứ tên Bác-hợp Tát-trực. Sau đó chồng chết. Bà A-lan ở vậy nuôi con. Một đêm, nằm ngủ trong phòng, bà thấy một luồng ánh sáng chói lọi từ trời chiếu qua song cửa phủ lên người, một thần nhân sắc vàng bay vào nằm trên bụng. Bà kinh hãi, rùng mình, rồi mang thai, sau sinh ra một trai, đặt tên là Bột-đoan Nghĩa-nhi . Lớn lên, Bộ-đoan Nghĩ-nhi có tướng mạo kỳ vỹ, trầm tư ít nói, chúng nhân cho rằng ông là một tên ngốc. Duy bà A-lan nói : Nghĩa-nhi không ngốc đâu. Sau này con cháu nó sẽ là những người đại quý. Khi A-lan qua đời, Nghĩa-nhi thản nhiên nói với các anh : Bần, tiện, phú, quý đều có mệnh, tài vật này thì đâu đáng kể. Rồi không lấy một món nào. Ông rời các anh, cỡi con ngựa trắng đến vùng Bát-lý-truân A-lại cư trú, ngày ngày hái rau, bắt thú làm kế sinh nhai. Về sau, ông kết nạp những bần dân bị ức hiếp, những kẻ vô sở bất chí, mà thành lập một bộ tộc. Chỉ ít năm sau đó, nhờ chăm chỉ, bộ tộc của ông trở thành giầu có. Dân chúng, rồi các tộc khác kéo đến gia nhập, lập thành bộ tộc Ki-dát. Oâng được bầu làm Hãn. Đây là bộ tộc đầu tiên của người Mông-cổ. Từ đấy, theo chế độ cha truyền, con nối. Đến đời thứ năm, lãnh chúa Hải-đô(4), nhờ thắng nhiều bộ tộc xung quanh, lập ra tiểu quốc Mông-cổ, được tôn làm Khả-hãn. Hải-đô chết, con là Bái-tính Hố-nhi (5) kế vị. Bá-tính Hố-nhi chết, con là Đôn-tất-nãi (6) lên thay. Đôn-tất-nãi chết, con là Cát-bất Luật-cơ (7) kế. Cát-bất Luật-cơ chết, con là Bát-ly-đơn (8) thay. Bát-ly-đơn chết, con là Dã-tốc-cai thế. Dã-tốc-cai lại chinh phục được một số bộ lạc trong vùng, giết Khả-hãn Thát-đát (9), thanh thế nổi bật trên vùng thảo nguyên. Dã- tố-cai chết, con là Thiết-mộc-chân lên thay.
Ghi chú của thuật giả:
(1) Kỳ-ác-ôn, NS phiên âm tiếng Mông-cổ. Kỳ nghĩa là khác lạ, ác là giòng nước, ôn là ấm áp. Xin đừng hiểu lầm với chữ ác ôn là dữ tợn, viết khác.
(2) Ki-dát, Bọt-di-linh, Qiyat, Borjinin.
(3) Bột-đoan Nghĩa-nhi, Bodoncar.
(4) Hải-đô , Quaidu.
(5) Bá-tính Hốt-nhi, Baiti Hulii.
(6) Đôn-tất-nãi, Dontalaii.
(7) Cá-bất Luật-cơ, Quantulai.
(8) Bát-lý-đơn Ambaqai.
(9) Thát-đát, Tartar, tên một bộ tộc thù nghịch với bộ tộc Mông-cổ, sinh sống ở Bắc Vạn-lý Trường-thành, Nam của Mông-cổ. Sau bị Mông-cổ thôn tính, tộc Mông-cổ, Thát-đát đồng hóa lẫn nhau. Sử Tây-phương cũng như người Trung-hoa dùng cái tên Thát-đát để chỉ Mông-cổ.
Từ đầu đến cuối, Thúy-Thúy im lặng ngồi nghe, bây giờ nàng mới lên tiếng :
- Thưa quận chúa ! Tại sao tổ tiên của Thiết Mộc Chân không giữ nguyên họ, mà mỗi đời mang một tên họ khác nhau như vậy ?
- Đó là truyền thống của dân vùng thảo nguyên. Khi sinh ra một người con, thì cha mẹ tự do đặt tên cho, mà không ghép tên với họ. Thường thì họ cứ nhân một biến cố, một giấc mộng, một sự kiện lúc sinh con mà đặt tên. Như khi Khả-hãn Dã Tốc Cai vừa chiến thắng bộ tộc Thát-đát, bắt sống lãnh chúa của họ là Thiết Mộc Chân. Khi trở về, thì vợ là bà Nguyệt-Luân sinh ra người con đầu lòng. Nhân đó người lấy tên Thiết Mộc Chân đặt cho con mình.
Câu chuyện mỗi lúc càng trở thành say mê, Thủ-Huy hỏi :
- Ban nãy muội muội nói rằng Thiết Mộc Chân từ một trẻ mồ côi, bị đời khinh khi. Cái vụ này ra sao ?
- Thiết Mộc Chân mồ côi cha vào năm chín tuổi. Câu chuyện như thế này : Thấy con đã chín tuổi, theo tục lệ vùng thảo nguyên, Dã Tốc Cai dẫn con đi săn, và cũng để đi tìm vợ cho con ở một bộ tộc khác. Trên đường đi, ông gặp Khả-hãn Đài Xếch Sên (1) của bộ tộc Ong Gi Rat (2) . Tộc Ong Gi Rát bấy giờ đông dân hơn, giầu có hơn, văn minh hơn bộ tộc Mông-cổ nhiều. Đài Xếch Sên gặp cha con Dã Tốc Cai thì mừng vô hạn. Ông kể : Đêm qua, ông mơ thấy một con chim ưng trắng, mắt đỏ như lửa, to lớn vô cùng, từ mặt trời bay xuống vùng này. Đạo sư của ông đoán rằng hôm nay sẽ có một người con trai, là con của thượng đế Mặt-trời qua đây. Vì vậy ông đi đón. Khi nhìn thấy đôi mắt của Thiết Mộc Chân, Đài Xếch Sên kêu lên : Thiếu niên kia ! Người là con trai của thượng đế Mặt-trời. Rồi ông ta đón cha con Dã Tốc Cai về khu lều trại của ông, đãi cơm. Ông hãnh diện, giới thiệu cha con Đài Xếch Sên với vợ con. Trong các con của ông, có người con gái tên Bật Tê (3) , mười tuổi cực kỳ xinh đẹp. Đêm đó, cha con Dã Tốc Cai ngủ tại khu lều trại của tộc Ong Gi Rat. Thiết Mộc Chân nói với cha : Con đã cảm nàng Bật Tê. Hôm sau, Dã Tốc Cai ngỏ ý hỏi Bật Tê cho con mình. Dĩ nhiên Đài Xếch Sên đồng ý liền. Theo tục lệ của thảo nguyên, thì Thiết Mộc Chân phải ở rể cho đến khi Bật Tê trưởng thành.
Ghi chú của thuật giả:
(1) Đài Xếch Sên, Dai Le Sage.
(2) Ong Gi Rat, Qonggirat hay Chunggirates.
(3) Bật Tê, Bota. Sau được phong làm Quang-hiến hoàng hậu. Bà nguyên họ Hoằng Cát Sắc (Angcatthat).
- Tuổi trưởng thành của vùng Thảo-nguyên là bao nhiêu ?
Thúy-Thúy hỏi :
- Tuổi này do luật định hay phong tục ?
- Do phong tục. Nam từ 12 đến 14. Nữ thì lớn hơn, từ 14 đến 16. Không biết ở Đại-Việt thì bao nhiêu ?
Đoan-Nghi trả lời :
- Bên Đại-Việt ta theo luật định thì nam là mười sáu, nữ là mười ba (Nữ thập tam, nam thập lục). Thôi muội muội tiếp đi.
- Thiết Mộc Chân ở rể được ban năm, thì một hôm có sứ giả của Dã Tốc Cai là Muôn Lịch (1)đến báo tin cho Đài Xếch Sên biết Khả-hãn của ông bị bệnh nặng sắp qua đời. Xin cho Thiết Mộc Chân về gặp cha lần cuối. Khi Thiết Mộc Chân về tới nhà, Dã Tốc Cai vẫn còn minh mẫn, ông trối trăn : Gần đây, trên đường đi săn trở về, ông qua khu vực lều trại của bộ tộc Thát-đát, giữa lúc họ đang mở hội. Họ mời ông vào chung vui. Nào ngờ, ông bị họ đánh thuốc độc. Bây giờ ông mới biết thì sự đã trễ. Ông dặn Thiết Mộc Chân ba điều :
- Một là khi ông chết rồi, các tộc trưởng, các bộ tộc quy phục có thể sẽ bỏ đi. Phải nín nhịn, đợi khi lớn rồi, sẽ chỉnh đốn lại
- Hai là phải diệt bọn Thát-đát để trả cái thù cha bị đánh thuốc độc.
- Ba là phải tối đề phòng bộ tộc Miệt-nhi (2) , vì trước đây Dã Tốc Cai đã xua quân đánh bộ tộc này, bắt một thiếu nữ xinh đẹp của họ là bà Nguyệt Luân (3) về làm vợ...
Ghi chú của thuật giả:
(1) Muôn Lịch, Thoát Đoan Hỏa Nhi, Mongliq.
(2) Miệt Nhi, Merkites.
(3) Nguyệt Luân, U Lân, Hoalun.
... Dã Tốc Cai chết đi để lại bà Nguyệt Luân là vợ chính, còn vợ thứ bao nhiêu bà thì không thấy nói đến. Thiết Mộc Chân có người em cùng mẹ là Cát Xa(1), ba người em khác mẹ là Bách Cơ Ta (2), Biên Gô Đài (3), và Tê Mô Gu. (4)
Đoan Nghi nhớ lại chuyện cũ :
- Hồi chị tới Mông-cổ chơi lần trước, đã gặp Cát Xa và Biên Gô Đài. Hai người đều là chiến tướng, khí vũ hiên ngang. Còn Bách Cơ Ta thì không thấy đâu ?
- Y bị Thiết Mộc Chân bắn chết từ hồi còn niên thiếu !
Chương trước | Chương sau