XtGem Forum catalog
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 45 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 27

↓↓
Tháng Giêng, niên hiệu Trinh-phù thứ 11 (DL. 1186, Bính-Ngọ. Từ tháng 7 về sau, cải nguyên là Thiên-tư Gia-thụy) triều đình thiết đại triều giữa mùng một tết. Đây là lần đầu tiên trong suốt mười năm qua, mới có một buổi thiết triều, với sự hiện diện đầy đủ các thân vương, phò mã, công chúa, văn võ đại thần tại triều cũng như tại các trấn, phủ, huyện.


Buổi thiết đại triều do Thái-phó Lý Kính-Tu, thầy của vua triệu tập. Từ trong triều đến ngoài trấn, dĩ chí đến dân chúng, ai cũng biết : Năm nay nhà vua 13 tuổi, bắt đầu chấp chính. Đây là buổi thiết triều đầu tiên, mà nhà vua cầm quyền thực sự. Theo lời tâu của Lý Thái-phó thì :


« Luật triều Lý, định rằng đến tuổi 13, nếu là hoàng tử thì cho mở phủ đệ riêng. Là công chúa thì cho hạ giá (gả chồng). Còn nhà vua thì không theo luật ấy mà theo điển lệ áp dụng vào thời vua Nhân-tông, Anh-tông. Hai vua Nhân-tông, Anh-tông lên ngôi vua từ thuở còn thơ. Thái-hậu buông rèm thính chính, cạnh vua có các đại thần phụ chính. Đến năm 13 tuổi, thì thái hậu lui vào hậu cung, các chức phụ chính đều bãi bỏ ».


Vì vậy sau buổi thiết triều này, Chiêu-thiên Chí-lý hoàng thái hậu họ Đỗ không thính chính nữa. Bốn phụ chính Đỗ An-Di, Lý Kính-Tu, Vũ Tán-Đường, Trần Thủ-Huy sẽ lui về nhiệm vụ của mình.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Một điều cực kỳ quan trọng : Trước đây phò mã Trần Thủ-Huy, công chúa Đoan-Nghi đã khẳng định rằng, để tránh nội loạn, hai vị nhận làm phụ chính đại thần cho tới khi nhà vua trưởng thành chấp chính. Hôm nay là ngày quy ẩn của phò mã với công chúa. Vì ân đức của công chúa quá rộng, quá lớn, trải từ trong triều tới thôn ấp, nên khi nghe tin công chúa lui về điền dã, thì trăm quan, dân chúng đều cảm thấy buồn bã.


Thái-sư Đỗ An-Di được phong chức Phụ-quốc Thái-úy, Bình-chương quân quốc trọng sự, nghĩa là vẫn nắm quyền phụ chính của một văn quan kiêm chức vụ quân sự của Thủ-Huy. Thái-phó Lý Kính-Tu cải phong kiêm đồng bình chương sự. Mạc Hiển-Tích cải phong Thiếu-sư, Thượng-thư tả bộc xạ.


Ba hồi chiêng trống, nhạc tấu bản Nguyên-thọ. Nhà vua từ trong đi ra. Trừ hai vương Kiến-Khang, Kiến-Bình, các công chúa, phò mã, Tứ-trụ triều đình ; còn lại các quan văn võ hai hàng quỳ gối tung hô vạn tuế. Ngoài sân điện Càn-nguyên, Lôi-tiễn bắn ba mũi. Lập tức ba vệt xanh-đỏ vọt lên bầu trời, nổ ba tiếng lớn, tỏa ra ánh sáng ngũ sắc. Đó là hiệu báo cho trăm họ biết, vua bắt đầu chấp chính. Thế là trong Hoàng-thành, Kinh-thành, dân chúng đốt pháo mừng Xuân, mừng tân quân trị vì.


Quan Thái-phó Lý Kính-Tu thay mặt các quan chúc mừng thái-hậu, nhà vua nhân dịp năm mới. Nhà vua tuyên chỉ :


- Phụ hoàng băng hà, trao ngôi trời cho trẫm, khi trẫm còn thơ. Mười năm qua, nhờ liệt tổ phù hộ, nhờ chư khanh phò tá, mà dân giầu, nước mạnh. Hôm nay là ngày đầu tiên trẫm thân chấp chính. Tuy vậy trẫm cũng phải nhờ sức chư khanh.


Tiếp theo, nhà vua ban chỉ thăng chức tước cho toàn thể các quan trên toàn quốc. Lại ban chỉ ân xá cho các phạm nhân khinh tội, giảm án cho phạm nhân trọng tội, rồi tuyên chỉ giữ nguyên các phép cũ.


Lý Kính-Tu tâu :


- Phò-mã Thái-úy, Tả-kim ngô đại-tướng quân, Côi-sơn quốc công, cùng trưởng công chúa được bệ hạ chuẩn cho hồi hưu. Phò mã đã bàn giao chức vụ cho Thái-sư Đỗ An-Di. Hôm nay triều đình tiễn phò mã về điền dã. Không biết bệ hạ có chỉ dụ gì không ?


Nhà vua bước xuống ngai vàng, cầm tay công-chúa Đoan-Nghi, nói bằng ngôn từ bình dân :


- Chị ! Em nghe nói hồi phụ hoàng còn tại thế, người cực kỳ sủng ái chị với anh Thủ-Huy. Khi em ra đời, người ta ác miệng vu cho em là con hoang của Tuyên-phi với Mạc Hiển-Tích để mưu soán ngôi. Chỉ duy anh Thủ-Huy là cãi rằng em giống phụ hoàng như hai giọt nước, rồi bỏ tình riêng với anh Long-Xưởng mà cứu em bao phen. Mấy năm trước anh Long-Xưởng mưu giết em chiếm ngôi. Nếu không có anh chị thì em đã chết rồi. Mười năm qua, anh chị trấn ngự biên cương, khiến nước lớn sợ, nước nhỏ kính. Công lao đó em không bao giờ quên.


Hai giọt nước mắt chảy trên gò má, nhà vua nói tiếp :


- Tuy em còn thơ, thế nhưng anh chị vẫn hành xử với em ra phận chúa tôi. Còn em, bề ngoài em gọi chị là chị, chứ thực ra, trong tâm em đối với chị như một bà mẹ. Em vẫn ước ao được học võ công của anh chị. Tiếc rằng anh chị trấn ngự biên cương, thành ra chỉ Long-Ích, Long-Tường được anh chị dạy dỗ. Bây giờ anh chị về điền dã, em cảm thấy cô đơn quá.


Đoan-Nghi nắm chặt tay nhà vua :


- Xưa, tài trí nghiêng trời lệch đất như Linh-Nhân hoàng thái hậu, uy dũng cổ kim khó ai hơn như Thái-úy Lý Thường-Kiệt ; mà cũng khoanh tay đứng ngoài, khi đức Nhân-tông nhà ta chấp chính vào tuổi mười ba. Nay em cũng đã vào tuổi đó rồi, thì phải tự quyết, để chăn dắt trăm họ. Liệt tổ Đại-Việt sẽ phù hộ cho em. Chư vị tiên đế sẽ giúp em.


Nghe Đoan-Nghi nói câu này, thì toàn thể các quan đều đưa mắt nhìn Đỗ thái hậu với Đỗ An-Di. Họ hiểu vị công chúa này muốn nói :


- Nhà vua chấp chính, thì Đỗ thái-hậu, Đỗ An-Di hãy tự biết mình, tài trí thua xa Linh-Nhân hoàng thái hậu với Thái-úy Lý Thường-Kiệt thì không còn lý do gì xen vào việc triều chính nữa.


Mặt Đỗ thái hậu, An-Di cau lại, thực khó coi.


Nhà vua hỏi Thủ-Huy :


- Anh Thủ-Huy ơi ! Quan Lý Thái-phó, thầy em thường nói : Khi xưa, tổ của anh là Kinh-Nam vương, có tặng cho đức Nhân-tông ba bảo bối giữ nước. Vậy, bây giờ anh có gì cho em không ?


Thủ-Huy đưa mắt nhìn Đỗ An-Di, rồi nói :


- Bảo bối mà Kinh-Nam vương tặng đức Nhân-tông gồm có ba món. Một là, tuân theo những phép tắc của đức Thánh-tông để lại. Hai là giữ hòa khí trong hoàng tộc, đừng để người ngoài chia rẽ tình ruột thịt. Ba là, vĩnh viễn không tăng thuế. Bây giờ thần cũng dâng bệ hạ ba khoản. Một là, bệ hạ có một nho gia chính khí dọc ngang trời đất lĩnh chức Thái-phó. Vậy việc nội trị nhất nhất nghe theo người.


Nghe Thủ-Huy nói, quần thần đều đưa mắt nhìn Lý Kính-Tu.


- Hai là, việc giao thiệp với các nước, thần đã đặt thành nền móng, xin giữ nguyên. Ba là, phàm làm vua phải tránh ba điều : Điều một là mê sắc đẹp, ham săn bắn, rượu chè, yến tiệc âm nhạc ; điều hai là xây dinh thự, cung điện cao đẹp ; điều ba là tăng thuế. Phạm vào một trong ba điều đó thì mất nước.


Ghi chú của thuật giả:


Sau này, khi Thái-phó Lý Kính-Tu qua đời rồi, vua Cao-tông quên lời dặn của Thủ-Huy. Nhà vua mê sắc đẹp, ham săn bắn, lại rượu chè, yến tiệc, bắt trăm họ phục dịch xây cất cung điện. Do đó dân chúng nổi loạn khắp nơi, rồi đưa đến triều Lý mất nghiệp. Xin đọc các hồi sau.


Lý Kính-Tu nghe Thủ-Huy dặn nhà vua, ông gật đầu tỏ vẻ kính phục. Ông truyền lễ quan ghi chép ngay tại chỗ, để sau này nhắc lại.


Nhà vua chỉ Kiến-Khang vương, Kiến-Bình vương hỏi Đoan-Nghi :


- Từ hồi ba, bốn tuổi, Long-Ích, Long-Tường được chị dạy văn, anh Thủ-Huy dạy võ. Liệu bây giờ, có thể phò tá em được chưa ?


- Các vị phụ chính danh tiếng cổ kim, đều không phải là người có võ công cao. Thần xin nêu tỷ dụ, như bên Trung-nguyên, nhà Chu có Chu-công, Thái-công ; Hán có Trương-Lương, Tiêu-Hà. Đại-Việt ta, thời vua An-Dương có Phương-chính hầu Trần Tự-Minh, thời Lĩnh-Nam có công chúa Nguyệt-đức Phùng Vĩnh-Hoa. Sáu vị đó võ công đâu có cao ? Thế nhưng tài trí phò tá thiên tử lừng danh thiên cổ. Năm nay Long-Ích đã hai mươi tuổi, về võ công thì hiếm thiếu niên ngang tuổi có thể sánh. Song cầm quân, thì Ích dư tài đại tướng. Em nên trao dần binh quyền cho Ích. Còn Long-Tường mới mười hai, mà anh tài sớm phát ; Tường tỏ ra có đại tài về thủy quân. Chị sẽ mang Tường về Thiên-trường để dạy dỗ tiếp. Sang năm Tường đủ mười ba tuổi, em có thể trao trọng quyền cho Tường.


Nhà vua quay lại hỏi Lý Kính-Tu :


- Thưa thầy, theo điển lệ của các vị tiên đế thì khi hoàng tử tới tuổi mười ba sẽ cho mở phủ đệ riêng, rồi trao quyền. Thế sao năm nay Long-Ích đã hai mươi tuổi, tuy đã phong vương, cho mở phủ đệ, mà chưa được trao quyền bính !


Kính-Tu ngửa mặt nhìn thẳng rồi tâu :


- Khi hoàng tử Long-Ích đủ mười ba tuổi, Tứ-trụ triều đình có đem vụ này ra nghị sự, rồi làm biểu phong vương. Phò mã Thái-úy với thần bàn nên trao cho thống lĩnh Thiên-tử binh. Song Đỗ Thái-sư , Mạc Thiếu-sư không đồng ý. Vụ đưa lên Chiêu-Thiên thái hậu, người thuận phong vương cho hoàng tử, được mở phủ đệ riêng, mà bác bỏ việc trao binh quyền, lấy lý do vương còn nhỏ tuổi. Hai năm sau, thần nhắc lại việc trao binh quyền, thái hậu lại bác, vì bấy giờ mới xẩy ra vụ Bảo-Quốc vương làm loạn. Bây giờ bệ hạ chấp chính, việc trao quyền là do bệ hạ.


Nghe Kính-Tu tâu, mặt thái hậu với An-Di, Hiển-Tích tái đi, trông thực khó coi. Nhà vua hỏi :


- Thưa thầy, bây giờ, có thể ủy cho Kiến-Khang nhiệm vụ gì?


Lý Kính-Tu mở sổ Ngọc-điệp ra rồi tâu :


- Cứ như điển lệ các tiên đế để lại, xin bệ hạ duyệt qua rồi ban chỉ.


Nhà vua đọc một lượt, rồi tuyên chỉ cho Đỗ An-Di:


- Thái-sư soạn chỉ, kể từ ngày hôm nay, phong cho Kiến-Khang vương chức tước như sau :


« Dao-thụ Thiếu-phó, Thượng-trụ quốc, Long-thành tiết độ sứ, tổng lĩnh Thiên-tử binh, Khu-mật viện sứ, Kiến-Khang vương ».


Kiến-Khang vương lạy tạ.


Nhà vua hỏi Lý Kính-Tu :


- Thưa thầy, mấy năm trước, Tứ-trụ triều đình xin phong cho Long-Tường tước Kiến-Bình vương. Vì Kiến-Bình chưa đủ tuổi trưởng thành, lại ở trên Bắc-cương, nên chưa cho mở phủ đệ riêng. Năm tới đây, Kiến-Bình đủ tuổi, sẽ cho mở phủ đệ. Vậy nên cho ở phủ nào ?


- Hiện phủ Khai-Quốc, không có ai ở. Phủ này lớn, rộng nhất trong các phủ. Phủ cất vào thời đức Thái-tổ, cấp cho Khai-Quốc vương. Bây giờ có thể cấp cho Kiến-Bình vương. Trong khi Kiến-Bình với nhũ mẫu là Đoan-hòa phu nhân đi Thiên-trường, thì tạm giao cho chồng của phu nhân trông coi. Còn các quan của phủ đệ, cũng như cung nga, thái giám thì sẽ do Lê thái-phi, sinh mẫu của vương tuyển chọn.


Nhà vua rút thanh Thượng-phương bảo kiếm trao cho Đoan-Nghi :


- Xưa đức Thái-tông trao kiếm cho tổ cô Kim-Thành, với chỉ dụ : Thượng trảm hôn quân, hạ trảm gian thần. (Trên được xử tội vua tối ám, dưới được xử gian thần). Nay em cũng trao kiếm này cho anh chị. Trong khi ngao du sơn thủy, nếu anh chị thấy tham quan, cường hào, thì thay em xử tội chúng.


Đoan-Nghi rơm rớm nước mắt tiếp kiếm, rồi cùng Thủ-Huy rời điện Càn-nguyên, tay dắt Kiến-Bình vương Long-Tường theo. Nhà vua, với các quan đứng nhìn đến khi hai người khuất bóng mới trở vào điện.


Thủ-Huy, Đoan-Nghi ra khỏi Hoàng-thành. Kị binh, Ngưu binh, Thiên-tử binh dàn thành hai hàng, hành lễ quân cách tiễn đưa. Tới bến Tiềm-long, thì Đại đô đốc Phùng Tá-Chu, Vũ-kị tướng quân Tăng Khoa, cùng các đô đốc, chư tướng đứng chờ sẵn. Hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn đã dàn trên bến.


Lễ nghi tất.


Lôi-tiễn bắn chín phát.


Thủ-Huy, Đoan-Nghi đi trước, kế tiếp Vương Thúy-Thúy dắt Long-Tường, rồi tới hai đội võ sĩ Côi-sơn, Long-biên xuống thuyền của phái Đông-a . Thuyền nhổ neo, dương buồm, từ từ rời bến. Hai bên bờ sông, chiến thuyền dàn ra. Trên nóc chiến thuyền, thủy thủ gươm dáo sáng ngời đứng nhìn chúa tướng ra đi. Thủ-Huy, Đoan-Nghi đứng trên đài chỉ huy vẫy tay từ biệt chư tướng, cho đến khi thuyền xuôi vào cuối giòng sông.


Đường Thăng-long, Thiên-trường, đi bằng thuyền phải mất nửa ngày. Đã gần mười năm, bây giờ Thủ-Huy mới có dịp trở về thăm cố hương đúng vào ngày mùng một tết. Những kỷ niệm về tết thời thơ ấu, hiện ra trong tâm công.


« Hồi ấy, cứ đến ngày 23 tháng chạp, bà Tự-Hấp sai Thủ-Lý điều động các em làm những việc đặc biệt như : Hái một chùm táo chín, cài vào trong Oâng mũ cóc, rồi đem ra treo ở trước ngõ. Đẵn cây tre thực cao, trồng cây nêu ở giữa sân. Từ sân dọc ra ngõ lấy vôi vẽ những mũi dáo, cung-tên, mục đích trấn tà ma. Có một năm, anh em vừa vẽ xong, thì ông Tự-Hấp đùa :


- Bà sai các con vẽ dáo, cung-tên trừ tà ! Tôi nghĩ đến quỷ sống, ma sống nghe tên mình còn phải chạy trốn, thì ma chết, quỷ chết đâu dám bén mảng ?


Từ đó về sau, tết đến, bà Tự-Hấp không sai các con vẽ dáo, cung-tên trừ tà nữa.


Rồi ngày mùng một tết, tất cả con, cháu, gia nhân tập trung lại, theo thứ tự hành lễ, chúc tết ông nội. Cứ sau khi một người con, cháu chúc tết, ông lại cho một cái tuiù bằng nhiễu đỏ, trong đựng tiền mừng tuổi ».


Khi con thuyền sắp sửa rẽ vào con sông nhỏ, Thủ-Huy chợt nhớ một chuyện, công chỉ vào cửa sông, nói với Đoan-Nghi :


- Chỗ kia là nơi, mà mười mấy năm trước, Vỵ-xuyên ngũ tiên dàn thuyền đánh cá bắt sống bốn trong Ngũ-nhạc đại lĩnh của phái Hoa-sơn cứu Long-Xưởng với anh. Chỗ khúc cong con sông nhỏ là nơi anh Thủ-Lý lừa cho thuyền của bọn Hoa-sơn mắc cạn, rồi bắt Hoa-nhạc tam phong, Tam-nương.


- Thế còn chỗ...


Đoan-Nghi nhìn Vương Thúy-Thúy mỉm cười hỏi :


- Chỗ nào anh nhìn thấy hết Vân-Đài Thúy-Thúy ?


Thủ-Huy bị vợ trêu, công cười nói lảng :


- Kìa, bến kia rồi, chúng ta chuẩn bị lên bờ chúc tết ông nội với bố mẹ.


Trên bến, Thủ-Lý Phương-Lan ; Trung-Từ Bảo-Bảo ; Vỵ-uyên ngũ tiên cùng chồng đang chờ đợi. Anh em gặp lại nhau trong ngày tết, chuyện trò ríu rít, vui vẻ . Từ ngày ra đời, bây giờ Đoan-Nghi mới được hưởng cái tình nhân luân anh em, chị em nồng nàn, đằm thắm của bình dân.


Thấy Phương-Lan dắt hai đứa bé trai khôi ngô đứng cạnh, Đoan-Nghi hỏi :


- Anh ! Chị ! Hai cháu đây là Tự-Thừa với Tự-Khánh phải không ?


- Chúng nó nghe chú thím về, xin theo anh chị ra đón chú thím đấy.


Thủ-Huy bế bổng Tự-Thừa, Đoan-Nghi bế Tự-Khánh lên, hôn vào má chúng.


- Bọn em thực có lỗi với anh chị.


Thủ-Huy than thở: Bốn năm trước ở Bắc-cương, chúng em tiếp được tin anh chị sinh cháu Thừa, rồi một năm sau sinh cháu Khánh, mà chúng em không về mừng anh chị được.


Phương-Lan xua tay :


- Chị biết chú thím muốn về, mà vì việc quân, nên chú thím gửi quà về cho các cháu, như vậy cũng đủ rồi.


Bà Tự-Hấp ra cổng nắm tay Đoan-Nghi, nói bằng tất cả tình cảm chân thực:


- Bây giờ mẹ mới tự hào là có cô con dâu ôn nhu, văn nhã, chứ không phải là cô công chúa nữa.


Nhìn thấy Long-Tường, bà hỏi :


- Thế, ai đây ?


- Thưa mẹ, em út của con tên Long-Tường.


Một tay dắt Đoan-Nghi, một tay dắt Long-Tường, bà Tự-Hấp đi trước, rồi Thủ-Lý, Thủ-Huy theo sau.


Cả một đại gia đình đang chờ vợ chồng Thủ-Huy về ăn tết. Cái tết đoàn tụ mà ông bà Tự-Hấp ước mong từ hơn mười năm.


Theo tục lệ thời đó, thì khi con cả lấy vợ, thì được ở chung với bố mẹ. Còn con thứ lấy vợ, nếu nhà rộng thì cũng vẫn ở chungï. Còn như nhà hẹp, thì bố mẹ sẽ mua, hoặc cất cho một căn nhà gần nhà mình, để vợ chồng, con cái ở. Tuy nhiên khi ăn, uống thì vẫn ăn chung. Hồi Thủ-Huy cưới Đoan-Nghi, bà Tự-Hấp cất cho vợ chồng Huy một ngôi nhà tranh, vách gỗ ngay cạnh bến sông. Vì Đoan-Nghi thích hoa trắng, ông bà trồng cho nàng một vườn mơ, một vườn mận. Thế nhưng hơn mười năm qua, Đoan-Nghi chưa bao giờ được nhìn hoa mơ, hoa mận nở cả. Bây giờ nàng theo chồng về đúng vào dịp tết. Vườn mơ, mận của nàng nở trắng xóa một bầu trời. Vợ chồng nhìn vườn hoa, lòng dâng lên một niềm kính yêu bà mẹ, đã chiều theo ý mình.


Văn chương bình dân Việt đã ca tụng cái thanh nhàn của nông dân như sau :


Tháng giêng ăn tết ở nhà,


Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè.


Từ hồi lớn lên, bây giờ Thủ-Huy Đoan-Nghi mới được hưởng cái thú thanh nhàn của ngày Xuân ở thôn quê. Hai vợ chồng tham dự những cuộc đấu gà, chọi trâu, đánh cờ người, đánh đu, bơi thi, leo cầu Ngô, leo cột mỡ, bắt lươn trong chum, cho đến cuộc thi thổi cơm trên mặt nước. Tội nghiệp Long-Tường, khi ra đời được mấy tháng thì phụ hoàng băng hà. Trong nội cung, hai bà thái hậu Chiêu-Linh, Chiêu-Thiên tranh quyền. Bên ngoài thì các anh chém giết nhau. Sợ bị tai bay, vạ gió, nó bị mẹ là Hiền-phi Lê Mỹ-Nga quản thúc trong cung. Mãi năm năm tuổi, mới được sổ lồng, được gửi lên Bắc-biên cho anh rể, chị gái nuôi, trong cái không khí quân lữ, thành ra không có bạn cùng lứa để nô đùa. Bây giờ, nó được tập võ cùng với hàng mấy trăm đệ tử. Được chạy, nhảy nô đùa trong cái không gian tươi sạch, đầy hoa cỏ của đồng quê. Nó cảm thấy hạnh phúc cùng cực. Trong các bạn, có ba người lớn hơn nó bốn năm tuổi, rất hợp tính nó. Một là Vũ Kim, võ công cao hơn nó gấp bội, thường chỉ dẫn cho nó. Hai là Phạm Khải, mưu trí tuyệt vời. Ba là Hoàng Ý rất giỏi thủy tính.


Cuộc sống của Thủ-Huy, Đoan-Nghi tại thôn trang thực là êm đềm. Hôm nay theo đoàn thuyền đánh cá, ngày mai lại xem tát nước, đánh kỳ, làm cỏ. Lại cũng có ngày theo nông dân đi phá rừng làm ruộng. Đôi khi cỡi trâu, ngao du khắp núi Côi, cũng có lúc theo thuyền đánh cá ra khơi. Trong suốt một năm, vợ chồng mới cảm thấy rằng mình đã để phí mười năm của cuộc sống hoa niên.


Giữa năm đó thì Đoan-Nghi sinh ra một trai. Nàng đặt tên là An-Quốc. Cũng như tất cả các cháu nội ngoại khác, ông bà Tự-Hấp đem về nuôi, dạy chung trong nhà, cho chúng có tình với nhau.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bí ẩn của làn nước

Bí ẩn của làn nước

Các dòng sông trôi đi như thời gian, và cũng như thời gian, trên mặt nước các triền

28-06-2016
Khi đang giận dữ...

Khi đang giận dữ...

Ông nhẹ nhàng đi vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta rất bất ngờ khi

30-06-2016
Tha thứ cho em

Tha thứ cho em

Tôi nhớ anh, nhớ, rất nhớ, nhớ đến quay quắt. *** Bảo Ngọc về quê thăm bà ngoại

25-06-2016
Chị Quản Lý Dễ Thương

Chị Quản Lý Dễ Thương

Tên truyện: Chị Quản Lý Dễ ThươngTác giả: ThuocLa555Thể loại: Truyện VOZTình trạng:

18-07-2016 44 chương
Mảnh ghép trái tim

Mảnh ghép trái tim

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Những thiên thần ngồi trên cán

25-06-2016