XtGem Forum catalog
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 57 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 27

↓↓

Được một năm êm đềm trôi qua. Hôm ấy, một ngày đầu tháng Chạp, có sứ giả của Thái-phi Lê Mỹ-Nga xin cầu kiến. Bà là sinh mẫu Long-Tường. Sứ giả chuyển chỉ dụ của bà, xin Thủ-Huy, Đoan-Nghi cho Long-Tường về kinh, để ngày mùng một tết nhận chiếu chỉ cầm binh quyền. Sứ giả nói : Trước đây hoàng tử Long-Tường đã được phong Kiến-Bình vương, nay tới tuổi trưởng thành, mới trao quyền. Đúng ra thì Thái-phi sẽ tuyển quan lại, bộc phụ, mã phu, cung nga, thân binh, thị vệ cho Long-Tường. Nhưng vì bị Đỗ thái hậu kiềm chế, nghi ngờ, nên phi không biết ai mà tuyển. Phi nhờ công chúa tuyển dùm.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Thủ-Huy hỏi :


- Phủ đệ của Kiến-Bình vương có thay đổi không ? Hiện ở đâu ?


- Thưa phò mã vẫn không thay đổi, chính là phủ Khai-Quốc.


Thủ-Huy chỉ Long-Tường nói với Đoan-Nghi:


- Phủ đệ Khai-Quốc rộng lớn nhất trong các phủ đệ của các thân vương. Tường đệ hiện chưa có gia sư, thân binh, cung nga, bộc phu, mã phu. Vậy ta có thể nhờ Trung-Từ Bảo Bảo tuyển dùm. Về võ công thì hiện Long-Tường không thua bất cứ võ quan nào trong triều. Phủ Khai-Quốc quá rộng, nay cho Tường về, ta cũng nên gửi theo y một số cao thủ để làm chân tay thân tín. Em định sao ? Em định tâu xin cho Tường nhiệm vụ gì ?


- Về binh quyền, có bốn chức vụ quan trọng nhất, sau Thái-úy. Một là Tổng-lĩnh Thiên-tử binh. Hai là Đại đô đốc. Ba là Tổng-lĩnh Kị-binh, Ngưu-binh. Bốn là Tổng-lĩnh cấm quân, thi vệ. Em muốn tâu xin trao cho Tường giữ chức Long-thành tiết độ sứ, Tổng-lĩnh thị vệ, cấm quân, kiêm Tổng-trấn Thăng-long. Như vậy, ta loại tên Mạc Hiển-Tích ra ngoài. Đỗ An-Di muốn khuynh đảo xã tắc thì y không sai được Thiên-tử binh của Long-Ích, Kị-ngưu binh của Tăng Khoa, Thủy-quân của Tá-Chu, và cấm quân thị vệ của Long-Tường.


Trần Lý mỉm cười thương hại :


- Cô em dâu ngoan như con thỏ của anh ơi !Vụ này anh thấy có hai cái nhiêu khê. Khó mà thành được !


Từ khi về Thiên-trường, bề ngoài thì Trần Lý với Đoan-Nghi là anh chồng, em dâu ; chứ thực sự ra Trần Lý đối với nàng như một ông bố đối với con gái. Trần Lý hết sức nhỏ nhẹ, chàng lại dạy Đoan-Nghi tất cả những gì của đời sống dân dã, mà nàng không có. Đoan-Nghi kính yêu người anh chồng mình không kém gì phụ hoàng Anh-tông. Nghe Trần Lý nói tới hai cái nhiêu khê, nàng hỏi :


- Thưa anh ! Hai cái nhiêu khê đó là gì ? Em nhìn không ra ! Xin anh dạy cho.


- Cái nhiêu khê thứ nhất là bao nhiêu cấm quân, thị vệ, hiện đều do Hiển-Tích với Đỗ hậu tuyển cả. Long-Tường liệu có chỉ huy được chúng không ?


- Em cũng biết thế, nên em lợi dụng luật có từ đời đức Thái-tổ : Khi một hoàng tử mở phủ đệ, chấp chính thì có toàn quyền tuyển người trong vương phủ. Một vương phủ, quan trọng nhất có bốn chức là trưởng sử, gia sư, mật thư và phủ khố. Trong thời gian Long-Tường ở đây, nó rất thân với ba người là Vũ Kim, Phạm Khải, Hoàng Ý. Vì vậy nó đã xin với bố mẹ cho ba người về trợ giúp. Nó dự tính trao cho Vũ Kim lĩnh chức gia sư, Phạm Khải lĩnh chức trưởng sử, Hoàng Ý lĩnh chức mật thư. Còn chức phủ khố, thì là nhũ mẫu của Tường là vú Châu.


Thủ-Huy hỏi anh :


- Vậy thì em xin bố cho hai đội võ sĩ Long-biên, Côi-sơn theo Long-Tường về, để làm thân binh ! Liệu bố có cho không ?


- Bố vốn chìu các con. Em mà xin thì dĩ nhiên bố cho liền.


- Thưa anh, còn cái nhiêu khê thứ nhì ?


- Liệu triều đình có thể loại Mạc Hiển-Tích ra ngoài như em muốn không ?


- Em nghĩ Thiên-tư Gia-thụy đã lớn, nay thân chính rồi thì phải củng cố, nắm lấy quyền. Cái việc Hiển-Tích tư thông với Đỗ thái hậu làm ô uế cung thất, Gia-Thụy biết hết. Từ xưa đến giờ cái chức Tổng-trấn Thăng-long, kiêm Tổng-lĩnh thị vệ, cấm quân, luôn luôn trao cho các thân vương. Thì bây giờ là dịp Gia-thụy cũng như đại thần chiếu luật, mà loại Hiển-Tích ra, trao cho Long-Tường.


- Anh nghĩ không giản dị như vậy ! Đỗ thái hậu đang say tình với Mạc Hiển-Tích còn gấp bội Cảm-Thánh thái hậu say Đỗ Anh-Vũ, Lưu Kỳ. Nếu Mạc còn giữ chức vụ Tổng-lĩnh cấm quân, thì mới hy vọng ra vào Hoàng-thành. Bây giờ y bị loại ra, thì Đỗ thái hậu sẽ lồng lộn lên như con lợn cái động đực. Bà sẽ không chấp thuận. Xưa Cảm-Thánh thái hậu mê Đỗ Anh-Vũ, Lưu Kỳ, mà còn muốn hại vua Anh-tông để nhường ngôi cho tình nhân. Huống hồ Đỗ thái hậu. Anh nghĩ việc em cho Long-Tường thay y không thành đâu.


Long-Tường hỏi :


- Chị Đoan-Nghi ! Em không hiểu ! Chị nói chi tiết cá vụ này hơn một chút.


Đoan-Nghi ôm lấy đầu Long-Tường :


- Được ! Chị vì em mà giảng.


Đoan-Nghi nói thực chậm :


- Lối phân quyền của triều đình do Quốc-phụ Khai-Quốc vương thiết lập, sao tránh cái nạn tướng cầm quân khuynh đảo triều đình. Người duy nhất muốn làm loạn, tiếm vị được là Thái-úy. Nhưng Thái-úy phải nắm được Khu-mật viện, Thiên-tử binh, thị vệ cấm quân, Thủy-quân, Kị-binh, Ngưu-binh. Bởi muốn ban lệnh, điều động quân thì phải qua Khu-mật viện...


Thấy Long-Tường gật đầu, trầm tư. Thủ-Huy hỏi :


- Em thử nói tiếp anh nghe xem có đúng không nào ?


- Ví thử Thái-úy không nắm được Khu-mật viện, thì không làm được lệnh điều quân.


- Được ! Em tiếp đi.


- Nếu ông ta nắm được Khu-mật viện, nhưng khi lệnh điều quân làm phản ban ra cho Thiên-tử binh. Thiên-tử binh không tuân thì cũng vô ích. Giả như ông ta nắm được tướng chỉ huy Thiên-tử binh, y đem quân về làm phản, mà không được Thủy-quân chở sang sông cũng hỏng. Bằng như ông ta nắm được Thủy-quân nữa, thì thị vệ, cấm quân, Kị-binh, Ngưu-binh chống lại, thì cũng vô phương.


- Giỏi !


- Cho nên thời đức Thánh-tông, bấy giờ Thái-úy Thường-Kiệt tuy được tin dùng, nhưng quản Khu-mật viện lại là Trung-Thành vương, tổng lĩnh Thiên-tử binh là Tín-Nghĩa vương thuộc thân vương. Đại đô đốc là Lý Kế-Nguyên, người thân tín của Linh-Nhân hoàng thái hậu. Tổng lĩnh cấm quân, thị vệ là Hùng-Nhân, đệ tử của Mộc-tồn hòa thượng. Tướng chỉ huy Kị-binh là Hà Mai-Việt, là anh em phía ngoại của đức Thánh-tông.


- Giỏi !


Từ hôm vợ chồng Thủ-Huy về Thiên-trường sống đến giờ, thì tuy ông bà Tự-Hấp, Đại-Việt ngũ tuyệt, Vỵ-xuyên ngũ tiên... Bề ngoài có vẻ niềm nở, thương yêu hai người. Nhưng trên nét mặt mọi người dường như ẩn tàng một điều gì lo lắng, mà không ai nói ra. Bây giờ nghe Đoan-Nghi, Thủ-Huy định đưa Long-Tường về lĩnh Long-thành tiết độ sứ, rồi giảng cho Long-Tường về đại kế phòng ngự giữ ngôi vua từ thời Thái-tổ để lại. Hai người thấy Trần Lý xịu mặt xuống, thoáng một nét buồn.


Đoan-Nghi hỏi :


- Anh có điều gì lo lắng thì phải ?


Trần Lý gật đầu, rồi chỉ Thủ-Huy :


- Khai-Quốc vương quả là thần nhân ! Còn chú, chú cứ tự tin vào công lao, vào lòng trung của mình, mà không xét thấy mối lo lắng của Long-Xưởng. Bây giờ lại không nghĩ đến mối lo của Đỗ thái-hậu.


- ? ! ! ? !


- Chính vì chú không biết Long-Xưởng, nên Long-Xưởng mới phải mượn tay Cảm-Thánh thái hậu giết ba vương, rồi xua đuổi chú với Đào Duy, Tăng Khoa.


Thủ-Huy cau mày :


- Đó là ý của Long-Xưởng. Như anh thấy Đại đô đốc là Kiến-Ninh vương ! Quản Khu-mật viện là Tăng Quốc, chồng của nhũ mẫu Long-Xưởng. Tổng-lĩnh Kị, Ngưu binh là Tăng Khoa, em sữa của anh ấy. Tổng-lĩnh Thiên-tử binh là Kiến-An vương. Tổng lĩnh cấm quân thị vệ là Mạc Hiển-Tích. Như vậy, em muốn đem quân làm phản, thì dễ gì bằng ấy người nghe theo ?


- Trời ơi ! Chú ngây thơ quá đi. Trong hai lần chú đem quân về Thăng-long cứu Long-Xưởng, chú có cần Khu-mật viện làm lệnh đâu, mà các tướng cũng răm rắp tuân lệnh chú ?


- ! ! !


- Tỉ như chú làm phản, thì không cần Kiến-Ninh vương theo chú, chú vẫn trực tiếp ban lệnh cho các đô đốc thủy quân có đúng không ?


- Vâng ! Vì họ là đệ tử của em.


Trần Lý cốc vào đầu Thủ-Huy :


- Ngốc ơi là ngốc ! Còn như chú muốn điều động Thiên-tử binh, chú có thể ra lệnh cho các đô thống chỉ huy các hiệu binh, mà không cần qua Kiến-An vương. Có đúng không ?


- Vâng. Vì các đô thống đều là người em đào tạo ra.


- Hứ ! Thế khi chú muốn cướp ngôi vua của Long-Xưởng, thì chú chỉ cần sai mật sứ gọi Thủy-quân, Thiên-tử binh kéo về Thăng-long, đánh úp kinh thành bất cứ lúc nào, bấy giờ Xưởng chỉ có đường ngửa cổ ra cho chú chặt đầu.


Thủ-Huy à lên một tiếng :


- Em chủ quan, tự tin vào lòng trung, công lao, mà không nghĩ tới mối lo lắng của Long-Xưởng. Còn ba vương, người nào cũng có tài cầm quân, cũng uy tín hơn Long-Xưởng. Nên anh ấy phải trừ đi. Ừ nhỉ ! Giá anh ấy đợi lên ngôi vua ít lâu rồi hãy trở mặt thì đâu đến nỗi !


Trần Lý bẹo tai em :


- Cái chú này lú lẫn rồi ! Vua Anh-tông băng hà, không để di chiếu lại nhường ngôi cho Long-Xưởng. Vì vậy Long-Xưởng cần phải được tất cả đại thần ký vào biểu tôn lên ngôi. Trước mặt Long-Xưởng, y có hai khối đại thần. Một khối gồm có chú với ba vương, và một số đại thần phò tá Xưởng. Một khối khác gồm các gian thần, các đại thần già nua, ù lỳ. Từ mười năm qua, bao nhiêu công lao của ba vương với chú, với đám trung thần phò tá Xưởng để chống bọn nịnh quan. Bây giờ Xưởng muốn lên ngôi vua thì phải giết hết chúng đi, lấy lý do chúng làm loạn. Rồi bọn chú ký biểu tôn y lên ngôi vua. Có đúng thế không ?


- Vâng !


- Còn như để chúng sống, tức chúng không có tội. Nhưng Long-Xưởng ăn làm sao nói làm sao với các chú ? Để chúng sống tức coi tụi nó như chân tay, ban chức tước cho chúng, chúng mới ký vào biểu tôn Xưởng lên ngôi. Nhưng Xưởng làm việc đó thì chú, rồi Tăng Khoa, ba vương phản đối. Giữa hai khối người, một khối ù lỳ, nhưng chúng chỉ là con chó, trước kia chúng tuân chỉ vua Anh-tông, bây giờ chúng lại nghe lệnh Long-Xưởng mà xủa ; không những chúng không nguy hiểm, mà lại được việc. Còn một khối, toàn những người tài trí, uy quyền áp đảo Long-Xưởng, nắm quân lữ trong tay ; trước kia thì rất cần thiết, khi mà cái mộng đánh chiếm Lưỡng-Quảng không còn nữa, thì trở thành vô ích, nguy hiểm. Vì vậy Long-Xưởng phải giết ba vương, xua đuổi, rồi sẽ giết chú với Tăng Khoa sau.


Thủ-Huy vò đầu :


- Em ngu quá ! Em ngu quá !


Trần Lý bẹo hai má Thủ-Huy :


- Ngu một lần, suýt tan nát đất nước. Bây giờ chú lại sắp ngu hơn lần trước nhiều !


- Em về đây đi cầy, có dính dáng gì tới triều chính nữa đâu !


- Hư ...ư...ư ! Đỗ thái-hậu, Đỗ An-Di muốn khuynh đảo triều đình từ lâu. Nhưng trong thì họ bị Lý Kính-Tu, Vũ Tán-Đường cản trở. Ngoài thì bị chú đầy uy quyền ức chế. Có đúng thế không ?


- Vâng !


- Chú chán chường cái ô uế, kinh tởm ở hậu cung, chú muốn đem quân làm cỏ bọn gian thần. Nhưng vì bố không cho. Nên chú lui về điền dã. Về điền dã thì phải buông hết. Thế nhưng Thượng-phương bảo kiếm nằm trong tay cô vợ xinh đẹp, kiếm thuật thần thông của chú. Hỏi rằng bọn An-Di, Hiển-Tích làm sao mà ăn ngon, ngủ yên được ?


- ! ! !


- Đỗ thái hậu nơm nớp sợ chú hơn Long-Xưởng sợ chú nữa. Khác một điều là bà không sợ chú cướp ngôi, mà sợ chú giết bà ấy với Gia-Thụy, rồi đưa Long-Ích, Long-Tường thay thế.


- ! ! !


- Về binh lực, tuy An-Di giữ chức Thái-úy, mà y không nắm được những lực lượng chính. Này nhé, em rể chú là Tá-Chu còn cầm quyền Đại đô đốc. Đệ tử, kiêm nghĩa đệ Tăng Khoa còn cầm Kị, Ngưu binh. Mới đây, chú lại tâu xin trao Thiên-tử binh cho Long-Ích. Rồi bây giờ định gạt tình nhân của Đỗ thái hậu là Mạc Hiển-Tích ra, để đưa Long-Tường về thay thế. Có khác gì chú kề gươm vào cổ anh em họ Đỗ không ? Chú về điền dã mà uy quyền ngang với một Thái-thượng hoàng, vượt hẳn chức Thái-úy của Đỗ An-Di. Anh nghĩ, Đỗ hậu, với An-Di sẽ không ngồi yên để bị chú kiềm chế đâu. Thế nào họ cũng ra tay hại chú. Trang Thiên-trường này khó mà yên được. Có khi y vu cho chú thím một vài tội gì đó, rồi mang quân về bắt. Dĩ nhiên chúng ta chống lại. Bấy giờ y chỉ việc sai một hiệu binh về tàn phá trang này. Chúng ta chỉ có mấy trăm đệ tử thì chống sao lại ?


Thủ-Huy, Đoan-Nghi như người trong mộng chợt tỉnh. Đoan-Nghi nói cứng :


- Nhưng nay Đỗ không còn là phụ chính, Đỗ hậu không còn thính chính nữa. Quyền trong tay Gia-thụy mà !


- Anh cũng hy vọng Long-Trát nắm được quyền.


Thế rồi ông bà Tự-Hấp sai Phương-Lan, Bảo-Bảo chuẩn bị hành trang cho Long-Tường theo sứ giả về Thăng-long.


Trung-Từ Bảo Bảo đã tuyển đủ thị nữ, bộc phụ, mã phu cho phủ Kiến-Bình. Trước khi thuyền rời bến, ông bà Tự-Hấp cầm tay Long-Tường :


- Vợ chồng ta tuy dạy văn, luyện võ cho con, nhưng chúng ta không thu con làm đệ tử. Con có biết tại sao không ?


- Thưa, con biết !


- ? ? ?


- Vì thế lực phái Đông-a quá lớn, mà trong triều thì Đỗ thái hậu, Đỗ An-Di, Mạc Hiển-Tích khuynh đảo triều đình, hoàng huynh lại quá nhu nhược. Nếu con là đệ tử phái Đông-a, họ sợ con tiếm ngôi vua...Vì vậy sư phụ, sư mẫu mới không cho con làm lễ nhập môn.


- Đúng vậy !


Ghi chú của thuật giả:


Vì những liên hệ gữa Lý Long-Tường với Nguyên-tổ Trần Triều là Trần Lý, nên sau này tuy nhà Trần lên ngôi, nhưng vẫn tu bổ, tế lễ lăng tẩm các vua triều Lý. Chứ không có việc đào hố làm bẫy rồi giật sập tiêu diệt như ảo sử đã thuật.


Nguyên do, có ảo sử là từ xưa đến giờ các sử gia đều tin theo ĐVSKTT, cho rằng : Khi Lý Chiêu-Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh vào tháng 10 niên hiệu Thiên-chương Hữu-đạo thứ nhì (1225), thì Trần Thủ-Độ loại tất cả các thân vương, đại thần thuộc hoàng tộc nhà Lý ra khỏi quan trường. Năm sau, niên hiệu Kiến-trung nguyên niên, đời vua Thái-tông nhà Trần, ngày 10 tháng 8 (1226) Thủ-Độ bức tử vua Lý Huệ-Tông, rồi giết hết tông tộc triều Lý.


Trong khi ấy, gia phả cả bốn dòng con cháu Hưng-Đạo vương, lại chép rằng tông tộc Lý triều không hề bị giết, mà chỉ phải đổi thành họ Nguyễn, vì kiêng tên Nguyên-tổ Trần Lý.


Nhưng người ta tin theo ĐVSKTT, chứ không chịu suy xét thêm.


Mãi tới năm 1941, tạp chí Sử-học số 2 của Nhật-bản đã sưu tầm, tìm ra một sự kiện đặc biệt thì vấn đề này được soi sáng :


« Tháng tám năm Bính-Tuất (1226), đại đô đốc Trần triều là Lý Long-Tường, con thứ 6 vua Anh-tông, đã đem toàn bộ chu sư, tướng sĩ, tông tộc rời Đại-Việt, tỵ nạn tại Cao-ly ».


Rồi thời đệ nhất Cộng-hòa), tổng thống Lý Thừa-Vãn của Đại-hàn trong khi viếng thăm Việt-Nam, ông cũng tuyên bố rằng tổ tiên ông là người Việt. Bấy giờ tôi còn là một sinh viên, nhưng cũng ghi tâm sự kiện này, tự hẹn sau sẽ đi tìm cho ra sự thực : Nếu như quả có việc Lý Long-Tường đem mấy nghìn người họ Lý sang Cao-ly, thì không có việc Thủ-Độ tuyệt diệt con cháu họ Lý.


Tháng 8 năm 1980, đi dự đại hội y khoa Trung-quốc ở Hàng-châu, tôi có dịp làm quen với phái đoàn Bắc-cao. Trong phái đoàn có bác sĩ Lý Chiếu-Minh ở Hùng-xuyên (Hunchon) và nữ bác sĩ Lý Diệp-Oanh ở Thuận-xuyên (Sunchon). Nghe tôi họ Trần, lại là người Việt-Nam, bác sĩ Lý Diệp Oanh trỏ tay vào trán tôi : « Vì tổ tiên anh xua đuổi, nên tổ tiên tôi mới thành thuyền nhân, và Đại-Hàn mới có họ Lý ».


Xin đọc phụ bản : Nguyên-tổ hai giòng họ Lý ở Hàn-quốc, cuối quyển 3, bộ AHĐA, Dựng-cờ bình Mông.


Long-Tường lên đường được nửa tháng sau thì người nhà của Vũ Kim, Phạm Khải, Hoàng Ý trở về. Họ trình bầy :

Chương trước | Chương sau

↑↑
Bát Bộ Thần Công - Vô Danh

Bát Bộ Thần Công - Vô Danh

Trích đoạn: Dưới Địa Song, là một sơn cốc hình như cái bồn, từ miệng động nhìn

11-07-2016 72 chương
Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Tru tiên - Tiêu Đỉnh

Giới thiệu: "Tru Tiên " là tiểu thuyết huyễn tưởng thuộc thể loại tiên hiệp của

09-07-2016 258 chương
Băng qua cánh đồng

Băng qua cánh đồng

Băng qua một cánh đồng, để biết những ước mơ và hiện thực nó hay như một cánh

24-06-2016
Vũ - Cơn mưa lần nữa

Vũ - Cơn mưa lần nữa

(khotruyenhay.gq) - Sao lúc nào hắn cũng nhìn tao? Tao thấy kì kì quá mày ơi! - Hahaha. Chắc

27-06-2016
Món quà để đời

Món quà để đời

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện ngắn "Tháng năm không ở lại") Sau này

27-06-2016
Con bò khóc

Con bò khóc

Khi anh ta nhìn mà không tin vào mắt mình, anh ta thấy ở con mắt bên phải của con bò, bên

29-06-2016
Chìa khoá tình yêu

Chìa khoá tình yêu

Nàng chọn mặc bộ đồ lót và váy ngủ mà chàng thích nhất, nàng trang điểm và sức

24-06-2016
Giả Dung

Giả Dung

Giả Dung là một trong những tiểu thuyết ngôn tình của tác giả Lâu Vũ Tình nói về

26-07-2016 1 chương
Búp bê lật đật

Búp bê lật đật

Phải cho nó biết tự vươn vai đứng dậy trước những khó khăn thách thức thì sau này

24-06-2016
Phong Vân - Đan Thanh

Phong Vân - Đan Thanh

Giới thiệu: Bạn là người yêu thích truyện kiếp hiệp? Bạn là người yêu thích đến

09-07-2016 70 chương