Đồng chí Hai Tuyên vừa ra tới ngoài trảng trống thì đã thấy một người đang đứng lom khom hái những trái khổ qua rừng chín vàng rực bóc vỏ và mút những cái hột đỏ tươi. Anh nhận ra Khâm bởi thường ngày Khâm vẫn hay có thói quen ấy. Khâm có vẻ không chú ý đến người đang đi tới, anh chăm chú tìm kiếm. Chiếc khăn rằn che mặt được bỏ ra, vắt khơi khơi trên vai. Hai Tuyên nói:
- “Ngăn” nghen! Tôi đi qua.
Khâm trùm cái khăn lên đầu một cách vụng về rồi lại cắm cúi hái trái.
Phía trong nhà, Mười Thu đang ngồi đan cái giỏ gà bên miệng hầm trú, anh ở trần, người sạm đen và chắc. Bên cái bàn tre một người khác đang ghi chép hí hoáy trong một cuốn sổ tay. Hữu loay hoay nấu nồi khoai bên bếp lửa trong khi Sáu Lan chuẩn bị bòng trở về “mũi” của mình. Trưa nay chị mặc cái áo cụt màu lá khô, tóc cột say gáy gọn gàng. Có lẽ hơi nóng từ bếp lửa đã làm cho hai má chị ửng lên, nổi rõ những gân máu nhỏ li ti…
bạn đang xem “Giữa Cơn Gió Lốc ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!- Hạnh ở phía nào? Hữu hỏi.
Hạnh chỉ sang khu rừng bên trái. Khu rừng thưa, im tiếng chim. Chị nói:
- Bây giờ đi, đến chiều thì tới.
- Hạnh đi một mình à?
- Không. Lên tới chỗ chị Tư Dung sẽ có thêm mấy đồng chí nữa. Chừng nào anh về Sài Gòn?
- Chắc còn lâu. Độ nửa tháng nữa là ít.
- Khi nào rảnh, anh lên tôi chơi. Ở đây có đường dây lên đó rất thường.
- Vậy thì tôi sẽ lên. Trông Hạnh cũng khỏe đấy chớ.
Hạnh cười:
- Khỏe. Thôi đi nha.
Hạnh mang bòng lên vai bước ra ngoài sân.
Mười Thu ngừng tay đan giỏ, ngẩng lên cười. Hữu tiễn Hạnh một đoạn. Dọc đường gặp Khâm đi vô, anh ta luống cuống kéo khăn che mặt. Hữu nói:
- Đồng chí ấy rất muốn ở lại đây. Cứ đòi ở lại đây miết.
- Hết hợp pháp rồi à?
- Còn chớ. Nhưng thích rừng lắm.
Hạnh cười, nghiêng mặt ngó Hữu:
- Còn anh, anh có thích rừng không?
- Từ lâu rừng vẫn làm tôi say mê. Chị nhìn coi, khoảng rừng chồi này giống cảnh ở làng cô nhi Long Thành quá phải không?
Hai người ngừng lại một chút. Trước mặt họ, đất trải ra êm đềm, khoảng khoát, lô nhô những bụi cây thấp vừa lên lá xanh sau những trận mưa giông, đàng xa là rừng với những thân cây thẳng, vươn lên san sát nhau, khung trời xanh biếc loáng thoáng mây. Nắng rực rỡ trong rừng thưa lá.
Hạnh nói:
- Năm đó là năm nào, anh nhớ không?
- Năm bảy mươi. Năm phong trào tranh đấu lên cao, mấy tháng trước khi mình bị bắt. Hôm đó đoàn của mình đi công tác làng cô nhi Long Thành. Mình diễn vở kịch Trưng Trắc…
- Tôi nhớ - Hạnh nói, mắt không rời khoảng nắng trong rừng - Lúc đó anh làm quân hầu phải không?
- Phải, cũng giống như bây giờ.
- Bây giờ à?
Hạnh quay lại nhìn bạn và hai người đều cười. Tiếng chim chèo bẻo bay ríu rít trên ngọn cây sơn cao, chết khô từ đời nào.
Hữu ngã ngửa người ra lưng ghế, dang thẳng hai tay, cười khoái trá. Anh vừa khám phá ra một cách in con dấu nổi hoàn toàn mới.
- Một phương pháp cách mạng!
Hữu kêu lên, gật gù tự tán thưởng “phát minh” mới của mình. Xưa nay, muốn in con dấu nổi người ta vẫn thường khắc lên đồng, một bản lồi, một bản lõm rồi ép tờ giấy vô giữa. Đến thời anh Bảy Trung thì đồng bị loại, anh dùng gỗ rồi dùng cao su và chỉ với một bản lõm duy nhất anh vẫn in được con dấu nổi, nhưng với kỹ thuật in khá phức tạp. Hữu vẫn thường băn khoăn về lối in này. Lối in không khó nhưng phải cần dùng nhiều thứ: một cái ê-tô, hai miếng sắt, hai miếng cao-su và một ít bột phấn, như thế kềnh càng, cất giấu bất tiện, lấy ra lấy vô khó khăn, nặng nề. Những lúc rảnh rỗi Hữu thường suy nghĩ cách để cải tiến kỹ thuật in này. Và bỗng nhiên một ý nghĩ táo bạo vụt qua trí anh. Hữu bật dậy khỏi võng, chạy lại bàn viết. Anh lôi miếng cao su lát nhà ra. Con dấu khắc lõm trên đó. Hữu đặt tờ giấy lên con dấu và dùng đầu bút nguyên tử đã hết mực vẽ theo các dấu lõm. Lạ thay! Con dấu hiện lên sắc sảo dị thường!
Trời ơi! Một động tác đơn giản như vậy! Một cây bút nguyên tử hết mực đã thay thế cho cả một hệ thống rắc rối nào là ê-tô, miếng sắt dẹp, cao su, bột phấn và rất nhiều sức lực dùng để siết ê-tô cho ép sát lại. Việc giản dị như thế mà không ai nghĩ ra!
Đầu năm 1975 chiến trận nổ ra ác liệt nhiều nơi, nhất là thành phố Huế, Tây Ninh, Tây Nguyên và Phước Long. Tại các thành thị, cảnh sát ráo riết bắt lính. Các đại học được lệnh siết chặt các kỳ thi, loại sinh viên ra mặt trận.
Giấy hoãn dịch trở nên vô cùng cần thiết.
Hữu và anh Bảy Trung làm việc quên cả ngày đêm mới đủ cung cấp giấy tờ cho nhu cầu ngày càng tăng. Chính vì thế mà phát minh vừa rồi về cách in con dấu nổi của Hữu đã giúp anh có thể rút ngắn được thời gian làm việc và tăng năng suất rất cao, đồng thời việc bảo mật cũng được bảo đảm hơn nhiều.
Tiếng chân Bảy Trung bước lên gác. Hữu thấy ngay nụ cười rạng rỡ của người đồng chí ba mươi bốn tuổi ấy. Anh nói trong tai Hữu:
- Ta giải phóng thị xã Phước Bình rồi! Ta chiếm luôn núi Bà Đen.
Hữu reo lên:
- Trời ơi! Đã quá. Vậy là Tây Ninh cũng sắp ở trong tay mình rồi! Nhưng mà hồi nào? Lấy Phước Bình hồi nào?
- Hôm qua, 6 tháng 1. Đồng chí giao liên mới báo tin cho tôi hồi mười giờ sáng nay cùng với một chỉ thị mới.
Hữu xoay hẳn người lại:
- Sao?
- Mình lo rời khỏi nơi này.
- Bị động rồi à?
- Không. Có động gì đâu.
- Sao lại đi?
- Anh không nhớ tháng 5 năm 1968 à? Hồi ấy mình cũng nhận được chỉ thị tương tự như thế.
- Tôi hiểu rồi - Hữu cười - Anh làm tôi mừng quá. Nhưng ta đi đâu?
- Ngã tư Bảy Hiền.
Hạnh trở lại Sài Gòn lần này với một bí danh mới: Năm Trang. Bốn năm ở rừng, muỗi a-nô-phen đã chê chị nên nước da vẫn không có dấu tích của bệnh sốt rét, đôi má vẫn có những gân máu nhỏ li ti, nụ cười thường kín đáo, phản chiếu lên đôi mắt.
Chị vẫn giữ chiếc áo bà ba mầu lá khô và chiếc quần lãnh đen nhưng đôi dép râu chị đã để lại tặng cho một người bạn và nhận quyết định về “nằm vùng” Sài Gòn với một đôi dép nhựt quai trắng và giờ đây đã được thay bằng một đôi guốc Đakao.
Hạnh thuê một căn gác rộng có cầu thang riêng, một căn gác gạch, trần đúc bê tông nền lát gạch bông hẳn hoi nhưng vẫn tối, vẫn ẩm, vì nó ở thụt trong hẻm, lại là một con hẻm hẹp đổ thoải thoải xuống dòng kinh.
Hữu đến căn gác này khi trời chỉ còn một chút nắng hanh trên đầu bức tường của căn nhà trước mặt. Những ngày giữa tháng ba khi không có trận mưa giông nào, không khí thường oi nồng. Rất may, cái gác vượt cao lên khỏi những mái tôn thấp hai bên. Ba cái cửa sổ mở ra khoảng không, hai cái hướng về dòng kinh đón được một ít gió mát.
Hạnh nói:
- Cái hôm anh gởi cuộn băng vô thì tôi lại đi công tác. Lúc về nghe nói cứ tiếc hoài.
- Tôi còn giữ một bản. Trước khi gởi vào tôi có sang thêm hai bản nhưng giờ thì lại không có đây.
- Bữa nào tôi phải mượn anh, nghe lại. Vụ đó xảy ra vào lúc nào?
- Đầu năm 1975. Buổi sáng ngày 1 tháng 1, một buổi thánh lễ cầu hoà bình ở nhà thờ X. Lực lượng sinh viên học sinh có hơn bốn trăm, hôm đó có rất nhiều tổ chức quần chúng. Chủ trương của ta là mạnh dạn liên minh với các tổ chức khác miễn là có cùng “khẩu hiệu”.
- Tức là vụ mà anh đã thu trong cuộn băng?
Hữu gật đầu:
- Hạnh phải nghe lại cuộn băng mới thấy hết cái không khí sôi sục lúc đó. Tôi kể thì không cách gì lột tả hết.
- Nhưng anh cứ kể hết đi - Hạnh nói - Nghe rất thích. Dường như bữa đó đại tá Đệ nó phải năn nỉ lạy lục mình, phải không?
Hữu cười cười:
- Chị mở rộng cánh cửa sổ ra đi. Đúng là nó đã phải van xin bởi vì nó mù tịt không biết đoàn biểu tình là ai. Có hàng loạt tai to mặt lớn trong “Uỷ ban Chống Tham Nhũng” do Mỹ giựt dây nên nó sợ. Không dám làm dữ. Nhưng nếu không làm dữ thì làm sao dẹp biểu tình, do đó nó phải năn nỉ. Chắp tay xá. Nếu quý cha đi thế này thì con kẹt lắm. Thôi, xin quý cha quý anh quẹo đường Võ Tánh mà đi rồi giải tán. Hạnh biết không, ý đồ của nó bảo quẹo đường Võ Tánh là muốn đàn áp vì trên đường này có cái bót cảnh sát. Nhưng đoàn biểu tình cứ quyết định đi thẳng xuống chợ Phú Nhuận, hướng về phía đường Hai Bà Trưng. Đệ trở mặt. Nếu các người nhất định đi thì chúng tôi nhất định có biện pháp. Thế là đánh nhau. Dữ dội. Chị nghe băng sẽ thấy sự dữ dội ấy tới mức nào. Tên Đệ mập, to, đeo kính đen, hung hãn chỉ huy trận đàn áp. Cảnh sát nhào tới chụp ngay một em thiếu niên cầm biểu ngữ, cố ném em lên xe, bị em này đánh trả. Một tên cảnh sát dã chiến nhào tới ôm một chị, bị cắn ngập dấu răng vô cánh tay khiến hắn phải rú lên kinh hoảng. Bọn dữ dằn như thế mà quần chúng cũng trào tới. Tên Đệ bị hất văng kính đeo mắt. Bây giờ bọn mình còn giữ cái kính đó làm kỷ niệm. Trận này nó sợ mình thực sự mặc dù nó tấn công cũng thật sự, đánh cả dân biểu, cả linh mục, không bỏ sót ai.
Hạnh quấy chiếc muỗng lách tách trong ly trà chanh đường nóng bốc khói của mình. Chị hỏi:
- Nhưng làm thế nào ta có thể tổ chức được một buổi cầu hoà bình ngay trong nhà thờ ấy?
- Khó lắm chớ. Cha xứ ở đây chống đối kịch liệt, gần như giận dữ. Khi anh H giới thiệu thành phần tham dự, thấy có đông đủ những bộ mặt chính trị gia tên tuổi ở Sài Gòn, những tai to mặt lớn trong lực lượng thứ ba, những linh mục, trí thức tiến bộ có uy tín trong giới trẻ và đông đảo học sinh sinh viên với cả lô Uỷ ban này nọ ông ta đã phát rét. Anh H vừa giới thiệu xong là mọi người vỗ tay rào rào, ông ta hoảng quá hét lên trong mi-crô: “Không ai được phép vỗ tay! Đây là nhà thờ, không có ai được phép vỗ tay. Không có ai được nói cái gì ở đây hết. Tôi làm lễ cầu nguyện đây. Ai muốn nói gì, ra ngoài”. Thế là bắt vô: “Nhân danh cha và con và thánh thần Amen. Chúa ở cùng anh ch…ị…ị… em. Và ở cùng ch… a”.
Hạnh mở tròn mắt nghe.
- Rồi thánh lễ cứ cử hành?
- Dĩ nhiên. Nhưng ngoài sân một thánh lễ khác cũng được cử hành. Tức quá, nếu có cái băng ở đây mình sẽ cho Hạnh nghe đoạn này. Vui lắm. Cái cát-xét thật tốt, nó thu được cả tiếng nói xầm xì chen lẫn vô tiếng phát biểu. Bắt đầu hát đi! Hát đi! Rừng núi giăng tay… H… a… i… ba… Trung ơi Trung, cầm đi! H… a… i… ba! Tiếng hát dậy lên, bùng lên, so le như những ngọn lửa nhỏ rồi nhóm lại rất nhanh thành ngọn lửa lớn. Dậy mà đi, dậy mà đi. Hát như thét. Ai chiến thắng không hề chiến bại… Tiếp theo là bản cáo trạng đòi thi hành hiệp định Pa-ri, đòi thả tù chính trị, thả tất cả các học sinh sinh viên bị bắt, đòi huỷ bỏ sắc luật tổng động viên, đòi chấm dứt âm mưu cải tội danh “tù chính trị” thành “thường phạm” v.v… Rồi đại diện học sinh, đại diện công nhân… Lúc ấy chuyến xe lửa chín giờ sáng từ Biên Hoà trở về, đi ngang qua, nếu nghe băng Hạnh sẽ nghe một hồi còi tàu dài.
Và hôm sau cuốn băng được gởi vô “cứ”. Trận ấy được đánh giá là một cao điểm của thắng lợi nhưng chưa phải là hết. Sẽ còn có những cao điểm khác nữa.
Hữu nói năng dứt khoát, phấn khởi, có lẽ một phần nhờ ảnh hưởng của những giọt cà phê. Anh đứng lên, khoái trá đi lại phía cửa sổ đón cơn gió mát. Khói thuốc bay tản mạn trong phòng.
Phong trào đã nhảy sang một cao điểm mới.
Hạnh sống một buổi tối chờ đợi hồi hộp từng giờ. Sài Gòn thật kỳ lạ. Ngay phía dưới đường, chỗ cái mặt nhựa loáng ánh đèn chạy cong cong qua một quán rượu nhỏ, xe cộ và người dạo phố cũng đang lượn qua lượn lại. Nhưng ở đàng kia, chỉ sau mấy dãy phố, năm bảy khu nhà, trận chiến đang diễn ra ác liệt. Một cuộc hội thảo quy mô đã diễn ra ở phân khoa Nhân văn Nghệ thuật đại học Minh Đức với lời kêu gọi cấp thiết: “Ai chống đôn quân bắt lính hãy đến với chúng tôi”. Và quần chúng thanh niên, sinh viên học sinh đã đến, đến thật đông, đến đủ mặt.
Hạnh được lệnh không nên lui tới khu vực ấy, chị đi quanh quẩn mãi đến tối mịt mới về, lòng bồn chồn. Chín giờ tối giao liên tới báo tin cảnh sát tấn công vô bốn lần và đều bị lực lượng bên trong chống trả bằng gạch ngói một cách quyết liệt chưa từng thấy khiến chúng phải rút lui. Trang Sĩ Tấn bị thương trong cuộc tấn công này. Giao liên đi, Hạnh chờ đến mười giờ đêm vẫn không thấy tin tức gì thêm nữa, chị tắt đèn nê-ông và bật ngọn đèn nơi bàn làm việc. Chị ngồi lại bàn, lấy giấy bút ra. Sáng mai thế nào bọn chúng cũng chiếm được trụ sở. Trong tình hình ấy lời kêu gọi mà chị sắp viết sẽ như thế nào đây?
Sau khi địch di tản khỏi Pleiku, Kontum, thành phố Sài Gòn về đêm vắng hơn thường lệ. Mười giờ đêm ngoài phố đã không còn người qua lại. Mười một giờ súng nổ rải rác ở đâu đó và chiếc trực thăng từ phía xa lại, bay phần phật ngang trên đầu.
Giữa lúc ấy có tiếng gõ cửa, hai tiếng một. Chị nhận ra ám hiệu của Hữu và mở khoá:
- Trời ơi! Hạnh kêu lên khi thấy ngực Hữu đẫm máu - Bọn nó có theo không?
Hữu cười. Dưới ánh đèn bóng tròn khuôn mặt anh vẫn giữ được vẻ tươi tỉnh, anh nói:
- Chắc là không. Mình bỏ rớt tụi nó từ xa, len qua mấy con hẻm mới về tới đây.
Hạnh nhìn xuống đất. Rất may vết thương đã ngừng rỉ máu.
- Anh nằm xuống giường đi - Hạnh nói - cứ nằm đi.
Hạnh đỡ bạn nằm xuống và xem xét vết thương. Đầu đạn chỉ ghim vào bắp thịt vai. Hạnh dùng bông gòn và nước ô-xy già rửa sạch vết thương. Máu đã hết chảy nhưng vết thương sưng to lên và vết đạn mở ra như miệng con cá chép.
- Đau lắm không?
Hữu gật đầu. Hạnh đặt một bàn tay lên trán bạn. Hữu nói:
Chương trước | Chương sau