Đường Minh lại nói: "Tôi cũng tin đây là thật, anh trai tôi xưa nay chưa bao giờ chụp ảnh giả, có điều không biết lần này anh ấy chụp ở đâu, cả thảy mười mấy tấm không có tấm nào rõ ràng cả."
bạn đang xem “Mật Mã Tây Tạng ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!Trác Mộc Cường Ba đột nhiên hỏi: "Anh trai cậu bị chấn động tâm thần như thế, làm sao mà trở về được?"
Đường Minh đáp: "Tháng Sáu năm ngoái, đội tuần tra núi Khả Khả Tây Lý phát hiện ra anh ấy, nghe nói lúc đó, anh ấy đang chạy thục mạng, thần trí đã thất thường rồi, nếu không phải bị người trong đội bảo vệ ấn xuống đất, chắc anh ấy còn chạy tiếp nữa, đến khi hết hơi mà chết mất.
Nghe những người đó nói, anh trai tôi vừa ngã xuống liền hư thoát mà ngất xỉu, lúc tỉnh lại thì thần trí mơ hồ, cứ nói đi nói lại hai câu "Tên điên ở Mông Hà nói thật, cửa địa ngục. Đến rồi, bọn chúng đến rồi! Chạy mau!" chính là hai câu này, không biết là ý gì, về sau đội bảo vệ phát hiện ra chiếc xe jeep việt dã của anh tôi bị bỏ lại cách nơi tìm thấy anh ấy ba trăm ki lô mét, xăng trong xe cạn sạch."
Trác Mộc Cường Ba lại ngẩn ra, nếu Đường Thọ bỏ xe lúc hết xăng mà chạy, tức là đã chạy bộ ba trăm cây số, vậy mà vẫn không chịu dừng lại, rốt cuộc anh ta đã nhìn thấy thứ gì mà biến thành như vậy? Nhưng trong lòng gã lại chủ yếu là mừng rỡ kích động, bởi vì hai câu nói người khác nghe không hiểu kia, gã lại hiểu được. Đột nhiên, gã nhớ đến một cái tên, vội vàng hỏi: "Độc hành hiệp? Anh trai cậu chính là Độc hành hiệp Đường Thọ?"
Đường Minh vẻ như muốn nói: "Cuối cùng thì ông cũng nhớ ra," gật đầu công nhận. Đúng là Trác Mộc Cường Ba cuối cùng cũng nhớ ra, chẳng trách người này nom quen như vậy, thì ra là Độc hành hiệp Đường Thọ, một trong số ít người nổi tiếng hàng đầu trong nước. Cha anh ta là Đường Minh Huy, một trong ba ông trùm ngành sữa Trung Quốc, nhưng đã qua đời từ năm bốn mươi tuổi, để lại cho hai người con gia sản trên trăm triệu, con trai lớn Đường Thọ, không biết từ lúc nào đã thích du lịch mạo hiểm, khởi đầu là một mình vượt qua Đường Cổ Lạp Sơn, rồi một mình xuyên sa mạc Taklimakan, một mình lên đỉnh Chomolungma, một mình đi thuyền dọc Hoàng Hà, dọc Trường Giang, dọc sông Nhã Lỗ Tạng Bố, một mình bơi qua eo biển Bột Hải. Sau đó, anh ta bắt đầu phóng tầm mắt ra thế giới, những ngọn núi hiểm trở nhất, những dòng thác chảy siết nhất, những thung lũng đáng sợ nhất thế giới, anh ta đều đặt chân tới, phàm là nơi không người nào tới, anh ta đều muốn đi xem thử, mà còn đi một mình. Lần nào khi ai nấy đều cho rằng Đường Thọ đã cầm chắc cái chết, tuyệt đối không có hy vọng quay về, anh ta lại sừng sững trở lại với thế giới văn minh này.
Từng có người đặt câu hỏi, tại sao phải vậy? Anh ta nói, làm như vậy, chẳng vì cái gì khác, ngoài để chứng minh sự tồn tại của bản thân. Sở thích nhiếp ảnh của anh ta cũng nảy sinh từ những chuyến đi đơn độc đó, nhưng ảnh của anh ta đều không bán, rất nhiều tạp chí đã trả giá cao để xin đăng dù chỉ một tấm ảnh phong cảnh mà không được.
Trác Mộc Cường Ba mắt đỏ lừ, cuối cùng biện luận: "Thầy giáo, thầy nghĩ xem,ảnh từ tay một người như vậy, làm sao có thể là giả được?"
Phương Tân nói: "Xem ra quyết tâm của anh rất lớn đấy con trai. Anh đi đi, chúc anh thành công." Nhưng nét mặt của ông rõ ràng đang nói, đây gần như là chuyện hoang đường.
Trác Mộc Cường Ba rất chán nản, gã không thể thuyết phục được thầy giáo của mình, không khác gì đã mất đi một trợ thủ quan trọng. Gã hậm hực thu hai tấm ảnh lại, nặng nề đi ra cửa đúng lúc dợm bước ra ngoài, chợt xoay ngoắt người lại, hỏi: "Thầy giáo, thầy còn nhớ, lần đầu tiên thầy giảng bài cho tôi không?"Bài giảng của Phương Tân
Giáo sư Phương Tân vuốt vuốt mái tóc bạc, mường tượng chuyện xưa, bừng tỉnh ngộ, phải rồi, tình hình hôm ấy, ông đã nhớ lại.
Trong hội trường sức chứa ba nghìn người, ngày đầu tiên lên lớp, chỉ có chưa đến năm mươi người, ngồi lác đác trong giảng đường, cả hội trường rộng lớn lộ rõ vẻ trống trái mà quá lặng lẽ.
Phương Tân không hề chú ý, sinh viên chọn học chuyên ngành này vốn rất ít, bọn họ căn bản không biết được giá trị và ý nghĩa của môn khoa học này, ông sửa sang lại tài liệu, mở đầu bằng giọng điệu hài hước đặc biệt của mình: "Hôm nay, những bạn cần đến đều đã đến rồi," ông chỉ vào cậu học viên đang ngủ phía đối diện nói: "Những bạn không cần đến cũng đến rồi, đúng là đã vượt quá mức mong đợi của tôi. Tôi biết, tôi không được tuấn tú hào hoa lắm, nghe nói hôm qua Mis Lãng dạy sinh vật, quý cô có vòng ba hơi khoa trương lên lớp, các bạn đã ngồi chật hết cả hội trường này."
Không khí trong hội trường nhẹ đi phần nào, Phương Tân chuyển đề tài mới, nói: "Tôi biết, rất nhiều người cho rằng vấn đề tôi nghiên cứu quá đơn điệu, cũng quá đơn giản, nghiên cứu cái gì, chó ấy mà, chó có gì hay ho mà nghiên cứu? Khắp phố đều thấy, có lớn, có nhỏ, có sủa ‘oắc oắc’, có cắn người. Có bạn nào cảm thấy mình chẳng hiểu biết gì về chó, vẫn cần học thêm không?"
Bên dưới rì rầm nói chuyện, nhưng không người nào tự nhận mình không hiểu biết gì về loài chó, Phương Tân mỉm cười, nói: "Vậy thì tốt, tôi sẽ kiểm tra, trước tiên là một câu đơn giản đã, ở đây có một số hình ảnh, xin mời cho tôi biết, tên tục của những con chó này."
Một loạt mười mấy tấm ảnh được chiếu lên, không ngờ không ai nói được tên của những con chó đó, tất cả nhìn chó thì là chó, ai biết được chó gì là chó gì. Phương Tân nghĩ ngợi giây lát, rồi nói: "Vấn đề này có lẽ hơi chuyên ngành quá, chúng ta hỏi một câu đơn giản hơn vậy, theo các bạn, trên thế giới này giống chó nào là hung ác nhất?"
Không khí trong giảng đường lập tức ồn ào hẳn lên, người nói là chó béc giê, người nói là chó săn, chó đầu bò, chó Siberia, chó Eskimo, thứ gì cũng có. Phương Tân chú ý thấy, khi mọi người đang ồn ào bàn luận, ở giữa giảng đường có một người cao lớn, không nói tiếng nào, trên mặt nở một nụ cười khinh miệt, đó là lần đầu tiên Phương Tân chú ý đến Trác Mộc Cường Ba.
Giáo sư Phương Tân đợi mọi người nói ngớt, mới đưa tấm ảnh Tạng ngao lên, một con thiết bao kim đầu sư tử thuần chủng, bên dưới lập tức có người reo lên: "Đây là sư tử!" Lúc đó, chó ngao còn chưa mấy được biết đến, người biết Tạng ngao lại càng ít đến tội nghiệp. Ông nói: "Đây, mới là giống chó hung mãnh nhất được thế giới công nhận, nó được gọi là ngao." Ông quay người lại viết lên bảng đen một chữ ngao to tướng, kế đó nói: "Giống chó này sống ở vùng Thanh Tạng nước ta. Ở khúc quanh đầu tiên của Hoàng Hà có một địa danh là Hà Khúc, ngao ở Hà Khúc có hình thể ưu trội nhất, con ngao này, chính là một con ngao Hà Khúc hình thể tiêu chuẩn. Còn loại ngao hung mãnh nhất, trung thành bảo vệ chủ nhân nhất, sản sinh ở vùng phụ cận huyện Đạt Mã ở Tây Tạng, một điểm cao của cao nguyên, hoàn cảnh địa lý vô cùng khắc nghiệt. Có nhiều cách nói về ngao, có rất nhiều loại, theo giải thích trong Khang Hy đại từ điển, ngao: chó bốn thước là ngao, tính hung, hộ chủ, có thể đấu mãnh thú. Thông thường, loài chó hình thể cao lớn, hung hãn hiếu chiến, lại còn trung thành với chủ nhân, thì gọi là ngao. Đất Tạng người thưa mà mãnh thú nhiều, dân Tạng nuôi ngao để bảo vệ bầy dê, chống sói cao nguyên hung ác và giảo hoạt, vùng đó có câu, một ngao đấu ba sói, một con ngao tốt có thể một mình chống lại ba con sói ác."
Giáo sư Phương Tân mở máy, bắt đầu thao thao bất tuyệt kể những chuyện liên quan đến chó ngao, đám sinh viên say sưa lắng nghe, không ngờ trên đời có lắm loài chó kỳ dị đến vậy, và nhiều huyền thoại về ngao đến vậy. Giữa lúc giáo sư đang hưng phấn, thì người cao lớn ngồi giữa lên tiếng: "Giáo sư là chuyên gia nghiên cứu chó, vậy tôi muốn hỏi, trong giống ngao, lợi hại nhất là loài nào giáo sư biết không?"
Đám sinh viên sững lại, không ngờ chó ngao mà cũng phân đẳng cấp cao thấp, lợi hại hay không lợi hại. Phương Tân nhìn cậu sinh viên với ánh mắt khác, thật bất ngờ còn có sinh viên muốn kiểm tra thầy giáo nữa, đương nhiên ông không thể tỏ ra kém thế, lập tức trả lời: "Anh bạn hỏi rất hay, ngao cũng có phân giống loài, cũng có khác biệt về huyết thống, dựa trên những nghiên cứu đang có, ngao phân bố từ đất Tạng đến Đông Âu, Bắc Âu, theo thống kê sơ bộ hiện nay, có ba chủng năm loài mười một hệ lớn, trong đó, chó ngao có hình thể tương đối hoàn mỹ tôi vừa nói khi nãy rồi, là ngao Hà Khúc, còn loài ngao hiếu chiến nhất, mạnh mẽ nhất, có lẽ là ngao Đằng Hạng, nhưng nói chung huyết thống rất gần nhau, nên tốc độ, sức mạnh, bản năng chiến đấu, không khác nhau mấy. Nhưng ở đất Tạng, chỉ có ở đất Tạng, mới có chó ngao lợi hại hơn những nơi khác, đó không phải do trời sinh, mà do con người huấn luyện. Dân Tạng nói chín chó một ngao, chính là ý này đây."
Nghe tới đây, đám sinh viên càng thêm hào hứng, nóng lòng muốn biết "chín chó một ngao" rốt cuộc là thế nào. Giáo sư Phương Tân nói: "Đó là một kiểu tuyển lựa cạnh tranh tàn khốc, để có được con ngao xuất sắc nhất, họ thường thả mười con ngao con sinh cùng năm xuống cái hố sâu, không có thức ăn, hoặc có rất ít, chỉ đủ cho một con ăn thôi, mười con ngao này buộc phải trải qua một cuộc cạnh tranh tàn khốc, cuối cùng chỉ sống sót được một con, hoặc là nhờ giành được chút ít thức ăn đó, hoặc là nhờ ăn thịt đồng loại. Chúng ta đều biết, chó được thuần dưỡng từ sói, trong cơ thể còn lưu giữ không ít đặc tính của loài sói, mà trong họ nhà sói, có một quy tắc thế này, trong cùng một bầy, con sói sống là đồng loại, một khi chết đi, liền trở thành thức ăn, đặc biệt là ở những vùng giá lạnh, điều này lại càng thể hiện rõ, đàn sói Siberia sở dĩ hung hãn, mạnh mẽ, không gì không dám làm, chính vì bọn chúng có quan niệm sinh tồn đáng sợ như thế nên mới có thể sinh tồn tiến hoá trong môi trường tự nhiên tàn khốc."
Con ngao duy nhất còn sót lại đó, chính là ngao của loài ngao mà người ta vẫn nói, vì nó có ý chí sinh tồn kiên cường nhất, sức sống ngoan cường nhất.
Giáo sư Phương Tân tự nhận thấy mình nói đã có sức thuyết phục, thái độ say sưa lắng nghe đến ngơ ngẩn của đám sinh viên là minh chứng, nhưng ngẩng đầu lên nhìn, người cao lớn ngồi chính giữa vẫn nở một nụ cười khinh khỉnh, kiểu cười ấy, làm Phương Tân cảm thấy rất mất tự nhiên. Ông nghĩ ngợi giây lát, ồ, đúng rồi, còn một cách giải thích khác, là cách giải thích bí truyền của một vùng nào đó trên đất Tạng, cách nói này, thậm chí rất nhiều người bản địa Tây Tạng cũng chưa từng nghe đến, ông lại nói tiếp: "Về ‘chín chó một ngao’, còn một cách giải thích khác đó là thần ngao thiên bẩm, cách giải thích này, lại càng thần bí, càng tàn khốc, càng xa xôi, cũng… càng cổ xưa. Tạng ngao cũng là chó, bọn chúng cũng giống như đa số các động vật có vú khác, mỗi lần mang thai có thể đẻ bốn đến sáu con, hiếm lắm mới được bảy, còn như một lứa tám con, thì phải nói là lông phượng vẩy lân rồi. Nhưng nếu ngao mẹ một lần sinh chín con, thì ắt trong đó sẽ có một con ngao thần. Ngao mẹ nhiều nhất chỉ có tám đầu vú, có nghĩa là nhất định có một con không được bú sữa mẹ, rốt cuộc, giống như hoàn cảnh chín chó một ngao do con người tạo ra, lần này là thiên định, sẽ có một ngao ăn thịt cả tám anh em nó, rồi sau cũng ăn thịt cả con mẹ mà thành ngao của loài ngao. Truyền thuyết nói thứ ngao này khí chất cực kỳ mạnh mẽ, khi thành niên có thể săn cả gấu xám. Nó thế chỗ sói cao nguyên và hổ địa cực trên khắp vùng cao nguyên rộng lớn, trở thành mắt xích cuối cùng của chuỗi thức ăn. Nhưng truyền thuyết này, phạm vi lưu truyền không rộng, hơn nữa về cơ bản không có ai chứng thực, nên từ trước tới nay người ta chỉ xem như truyền thuyết. Nếu so sánh, thì cá nhân tôi tin vào cách giải thích chọn ngao từ chín chó trong hoàn cảnh nhân tạo hơn."
Kể xong truyền thuyết này, giáo sư Phương Tân tưởng như đã được nhìn thấy nét mặt tán thưởng của sinh viên kia trước những hiểu biết của mình, nhưng tiếp theo, anh ta lại hỏi: "Vậy thưa giáo sư, lợi hại hơn cả chín chó một ngao là gì?"
"Ồ…" Giảng đường lập tức xôn xao, có người nói sinh viên này cứ rúc đầu vào ngõ cụt, truy hỏi đến tận cùng sao được, cũng có người nói gã này đầu óc đần ngốc không mở mang nổi, chỉ được cái to khoẻ, nhưng hầu hết lấy làm kinh ngạc vì chỉ độc chuyện chó ngao mà có lắm truyền thuyết và bí mật đến vậy. Ai nấy đều ngong ngóng xem giáo sư Phương Tân đối đáp thế nào.
Giáo sư Phương Tân lau mồ hôi trán, không ngờ sinh viên này lại hiểu biết về Tạng ngao sâu đến thế. Ông nhận ra anh chàng cao lớn ngồi ở giữa có khuôn mặt hồng đặc trưng của vùng cao nguyên, làn da thô ráp, đưòng nét góc cạnh, hoàn toàn đều lộ rõ gốc gác là người đất Tạng cho dù không phải dân tộc Tạng thì cũng là một chàng trai cao nguyên chính cống sống trên cao nguyên đã lâu. Trước mặt dân Tạng kể chuyện Tạng ngao, gần như là múa búa trước cửa nhà Lỗ Ban, nhưng Phương Tân, dù sao cũng là giáo sư, không thể nào để mất mặt với học trò được, hơn nữa đây lại còn là sinh viên mới lần đầu tiên vào lớp ông.
Giáo sư Phương Tân chỉnh lại cặp kính, mỗi lần chuẩn bị nghiêm túc sắp xếp một việc gì đó hay chìm vào suy tư, ông đều thích chỉnh lại kính mắt. Trong khoảnh khắc, đám sinh viên nín thở im phăng phắc, hồ như đang chuẩn bị xem hai đối thủ quyết đấu, không dám lên tiếng hay hỏi han gì sợ gây xáo trộn. Giáo sư Phương Tân mặt không đổi sắc, trước tiên ngước mắt nhìn lên trần nhà, rồi sau đó nhìn thẳng vào sinh viên to con kia, vẻ như không muốn tiết lộ, mãi sau cùng mới chầm chậm nói: "Không sai, lợi hại hơn cả chín chó một ngao, có địa vị cao quý nhất ở đất Tạng, gọi là… chiến ngao!"
Phương Tân vừa dứt lời, lập tức có sinh viên không nén được kêu lên khe khẽ. Ông lại tiếp tục: "Gọi là chiến ngao, nghe tên là biết nghĩa, là chó ngao dùng để chiến đấu. Địa vị của chiến ngao ở đất Tạng, tương tự như toạ kỵ của Bồ Tát trong thần thoại cổ Trung Quốc, thân phận tương đương với thánh tượng ở Thái Lan, con vật này, chỉ người địa vị tối cao ở đất Tạng mới được nuôi dưỡng, dân thường không thể có, cũng không dám có. Chiến ngao, thực tế chính là chín chó một ngao, tinh phẩm trải qua sự tuyển lựa khắt khe của ông trời hoặc con người, thêm vào kinh nghiệm của các cao thủ nuôi chó ngao nhiều đời, được huấn luyện thành thứ chó ngao có trí tuệ nhất, trung thành nhất, có khả năng tấn công và sức chiến đấu nhất. Tôi lấy ví dụ, chó béc giê, các bạn ít nhiều đều đã thấy qua, chó nghiệp vụ, mọi người cũng đều biết, hầu hết chó nghiệp vụ đều là chó béc giê, nhưng một con béc giê bình thường nhà nuôi mà đánh nhau với một con chó nghiệp vụ, cho dù hình thể, chiều cao không hơn kém nhiều, nhưng xác suất chó nghiệp vụ chiến thắng lại cao hơn rất nhiều. Bởi vì bọn chúng đã trải qua huấn luyện nghiêm khắc, biết cách tấn công thế nào mới là hiệu quả nhất. Kỳ thực, nói trắng ra, cũng giống như con người chúng ta thôi, đều là con người, nhưng lại có vận động viên là người bình thường, chẳng hạn bảo anh đi thi cử tạ với quán quân cử tạ, ba người như anh cũng không thể nâng được trọng lượng mà quán quân cử tạ nâng được. Nghe nói, sau khi trải qua tuyển lựa chín chó một ngao, dã tính của con vật cực kỳ ngoan cố, là một trong ba loài động vật khó thuần phục nhất trên thế giới, vì nó cuồng ngạo, muốn khiến nó khuất phục, tuyệt đối là một chuyện không dễ. Nhưng, một khi huấn luyện chiến ngao thành công, sự thần phục của nó với chủ nhân so với chó ngao thông thường còn kiên trung gấp bội, thậm chí còn cảm động hơn cả chuyện tình của chúng ta nữa. Khi tôi khảo sát ở đất Tạng, từng có một chuyện thế này, thợ săn A Vượng Phổ Tài, từng là người chuyên huấn luyện chiến ngao cho thổ ty, sau giải phóng trở thành đội trưởng đội săn bắn Tây Tạng, ông ta có một con chiến ngao, gọi là Đa Cát. Năm tôi vào Tây Tạng khảo sát, lão A Vượng theo đội đi săn, dọc đường không ngờ đã bất hạnh gặp nạn, khi mọi người trong đội đưa thi thể lão về nhà, con Đa Cát vốn đang bị sợi xích sắt to bằng ngón tay khoá vào trụ đá, đột nhiên như lên cơn điên giật tung xích sắt, lúc ấy có sáu bảy thợ săn ưu tú, đều hoàn toàn bị khí thế ấy của nó làm cho sững sờ, ba người bị hất ngã ngay tại chỗ, những người khác không ai dám tiến lên. Nó hít hà mũi lão A Vượng, liếm trán lão, dường như nó cũng cảm nhận được từ thi thể băng lạnh ấy cái gì gọi là chết chóc. Đa Cát cứ như vậy, không cho bất kỳ ai lại gần A Vượng, nó đứng đó, như một bức tượng đá, nếu có ai định lại gần, nó sẽ lập tức xù lông bờm quanh cổ lên cảnh cáo. A Vượng được Đa Cát kéo tới cửa, rồi nó bắt đầu từ chối ăn bất cứ thứ gì, miệng cứ không ngừng phát ra tiếng rên ư ử đau thương, nó không biết cái chết là gì, nhưng nó vẫn không ngừng cố gắng, thử tìm cách đánh thức lão A Vượng dậy. Năm ngày năm đêm, thì người thợ săn dũng cảm nhất lại gần Đa Cát lần nữa, thì phát hiện ra nó đã chết từ lúc nào, vẫn ngồi chồm hỗm bên cạnh lão A Vượng, đầu ngẩng cao nhìn trời. Tư thế đó của nó, nhiều năm nay, tôi vẫn không thể nào quên." Nói tới đây, giáo sư Phương Tân có chút nghẹn ngào, bên dưới cũng có không ít sinh viên ngân ngấn nước mắt.
Lúc này, chuông đã vang lên, giáo sư Phương Tân vung tay, thở ra một tiếng nặng nề, nói: "Vốn còn rất nhiều truyền thuyết về Tạng ngao, nhưng hôm nay thời gian đã hết, đành để lại cho mọi người một kết cục bi thương vậy, được rồi, nếu các bạn còn hứng thú, ngày mai lại đến đi." Mọi người đều oán trách thời gian sao trôi đi quá nhanh, nhưng cũng đành ra về, tiết sau thầy giáo và các bạn học khác cần sử dụng đến giảng đường này.
Lúc các sinh viên đứng dậy, Phương Tân gọi anh chàng cao lớn đã đặt câu hỏi kia lại, hỏi: "Bạn học kia, đợi một lát, cậu tên là gì?"
Anh chàng to con đó ngẩng đầu, kiêu ngạo đáp: "Tôi tên Trác Mộc Cường Ba."
Phương Tân gật đầu nói: "Ồ, là người Tạng, cậu ở vùng nào của Tây Tạng vậy?"
Trác Mộc Cường Ba mỉm cười nói: "Người Cổ Duy, làng Đạt Ngõa Nô Thố."
Sắc mặt Phương Tân thoáng biến đổi, nói: "Chẳng trách, cậu lại hiểu rõ chó ngao đến vậy, thì ra là đến từ quê hương của ngao." Cổ Duy nằm xa xôi hẻo lánh nhất trong đất Tạng, nhờ đó mới bảo tồn được những con chó ngao thuần chủng hiếm hoi, nên gọi là quê hương của chó ngao, nhưng làng Đạt Ngoã Nô Thố thì ngay cả ông cũng chưa từng nghe nói đến. Phải biết rằng, Tây Tạng rộng 1,202 triệu cây số vuông, nhưng dân số lại chỉ không đến ba triệu người, diện tích mỗi làng có khi còn lớn hơn một thành phố cấp địa phương. Trác Mộc Cường Ba thở ra, nói: "Nghiên cứu của giáo sư về chó ngao quả thực khiến tôi rất khâm phục, nhưng tôi vốn muốn hỏi xem, giáo sư Phương từng nghe đến truyền thuyết về Tử Kỳ Lân bao giờ chưa. Nhưng hình như giáo sư không biết thì phải."
Phương Tân nhíu sâu mày, cố gắng lục tìm trong ký ức, nhưng một chút ấn tượng cũng không có, ông rất tự tin về trí nhớ của mình, chỉ cần đã nghe qua, nhất định là có ấn tượng, nhưng ông không có, một chút ấn tượng cũng không có.Truyền thuyết về Tử Kỳ Lân
Cuối cùng Phương Tân cúi đầu, đây là lần đầu tiên ông phải cúi đầu trước mặt sinh viên, nhưng trên cương vị là một học giả, ông rất vui lòng cúi đầu trước học thuật, đặc biệt là những vấn đề học thuật ông chưa từng tiếp xúc nhưng lại thuộc phạm vi nghiên cứu của ông. Ông điềm đạm nói: "Ồ, xem ra đúng là tôi không biết gì về chuyện này, có thời gian ăn cơm không? Cậu kể cho tôi chuyện Tử Kỳ Lân nhé? Nó là loại chó gì vậy? Cũng là một giống Tạng ngao hả? Theo tôi được biết, Tạng ngao không có màu tím đâu."
Trác Mộc Cường Ba nhe răng cười: "Cám ơn giáo sư đã mời, chúng ta đi thôi."
Vậy là, lúc ăn cơm, Trác Mộc Cường Ba kể cho giáo sư Phương Tân câu chuyện về Tử Kỳ Lân. Gã chậm rãi bắt đầu từ giáo lý: "Dân Tạng ban đầu vốn chưa được khai hoá, quen tính hoang dã, hiếu chiến, nhiều lần chiến tranh không ngừng chia cắt, đến khi Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân giáng thế, dùng giáo lý điểm hoá dân chúng, năm 629 sau Công nguyên, Tán Phổ đời thứ ba mươi ba kế vị, nhanh chóng tập trung quyền lực về trung ương, quét sạch bát hợp, thờ phụng giáo lý, thờ Phật kính Phật, thiện hoá chúng dân…"
Giáo sư Phương Tân ngắt lời: "Đợi chút đã, những gì anh nói tôi đều hiểu cả, Tán Phổ đời thứ ba mươi ba chính là Tạng Pháp vương Tùng Tán Can Bố, xây dựng vương triều Thổ Phồn, thống nhất và cát cứ đất Tạng, dùng Phật giáo dạy dân Tạng hướng thiện, nhưng, điều này có liên quan gì đến Tử Kỳ Lân mà anh nhắc tới chứ?"
Trác Mộc Cường Ba nói: "Không không, tôi không muốn nói đến lịch sử Tây Tạng, tôi đang nói về một bộ kinh, vừa rồi chỉ là tôi dịch bộ kinh đó sang tiếng Hán hiện đại mà thôi, còn câu chuyện về Tử Kỳ Lân, cũng được ghi chép trong bộ kinh đó."
Phương Tân gật đầu, ngầm đồng ý.
Trác Mộc Cường Ba giờ mới nói tiếp: "Năm 641 sau Công nguyên, đất Tạng xảy ra một chuyện kinh thiên động địa, tháng Giêng, công chúa Nepal là Xích Tôn sang đất Tạng, mang theo tượng vàng của Thích Ca Mâu Ni lúc tám tuổi, tháng Ba, công chúa Đại Đường là Văn Thành sang đất Tạng, mang theo tượng vàng của Thích Ca Mâu Ni lúc mười hai tuổi. Tạng Vương Tùng Tán Can Bố bắt đầu tôn thờ Phật pháp, từ đó Phật giáo Tạng bắt đầu có sự phát triển…" Trác Mộc Cường Ba dường như không giỏi phiên dịch lắm, mỗi lần nói được một đoạn đều phải dừng lại nghĩ ngợi.
Giáo sư Phương Tân hơi nôn nóng, lại ngắt lời lần nữa: "Anh không cần dịch, cứ đọc nguyên văn bộ kinh ra cũng được, tôi hiểu tiếng Tạng cổ và tiếng Tạng Phục địa. Các giáo hệ của Phật giáo Tạng như Hồng giáo, Hoa giáo, Bạch giáo, Hoàng giáo, Phục địa giáo, tôi đều có nghiên cứu qua rồi."
Trác Mộc Cường Ba lộ vẻ mừng rỡ, nói: "Thì ra giáo sư từng nghiên cứu Tạng giáo, vậy tôi nói thẳng luôn. "Gã bắt đầu nói bằng thứ tiếng Tạng rất lưu loát: "Nhất thời, như thị khai khải Đế Thích cung môn như thị Cao Lâu quảng môn, tùng trung cử xuất tuỳ dục năng sinh viên mãn tứ bộ diệu quả, tức pháp, tài, dục, giải thoát…"
Giáo sư Phương Tân hiểu cả, đại ý của bộ kinh này là, Tùng Tán Can Bố thống nhất đất Tạng, sau khi kết thúc chiến tranh, bắt đầu hiệu triệu toàn dân thờ phụng Phật pháp, cũng chính vì nguyên nhân này, mới cưới công chúa của miền đất khởi nguồn Phật pháp, và công chúa của đế quốc tôn thờ Phật pháp đương thời. Về sau, Tùng Tán Can Bổ thờ phụng tứ diệu pháp, bản thân ông trở thành Đại Pháp vương đầu tiên của đất Tạng, phái ra bốn người bảo vệ, lần lượt canh giữ bốn vùng xa nhất ở biên giới Tạng, đồng thời tuyên giảng Phật học với tứ phương. Bốn người bảo vệ này gọi là Pháp năng, thủ hộ ở miền biên tái gian khổ, có địa vị rất cao trong đất Tạng, và luôn giữ mối liên hệ trực tiếp với Tạng Vương tối cao, vài năm một lần, các Tạng Vương lại truyền cho bốn Pháp năng các kinh sách, Tạng sử mà họ ghi chép được, lý do là các Pháp năng ở tận cùng miền biên viễn xa xôi, nếu có chiến tranh hay thay triều đổi đại, thì Đại thừa Phật pháp và lịch sử Tạng vẫn được gìn giữ. Tổ tiên của Trác Mộc Cường Ba, chính là một trong bốn vị Pháp năng đó, trấn giữ Cổ Duy nằm ở phía Nam, bộ kinh này chính là một bộ Tạng kinh hoàn chỉnh mà gia tộc còn bảo tồn được.
Trác Mộc Cường Ba kể lịch sử hết sức dài dòng của bộ kinh, nhưng nét mặt tuyệt nhiên không hề tỏ ra ngạo mạn, trước sau vẫn điềm tĩnh, ôn tồn, giáo sư Phương Tân hiểu gã kể ra như vậy không ngoài mục đích để ông tin vào tính chân thực của bộ kinh. Cuối cùng, Trác Mộc Cường Ba chậm rãi nói: "Đại Tạng Vương Lăng Đạt Mẫu, ham mê săn bắn, thích đuổi sói trên thảo nguyên hoang dã, kế vị, tuyên bố phế Phật, ép tăng phải cởi áo tu hành đi săn bắn, diệt Phật thủ, thiên đạo bất dung. Năm Cống Hồng thứ năm, săn ở bãi phía Nam, mang hơn mười con chiến ngao, kỵ binh năm trăm người, cùng ba trăm tay cung nỏ. Đi về phía Đông trăm dặm, gặp mưa lớn, phó tướng Ba Tông nói phía Đông có mây không lành, không nên đi, Vương không nghe, tiếp tục đi. Đuổi một con dê, ngựa chạy quá nửa ngày, đi qua núi đồi đất bằng, rừng sâu trảng cỏ, chiến mã chợt dừng lại, cúi đầu hí lên, cỏ cây rung động, không biết là vật gì. Vương kinh hãi, ra lệnh thả ngao, nào ngờ, mười mấy chiến ngao đều phục xuống đất, mắt lộ vẻ sùng kính, dùng roi đánh đập cũng không tiến lên, chợt nghe một tiếng gầm khẽ, vang động núi rừng, chiến ngao vụt đứng dậy rồi hợp lại. Chiến mã tung vó hí vang, Vương rơi xuống đất, ra lệnh cung thủ bắn tên, cung thủ sợ, không dám kéo dây."
Giáo sư Phương Tân nghe tới đây, trong lòng đã có không ít nghi hoặc, Tạng Vương Lăng Đạt Mẫu là vị Tạng Vương cuối cùng của Thổ Phồn, còn gọi là Lăng Đạt Mã. Vì Xích Tổ Đức Tán quá sùng bái Phật giáo, khiến rất nhiều đại thần bất mãn. Bọn họ ngấm ngầm bí mật sách động, lật đổ đương triều và thủ tiêu Phật giáo. Trước tiên họ mưu sát đại thần phụ trách tôn giáo Bát Xiền Bố Bối Cát Vĩnh Đan, sau lại hãm hại Tang Mã, người anh trai sùng tín Phật giáo của Xích Tổ Đức Tân, cuối cùng mưu sát cả Tân Phổ Xích Tổ Đức Tán, đề cử người anh trai không thích Phật pháp của Xích Tổ Đức Tán là Lăng Đạt Mã kế vị Tân Phổ Thổ Phồn. Truyền thuyết về Tạng Vương Lãng Đạt Mẫu, xưa nay rất nhiều, nhưng đại để đều nói Vương bị hoà thượng Phật giáo Mật tông La Long Bối Cát Đa Kiệt hành thích, sau đó đất Tạng chìm vào một cuộc hỗn chiến dài cả trăm năm. Nghe nói Tạng Vương này ghét nhất là Phật pháp, sao lại ghi chép lại câu chuyện của mình vào kinh Phật chứ? Mà các truyền thuyết sau khi Đại Tạng Vương qua đời đều mang một ít sắc thái thần thoại, từ điểm này mà xét, ý nghĩa chân thực của bộ kinh kia có lẽ không hề chân thực như Trác Mộc Cường Ba đã nói.
Giáo sư Phương Tân còn đang suy tư, Trác Mộc Cường Ba đã nói tiếp: "Vương cả giận, đích thân cầm cung, vận lực bắn vào rừng. Lúc này, tiếng gầm như sấm, trời đất biến sắc, một vật xồ ra, thân to như ngựa, khắp mình một mầu tử kim, đầu như cái đấu, mắt như chuông đồng, bốn chân như bốn cột. Trong khoảnh khắc, người nghiêng ngựa ngã, chiến ngao rạp xuống rên rỉ, thần thái cung kính. Phó tướng Ba Tông kêu lên: "Tử kim báo nhãn thú!" Con thú này toàn thân màu tía, mắt ẩn kim quang, chân đạp mây lành, duy chỉ có cái đuôi là giống chó, đối mặt với Vương, Vương không dám nhìn, kêu lớn ‘chó thần’, vứt bỏ cung, tất cả binh sĩ đều quỳ rạp xuống bái, không người nào không xưng thần. Ba khấu đầu, chín bái lạy, thú đã biến mất. Bỏ săn về, Vương bệnh không dậy nổi, nói con thú ban ngày vừa thấy chính là Tử Kỳ Lân, bạo bệnh mấy chục ngày, lòng lo sợ vô cùng. Vương truyền thủ hạ đến nói: "Tử Kỳ Lân, thần thú dưới Phật toạ, lần này giáng lâm, là để trách cứ những gì ta làm, phải hướng thiện hướng tâm Phật, mới có thể giải ưu." Mấy ngày sau, Vương trở lại Đại Chiêu tự, bị hành thích trước bia."
Giáo sư Phương Tần vẫn còn nhớ, lúc ấy mình đã đưa ra mấy điểm nghi vấn, đồng thời sau này cũng nhiều lần tranh luận về tính chân thực của truyền thuyết, nhưng lần nào Trác Mộc Cường Ba cũng không có ý kiến, đối với gã, tranh luận về tính chân thực của Tử Kỳ Lân chẳng khác gì tranh luận xem có phải khủng long đã tồn tại hay không vậy, là một chuyện hoàn toàn không có ý nghĩa. Phương Tân đương nhiên phải truy vấn xem cách nói này của gã từ đâu ra, lý do của Trác Mộc Cường Ba cũng rất đơn giản, trong làng của gã, có người đã thấy Tử Kỳ Lân, hơn nữa, cứ cách mấy trăm năm, thế nào cũng có một hai vị trí giả sẽ thấy được Tử Kỳ Lân hiển linh, bọn họ từ nhỏ đã nghe chuyện Tử Kỳ Lân mà lớn lên, đó là toạ kỵ của Quán Thế Âm Bồ Tát, cùng hạ phàm với Quán Thế Âm, hơn nữa còn luôn ở vùng không người sinh sống trên đất Tây Tạng, mỗi khi con người mắc nạn, có khó khăn cần đến sự giúp đỡ, những người thành tâm và nhất tâm hướng thiện, sẽ nhận được sự giúp đỡ của Tử Kỳ Lân.
Sau đó, Trác Mộc Cường Ba có hỏi giáo sư Phương Tân liệu đây có phải là một dị chủng hiếm gặp trong Tạng ngao hay không, nhưng bị giáo sư phủ nhận, vì hình thể lớn như vậy, đặc trưng cơ thể điển hình như vậy, nếu có tồn tại thật sự, với sức mạnh của khoa học kỹ thuật hiện nay, đáng lẽ phải được phát hiện ra từ lâu rồi mới đúng, hơn nữa, còn phải được ghi chép lại trong hồ sơ từ lâu. Nhưng sự thực là, truyền thuyết về Tử Kỳ Lân, ngoại trừ người dân trong làng Trác Mộc Cường Ba đời đời truyền miệng cho nhau ra, không tìm thấy bất cứ ghi chép nào liên quan đến Tử Kỳ Lân nữa, cũng không có ai phát hiện ra tông tích của Tử Kỳ Lân cả. Nghiên cứu sâu hơn, Trác Mộc Cường Ba lại nói với Phương Tân, không rõ Tử Kỳ Lân và lý thuyết mới nhất "Di truyền cách đời" của ông có liên quan không.
Di truyền cách đời là chỉ một số đặc tính nào đó trong cơ thể động vật, không biểu hiện ở thế hệ tiếp sau đó, mà cách mấy đời, hoặc đến mấy chục đời mới biểu hiện ra ngoài, điều này có di truyền học làm căn cứ, gien lặn kết hợp với gien trội, ban đầu biểu hiện dưới dạng lặn, cũng có nghĩa là nhìn bên ngoài không thấy bất cứ vấn đề gì, cho đến khi gặp phải một gien lặn khác, kết hợp với nhau, cuối cùng mới biến thành gien trội mà biểu hiện ra đặc tính của gien, có mặt tốt, cũng có mặt xấu. Lý thuyết về di truyền cách đời của giáo sư Phương Tân chính là giả thiết có một loài vật nào đó, nếu gien trong cơ thể nó có được tổ hợp ưu tú nhất thì nó sẽ tiến hoá như thế nào, mà trên thực tế, tuy rằng tỷ lệ của kiểu tổ hợp này nhỏ đến gần như bằng không, nhưng khẳng định là có tồn tại. Bọn họ nghiên cứu động vật họ chó, nên lý thuyết di truyền cách đời ấy đương nhiên cũng áp dụng với loài chó.
Trác Mộc Cường Ba phân tích thế này: "Ngao sinh sôi ở vùng cao nguyên, vì vậy chỉ ở cao nguyên mới có thể sản sinh ra thứ chó ngao thuần chủng nhất; nó cần thích ứng với cao nguyên để sinh tồn, vì vậy khả năng hấp thu và sử dụng ô xy của cơ thể cần phải cao hơn các loài chó thông thường. Kết luận này cơ bản ý nói tốc độ lưu chuyển của máu tăng cao, tốc độ vận chuyển ô xy nhanh lên, nhưng vì môi trường cao nguyên luôn có mức dưỡng khí thấp, nên nhìn bề ngoài của nó đã thấy rõ huyết quản thiếu dưỡng khí, mà ai cũng biết, thiếu dưỡng khí sẽ biểu hiện ra ngoài, chính là sinh màu tím sẫm, cho nên mới có một màu tía đặc biệt. Để thích ứng với hoàn cảnh địa lý đặc thù trên cao nguyên, chân cần phải to mà có lực, những nếp nhăn trên cổ, là để khi kẻ thù cắn cổ nó, nó có thể quay ngược lại cắn kẻ thù, mắt trợn to, có thể mở rộng khả năng tiếp nhận ánh sáng, ở vùng cao nguyên mờ mịt hơi mù này, tiếp nhận nhiều ánh sáng tức là nhìn xa hơn, mũi ngắn hơn các loài chó khác, lỗ mũi to hơn, làm các tế bào khứu giác phân bố đều hơn, để phân biệt mùi vị tinh tế hơn, những đường cong trên cơ thể là để đạt tới tốc độ cao trong thời gian ngắn nhất mà tốn ít năng lượng nhất."
Về mặt lý thuyết, Trác Mộc Cường Ba nêu lên một phỏng đoán táo bạo, nhưng không được giáo sư Phương Tân chấp nhận: nếu không tận mắt nhìn thấy, giáo sư không đời nào tin. Đây cũng là điểm khác biệt giữa ông và Trác Mộc Cường Ba khi lần đầu nhìn thấy hai tấm ảnh, ông nhận định đó là giả, còn gã, lại kích động vô cùng.
Giáo sư Phương Tân cúi đầu suy tư, ông không ngờ Trác Mộc Cường Ba lại kết hợp hai tấm ảnh này với truyền thuyết Tử Kỳ Lân ở quê gã. Nhưng, nếu như… nếu như hai tấm ảnh này là thật, cái bóng đó rốt cuộc có phải Tử Kỳ Lân không? Lần thứ hai Phương Tân cảm thấy tim mình đập dồn, tựa như lúc mới nhận được lời mời của chủ tịch hội nghị Matthew Liya vậy, không, lần này còn mạnh mẽ hơn nữa. Lần đầu tiên trong đời, giáo sư Phương Tân cảm thấy hoài nghi với kiến thức chuyên ngành của mình.
Trác Mộc Cường Ba thấy giáo sư Phương Tân có vẻ dao động, bèn lập tức chớp lấy cơ hội, cao giọng nói: "Thầy giáo, cùng đi đi. Thầy cả đời nghiên cứu động vật họ chó là vì cái gì chứ? Chúng tôi không tiếp sức lực tuyên truyền về chó ngao với mọi người là vì cái gì chứ? Từ trước đến nay, tôi luôn tin rằng, duyên mệnh của mình gắn chặt với chó ngao, bọn chúng kiên nghị, ngoan cường, trung thành, chúng là tín ngưỡng của tôi. Tìm kiếm con ngao hoàn mỹ nhất, mạnh mẽ nhất, chính là sứ mệnh của cuộc đời tôi. Thầy giáo, tôi cần thầy giúp đỡ."
--------------------------------
1 Suất Túc: môn đấu vật của người Tạng.
2 Bốn xích: đơn vị đo lường cổ của Trung Quốc, tương đương khoảng 1/3 mét.
Chương sau