Rachel nhìn chăm chăm qua kính xe, nhưng rõ ràng tâm trí cô đang ở tận đẩu đâu. "Điều đó chẳng có nghĩa gì cả," cuối cùng cô nói. "Những giấc mơ về kẻ lạ đột nhập vào nhà hay phòng ngủ hầu như phổ biến với các bệnh nhân của chứng ngủ rũ. Ngay cả khi anh không bị bệnh ngủ rũ, thì đó cũng có thể là một giấc mơ điển hình, một biến dạng của hiện thực do những nỗi lo lắng gây ra."
bạn đang xem “Dấu chân của chúa - Greg Iles” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
"Không. Giờ giấc ăn khớp rất hoàn hảo. Tôi thấy mối nguy trong mơ, và khi tôi tỉnh dậy, thì mối nguy đang còn đó trong thực tế. Đúng y như tôi đã trông thấy nó."
Cô bóp vai tôi. "Anh hãy nghe tôi. Anh đã quen với tiếng động trong nhà mình. Anh lại vừa bị căng thẳng. Anh bỗng nghe thấy một âm thanh lạ, âm thanh gợi ngay cho anh nỗi sợ bị trộm đột nhập. Cửa trước mở ra. Cửa sổ nâng lên. Một tấm ván kêu răng rắc. Phản ứng với những kích thích ấy, trí não của anh tạo ra một giấc mơ về cuộc đột nhập. Điều đó đủ làm anh hoảng sợ để tỉnh dậy. Giấc mơ của anh là một phản ứng với những kích thích bên ngoài, chứ không có gì khác."
Tôi có nhớ đến tấm ván kêu răng rắc. Nhưng tôi đã tỉnh khi nghe thấy tiếng động đó. "Tôi trông thấy khẩu súng của hắn trong mơ", tôi bướng bỉnh nói. "Đó là một khẩu tự động. Có giảm thanh." Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng đeo bên thắt lưng. "Giống như khẩu này."
"Trùng hợp thôi."
"Trước đây tôi chưa bao giờ trông thấy một khẩu súng giảm thanh."
"Tất nhiên anh đã từng thấy rồi. Anh đã nhìn thấy chúng hàng trăm lần trong phim."
Tôi nghĩ ngợi về điều này. "Đúng. Nhưng còn một chuyện nữa."
"Chuyện gì?"
"Đây không phải lần đầu tiên tôi mơ như thế. Tức là trong mơ tôi là một người khác, một người trong hiện tại. Tôi đã mơ như thế vào cái ngày Fielding chết."
"Anh tả nó cho tôi nghe."
Một xe tuần cảnh Durham chạy qua chúng tôi trên làn Tây. Tim tôi thót lại, nhưng chiếc xe không chạy chậm lại hay nháy đèn.
"Hôm qua khi tôi đang thu băng video - ngay trước lúc cô đến - tôi mơ thấy mình là Fielding ngay trước và trong lúc ông ấy chết. Điều đó thực đến mức tôi cảm thấy mình đang chết thật sự. Tôi không nhìn được... không thở được. Khi tôi ra mở cửa cho cô, tôi còn không biết đi đường nào."
"Nhưng Fielding đã chết vào buổi sáng hôm ấy."
"Vậy thì sao?"
Cô giơ tay lên như để nhấn mạnh một sự việc đã rõ ràng. "Anh không thấy ư? Giấc mơ Fielding của anh không báo trước điều gì. Nó chẳng qua là một phản ứng của nỗi đau. Anh còn mơ thấy những giấc mơ nào như vậy nữa?"
Tôi nhìn lại đoạn đường phía sau. Chúng tôi đã đến Công viên Tam giác Nghiên cứu. Con đường I-40 chạy qua đó. Cách đây chưa đầy hai cây số Geli Bauer đang chỉ huy cuộc săn đuổi tôi.
"David, anh còn mơ thấy những giấc mơ nào như vậy nữa?"
"Bây giờ chưa phải lúc bàn chuyện đó."
"Có lúc nào tốt hơn sao? Tại sao anh bỏ ba buổi hẹn khám với tôi?"
Tôi lắc đầu. "Cô đã nghĩ là tôi điên."
"Đó không phải thuật ngữ y học."
"Dù sao nó cũng mô tả đúng thực trạng."
Cô thở dài và nhìn trảng cỏ xanh mướt bên đường phía cô qua cửa kính.
"Đó là Trinity," tôi nói. "Phía trên kia kìa."
Phòng thí nghiệm nằm xa đường quá nên quá nhỏ nhìn không rõ.
"Có logo Argus Optical," cô nói.
"Đó là cái vỏ."
"À, coi nào... anh giấu tôi những hoang tưởng của anh thì có lợi gì nào? Anh nghĩ anh đang bảo vệ cái phần nào trong con người anh?"
"Chúng ta sẽ nói chuyện đó sau." Tôi thấy rõ cô không chịu thôi. "Tôi cần thuốc, Rachel. Tôi không thể chịu nổi năm lần choáng ngất một ngày khi chúng ta còn đang chạy như thế này."
"Anh đang dùng thuốc gì vậy? Modafinil à?"
Modafinil là một loại thuốc tiêu chuẩn điều trị chứng ngũ rũ.
"Đôi khi. Thường thì tôi dùng methamphetamin."
"David, chúng ta đã nói về tác dụng ngoại ý của amphetamin. Chúng có thể làm các hoang tưởng của anh trầm trọng lên đó."
"Đó là thứ duy nhất giúp tôi tỉnh táo. Ravi Nara thường cho tôi uống Dexedrine cơ."
Cô thở dài. "Tôi sẽ kê cho anh một ít thuốc Adderall."
"Đơn thuốc không thành vấn đề. Tôi có thể tự kê được. Vấn đề là chúng biết tôi cần thuốc. Chúng sẽ canh tất cả các hiệu thuốc".
"Họ không thể nào bao quát hết các tiệm thuốc ở khu Tam giác này được."
"Chúng là NSA, Rachel ạ, và chúng biết tôi cần thuốc. Đó là những kẻ đã ghi âm câu chuyện phiếm trong buồng lái giữa các phi công Nga, những người đã bắn rơi máy bay Triều Tiên trên đảo Sakhalin năm 1983. Đã hai mươi năm qua rồi, và đó là tai nạn ngẫu nhiên. Bọn chúng đang ráo riết truy tìm chúng ta. Cô đã đọc cuốn 1984 1 chưa?"
"Tôi đọc từ hai mươi năm trước."
"Khi nói NSA là tôi nghĩ đến Anh Cả 2 . NSA là thứ tương tự nhất mà chúng ta có ở nước Mỹ này."
"Nhưng anh vẫn cần thuốc."
"Chắc cô có quen ai đó."
"Tôi có thể kiếm được thuốc trong quầy thuốc bệnh viện."
"Bọn chúng đang canh chừng ta ở đó."
"Hừ, chó chết thật."
Tôi hầu như chưa bao giờ nghe thấy cô văng tục. Có lẽ chỉ khi nào cô bận jean xanh. Có lẽ cô cố giữ vẻ nghiêm trang khi mặc váy lụa với áo bờ lu.
"Tôi biết một bác sĩ ở Bắc Durham, cô ấy sẽ cho chúng ta một ít," cô nói.
Chúng tôi đã qua Durham lâu rồi và đang thẳng tới Raleigh. Hiểu biết của tôi về Geli Bauer khiến tôi miễn cưỡng nấn ná ở vùng này lâu hơn cần thiết. Hơn nữa, thật là nghịch lý, có gì đó trong tôi không muốn các giấc mơ chấm dứt. Giấc mơ trước đã cứu mạng chúng tôi, và mặc dầu tôi chưa bao giờ thú nhận với Rachel, tôi cảm thấy bằng cách nào đó những giấc mơ - tuy có thể đáng sợ - đã cung cấp thông tin về cảnh ngộ khốn khó của chúng tôi, những thông tin mà tôi không thể có được nhờ cách nào khác.
"Chúng ta không thể quay lại," tôi nói.
"Ngộ nhỡ anh bị choáng khi đang lái?"
"Cô đã thấy nó xảy ra như thế nào khi ở nhà tôi. Nó không xảy ra tức khắc đâu."
"Nhưng khi đó anh không lái xe."
"Tôi luôn được báo trước vài phút. Tôi sẽ dừng lại ngay khi cảm thấy không ổn."
Rachel khó chịu ra mặt. Như thể muốn trút bực bội, cô gác một chân lên bảng điều khiển, tháo dây giày, rồi cột chặt lại. Xong cô làm thế với chân kia. Dường như cái thủ tục bắt buộc ấy làm cô bình tĩnh lại.
Tôi chạy lên đường 440 vòng quanh Raleigh rồi nhập vào đường U.S. 64, đi hết đường này là đến Đại Tây Dương. Con đường cao tốc mang đặc trưng miền Nam: hai dải đường xi măng rộng chạy xuyên rừng thông và rừng cây gỗ cứng. Chắc khoảng hai tiếng nữa mới đến chỗ đất thoải xuống phía Bãi Ngoài. Giá như Fielding không chết, có lẽ hôm nay ông sẽ đi trên con đường này, con đường ông đã đi trước đây, đến địa điểm mà vợ tôi và tôi đã đến thăm mười hai năm trước. Những ý nghĩ như thế cho tôi thấy sự mơ hồ không cần thiết của những từ ngữ như không-thời gian. Một người học vấn trung bình nghe một từ như thế sẽ tưởng anh ta không bao giờ hiểu được nó. Nhưng điều này hết sức đơn giản. Bất kỳ một nơi chốn nào anh nhìn thấy đều liên hệ đến một thời gian nhất định. Ngôi nhà nhỏ ở Nags Head mà Fielding cùng vợ hưởng tuần trăng mật có vẻ như là nơi vợ chồng tôi từng ở, nhưng thực tế lại không phải. Trong khuôn khổ không-thời gian, nó hoàn toàn khác. Ngôi trường anh đến thăm hai mươi năm sau khi tốt nghiệp, sân bóng anh từng chơi, con đường nhỏ anh từng chạy trên đó - không có cái gì như cũ. Nếu nó vẫn như cũ, anh sẽ đụng phải các thế hệ chạy trên đó trước hoặc sau anh. Người yêu mà anh hôn không phải là chính nàng sáu mươi giây trước đó. Trong một phút ấy, một triệu tế bào da đã chết và được thay mới. Những lát cắt cực nhỏ của không-thời gian ngăn cách ý nghĩ và hành động. Sự sống và cái chết.
"Tôi không muốn làm sự việc trở nên xấu hơn," Rachel nói, "nhưng vì anh không thể gọi cho tổng thống nữa, đúng ra anh có thể làm gì? Chúng ta có thể đi đâu?"
"Tôi đang hy vọng một cái gì đó trong ngôi nhà nhỏ ấy sẽ cho tôi một đầu mối. Ngay bây giờ tôi chỉ cố gắng bảo toàn mạng sống của chúng ta."
"Sao anh không đơn giản là công khai nó. Chạy đến Atlanta và nói tất cả với CNN?"
"Bởi vì NSA chỉ cần bảo rằng chúng ta nói dối. Tôi có thể chứng minh điều gì vào lúc này?"
Rachel khoanh tay. "Anh thử nói tôi xem. Chẳng lẽ một người đoạt giải Nobel như Ravi Nara có thể gian dối che giấu tất cả chuyện này?"
"Y sẽ không do dự đâu. An ninh quốc gia là sự hợp lý hóa tốt nhất cho mọi lời nói dối. Còn về tòa nhà Trinity, lúc này chắc nó trống trơn rồi. "
"Lu Li Fielding có thể ủng hộ anh."
"Lu Li đã biến mất rồi."
Sắc mặt Rachel trở nên nhợt nhạt.
"Đừng nghĩ chuyện xấu nhất. Bà ấy đã có kế hoạch chạy trốn, nhưng tôi không biết bà ấy đã thực hiện chưa."
"David, anh chưa nói hết với tôi những gì anh biết."
"Về Lu Li ấy à?"
"Về Trinity."
Cô nói đúng. "Thôi được, vài tuần trước đây, Fielding biết rõ rằng việc treo dự án chỉ là mưu mẹo để làm sao lãng hai chúng tôi. Ông ấy nghĩ dự án Trinity thật sự vẫn được tiếp tục ở một nơi nào khác, có thể đã từ khá lâu rồi."
"Họ còn có thể tiến hành ở chỗ nào khác nữa?"
"Fielding cá là ở các phòng thí nghiệm R&D ở Trung tâm Siêu máy tính Godin tại California. Godin đã nhiều lần bay đến đó bằng chuyên cơ riêng. Nara cũng đi cùng ông ta vài bận."
"Điều đó không chứng minh được gì. Với tất cả những gì anh biết, thì có thể họ đang chơi golf ở bãi biển Pebble cũng nên."
"Các cha đó không chơi golf đâu. Bọn họ làm việc. Bọn họ sẽ bán linh hồn để đổi lấy những gì họ muốn. Khi nào cô nghĩ đến Peter Godin, hãy nghĩ đó là Faust."
"Bọn họ muốn gì?"
"Nhiều thứ khác nhau. John Skow hồi đó sắp bị NSA sa thải thì được Godin yêu cầu quản lý Dự án Trinity. Việc đó đã cứu vãn sự nghiệp của gã."
"Tại sao Godin cần một người như gã?"
"Tôi nghĩ Godin có dự tính gì đó với Skow. Hình như ông ta đã cam kết với gã từ lâu và biết rằng Skow sẽ giữ im lặng tất cả những gì gã được nghe kể. Làm việc cho NSA thì không giàu. Nhưng là nhà cung cấp máy tính Trinity cho cơ quan này thì có thể đặt gã vào ghế giám đốc. Và sau đó, gã có thể là vô giá đối với một tập đoàn tư nhân. Skow sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hiện thực hóa Trinity."
"Còn Ravi Nara?"
"Nara đòi một triệu đô la một năm cho vị trí này. Khoản nào chính phủ không trả được, Godin trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, những gì Nara đóng góp cho Trinity sẽ cho y một cơ hội Nobel nữa. Tất nhiên là chung với Godin và Jutta Klein. Lẽ ra Fielding là người xứng đáng nhất, nhưng ủy ban Nobel không truy tặng. Ngoài nguồn tài chính nghiên cứu vô tận suốt đời, tên tuổi Nara còn được lưu trong các sách lịch sử..."
"Thế còn cái bà Jutta Klein đó?"
"Klein là người thẳng thắn. Bà ấy là một phụ nữ Đức lớn tuổi, và đã chung giải Nobel với hai người Đức khác từ năm 1994. Bà ấy được chuyển nhượng từ Siemens cho Trinity. Đó là cách hình thành của nhiều công ty. Godin muốn có những người giỏi nhất thế giới, ông ta đã mượn họ từ phòng R&D của các hãng máy tính mạnh nhất. Sun Micro. Silicon Graphics. Để đổi lại, những công ty này sẽ nhận được giấy phép sử dụng một số bộ phận thuộc công nghệ Trinity sau khi nó được công khai. Nếu nó được công khai."
"Nếu Jutta Klein trung thực," Rachel nói, "có thể bà ấy sẽ giúp được chúng ta."
"Có muốn bà ấy cũng không giúp được. Bọn chúng sẽ khiến bà ấy phải im lặng."
Rachel thở dài thất vọng. "Thế còn Godin? Ông ta muốn gì?"
"Godin muốn làm Chúa."
"Cái gì?"
Tôi lạng nhẹ sang làn trái để vượt một nhà xe lưu động. "Godin không thèm để ý Trinity có sinh lợi nhuận hay không. Ông ta là tỷ phú. Ông ta đã bảy mươi hai tuổi rồi, và trở thành sao từ khi mới bốn mươi. Bởi vậy hãy quên đi chuyện trở thành cha đẻ của trí thông minh nhân tạo hay những gì tương tự thế. Ông ta muốn trở thành người đầu tiên - hay người duy nhất - mà trí tuệ được nạp vào chiếc máy tính Trinity."
Rachel hất một lọn tóc đen ra khỏi mắt. "Ông ta là người thế nào? Một kẻ ích kỷ cùng cực chăng?"
"Ông ta không đơn giản thế. Godin là một bộ óc sáng chói, là người hiểu rõ những khiếm khuyết của thế giới này. Ông ta giống những người mà ta biết ở trường đại học, những kẻ nghĩ rằng Atlas Shrugged 3 là câu trả lời cho mọi vấn đề của thế giới, chỉ có điều ông ta là một thiên tài. Và ông ta đã có những đóng góp chủ chốt cho khoa học. Cho đến nay, nước Mỹ thật sự là một nơi tốt đẹp chính vì Godin đã sống ở đó. Siêu máy tính của ông ta đóng vai trò quan trọng vào thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Lạnh."
Chương trước | Chương sau