Tôi hốt hoảng đứng dậy, không cẩn thận làm rơi sách vở và bút xuống đất. Tôi cũng chẳng buồn nhặt. Lương Tranh vừa giúp tôi thu dọn sách vở vừa hét lên sau lưng tôi:
bạn đang xem “Ánh trăng nói đã lãng quên - Độc Mộc Châu” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!
- Tống Sơ Vi, đi đường cẩn thận.
Không còn một chút sức lực nào để nói tiếng cảm ơn, thậm chí tôi còn không kịp về ký túc lấy đồ mà chạy thẳng ra cổng bắt một chiếc taxi, ra thẳng bến xe.
Vì từ nhỏ đã bị say ô tô nên bình thường tôi rất ít khi đi xe khách. Nhưng hôm nay tôi mặc kệ tất cả. Tôi lao đến quầy bán vé, mua một vé về thành phố Z, còn mười lăm phút nữa là đến giờ xe chạy.
Dường như đây là mười lăm phút dài nhất mà tôi đã từng trải qua. Tôi đứng ngồi không yên, lo lắng nhìn thời gian hiển thị trên góc màn hình, cảm giác nghẹn ngào trào dâng trong cổ họng.
Khó khăn lắm mới lên được xe, nhân viên kiểm vé bắt đầu lề mề kiểm số người. Chú lái xe với chiếc dây chuyền rất to trên cổ vẫn thư thả hút thuốc. Nếu là bình thường, chắc chắn tôi sẽ dồn hết chú ý vào chiếc dây chuyền đó rồi đoán xem đó là vàng tây hay vàng ta, nhưng hôm nay tôi không có tâm trạng để làm chuyện đó.
Lên xe năm phút rồi mà xe vẫn chưa chuyển bánh, tôi không kìm nén được, cuối cùng hét lên với họ:
- Xin các chú hãy cho xe chạy đi, bà cháu không qua khỏi được rồi.
Nói xong câu ấy, nước mắt tôi tuôn trào như mưa. Không gian trên xe chìm trong tĩnh lặng.
Hai giây sau, chiếc xe lăn bánh.
Từ bến xe của thành phố Z đến bệnh viện trung tâm thành phố phải đi qua năm cột đèn xanh đèn đỏ. Chưa có lần nào xui xẻo như ngày hôm nay.
Ngã tư đầu tiên là đèn đỏ. Ngã tư thứ hai là đèn đỏ. Ngã tư thứ ba vẫn là đèn đỏ...
Tôi ngồi ở hàng ghế sau, nước mắt cứ tuôn trào không sao kìm nén được. Người lái xe nhìn tôi qua gương chiếu hậu, có lẽ cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Anh ta nhấn ga rồi nói:
- Em gái, đừng khóc, anh sẽ cố gắng.
Nhưng vô ích, ngã tư thứ tư vẫn là đèn đỏ.
Vận mệnh là một đoàn tàu không thể quay đầu. Trong tiếng ầm ầm khi bánh xe ma sát với đường ray, tôi đã nhìn thấy kết cục của một số chuyện.
Đến cửa bệnh viện thành phố, lái xe phanh kít một tiếng. Tôi giật mình bừng tỉnh trong mớ hỗn độn, ngay cả tiền thừa cũng không nhận, mở cửa xe chạy thẳng vào bệnh viện.
Nhưng sau khi thở hổn hển chạy lên tầng năm, đến bậc thang cuối cùng, bỗng nhiên tôi không thể nhấc chân được nữa... Toàn bộ phần thân dưới giống như bị đúc chì. Từ cầu thang đến phòng bệnh chỉ còn vài mét ngắn ngủi, nhưng dường như đây là đoạn đường khó khăn nhất, nặng nề nhất trong cuộc đời của tôi.
Đến cửa phòng bệnh, tôi nhìn thấy một đám người đang vây quanh chiếc giường ở giữa. Trong đó có một hình bóng rất quen thuộc.
Đó là mẹ tôi, dáng người run rẩy của mẹ cho tôi biết rằng mẹ đang khóc.
Cảm giác tanh nồng từ khoang ngực trào lên trên cổ họng. Vốn dĩ tôi muốn gọi một tiếng bà nội nhưng răng, lưỡi, miệng, tất cả các cơ quan phát âm đều không nghe theo sự chỉ huy của bộ óc.
Ký ức quay trở về. Đó là vào mùa xuân. Hồi ấy, tôi còn rất nhỏ, sống cùng bố mẹ và bà nội. Hồi ấy, vận mệnh tàn khốc vẫn chưa bủa vây chúng tôi.
Cả nhà quây quần trong bữa cơm tất niên. Bà gắp một miếng sủi cảo cho tôi. Tôi cắn một miếng, suýt nữa thì gãy răng. Mẹ vội vàng chạy lại, thì ra tôi đã cắn vào đồng xu trong chiếc bánh.
Hồi ấy, khuôn mặt bà nội có rất nhiều nếp nhăn nhưng bà vẫn còn khỏe, trông bà rất hiền từ. Bà lấy đũa gõ vào bát của tôi và nói, ăn được chiếc bánh có tiền xu, năm sau sẽ rất may mắn. Hồi ấy, tôi ngây thơ tin rằng vì mình may mắn nên mới ăn được chiếc sủi cảo có tiền xu. Tôi thật ngốc! Nhiều năm sau nghĩ lại tôi mới biết thực ra bà làm vậy là có dụng ý.
Bà muốn cố gắng hết sức mình, cho tôi những thứ tốt nhất, cho dù chỉ là một chiếc bánh sủi cảo.
Vì sao bà không thể đợi cháu thêm một chút? Tôi nằm bò bên cạnh giường, gục mặt vào chiếc chăn đầy mùi thuốc sát khuẩn. Tôi nắm chặt đôi bàn tay dần mất đi hơi ấm. Trên mu bàn tay có những vết đồi mồi màu nâu, lòng bàn tay có vết chai tay sần sùi.
Trước đây tôi là người rất sợ chết, rất sợ ma nhưng lúc này, khi nắm đôi bàn tay của bà, tôi không sợ chút nào.
Khuôn mặt vùi trong chăn đã bị biến dạng, tôi không dám ngẩng đầu lên khóc, cũng không còn sức để ngẩng đầu lên.
Nếu có thể, hãy để tôi làm một con đà điểu có được không? Để tôi vùi đầu trong sa mạc, coi như chuyện gì cũng không hề hay biết, có được không? Đừng bắt tôi phải trải qua những chuyện này. Tôi không cần nội tâm sâu sắc. Tôi cũng không cần trí tuệ cuộc đời gì hết... nếu để có được những thứ ấy buộc phải trả cái giá đắt như thế này...
Tôi có thể không trải qua những chuyện này được không?
Tôi có thể từ chối trưởng thành không? Tôi có thể cố chấp sống trong hồi ức không có sự đau khổ được không?
Peter Pan là câu chuyện tôi không dám đọc hai lần. Trong câu chuyện có một câu nói khiến mỗi khi nhớ đến tôi cảm thấy rất buồn: "Nơi đó chúng ta cũng đã từng đến, đến tận bây giờ vẫn có thể nghe thấy tiếng sóng vỗ vào bờ, chỉ là chúng ta không lên bờ nữa".
Trong lúc mơ màng có rất nhiều đôi tay dìu tôi, rất nhiều người đến để tách bàn tay của tôi ra khỏi bàn tay của bà. Họ tách từng ngón tay của tôi, ra sức kéo tôi ra khỏi giường bệnh.
Tôi không còn sức để vùng vẫy, cũng không còn sức để phản kháng. Họ muốn làm thế nào với tôi thì làm.
Thế giới này muốn đối xử với tôi như thế nào cũng được...
Vì sao không đợi cháu? Bà nội, cháu đã trên đường đi rồi, vì sao bà không đợi cháu thêm một chút nữa?...
Khoảnh khắc tận mắt chứng kiến y tá đậy tấm khăn trắng lên mặt bà nội, tiếng khóc xé tim gan bật ra từ trong cơ thể tôi, từ nơi sâu nhất của linh hồn.
- Bà nội...
Chương trước | Chương sau