Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung


Tác giả:
Đăng ngày: 09-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 96 đánh giá )

Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung - Chương 11 - Hận cũ còn mang nghe khó trả - Ân sâu trót chịu biết sao đền

↓↓

Mạnh-Kiện-Hùng cố lựa lời từ chối khéo cho qua chuyện:

bạn đang xem “Thư kiếm ân cừu lục - Kim Dung” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


-Mấy hôm nay trang chủ chúng tôi trong người không được khỏe nên chẳng thể ngồi lâu mà tiếp khách được, xin thành thật cáo lỗi với hai vị. Nếu hai vị có điều gì cần gấp xin cứ dạy bảo, tại hạ sẽ báo lại cùng trang chủ sau.


Đổng-Triệu-Hòa cười lên ha hả rồi lạnh lùng nói:


-Lần này chúng tôi đến Thiết-Đảm-Trang là có ý tốt, thích tiếp hay không là tùy Châu trang-chủ chứ thật tình chúng tôi chẳng dám ép. Nhưng có điều tôi mong Mạnh huynh thưa lại với trang-chủ là cái họa tan cửa nát nhà, chết người sắp sửa xảy ra rồi đó. Nếu Châu trang-chủ không sớm liệu e không còn kịp nữa.


Sau khi Văn-Thái-Lai bị bắt giải đi, Mạnh-Kiện-Hùng cảm thấy hết sức áy náy, hận sức mình không sao giải cứu được. Chàng vừa cảm khái, vừa thương tiếc con người nghĩa khí mà chàng xem là một anh hùng đáng noi gương. Chàng ngày đêm vẫn thường lo lắng cho tánh mạng của vị Tứ đương gia Hồng Hoa Hội kia. Nhưng đồng thời, Mạnh-Kiện-Hùng còn một mối lo lớn hơn nữa là chàng sợ Thiết-Đảm-Trang cũng bị liên lụy vào. Không phải chàng lo cho bản thân mình, mà lo ngại cho sự an nguy của toàn thể mọi người sơn-trang từ trang-chủ cho đến người tráng-đinh chức vị thấp kém nhất. Lúc nào trong lòng Mạnh-Kiện-Hùng cũng có linh cảm rằng đại họa không sớm thì muộn sẽ xảy đến bất tử cho Thiết-Đảm-Trang, nên chỉ cần một câu nói hơi chút lạ thường cũng đủ cho chàng lo sợ phập phồng rồi. Hôm nay tình cờ Đổng-Triệu-Hòa đến, Mạnh-Kiện-Hùng đã có vẻ nghi ngờ. Khi nghe xong giọng nói khó chịu của tên tiêu-sư gian ác ấy, chàng khẽ than thở trong lòng, cho là việc gì phải đến đã đến.


Không do dự mà cũng chẳng dám tự chuyên, Mạnh-Kiện-Hùng vào trong thư phòng báo cáo mọi tình hình cho Châu-Trọng-Anh rõ, để mặc cho Đổng-Triệu-Hòa cùng Vạn-Khánh-Nhuận ngồi đó mà chẳng thèm nói một câu nào.


Nghe Mạnh-Kiện-Hùng thuật lại rõ từ cử chỉ hách dịch đến giọng nói phách lối của Đổng-Triệu-Hòa, Châu-Trọng-Anh không dằn được, lửa giận bốc lên tận trời. Ông ta ngồi phắt dậy, với tay lấy cây Thiết-đảm bước ra khỏi phòng miệng nói như gầm thét:


-Quân khốn nạn! Chúng còn dám vác mặt đến đây hăm dọa ta nữa à? Hay chúng tưởng là diệt được Thiết-Đảm-Trang dễ dàng lắm? Ta phải hỏi cho ra lẽ rồi cho ba cái quân súc sinh ấy một bài học!


Bước chân vào phòng khách, Châu-Trọng-Anh chẳng cần đếm xỉa tới Đổng-Triệu-Hòa mà chỉ chào hỏi Vạn-Khánh-Nhuận sơ qua cho có lệ.


Vạn-Khánh-Nhuận đứng dậy rút trong túi ra một tờ giấy, trải ra ngay ngắn giữa mặt bàn, dùng hai tay giữ chặt hai đầu rồi nói với Châu-Trọng-Anh:


-Xin mời Châu lão anh-hùng thử đọc xem!


Châu-Trọng-Anh xích lại gần, nhìn vào tờ giấy mà đọc chứ chẳng buồn lấy tay đụng tới. Thì ra đó là bức thư của Lục-Phỉ-Thanh viết cho Châu-Trọng-Anh, ngụ ý gửi gắm Văn-Thái-Lai, Lạc-Băng và Dư-Ngư-Đồng. Mặc dù có đến Thiết-Đảm-Trang và được Mạnh-Kiện-Hùng dấu vào địa huyệt, Văn-Thái-Lai vẫn giữ bức thư trong người chứ không chịu đưa cho ai vì không gặp được Châu-Trọng-Anh để trao tận tay. Chắc hẳn là lúc bị bắt, Văn-Thái-Lai bị Trương-Siêu-Trọng và đồng bọn lục soát khắp người và bắt gặp phong thư này.


Sự thật là thế. Bọn Đoàn-Đại-Lâm sau khi bắt được lá thư đều kinh ngạc đến ngây người, nhận ra ngay chủ nhân viết bức thư này là một trong những khâm-phạm bị triều-đình truy nã gắt gao nhất cả hơn 10 năm trường nay. Không biết bao nhiêu người nhận chiếu chỉ của vua Càn-Long đã khổ công đi tìm từ chân trời này cho tới góc biển nọ mà vẫn không tìm được tung tích của Lục-Phỉ-Thanh ở đâu. Đa số tưởng rằng ông ta đã chết rồi. Nhưng tình cờ không kiếm mà ra, bức thư trên mình Văn-Thái-Lai là bằng chứng hẳn hoi cho thấy Lục-Phỉ-Thanh vẫn còn sống và hoạt động mạnh mẽ, liên kết cả với Hồng Hoa Hội lẫn Thiết-Đảm-Trang nữa. Do đó, đám quan triều đình bàn với nhau chỉ cần chất vấn, gây áp lực với Châu-Trọng-Anh là Lục-Phỉ-Thanh không còn chạy trốn đi đàng nào được nữa.


Bọn Đoàn-Đại-Lâm họp nhau lại bàn tính. Chúng nhận thấy rằng công lao tìm được Lục-Phỉ-Thanh đem so với công Trương-Siêu-Trọng bắt được Văn-Thái-Lai cũng không hơn kém là bao nhiêu.


Đoàn-Đại-Lâm bàn với cả bọn rằng:


-Bắt được Lục-Phỉ-Thanh mà nạp cho vua Càn-Long dĩ nhiên là công lao lớn lắm. Tuy nhiên muốn bắt được con người này thì không phải là chuyện dễ, cho dù Châu-Trọng-Anh có chỉ chỗ đi chăng nữa! Thiết-Đảm-Trang là nơi chuyên chứa chấp khâm-phạm triều-đình, và Châu-Trọng-Anh đã có liên-quan đến việc này từ lâu rồi. Nhưng mãi cho đến nay mới có được bằng chứng cụ thể trên giấy trắng mực đen như thế này để kết tội y. Mà muốn bắt được Châu-Trọng-Anh cũng không phải là đơn giản. Đến Thiết-Đảm-Trang của y nào khác chi đem thân vào hổ huyệt, không khéo lại bị cọp vồ thì bỏ mạng chứ chẳng phải đùa. Kế vạn toàn nhất là đem bức thư của Lục-Phỉ-Thanh đến hăm dọa Châu-Trọng-Anh, buộc y phải xuất ra một số kim-ngân thật lớn để mà chuộc lấy bức thư này. Nhưng chúng ta cũng nên dấu kín chuyện này, đừng để cho Trương-Siêu-Trọng biết rõ vì dù sao Lục-Phỉ-Thanh và Trương-Siêu-Trọng cũng vẫn là huynh-đệ đồng môn. Cả hai người đều lợi hại, không phải dễ đối phó. Ta không nên dại dột mà gây ra oán cừu trong việc này.


Bọn Đoàn-Đại-Lân suy nghĩ đắn đo một hồi thì bỏ ngay ý định bắt Lục-Phỉ-Thanh với Châu-Trọng-Anh. Tất cả đồng ý với nhau là cách đem bức thư này đến tống tiền trang chủ Thiết-Đảm-Trang là thượng sách, vừa có lợi mà không phải chuốc thêm oán thù.


Nhưng đường đường là những bậc quan triều-đình, có chức sắc và địa vị cao lại mà đi làm những chuyện hạ tiện như thế này thì thật không còn mặt mũi nào nhìn ai lỡ chẳng may chuyện đổ bể ra! Vì vậy, sau khi bàn tính kỹ càng, ai nấy đều nhận xét rằng chỉ nên giao việc này cho Đổng-Triệu-Hòa và Vạn-Khánh-Nhuận lo liệu, là hai tay chai mặt, không dính dáng gì đến quan quyền.


Sau khi đọc xong bức thư, Châu-Trọng-Anh hơi giật mình nhưng cố làm ra vẻ điềm tĩnh, lạnh lùng hỏi:


-Ông đem bức thư này đến đây cho ta đọc chẳng hay có chủ ý gì xin cho tại hạ được biết rõ.


Vạn-Khánh-Nhuận đáp:


-Chúng tôi lâu nay được nghe đại danh của Châu lão anh-hùng như sấm nổ bên tai, trong lòng ngưỡng mộ vô cùng. Những mong được dịp bái kiến chỉ hiềm không có cơ hội nên bất đắc dĩ mới phải chờ tới hôm nay. Nhưng trớ trêu thay, đến lúc đạt được bình sinh khát vọng thì lại gặp lúc Thiết-Đảm-Trang sắp sửa gặp đại họa thê thảm. Nếu chẳng may phong thư này lọt vào tay các quan lớn triều đình thì Châu lão anh-hùng làm sao tránh khỏi không bị liên lụy? Vì vậy khi tìm thấy phong thư này trong mình Văn-Thái-Lai, anh em chúng tôi là những người trọng nghĩa, có cảm tình với Thiết-Đảm-Trang nên nghĩ ngay đến chuyện giấu diếm mà không hề hé môi với quan lớn triều đình một lời nào, vì đây là một phong thư hết sức tai hại, có thể đêm đến họa diệt tộc như chơi! Xem xong, và đại khái biết được nội dung của bức thư, tất cả anh em đặc phái hai người chúng tôi đến đây để diện kiến trang chủ, thứ nhất để báo tin cho Thiết-Đảm-Trang sớm biết trước mà đề phòng, và kế đến là để mong được thỏa lòng ao ước bấy lâu nay để được kết giao với Châu lão anh-hùng trong tình bằng hữu. Nếu Châu lão anh-hùng không chê chúng tôi là những kẻ bỉ tiện mà bằng lòng hạ mình kết giao thì anh em chúng tôi nguyện đốt ngay phong thư này đi mà quyết chẳng lưu lại một chữ nào làm vết tích. Không những thế, chúng tôi còn hứa sẽ ém nhẹm luôn việc Châu lão anh-hùng chứa chấp bọn Văn-Thái-Lai trong Thiết-Đảm-Trang. Còn như chuyện chứa chấp Văn-Thái-Lai mà lòi ra thì e chuyện Lục-Phỉ-Thanh cũng khó mà giấu kín được. Dĩ nhiên Trương-Siêu-Trọng cũng chẳng muốn nhìn thấy điều này lộ ra vì dù sao Lục-Phỉ-Thanh cũng là anh em đồng môn của ông ta. Do đó, nếu chúng tôi giữ im lặng thì đương nhiên Trương-Siêu-Trọng sẽ không bao giờ truy xét đến việc này nữa.


Nghe Vạn-Khánh-Nhuận nói xong, Châu-Trọng-Anh cười nhạt, mỉa mai nói:


-Được kết giao bằng-hữu với quý vị, Châu-Trọng-Anh tôi lấy làm vinh hạnh lắm chứ! Nhưng kết bạn như thế nào xin hai vị giải bày tường tận để tôi còn định liệu.


Dĩ nhiên, mục đích chính của Vạn-Khánh-Nhuận và Đổng-Triệu-Hòa đến Thiết-Đảm-Trang nào phải để kết tình bằng hữu với Châu-Trọng-Anh. Mà chúng cũng thừa biết, với tư cách của chúng, Châu-Trọng-Anh chưa cho mỗi mạng một trận là may lắm rồi, chứ làm sao mà có được chuyện sinh tử chi giao! Nghe câu hỏi mỉa mai đầy ẩn ý của Châu-Trọng-Anh, Vạn-Khánh-Nhuận biết chỉ còn cách đánh liều mà nói thẳng ý định ra để kết thúc câu chuyện cho thật sớm mà thôi chứ không nên day dưa thêm nữa. Nghĩ vậy y cố phải làm mặt dạn nói:


-Anh em chúng tôi vâng lệnh hoàng-thượng đi tróc nã khâm-phạm. Từ lúc rời khỏi Bắc-Kinh cho tới nay đã lâu ngày nên tiền lương đã cạn sạch, hết trơn rồi. Ai nấy đều phải nhịn rượu mà vẫn không đủ để chi tiêu, thậm chí không còn được chút lộ phí để trở về kinh-đô nữa! Trộm nghĩ Châu lão anh-hùng là người hào hiệp chắc không nỡ làm ngơ với võ lâm đồng đạo trước tình cảnh như thế này nên anh em bèn phái hai đứa chúng tôi đến đây mượn đỡ Châu lão anh-hùng một ít ngân lượng. Sau này chúng tôi sẽ hoàn lại đầy đủ, mà nghĩa cử của lão anh-hùng chúng tôi nguyện sẽ ghi nhớ mãi chứ chẳng dám quên.


Châu-Trọng-Anh nghe nói liền nhíu mày, đôi mắt trợn lên nhưng vẫn không một tiếng trả lời. Vạn-Khánh-Nhuận thấy vậy nói tiếp:


-Số ngân lượng anh em chúng tôi muốn mượn đỡ Châu lão anh-hùng cũng chẳng lớn lao gì cho lắm, bất quá cũng chỉ vào khoảng năm, sáu vạn lượng mà thôi. So với cái sản nghiệp lớn lao của Châu lão anh hùng thì bấy nhiêu đó tưởng có thấm tháp vào đâu? Mà dĩ nhiên một khi Châu lão anh-hùng nghĩ đến anh em chúng tôi thì anh em chúng tôi có bổn phận phải báo đáp lại cho xứng đáng mới yên lòng.


Nghe cái giọng tống tiền của Vạn-Khánh-Nhuận, lửa giận của Châu-Trọng-Anh như bốc lên phừng phừng. Ông ta dằn rõ từng tiếng vào mặt hắn:


-Sơn trang của tôi làm gì mà có sẵn được một món tiền quá lớn như vậy cho các người mượn! Mà cho dù có đi chăng nữa thì cũng chỉ để dành cho những người nghĩa khí hay để giúp đỡ những bậc anh-hùng quân tử lúc sa cơ lỡ vận hoặc khi lỡ bước cùng đường chứ lẽ nào lại để cho đám sai nha, tẩu cẩu mượn được!


Thấy Châu-Trọng-Anh chẳng những không chịu bỏ tiền chuộc bức thư mà còn mắng xiên mắng xéo, Đổng-Triệu-Hòa cười gay gắt nói:


-Tôi biết Châu lão anh-hùng khinh anh em chúng tôi là đám tiểu nhân, không xứng đáng để kết giao. Một lời nói của bọn tiểu nhân chúng tôi chưa chắc đã hữu hiệu cho việc gây dựng sự nghiệp hay làm lợi cho ai, nhưng trong việc phá hoại làm tan đại nghiệp thì lại không đến nỗi vô dụng. Châu lão anh-hùng tiếc năm, sáu vạn lượng hơn một công trình nguy nga đồ sộ, vĩ đại thế này thật uổn lắm đó!...


Đổng-Triệu-Hòa chưa nói dứt câu thì cửa chính của sảnh đường vụt mở ra, một thiếu nữ bước vào nhìn hắn chằm chặp, miệng hét lớn:


-Có cô nương đến đây! Đứa nào tài thì cứ giỏi thử làm gì Thiết-Đảm-Trang cho biết!


Thiếu nữ ấy chẳng phải ai khác hơn là Châu-Ỷ, con gái lớn của Châu-Trọng-Anh. Chỉ thấy Trang-chủ Thiết-Đảm-Trang khẽ liếc mắt một cái, Châu-Ỷ đã chạy thẳng một nước ra ngoài. Tiếng Châu-Trọng-Anh nói với theo rằng:


-Này con! Nhớ dặn mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường trong này có hai tên tẩu cẩu, nhớ canh gác giữ gìn cho cẩn thận đừng để cho chúng tẩu thoát ra nghe chưa!


Châu-Ỷ nghe nói vui mừng hớn hở thưa:


-Gia gia khỏi lo! Có chúng con giữ ở bên ngoài thì đố hai con chó săn đó trốn đi đâu được!


Dặn xong con gái, Châu-Trọng-Anh quay lại nhìn Vạn-Khánh-nhuận và Đổng-Triệu-Hòa với gương mặt đầy sát khí, tưởng chừng như muốn ăn tươi nuốt sống cả hai. Cả Vạn-Khánh-Nhuận với Đổng-Triệu-Hòa thấy vậy cũng hơi chột dạ, nhưng cũng phải cố gắng ra vẻ bình tĩnh. Vạn-Khánh-Nhuận nói:


-Châu lão anh-hùng đÂã không chịu giúp đõ thì anh em chúng tôi xin cáo lui!


Dứt lời y cầm lá thư xé ra từng mảnh vụn. Châu-Trọng-Anh đang thắc mắc không hiểu tại sao y lại hủy đi cái thư, là phương tiện để cho chúng làm tiền. Vạn-Khánh-Nhuận như đọc được ý nghĩ của Châu-Trọng-Anh, bèn phân giải:


-Phong thư này chẳng qua chỉ là bản sao mà thôi, còn nguyên bản (#5) thì Trương-Siêu-Trọng đại nhân vẫn cất giữ ở trong mình vì biết đem đến đây sẽ gặp nhiều bất tiện.


Vạn-Khánh-Nhuận hành động như vậy ngụ ý bảo cho Châu-Trọng-Anh biết bằng cớ vẫn nằm trong tay Trương-Siêu-Trọng; cho dẫu cho ông ta có giết chết hắn và Đổng-Triệu-Hòa cũng không sao đoạt lại được bức thư kia.


Đang lúc không khí căng thẳng chưa biết sự tình đi đến đâu thì cánh cửa mở toang ra và phi đao của Lạc-Băng nhắm Đổng-Triệu-Hòa phóng tới. Mặc dầu ghét Đổng-Triệu-Hòa thậm tệ, cho dù có bằm thây hắn ra cũng chưa hả giận, Châu-Trọng-Anh không muốn thấy hắn bị chết trong sơn trang của mình. Vì thế, không chút đắn đo mà cũng chẳng cần phải biết người phóng phi đao là ai, ông ta vội dùng cây Thiết-Đảm gạt phi đao kia xuống đất cứu Đổng-Triệu-Hòa thoát chết, nhưng không cứu được cho hắn khỏi mang thương tích...


Thấy Châu-Trọng-Anh bỗng nhiên thi triển bản lãnh mà cứu mạnh kẻ thù của mình, Lạc-Băng giận dữ vô cùng, quát lớn lên:


-Lão tặc khốn kiếp kia! Mi đã xúi người nhà hại chồng ta rồi bây giờ còn ngăn cản ta trả thù tên gian ác này nữa! Ta thề phải giết mi!


Lạc-Băng nhảy bổ lại, tuốt Uyên-Ương Đao xông tới chém nhầu vào Châu-Trọng-Anh. Cây Thiết-đảm khi nãy dùng để phóng cản phi đao cứu mạng cho Đổng-Triệu-Hòa nên vẫn còn nằm dưới đất chịp thâu hồi. Không có binh khí trong tay, Châu-Trọng-Anh liền chụp vội chiếc ghế đẩu dùng để đương cự cặp đao của Lạc-Băng. Ông ta vừa đỡ vừa nói:


-Việc đâu rồi còn đó. Xin cô nương hãy dừng tay lại, nói cho rõ đầu đuôi rồi muốn sao cũng được, cớ sao lại gặp đâu đánh đó mà không chịu phân biệt phải trái là nghĩa làm sao?


Lạc-Băng đang đau khổ vì chồng bị bắt, lại tìm ra Đổng-Triệu-Hòa là tên đầu xỏ thủ phạm mọi chuyện nên muốn giết hắn chết ngay cho hả giận. Chẳng may bị Châu-Trọng-Anh phóng cây Thiết-đảm cứu kẻ thù thoát chết thành ra bao nhiêu cơn giận nàng bỗng trút hết vào Châu-Trọng-Anh. Vì vậy, Lạc-Băng không cần suy nghĩ mà phân biệt phải trái, quyết tâm thi triển hết tuyệt kỹ của Lạc-Gia Đao Pháp mà tấn công Châu-Trọng-Anh tới tấp không ngừng.


Châu-Trọng-Anh cũng hiểu rõ và biết được tâm trạng của Lạc-Băng nên không vì thế mà giận để kết thêm thù oán hay để phải đi đến tình trạng quyết đấu một mất một còn. Ông ta có ý nhường nhịn nên từ đầu đến cuối chỉ đỡ đòn mà không hề đánh trả lại chiêu nào.


Vì thủ mãi không công nên chẳng mấy chốc, Châu-Trọng-Anh đã bị Lạc-Băng dồn vào sát vách tường. Hết đường lui, Châu-Trọng-Anh phải nhanh nhẹn chống đỡ luôn tay trước những đường đao vô cùng hiểm ác của Lạc-Băng. Thế nhưng ông ta vẫn không hề phản công lại, chỉ cố mà tiếp tục đỡ đòn.


Không biết có hiểu được sự nhường nhịn của trang-chủ Thiết-Đảm-Trang hay không, Lạc-Băng càng lúc càng tấn công kịch liệt như quyết tâm phải hạ Châu-Trọng-Anh cho bằng được mới thôi.


Thình lình Lạc-Băng nghe hơi gió như có tiếng binh khí đang tập kích mình ở đàng sau nên vội nằm phục xuống đất để tránh né. Chỉ thấy một mũi đao sau đó ghim vào tường như lưỡi phi đao của nàng lúc nãy ghim vào bả vai Đổng-Triệu-Hòa. Lạc-Băng nằm dưới đất chém quặt đao ra phí sau một vòng, buộc người nào đó đánh lén nàng phải lui lại một bước. Nhân cơ hội đó, Lạc-Băng búng mình đứng thẳng dậy thủ thế thì nhìn thấy rõ được người tập kích mình chẳng phải ai xa lạ mà chính là Châu-Ỷ, con gái của Châu-Trọng-Anh, và cũng là ân nhân cứu sống tánh mạng của nàng.


Châu-Ỷ trợn mắt nhìn Lạc-Băng với vẻ căm hờn mắng:


-Đồ cái thứ vô ân bội nghĩa háo sát! Ta đã cứu sống tánh mạng của mi đem về, nếu thật lòng muốn giết mi thì liệu giờ này mi còn đứng đây được để tác oai tác quái chăng? Đã không biết ơn thì chớ, còn giở thói đạo tặc đòi giết cả cha ta nữa! Phải chăng đó là lối trả ơn của Hồng Hoa Hội các người?


Giá là bất cứ người nào khác dám nhục mạ đến Hồng Hoa Hội như thế ắt Lạc-Băng không bao giờ để yên. Nhưng vì người đó là Châu-Ỷ, ân nhân của nàng nên Lạc-Băng cũng phải bớt lại đôi ba phần nộ khí, mặc dầu tức giận vô cùng. Nàng nhìn Châu-Ỷ lớn tiếng nói:


-Bọn Thiết-Đảm-Trang các ngươi toàn là thứ giả nhân giả nghĩa chứ có phải là anh hùng hảo hán chi đâu mà bảo rằng ta phải mang ơn với chịu nghĩa! Cha mi đã xúi người trong Thiết-Đảm-Trang này hại chồng ta, thù ấy ta không bao giờ bỏ qua đâu. Còn mi thì vị tình một lần cứu mạng, ta không muốn gây sự mà cũng chẳng muốn giết. Nếu biết điều thì mau đi đi!


Dứt lời, Lạc-Băng bất thình lình quay lại phía Châu-Trọng-Anh chém sả xuống một đao. Châu-Trọng-Anh lại đưa cái ghế đẩu lên đỡ. Lạc-Băng lại dùng Liên Hoàn Đao chém liên tiếp ba nhát vô cùng lợi hại. Châu-Trọng-Anh né bên tả, tránh bên hữu, miệng gọi mãi không ngớt:


-Hãy dừng tay lại! Hãy dừng tay lại đã!


Thấy cha một mực nhẫn nhịn không đánh trả trong khi Lạc-Băng cứ làm tới đánh mãi, Châu-Ỷ cả giận cầm đao nhảy tới đứng trước mặt Châu-Trọng-Anh rồi xông tới tấn công Lạc-Băng như mưa, dùng toàn những chiêu liều mạng mà đánh.


Kể ra thì võ nghệ của Lạc-Băng còn cao hơn Châu-Ỷ một bậc, và kinh nghiệm giao đấu dĩ nhiên hơn xa cô con gái của Châu-Trọng-Anh. Nhưng vì các vết thương chưa lành hẳn, gót chân vẫn còn đau nên chiêu thức và nội lực của nàng vì thế mà bị giới hạn. Đã thế còn phải trải qua nhiều cơn bi thương sầu thảm nên trong người luôn bị phiền não, lo lắng vạn điều. Đó là một trong những đại kỵ của con nhà võ. Thêm vào đó, Châu-Ỷ đang ở vào thời kỳ thể lực phát triển mạnh, lại mang ý định che chở bảo vệ cứu thân phụ nên chiến đấu bạt mạng không chút sợ hãi, mà cũng chẳng kể gì đến mạng sống của mình nữa. Càng đánh, Châu-Ỷ càng hăng, trong khi Lạc-Băng càng bị lép vế. Dần dần, Châu-Ỷ đã nắm được thế chủ động trong trận đấu.


Châu-Trọng-Anh đứng ngoài thầm kêu khổ vì hai người đã đi đến một trận sinh tử, mà kết quả sẽ hết sức thảm khốc. Ông chẳng muốn người nào phải gục xuống cả. Một đàng sẽ đem lại đau thương, còn một đàng đem lại phiền não, oán thù thêm chồng chất. Miệng ông ta không ngớt kêu lên như van hai người:


-Mau dừng tay lại! Đừng đánh nhau nữa!


Đang hồi hăng máu, cả Lạc-Băng lẫn Châu-Ỷ như chẳng còn để ý đến tiếng gọi của Châu-Trọng-Anh nữa mà vẫn tiếp tục tranh phong.


Mặc dù thấy Châu-Ỷ chiếm được thế thượng phong, Châu-Trọng-Anh không vì thế mà mừng, trái lại ông cảm thấy lo ngại cho Lạc-Băng. Chỉ vì ông ta không muốn cùng Hồng Hoa Hội đào sâu thêm hố sâu chia rẽ nên đời ông không muốn Châu-Ỷ làm thương tổn đến tánh mạnh của Lạc-Băng.


Châu-Trọng-Anh càng gân cổ kêu gọi ngừng tay thì hai người lại càng đánh nhau khốc liệt bấy nhiêu. Trong lúc ông ta chưa biết phải dùng biện pháp nào để ngăn ngừa thì thừa lúc lộn xộn ấy, Vạn-Khánh-Nhuận đã đỡ Đổng-Triệu-Hòa dậy được, rút phi đao ra, xé vạt áo băng đỡ lại cho. Máu ở vai Đổng-Triệu-Hòa tuôn ra như suối. Biết dù muốn thoát thân cũng không được vì Châu-Trọng-Anh đã ra lệnh cho Mạnh-Kiện-Hùng cùng An-Kiện-Cường bọc kín hết các ngõ chung quanh nên Vạn-Khánh-Nhuận đành đứng mà xem cuộc ác đấu giữa hai nữ hiệp với nhau, chờ cơ hội tốt.


Lạc-Băng không chịu nghe lời Châu-Trọng-Anh đã đành, nhưng thấy cả con gái cũng không xem lời ông ta vào đâu mà cứ tiếp tục đánh như ngây như dại thì bỗng nổi giận lên, biết mình không thể nào đứng ngoài vòng mà gọi mãi được.


Nghĩ vậy, Châu-Trọng-Anh liền cầm cái ghế đẩu nhảy tới phang một cái thật vào giữa hai đường đao, tách cả Lạc-Băng lẫn Châu-Ỷ ra hai nơi. Cùng lúc ấy, một bóng đen từ vườn sau xông vào như mũi tên bắn thật lẹ. Nhìn ra thì đó là một người lùn và mập, hai tay cầm song phủ (#6), vận toàn lực nhắm đầu Châu-Ỷ bổ xuống.


Châu-Ỷ lanh mắt, biết không thể dùng đơn đao mà chống trả được liền lách mình sang một bên để tránh hai nhát búa giết người ấy. Tránh được hai nhát búa, Châu-Ỷ liền dùng thế Thần Long Đẩu Giáp chém vào phía sau vai của người đó.


Người ấy chẳng thèm né tránh, tay trái xoay cán búa ra đỡ. Đao và búa chạm nhau tóe lửa, tạo thành một thứ âm thanh ghê rợn khiến người nghe phải đến đinh tai nhức óc. Châu-Ỷ bị kình lực quá mạnh loạng choạng ra sau mấy bước, cánh tay tê chồn lại, đánh rơi thanh đao đao xuống đất lúc nào không hay. Nàng hốt hoảng, nhưng với bản năng sinh tồn mạnh mẽ nên khẽ tháo lui ra sau hai bước và định tâm đứng vững lại như thường.


Dưới ánh sáng chưng của đèn đuốc trong nhà, Châu-Ỷ trông rõ người ấy hình dung rất cổ quái, lại bị tật, mang một cái bướu đàng sau lưng.


Người gù ấy không tấn công Châu-Ỷ nữa mà lại xoay mặt nhìn về phía Lạc-Băng ra vẻ quan tâm. Lạc-Băng chợt reo lên vì vui mừng:


-Ủa, Thập ca đấy à?


Chỉ nói được có bấy nhiêu tiếng, Lạc-Băng quá xúc động, nghẹn ngào, lệ tuôn đầm đề...


Chú-thích:


(1-) Một sơn trang như Thiết-Đảm-Trang không phải chỉ là một căn nhà lớn mà còn bao gồm nhiều dãy khác ở bốn phía chung quanh, thậm chí có cả sông hồ, suối lạch là đàng khác. Diện tích một sơn trang như thế có khi bằng cả một thôn xóm là chuyện thường. Vì vậy, muốn thiêu hủy toàn bộ một "sơn trang" có lẽ huy động tới một đoàn quân khá đông người chuyên về hỏa công.


(2-) Bao biện: lãnh tất cả mà làm; hay nói một cách khác là "thầu".


(3-) Vị quốc vong gia: vì nước quên nhà (gia đình).


(4-) Một câu khác, nghĩa tương tự là "đem trứng giao cho ác".


(5-) Nguyên bản: bản chính.


(6-) Song phủ: hai cái búa (rìu).


Chương trước | Chương sau

↑↑
Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Giới thiệu: Lộc Đỉnh Ký là bộ truyện tranh hành động nói về một cậu bé sống

09-07-2016 248 chương
Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Nếu mọi nhà ở thành Lạc Dương nao nức chờ đến một ngày mới trong cái Tết ròng

11-07-2016 51 chương
Đôi bạn nhiều chuyện

Đôi bạn nhiều chuyện

Audio - Huy nè? Dì ghẻ có ghẻ thật không ? - Thảo ngu quá! Môi đỏ, mắt xanh, da trắng,

28-06-2016
Chuyện kể trên xe taxi

Chuyện kể trên xe taxi

Nhưng gã cũng biết, gã sẽ chẳng thể nào xua được hình ảnh cô gái có mái tóc nhuộm

01-07-2016
Ba ngày yêu hơi hơi

Ba ngày yêu hơi hơi

Tôi tình cờ gặp lại nàng trên đường. Tính ra chúng tôi cũng đã lâu lắm ko gặp nhau

30-06-2016
Phải tin mình xinh đẹp

Phải tin mình xinh đẹp

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?") Và tớ

25-06-2016
Khu vực cấm FA

Khu vực cấm FA

(khotruyenhay.gq - Tham gia viết bài cho tập truyện "Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau

26-06-2016

Polly po-cket