80s toys - Atari. I still have
Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 36 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 21

↓↓

- Người muốn sống hay chết ?

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


- Thần... muốn số..ố..ống !


Biết đã có hiệu quả, vương ngửa mặt lên trời ban chỉ :


- Hỡi chư thần ! Hãy tạm ngừng hành hạ Ngô Lý-Tín, y xin khai thực. Nếu y có điều gì giả dối, chư thần hãy làm tội y cũng không muộn.


Nói dứt, vương túm cổ áo y nhắc dậy, trong khi đó chìa ngón tay chỏ điểm vào huyệt Đại-trùy. Toàn thân y tê liệt, cảm giác đau đớn biến mất, y lại tưởng linh thần tạm tha cho y.


Ngô Lý-Tín là một nho thần, thông minh, tài trí. Đúng ra từ cái việc thề, tới việc điểm huyệt, y cũng đoán ra. Nhưng sau khi bị kề kiếm vào cổ, bị ném xuống biển, rồi bị ngũ độc hành hạ, thần trí y mơ mơ, hồ hồ, y tin rằng mình bị chư thần phạt. Y khai :


- Những gì thần nói ban nãy đều không đúng sự thực. Chính Tuyên-phi bắt thần phải nói như vậy.


- Thế sự thực ra sao ?


- Đêm hôm qua, vào giờ Tuất, tất cả các đại thần đều được thái giám đến tuyên triệu phải vào cung Long-thụy trong Hoàng-thành nhận chỉ dụ khẩn cấp . Khi thần vào tới nơi thì đã thấy Hoàng-thượng nằm dài trên long sàng, chân tay run lẩy bẩy vì giận dữ . Các đại thần như Thái-sư Tô Hiến-Thành, Tể-tướng Đỗ An-Di, Thái-bảo Phí Công-Tín, Thiếu-bảo Ngô Nghĩa-Hòa đang chắp tay đứng hầu, mặt người nào cũng đầy lo âu. Một lát Hoàng-thượng ban chỉ : Các người hãy sang cung Tuyên-phi, để thấy tận mắt cái việc mà đứa nghịch tử đã làm. Thái-sư Tô Hiến-Thành dẫn đầu, bọn thần theo sau. Trong khi đi, Đỗ Tể tướng thuật sơ cho biết rằng : Thái-tử đột nhập Hoàng-cung định cưỡng dâm Tuyên-phi.


Mọi người cùng bật lên tiếng ái chà !


- ... Tuyên-phi chống trả, thì bị Thái-tử đánh trọng thương. Bọn cung nga, thái giám xúm vào ôm lấy Thái-tử cứu phi. Họ bắt được Thái-tử trói lại, nhưng tám trong mười người bị Thái-tử đánh chết. Hai người bị thương nặng. Thân mẫu của Tuyên-phi là Thạc-hòa Anh-văn phu nhân vội chạy sang cung Long-thụy cầu cứu với hoàng-thượng. Hoàng-thượng hô thị vệ theo người đến cung Tuyên-phi, truyền giam Thái-tử lại, rồi đích thân thẩm vấn bọn cung nga, thái giám. Chúng đều khai giống như Thạc-hòa phu nhân.


Kiến-Tĩnh vương quát lên :


- Vô lý ! Không thể có việc đó.


Đoan-Nghi vẫy tay :


- Anh tạm buông lỏng cái nóng nảy, để Ngô Thái-phó thuật.


Nàng giục Ngô Lý-Tín :


- Xin Thái-phó tiếp cho.


- Bọn thần đến cung Tuyên-phi, thì thấy thị vệ vây kín cung. Bên trong, một cảnh kinh hoàng diễn ra. Ngay cửa cung, một thái giám nằm chết cong queo, đầu vỡ, óc, máu bê bết. Một thái giám nữa bị vỡ lồng ngực , nằm bẹp dí như con tép bị dẵm lên. Hai thái giám gẫy xương sống nằm sấp. Hai thái giám bị đánh bật vào tường đầu vỡ, ngực bẹp. Hai cung nga, một người nằm vắt vẻo trên cái án thư, khắp thân mạch máu vỡ ra, mũi, miệng, mắt, tai đều ri rỉ ra máu. Một người chết ngồi, ngực bị chỉ lực xuyên qua, mặt tươi tỉnh, miệng cười mà không phải cười. Hai cung nữ khác bị thương, đang ngồi bưng mặt khóc. Không thấy Tuyên-phi đâu, bọn thần hỏi mấy thị vệ, thì chúng nói Tuyên-phi bị thương nặng, đang ngủ trong tẩm phòng. Bọn thần nhờ Thạc-hòa Anh-văn phu nhân vào thỉnh phi ra. Phu nhân vừa vào tẩm phòng thì người khóc thét lên. Bọn thần tùng quyền chạy vào thì thấy Tuyên-phi thắt cổ toòng teeng trên sàn nhà. Phu-nhân cắt dây đỡ Tuyên-phi xuống, rất may chưa băng. Vừa lúc đó thì ngự y Hoàng-cung là y sư Trần-thị Phương-Thanh tới. Người cứu Tuyên-phi tỉnh dậy, rồi khám các vết thương của phi. Ngự y còn khám nghiệm xác tám người chết, chẩn bệnh hai người còn sống, dùng châm cứu chữa bệnh cho họ.


Thủ-Huy hỏi :


- Ngự y có đưa ra nhận xét gì không ?


- Người ghi chú mọi sự việc, rồi ban lệnh : Tất cả xác chết đều không được chôn cất. Bọn thái giám bị thương không được ra khỏi Hoàng-thành. Người nói với Tô Thái-sư rằng cần giữ nguyên như vậy, chờ ba vương gia, công chúa điện hạ với Trần phò mã về, mới thấy rõ tội trạng Thái-tử.


Đoan-Nghi cau mặt :


- Rồi sao?


- Hoàng-thượng tuyên chỉ trao thị vệ, cấm quân cho Thái-sư Tô Hiến-Thành, Thái-bảo Phí Công-Tín giữ an ninh Hoàng-thành, Kinh-thành ; giải tán, niêm phong Đông-cung. Nhưng Tả-thiên Ngưu-vệ thượng tướng quân Tăng Quốc, Tổng-lĩnh thị vệ, kiêm thống-lĩnh cấm quân không chịu trao quyền. Tăng tướng quân nói rằng, quân luật của Đại-Việt từ đời đức Thái-tổ định rằng, người trực thuộc Phụ-quốc Thái-úy là phò mã, thì khi bàn giao, phải có sự chứng kiến của phò mã. Người chỉ tuân lệnh Thái-sư huy động thị vệ bảo vệ Hoàng-cung, và huy động cấm quân phòng vệ Kinh-thành mà thôi. Vì vậy Tể-tướng Đỗ An-Di mới xin hoàng-thượng ban chỉ gọi Vân-ma đại-tướng quân Mạc Hiển-Tích đem hiệu binh địa phương Sơn-Nam về trấn Thăng-long.


Lòng Thủ-Huy nóng như lửa công hỏi :


- Thế Nghĩa-Thành vương đâu mà hoàng-thượng không tuyên triệu người, mà tuyên triệu Thái-sư Tô Hiến-Thành ?


- Vương gia đã lên đường đi Thanh-hóa, đích thân chỉ huy cuộc vận tải lương tiếp tế cho các hạm đội.


- Thế khi hiệu binh Sơn-Nam về, thì có đụng chạm với thị vệ ngự lâm quân không ?


- Thưa không. Tô Thái-sư lệnh cho hiệu binh Sơn-Nam canh gác Hoàng-thành, các cung điện trong Hoàng-thành, niêm phong phủ Đông-cung, bao vây cơ sở Binh-bộ, các bến thủy quân, phủ thừa Thăng-long. Còn các cửa Kinh-thành, kho vũ khí, lương thực, Khu-mật viện, các phủ đệ của thân vương, đại thần thì khi quân Sơn-Nam tới, thị vệ, cấm quân không chịu trao cho. Thành ra Thăng-long đang có cuộc dằng co, bất cứ lúc nào cũng có thể xẩy ra cuộc giao chiến.


- Rồi sao ?


Đoan-Nghi hỏi :


- Thế sao ban nãy người nói là sáng nay người nhập triều, rồi được chỉ dụ đi sứ ?


- Khải điện hạ, khi thần lên đường thì Tuyên-phi dặn phải nói dối như vậy. Tuyên-phi trao cho thần một mật chỉ, dặn thần rằng : Sau khi tuyên chỉ thì phải nài nỉ sao để ba vương, công chúa, phò mã cùng về. Khi về tới Gia-lâm, qua làng Siêu-loại, thì đem mật chỉ ra đọc. Trong chỉ ban cho ba vương, phò mã, công chúa được chết. Đợi sau khi năm vị tự tử rồi, thì đem chôn ngay tại chỗ. Nhưng Tể-tướng Đỗ An-Di cho rằng phò mã, công chúa với ba vương là những người linh mẫn, không hồ đồ như thái-tử Phò-Tô với Mông-Điềm đâu, phải có kế hoạch an toàn. Tuyên-phi truyền Mạc Hiển-Tích sai một đội cung thủ phục sẵn ở đây. Nếu năm vị không tự tử, thì cung thủ sẽ ra tay.


Nói rồi Ngô xuất trong một ống bạc đeo bên hông ra một chỉ dụ. Kiến-An vương mở chỉ dụ xem, thì là bút tự của Tuyên-phi Từ Thụy-Hương, còn chữ ký thì đúng là của phụ hoàng.


Ghi chú của thuật giả:


Tần Thủy-Hoàng đã lập con trưởng là Phò-Tô làm thái-tử. Phò-Tô cùng tướng Mông-Điềm đem quân lên xây Vạn-lý trường thành. Ở kinh đô, Tần Thủy-Hoàng lâm bệnh. Khi sắp băng, nhà vua truyền gọi Phò-Tô về gấp để truyền ngôi. Chỉ vừa ban ra, thì Thủy-Hoàng băng. Thừa-tướng Lý Tư với Thái-phó Triệu Cao muốn chuyên quyền. Hai người tôn em của Phò-Tô là Hồ-Hợi lên ngôi vua, rồi giả chiếu chỉ của Thủy-Hoàng gửi cho Phò-Tô, Mông-Điềm kể một số tội, truyền cho được chết. Các tướng cản không cho Phò-Tô tự tử, mới khuyên rằng : Hãy về triều minh oan, rồi có chết cũng cam lòng. Phò-Tô ngửa mặt lên trời than : Vua bắt bầy tôi chết, mà không chết thì bất trung. Cha muốn con chết, mà không chết thì bất hiếu. Nói rồi rút gươm tự tử. Mông-Điềm cũng tự tử theo.


Kiến-Ninh vương bảo thân binh :


- Người đem Thái-phó về soái thuyền của ta, nhớ canh gác, hầu hạ cho chu đáo.


Ngô Lý-Tín biết mình bị giam lỏng, nhưng ông ta biết có phân trần gì cũng vô ích, nên líu ríu theo tên thân binh ra ngoài khoang thuyền.


Thủ-Huy lên tiếng hỏi bốn đô đốc chỉ huy bốn hạm đội và mười hai đô thống chỉ huy mười hai hiệu Thiên-tử binh :


- Các vị nghĩ sao về lời khai của Ngô Thái-phó ?


Vũ-kị thượng tướng quân Tăng Khoa đứng lên nói :


- Thưa Thái-úy, thuộc hạ thấy sự việc xẩy ra có rất nhiều điều đáng nghi ngờ. Trước hết cái việc Thái-tử tham dâm cưỡng hiếp Tuyên-phi, có ba điều bô lý. Một là, bản lĩnh võ công mà Thái-úy truyền cho Tuyên-phi so với Thái-tử, thì một mười, một tám. Hôm trước Vân-Đài Vương Thúy-Thúy đấu với Thái-úy, bản lãnh nàng có lẽ cao hơn Thái-tử. Vân-Đài sang Đại-Việt từ nhỏ, bản lĩnh do sư phụ Trịnh Nam-Phương âm thầm truyền thụ mà còn cao như vậïy. Trong khi đó Tuyên-phi do đích thân vú Mai, nguyên là cao thủ Công-Chúa của Hoa-sơn, với phụ thân là Lạc-Nhạn chân truyền thì phải cao hơn Vân-Đài nhiều. Vậy, nếu như khi Thái-tử vừa định hành sự, mà Tuyên-phi chống lại, ắt có cuộc giao đấu ít ra phải vài trăm hiệp mới phân thắng bại. Bấy giờ vú Mai đứng ngoài, sao bà không cứu con gái ? Bà là cao thủ Công-Chúa của Hoa-sơn mà ? Lại nữa, Tuyên-phi bị bại, thì thương thế phải trầm trọng lắm, chứ có đâu chỉ sưng má, đỏ mặt ? Hai là, thời gian giao đấu vài trăm hiệp, ít ra kéo dài đến hơn giờ (2 giờ ngày nay). Trong hơn giờ đó, thái giám cung nữ lại đứng nhìn ư ? Nhất định chúng chạy đi báo với hoàng-thượng hay tri hô lên cho thị vệ giải cứu chứ? Tại sao lại chờ cho thái-tử bị bắt rồi mới báo cho Hoàng-thượng ? Ba là, võ công cao như Tuyên-phi, mà còn bị đánh bại, hỏi với mấy đứa thái giám làm sao bắt sống được thái-tử ?


Cử tọa đều công nhận lý luận của Tăng Khoa là hợp lý.


Thủ-Huy hỏi :


- Chiếu chỉ của Hoàng-thượng bắt ba vương, công chúa với tôi phải về Thăng-long ngay. Rồi khi về tới Gia-lâm lại ban chiếu thứ nhì bắt phải chết. Ngược lại Hoàng-hậu lại bảo đừng về. Vậy ta nên hành động ra sao ?


Các tướng bàn luận phân vân, hơn khắc mà không tìm được lốii thoát.


Ngay lúc đó, thân binh chạy vào báo :


- Có hai thiếu nữ nhà quê xin cầu kiến công chúa, phò mã.


Thủ-Huy hỏi :


- Họ tên gì ?


- Hai vị không chịu xưng tên.


Đoan-Nghi ban chỉ :


- Cho vào !


Lát sau thân binh dẫn hai người mặc quần lụa, áo cánh, đội nón; xuống thuyền. Vừa nhác trông thấy, Đoan-Nghi đã giật bắn người lên. Vì đó là Kim-Ngân với Phương-Lan. Hai nàng hành lễ với cử tọa.


Đoan-Nghi giới thiệu với mọi người :


- Đây là bà chị dâu và em gái của chồng tôi.


Thủ-Huy chưa kịp lên tiếng, thì Phương-Lan đã nói trước :


- Chú hai ! Chị với Kim-Ngân lên gặp chú thím là việc tư . Song việc tư này có liên quan đến chư vị hiện diện ở đây. Vậy chị xin nói ra ở chỗ này, để tránh nghi ngờ giữa chú thím với chư tướng.


Đoan-Nghi đồng ý :


- Xin chị cứ tự nhiên.


- Biến cố ở Thăng-long xẩy ra đúng như anh Lý ước đoán trước. Oâng nội vội họp môn phái lại để định rõ đường lối hành động. Bố, Đại-Việt ngũ tuyệt, chư đệ tử đời thứ nhì, Vỵ-xuyên ngũ tiên, chư đệ tử đời thứ ba đều đưa ra ý kiến rằng mình không nên can thiệp vào. Anh Thủ-Lý nói: Mình đã đem hết tâm huyết ra giúp Thái-tử, mà Thái-tử không nghe lời, thì nay mình còn có lý gì mà can thiệp nữa ?


Phương-Lan đưa mắt nhìn chư tướng, rồi tiếp :


- Mẹ cũng nói : Huống hồ đây không phải là nạn ngoại xâm, không phải mối nguy của xã tắc, mà là người họ Lý hại người họ Lý. Chuyện cha làm vui lòng gái đẹp mà giết con, vua nghe lời mỹ nữ giết đại thần, là việc của họ Lý.


Anh Thủ-Lý còn gay gắt hơn :


- Trước đây đã có cô con dâu là Cảm-Thánh thái hậu mê tình nhân Anh-Vũ, đã giết mẹ chồng Chiêu-Hiếu thái hậu cho y vui lòng. Cũng đã có bà chị dâu Cảm-Thánh thẳng tay tàn sát các thân vương em chồng, để được lòng tình nhân Anh-Vũ. Rồi cũng chính bà định bưng tính mệnh con trai, con dâu, cháu nội, ngôi vua, giang sơn cho Lưu Kỳ, cho Tống... Thì nay, có ông vua muốn giết con trai, con gái, con rể ; dâng giang sơn, bưng sự nghiệp tổ tiên cho gái đẹp thì là chuyện thường trong cái triều Lý mà. Suốt trăm năm qua, những việc như thế, môn phái Đông-A không hề tham dự vào.


Kim-Ngân tiếp lời chị dâu :


- Tuy nhiên, mẹ, chị Phương-Lan với em thì xin ông nội cho phép chúng em lên đường cứu anh, không để cho anh chết rồi, mà hậu thế chê là ngu trung, ngu hiếu. Vì vậy hai đứa này mới có mặt ở đây.


Ba vương Kiến-Ninh, Kiến-An, Kiến-Tĩnh cũng như Đoan-Nghi đều biết Phương-Lan là người trí tuệ vô song, mưu cơ không biết đâu mà lường. Kiến-Ninh vương trình bầy sơ lược tin tức, cùng diễn biến đã xẩy ra, rồi hỏi :


- Thần-nông phu nhân ! Anh em chúng tôi đang phân vân gữa hai việc. Một là về phục mệnh phụ hoàng, tuân chỉ lĩnh cái chết như chỉ dụ ban. Hai là, mẫu hậu lại bảo không nên về. Phu nhân là người trí tuệ, vậy phu nhân quyết cho : Nên về hay không ?


Phương-Lan cười :


- Chư vị điện hạ phân vân cũng phải. Bởi nếu tuân chỉ dụ mà về thì dĩ nhiên là chết. Nhưng có thực ý phụ hoàng muốn giết con mình hay không ? Còn không về thì mang tiếng tử bất hiếu, thần bất trung. Xưa nay, khi bị vua kết án tử tình, thì các đại thần của triều đình Trung-quốc, Đại-Việt đều vui vẻ chấp hành. Dường như cái đạo đó xuất phát từ câu : Vua bắt bầy tôi chết, thì phải chết, nguyên văn là Quân xử thần tử, thần tử. Kìa, Nhạc Phi tài trí biết bao, đang cầm quân nghiêng nước giúp triều Tống. Thế mà bị cái ông vua Thiệu-Hưng gọi về giết, Phi vui vẻ tuân thủ, chỉ để được tiếng là trung. Rồi mới đây ngay trong triều đình Đại-Việt, Chiêu-hòa vương Lý Long-Vũ, Trí-minh vương Lý Long-Dũng, Bảo-ninh hầu Lý Long-Can, Bảo Thắng-hầu Lý Long-Hiền, phò mã Dương Tự-Minh cùng biết bao nhiêu đại thần văn võ, bị Đỗ Anh-Vũ ép vua ban chỉ giết bản thân và gia đình, chỉ vì cái tội trung với vua. Những người đó đều biết rõ không do ý nhà vua, mà vẫn cúi đầu thọ hình, cũng chỉ muốn tỏ ra mình là trung thần. Có đúng thế không ?


- Đúng vậy.


- Về hoàn cảnh các điện hạ, trong lịch sử đã từng xẩy ra rồi. Tôi xin vì các vị mà dẫn tích đó trong Tả-truyện :


"...Thái-tử Lịch-Sinh là con Tấn Linh-Công. Linh-Công băng, dì ghẻ giả chiếu gọi Lịch-Sinh trở về triều phục mệnh. Lịch-Sinh biết là chỉ giả, nhưng vẫn về, rồi bị giết. Sau sử sách khen Lịch-Sinh là người con hiếu. Ngược lại, thái-tử Trùng-Nhĩ không tuân chỉ, lưu vong khắp nơi, rồi dựng lên nghiệp bá. Sử cũng khen là người trí, là anh hùng. Bộ Sử-ký, Tư Mã-Thiên chép trong Thủy-Hoàng bản kỷ : Lý Tư, Triệu Cao, giả chiếu chỉ của Thủy-Hoàng bắt thái-tử Phò-Tô, tướng Mông-Điềm phải chết. Hai người tuân chỉ tự tử. Đời sau chê là ngu trung, ngu hiếu".


Mọi người đều gật đầu tỏ ý hiểu.


Phương-Lan tiếp :


- Tôi có hai con đường, xin ba điện hạ chọn một.


- Phu nhân cứ dạy.


- Trường hợp thái-tử Long-Xưởng cũng giống như Lịch-Sinh, Phò-Tô. Còn các vị điện hạ, cùng công chúa đây ; muốn làm Lịch-Sinh, Phò-Tô để được khen là tử hiếu, thần trung thì cứ về Thăng-long, tắm rữa sạch sẽ, đem đầu cho cái cô gái Dương-châu là Từ Thụy-Hương chặt, đầu được bêu cho dân chúng xem, thân vứt cho quạ rỉa. Vợ con thì bị đuổi khỏi Kinh-thành, về làm nông dân. Triều đình khen rằng đó là những người con hiếu, những người tôi trung. Không biết các vị nghĩ sao ?


Kiến-An vương nhăn mặt :


- Trung, hiếu kiểu đó thì chúng tôi không chịu nổi. Xin phu nhân chọn cho con đường khác.


- Còn các điện hạ muốn làm như Trùng-Nhĩ, thì hãy đem quân về Thăng-long, trước ta bắt bọn Tô Hiến-Thành, Đỗ An-Di, Từ Thụy-Hương chặt đầu, rồi an dân trong sáu tháng. Sau đó Bắc tiến cũng chưa muộn mà !


Kiến-An vương hỏi Thủ-Huy :


- Đại ca, đại ca sẽ hành xử như thế nào ?


Lòng Thủ-Huy rối như tơ vò. Công hỏi Phương-Lan:


- Chị ! Chị bảo em phải có thái độ nào ?


Phương-Lan lắc đầu :


- Chú vốn là người trí. Nhưng chú như người trong cuộc cờ, chú bị u mê, mà không nhìn ra. Còn chị, thì chị là người ngoài cuộc, chị thấy rất rõ ràng.


- Xin chị cứ nói.

Chương trước | Chương sau

↑↑
Người lạ từng quen

Người lạ từng quen

Tôi thường ít khi muốn đi xa. Đơn giản vì sau mỗi chuyến đi lại cảm thấy mình mắc

23-06-2016
Vở kịch hai vai

Vở kịch hai vai

Tôi là một đứa con gái thuộc loại nửa mùa, tức là không già không trẻ, không xấu

28-06-2016
Mưa Sài Gòn

Mưa Sài Gòn

Nhưng mẹ biết, dù mưa hay nắng, còn có một Sài Gòn khác có thể che mưa che nắng cho

24-06-2016
Niềm vui

Niềm vui

Con dâu đi làm về, chưa kịp cởi giày đã nghe trong bếp tiếng mẹ chồng hậm hực: "3

28-06-2016