Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ


Tác giả:
Đăng ngày: 11-07-2016
Số chương: 51
5 sao 5 / 5 ( 105 đánh giá )

Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ - Hồi 20

↓↓
Tám năm trước khi bọn Ngô Giới đem toàn bộ phái Hoa-sơn định đột nhập trang Thiên-trường, tìm bộ Vô Trung kinh, rồi bị bắt trọn, thì Thủ-Huy mới mười hai, mười ba tuổi, mà Thủ-Lý đã mười sáu, mười bẩy. Tuy với cái tuổi ấy, Thủ-Lý chưa thành một người lớn hoàn toàn. Nhưng vì tính tình trầm lặng, hành sự cẩn trọng, lại là người tinh minh mẫn cán bậc nhất trong đám đệ tử đời thứ ba, nên chàng đã được gia đình, môn phái coi như một người lớn. Hôm ấy trong khi ông bà Tự-Hấp trao cho Thủ-Huy với Vỵ-xuyên ngũ tiên nhiệm vụ bắt Hoa-nhạc tam nương, thì trao cho Thủ-Lý, Trung-Từ, Tá-Chu, Phương-Lan đi bắt Hoa-nhạc tam phong. Rồi khi phái Đông-A họp đệ tử chào đón ngũ vị chưởng môn Đại-Việt, Thủ-Huy cùng Long-Xưởng để hết tâm đối đáp, luận bàn; thì Thủ-Lý, Tá-Chu, Trung-Từ, Phương-Lan, Kim-Ngân rửng rưng, âm thầm ngồi trong đám đệ tử đời thứ ba.


Sau này Thủ-Huy về Thăng-long làm quan, rồi làm phò mã, Thủ-Lý không cản trở em, nhưng chàng lãnh đạm với mọi biến cố. Chàng vốn có ác cảm, thành kiến với triều đình, từ khi nghe chuyện Cảm-Thánh hoàng thái hậu dâm đãng, rồi tàn sát tôn thất. Chàng thường nói với em: Tại sao chúng ta là những kẻ sĩ, những cao thủ võ lâm đầy khí phách, mà phải cúi đầu cho con mụ dâm đãng sai bảo ? Để mụ ngồi trên đầu trên cổ, bắt làm những chuyện thương luân bại lý ?


Ngay từ hồi sáu bẩy tuổi, tính tình Thủ-Lý, Thủ-Huy khác nhau đã đành, mà đến cái nhìn về cuộc đời cũng khác nhau.


Nếu Thủ-Huy ham ăn, thích đùa nghịch, cùng với Kim-Ngân, với anh em họ Tô, với mấy người con của chú Tự-Duy thì Thủ-Lý đã có phong thái của một người lớn tuổi, mỗi lời nói đều cân nhắc, mỗi cử chỉ đều đường bệ. Hàng ngày ngoài giờ học văn, luyện võ ra, thì Thủ-Lý không ngồi đọc sách với Phương-Lan, lại rủ nàng cùng với Tá-Chu, Trung-Từ theo lực điền ra đồng xem xét công việc cầy bừa. Thủ-Huy chưa từng làm vườn, trồng cây, đánh cá bao giờ. Ngược lại từ năm mười tuổi, Thủ-Lý theo lực điền học cầy, học bừa, đánh kỳ, làm cỏ, cuốc đất, bón phân như những nông dân. Vì nội công cao, nên chàng có sức mạnh, vì vậy năng xuất làm việc của chàng cao hơn bất cứ nông dân nào. Thủ-Lý còn vào bếp xin chị bếp dạy nghệ thuật nấu nướng Đại-Việt. Cho nên khi đến tuổi trưởng thành, không một công việc của người giúp việc trong nhà nào mà chàng không hiểu biết. Nhờ vậy chàng thông cảm với người nghèo phải đi làm tôi tớ. Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ của chàng đối với họ đều nhẹ nhàng, ôn tồn. Vì vậy họ coi chàng như một ông phúc của đời họ.

bạn đang xem “Anh Hùng Đông - A dựng cờ bình Mông - Yên Tử Cư Sĩ Trần Đại Sỹ” tại http://khotruyenhay.gq. Chúc bạn online vui vẻ!!!


Thấy cháu có tư cách của người lớn, đại hiệp Tự-Kinh thầm dặn ông bà Tự-Hấp, Tự-Duy cứ để yên mặc Thủ-Lý làm, cho sáng kiến phát huy. Thỉnh thoảng, chỉ cố vấn khi thấy cần thiết mà thôi.


Trước khi Long-Xưởng về Thiên-trường, thì Thủ-Lý cùng với Tô Trung-Từ, Tá-Chu, Kim-Ngân, Phương-Lan, Phương-Liên và đám con của Đại-Việt ngũ tuyệt đã tổ chức một đoàn thiếu niên nam nữ hơn năm trăm người, mở phong trào phá hoang làm ruộng, lập ra các ấp Thần-nông ; các trại Thần-nông nuôi gia súc, đào ao nuôi tôm, cá, cua. Chính chàng với Trung-Từ, Tá-Chu đã dùng những người này, đắp đập ngăn nước, khiến nước lên, mà thuyền phái Hoa-sơn vẫn mắc cạn mà bắt Hoa-nhạc tam phong.


Sau khi giúp nhà vua dẹp cái triều đình gà mái gáy, Thủ-Lý, Trung-Từ, Tá-Chu không nhận chức tước, chàng chỉ xin triều đình ân xá cho tù nhân trấn Thiên-trường, để ba người đem về giáo huấn. Triều đình chấp thuận. Thế là hơn ba trăm tù được ân xá, trao cho ba người. Lĩnh tù ra, việc đầu tiên Thủ-Lý cho di chuyển gia đình các tội nhân về sống trong những ấp chàng mới lập. Giao cho mỗi xóm cưu mang một gia đình. Rồi cấp thực phẩm cho họ ăn trong sáu tháng, lại cấp ruộng, đất, ao, dụng cụ làm ruộng nữa. Bọn người phạm tội hối hận những việc làm cũ, chúng làm việc rất chăm chỉ. Hơn năm sau, các gia đình này trở thành khá giả.


Thủ-Lý phân công: Trung-Từ phụ trách phá hoang, huấn luyện canh nông, trực tiếp trông coi vấn đề canh tác ; nghĩa là những gì trên mặt đất. Phương-Lan phụ trách huấn luyện gia chánh, nuôi tằm, trồng dâu, diệt vải, dệt lụa. Phương-Liên phụ trách huấn luyện nuôi gia súc, nuôi cá, nuôi tôm, cua. Kim-Ngân phụ trách huấn nghệ, như nghề mộc, nghề nề, chế xe, đóng thuyền, xây lò nung gạch. Tá-Chu thì lo huấn luyện ngư dân, đóng thuyền, đan lưới, tổ chức đánh cá, vận tải.


Từ khi Thủ-Lý bắt đầu chương trình lập toán phá hoang đến nay trải hơn mười năm. Dân chúng nghèo khó các nơi tụ về đông đảo vô cùng. Thiên-trường trở thành trấn đông dân nhất Đại-Việt (cho đến nay, 1997, vùng Thái-bình, Nam-định cũng là nơi có mật độ dân đông nhất). Thủ-Lý chia các ruộng đất khai hoang làm hai loại. Loại tư điền, cấp cho mỗi người dân hai mẫu. Còn lại là công điền, đây là công điền của xã. Loại ruộng này, nếu nông dân muốn cấy, thì phải nộp tô cho xã, nhưng rất thấp. Tô đó, xã dùng để xây trường học, mượn thầy dạy con em, xây lò gạch, làm cầu, lát đá đường đi. Hóa cho nên đến nay, toàn thể nông dân trong các trang ấp Thần-nông đều trở thành trung nông... Tiếng tăm vang khắp nơi, dân chúng gọi Thủ-Lý làThần-nông sứ, gọi Tô Trung-Từ là Khai-hoang sứ, Tá-Chu là Hải-hà sứ.


Vương Thúy-Thúy từng thấy Thủ-Lý hôm nàng bị bắt ở Thiên-trường. Rồi khi Thủ-Lý về cư ngụ trong Đông-cung thì Thúy-Thúy bị giam lỏng cùng phái Hoa-sơn trên con thuyền ít ngày. Khi nàng đào thoát trở về Đông-cung, nàng được sống với Thủ-Lý mấy tháng. Thủ-Lý dạy nàng với Tín-Hương nấu những món ăn dân gian, cùng phép trồng hoa, tỉa hoa. Nay tuy mấy năm xa cách, Thủ-Lý trở thành một thanh niên có thân thể hùng vĩ, nhưng nàng vẫn nhận ra. Nàng cung tay đáp bằng tiếng Việt :


- Tiểu tỳ xin ra mắt Thần-nông sứ.


Thủ-Lý xua tay :


- Vương cô nương. Cô nương là cao đồ của phái Hoa-sơn gửi sang Đại-Việt, đối với võ lâm, thân phận cô nương đâu có tầm thường ? Cô nương không nên xưng tiểu tỳ với tên nhà quê chân lấm, tay bùn như tại hạ.


Nghe Thủ-Lý nói, Tín-Hương phu nhân cau mày rồi rời khỏi phòng khách.


Tuy giọng nói của Thủ-Lý nhẹ nhàng, mà mỗi câu, mỗi lời, Vương Thuý-Thúy cảm thấy như một nhát kiếm tấn công mình. Thúy-Thúy tự hào về sắc đẹp của nàng, nàng được sư phụ dạy dỗ rằng : Khi ta có sắc đẹp, thì bất cứ người đàn ông nào cũng phải mềm trước ta. Ngay lúc Thủ-Huy hỏi cung nàng, mà trước sắc đẹp của nàng, công cũng dịu dàng như một thiếu niên đa tình đang cầu xin nàng ban ân huệ. Vừa rồi, một thiếu niên tên Tô Trung-Từ nhác thấy nàng đã run lên bần bật. Thế mà bây giờ, nàng xử dụng chiêu liếc mắt đưa tình, nghiêng vai, uốn lưng, ưỡn ngực ra trước để chinh phục, để khích động. Nhưng, người thiếu niên đầy sinh lực như Thủ-Lý lại tỏ ra rửng rưng, dường như không hề động tâm gì cả. Lạ hơn nữa, sao chàng lại biết họ tên của nàng, biết nàng là người Hàng-châu ? Biết nàng là quận chúa ?


Tự nhiên Thúy-Thúy thấy ớn trên vai. Nàng vội chữa :


- Thưa thiếu hiệp, tiểu tỳ là bộc phụ Đông-cung, nay được Thái-tử cho về hầu hạ phò mã với công chúa... Thì cũng là tỳ nữ của thiếu hiệp.


Thủ-Lý cười rất tươi :


- Vương cô nương ơi ! Chúng ta đều là người thức thời, thì nên lấy lòng mà ở với nhau. Những gì cô nương làm, tại hạ biết rõ từ lâu, nên rất kính trọng cô nương. Cô nương là một cánh hồng, phải lưu lạc xa cha mẹ, xa quê hương chỉ vì lòng trung quân, ái quốc. Cô nương chịu trăm cay nghìn đắng suốt bao năm qua, chỉ vì Trung-quốc, chỉ vì Tống triều. Trong khi đó, biết bao nhiêu người tự hào là nam nhi đại trượng phu, mà chỉ quanh quẩn ở xó nhà với vợ, với con ; chỉ biết ăn ngon, mặc đẹp. Vương cô nương ơi ! Tại hạ biết rằng thái-tử không có ý đem cô nương về đây để làm bộc phụ cho xá đệ, mà để xá đệ bảo vệ cho cô nương. Có đúng thế không ?


- Quả như thiếu hiệp dạy.


Qua mấy câu đối đáp, Thúy-Thúy biết rằng Thủ-Lý là người không thể dùng sắc đẹp lung lạc được. Muốn lấy cảm tình với chàng, thì chỉ có một đường duy nhất là chân thật.


Đoan-Nghi bảo ông Ty, người quản dinh :


- Chú Ty tìm một phòng sạch sẽ cho Trung-Tĩnh phu nhân ở.


Nàng lại nói với Thúy-Thúy :


- Phu nhân vào thay đổi y phục, rồi ra đây đàm luận với đại huynh của tôi.


Vào trong thư phòng, Thủ-Lý nháy mắt ra hiệu cho Phương-Lan với Kim-Ngân ngụ ý bảo im lặng. Hai người cười tủm tỉm ngồi im.


Thủ-Lý hỏi Thủ-Huy :


- Trước khi vào việc, chú thuật cho anh biết những gì đã xẩy ra tại Hoàng-cung, Đông-cung mấy ngày gần đây đã.


Thủ-Huy thứ tự trình bầy tất cả những diễn biến về cuộc chuẩn bị tiến quân đòi lại cố thổ, vụ sinh con của Đỗ thục-phi, Từ tuyên-phi, vụ án đứa trẻ bị bắt đi mất còn mẹ thì bị giết chết, vụ hai bà mụ ngủ rồi chết luôn. Tiếp theo tới vụ Long-Xưởng họp các em ăn cá, Minh-Đạo vương cùng với Bạch-Phượng xuất hiện, Côi-sơn song ưng trách cứ Long-Xưởng, rồi Đoan-Nghi khám phá ra Á-Nương là Vân-Đài, cuối cùng tới cuộc thẩm vấn nàng ra sao.


Vương Thúy-Thúy đã thay y phục, nàng mặc một bộ quần áo của một quận chúa Tống, quần mầu trắng, áo mầu hồng nhạt, áo khoác ngoài mầu tím. Tóc nàng chải, cuốn theo kiểu cung nga Nam Tống, trên dắt một cành hoa bằng ngọc đỏ chói. Nàng vốn đã đẹp, nay được mặc loại y phục quen thuộc, mỗi bước đi của nàng, thân thể uyển chuyển như muôn ngàn bông hoa bay trên mây. Thủ-Huy, Đoan-Nghi, Kim-Ngân, Phương-Lan ngây người ra mà nhìn. Chỉ Thủ-Lý là vẫn thản nhiên như thường. Chàng chỉ ghế :


- Mời quận chúa an tọa.


Thúy-Thúy kéo ghế lùi ra sau Đoan-Nghi một bước, rồi vén vạt áo, e lệ ngồi xuống.


Chàng lại nói với Đoan-Nghi :


- Em là công chúa Đoan-Nghi của Đại-Việt, còn Vương cô nương đây tước phong tới Khâm-minh, Đoan-duệ, Vân-Đài quận chúa. Thành ra quận chúa ngồi sau em một chút, hầu tỏ ra là người biết lễ nghi. Con gái Giang-Nam không những đẹp người mà còn đẹp nết nữa.


Vợ chồng Thủ-Huy giật mình đến thót một cái, trong lòng rối như tơ vò : Hỡi ơi, thì ra Vương Thúy-Thúy đã lập nhiều công trạng, được Tống triều phong tới quận chúa. Còn Thúy-Thúy thì hoảng hốt, tự hỏi : Ta mới được phong quận chúa chưa quá hai tháng, mà sao người này đã biết ? Với nhan sắc của ta, chưa từng ai thấy mà không khuất phục. Còn thanh niên này lại rửng rưng ?


- Thím nó này.


Thủ-Lý hỏi Đoan-Nghi : Thím khám phá ra Tông tích Á-Nương từ bao giờ vậy ?


- Em đoán mò, may mà trúng chứ có biết trước đâu ! Nguyên anh Thủ-Huy thuật cho em nghe việc phái Đông-A bắt các cao thủ Hoa-sơn, rồi kể về Vân-Đài như sau : « Đạo cô Vân-Đài tuy lớn tuổi, da dăn deo, nhưng lưng ong, chân tay dài, trắng mịn như một khuê nữ. Vậy em cũng nên luyện nội công Hoa-sơn để giữ cho sắc đẹp khỏi bị tàn phai ». Một sự kiện khác làm em nhớ mãi : Hồi ấy Á-Nương xin phép về thăm nhà có mười ngày, mà sao một tháng sau mới trở lại ? Thời gian Á-Nương vắng mặt đúng vào thời kỳ bọn Hoa-sơn đi Thiên-trường. Khi Á-Nương trở về cũng đúng vào ngày Vân-Đài trốn khỏi con thuyền giam lỏng phái Hoa-sơn. Buổi sáng nay, bị Côi-sơn song ưng khiển trách, mọi người đang bàn luận, thì Á-Nương lại vào ngự thiện đường lau chùi, mà thông thường Á-Nương chỉ vào khi anh Long-Xưởng ăn xong. Rồi dường như lo lắng, Á-Nương qui tức thở đúng theo nội công Hoa-sơn... Bằng ấy việc, làm cho em tỉnh ngộ, rồi đoán già, may mà trúng.


Nghe Đoan-Nghi nói, Thúy-Thúy mới hối hận rằng mình non tay hơn cô công chúa này : Thì ra Đoan-Nghi chỉ đọa già, ta nhát gan, vội tự nhận.


Thủ-Lý tiếp :


- Ông sai anh lên giúp hai em tìm cho ra tất cả bọn gian tế của Tống, ẩn dưới danh nghĩa đệ tử Hoa-sơn đi tìm Võ-kinh. Vâng lời ông thì anh làm, chứ trong tâm anh, thì anh không thích cái công việc này. Vì mình có cố gắng thì cũng chẳng đi đến đâu, bởi cái nọc độc gà mái gáy từ khi vua Nhân-Tông băng đến giờ nó đã ăn sâu vào tủy, vào tim gan của các bà trong nội cung rồi. Hầu hết các quan đều mong muốn có một hoàng đế còn bế ngửa, một thái hậu tham dâm để họ tha hồ tác oai, tác quái.


Nghe anh nói, Thủ-Huy kinh hãi :


- Em tưởng bọn Hoa-sơn chủ động trong việc này chứ ? Chúng lợi dụng các sứ đoàn, để tìm Võ-kinh. Nay thì anh lại luận sự việc trái ngược. Như thế nghĩa là ?


Kim-Ngân hỏi Thủ-Huy :


- Căn cứ vào đâu mà anh lại tin rằng bọn Hoa-sơn chủ động, mà không phải là Khu-mật viện Tống ?


- Anh giải đoán như vậy vì tin theo các bản tấu chương của Khu-mật viện. Mà Khu-mật viện lại tin vào lời khai của đệ tử phái Hoa-sơn bị bắt. Thái-tử Long-Xưởng bắt đầu nắm Khu-mật viện, sau khi bọn Hoa-sơn bị bại ở Thiên-trường. Khu-mật viện đã sai biệt giam chúng, không cho liên lạc với nhau, rồi thẩm cung. Kết quả, chúng đều khai giống nhau, thì làm sao mà sai được ? Rồi từ đó đến giờ, có rất nhiều đệ tử Hoa-sơn bị bắt. Họ cũng khai giống những người trước. Như vậy, Long-Xưởng với anh cũng chưa tin hẳn. Điều làm bọn anh tin hoàn toàn, là trước đây các vị tôn sư Đại-Việt sang Trung-nguyên dự lễ giỗ tổ của phái Hoa-sơn. Trong hơn tháng lưu lại, các vị đã đàm luận, kết thân với Ngũ-nhạc đại lĩnh, Hoa-nhạc tam phong, Hoa-nhạc tam nương. Hôm ở Thiên-trường, chính các vị ấy đã nhận diện bọn cao thủ Hoa-sơn, rồi than thở không ít về hành động của họ. Tổng kết hai nguồn tin như thế, nên Long-Xưởng với anh mới tin.


Mặt Thủ-Lý lạnh như tiền, chàng nói rất nhỏ, nhưng dõng dạc :


- Từ Thái-tử đến em, cho chí Khu-mật viện, bị Tống lừa hơn mười năm có dư rồi mà không biết. Anh nói cho em biết : Đến nay bọn tế tác Tống sang đây đã ba thế hệ. Thế hệ một là thế hệ của cái tên Trung-Nhạc Tung-sơn tiền nhiệm của Ngô Giới. Thế hệ thứ hai là thế hệ sư phụ của quận chúa đây. Họ đã có chỗ đứng, có thế lực rất lớn tại triều đình, không biết em với Long-Xưởng có thể phá được không thì anh khó mà đoán trước. Quận chúa đây chỉ là thế hệ thứ ba mà thôi.


Đoan-Nghi hỏi :


- Chúng là các đại thần chủ hòa ư ?


- Hơn thế nữa ! Các đại thần chủ hòa chỉ là chân tay của chúng mà thôi.


- Ông nội cho anh về đây chắc hẳn người nghĩ rằng : Nếu như bọn em biết chúng là ai, mà không thể giết chúng được, thì anh ra tay. Có phải thế không ?


- Trái lại, người dạy anh bằng mọi giá phải tìm cách cứu các đệ tử Hoa-sơn không để triều đình giết. Nhất là tránh sao cho phái Hoa-sơn với võ lâm Đại-Việt giết lẫn nhau. Người nói : Triều Tống không đáng để cho các đệ tử Hoa-sơn hy sinh. Đại-Việt là Đại-Việt. Ngôi vua Đại-Việt dành cho người có đức, chứ không phải của riêng họ Lý.


Kim-Ngân chỉ vào Thúy-Thúy :


- Huống hồ những người đẹp như thế này, đáng lẽ phải xây nhà vàng cho ở, thì chúng gửi sang Đại-Việt sống chui, sống nhủi như chuột, làm công việc của bọn tôi đòi hèn hạ. Trong khi đó chúng sống trên nhung lụa, hầu xinh, vợ đẹp. Thực là bọn chồn cáo.


Đoan-Nghi hỏi :


- Anh giúp triều đình bằng cách nào ?


- Không ! Anh không giúp triều đình. Anh nhắc lại chủ trương của ông nội, cũng như môn phái Đông-A nhà ta là : Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Còn như triều Lý hay triều Lê, triều gì đi nữa làm vua, cũng cứ được đi. Cho nên trải qua hai bà thái hậu Chiêu-Hiếu, Cảm-Thánh, tàn sát tôn thất, giết hại quan lại, nhà ta đều không can thiệp vào. Oâng nội chỉ cho can thiệp khi Tống định dùng Lưu Kỳ, biến Đai-Việt thành quận huyện. Tương lai, nếu có cuộc tranh dành quyền lực trong giòng họ Lý thì nhà ta không biết tới. Còn em, em là công chúa, Thủ-Huy là phò mã thì các em phải đem hết sức ra phò phụ hoàng em, đó là lẽ đương nhiên.


Đoan-Nghi hỏi :


- Thưa anh, anh muốn nói cuộc tranh ngôi giữa phụ hoàng với Minh-Đạo vương chăng ?


- Ý anh muốn nói cuộc tranh quyền giữa người họ Lý với người họ Lý. Có thể Cảm-Thánh hoàng thái hậu lại trở về tranh quyền với hoàng thượng. Có thể trong các hoàng tử khác tranh với Long-Xưởng. Cũng có thể Minh-Đạo vương tranh ngôi với hoàng thượng.


Đoan-Nghi biết chồng không muốn hỏi Thủ-Lý nhiều về sự tranh ngôi trong triều đình. Nàng lên tiếng hỏi sang vấn đề khác :


- Cứ như anh ước đoán thì Tống bắt đầu đem tế tác sang ta để mưu chiếm nước từ bao giờ ?


- Ngay từ khi triều Nam-Tống được thành lập, bốn tướng có công đầu trong việc trung-hưng là Hàn Thế-Trung, Ngô Lân, Ngô Giới, Lưu Kỳ đều thuộc phái Hoa-sơn. Thành ra các danh tướng hầu như xuất thân từ cửa bốn tướng này. Thế lực phái Hoa-sơn tại triều Tống cực mạnh. Khu-mật viện luôn luôn là người của họ. Vì thế, võ lâm Trung-nguyên thường cho rằng phái Hoa-sơn là triều Tống, triều Tống là phái Hoa-sơn. Hồi đầu, các tướng gốc Hoa-sơn chủ trương đánh Đại-Việt, rồi nhân đó lấy vũ kinh. Nên chi Khu-mật viện Tống mới gửi thực nhiều tế tác sang ta. Sau khi tế tác thu thập tin tức về Hoa-sơn tứ đại thần kiếm, về Mao Cung, Mao Kính, Khu-mật viện Tống mới thiết kế chiếm Đại-Việt bằng cách đặt nội gián mỹ nhân kế. Do vậy họ tìm ba thiếu nữ sắc nước hương trời, dạy văn, luyện võ, lại dạy cho thuật cầm ca, dạy cho học tiếng Việt, rồi cho làm Hoa-nhạc tam nương, do một đạo sư vai sư thúc, sư bá của Ngô Giới cầm đầu. Triều đình Tống thì phong cho tước tiểu thư, ban cho hưởng bổng ngang với tuyên vũ sứ. Bổng cấp cho cha mẹ. Ba người này có quyền ngang với tuyên vũ sứ. Ba người sang được ba năm, thì họ đã thành công. Bao nhiêu tin tức của triều đình, võ lâm Đại-Việt, Khu-mật viện Tống biết hết. Họ được phong tước nhất phẩm phu nhân. Bên Trung-nguyên, cha được phong hàm tước nam, mẹ được phong phu nhân. Lúc này Tống triều thấy Tam-nươngï đã trở thành vợ của những nhân vật tối cao của Đại-Việt, các đại thần Khu-mật viện Tống bèn nghĩ đến việc tre già thì cho măng mọc. Họ lại tuyển một thiếu nữ Hàng-châu, một thiếu nữ Tô-châu và một thiếu nữ gốc Dương-châu, sinh đẻ, lớn lên ở Đại-Việt. Cả ba được phái Hoa-sơn huấn luyện, rồi được cử làm Hoa-nhạc tam nương, gửi sang Đại-Việt. Nhưng sợ ba người trước phật lòng, phái Hoa-sơn đặt ba thiếu nữ này làm đệ tử ba người trước.


Thủ-Lý nhìn Thúy-Thúy :


- Một trong ba thiếu nữ này là Vương quận chúa.


Thủ-Lý nói đến đây thì Thúy-Thúy run lẩy bẩy. Còn Phương-Lan đứng lên, ra sân xem hoa.


Đoan-Nghi hỏi nàng :


- Trung-Tĩnh phu nhân, sự đã như thế này, thì phu nhân cũng chẳng nên dấu điếm làm gì. Ba vị Hoa-nhạc tam nương tiền nhiệm là ai ? Hai sư muội của phu nhân là ai ? Cái ông Lạc-Nhạn hiện ở đâu ?


Thủ-Lý xua tay, tỏ ý không cần Thúy-Thúy khai :


- Hai năm sau nữa, họ lại lập đại công, được phong quận chúa, cha được phong hàm tước tử, mẹ được phong nhất phẩm phu nhân. Sau vụ án Đỗ Anh-Vũ, Tam-nươngï giúp sứ đoàn Ngô Giới, Lưu Kỳ, cùng thái-hậu lật ngược thế cờ, họ được phong công-chúa. Ở bên Trung-nguyên, bố được phong hàm tước bá, mẹ được phong quận chúa.


Thủ-Lý lại nhìn Thúy-Thúy :


- Tôi nói có chỗ nào sai chăng ?


Mặt Thúy-Thúy tái ngắt, nàng đáp :


- Thưa không có chỗ nào sai cả.


Đoan-Nghi hỏi :


- Thưa anh, thế Hoa-nhạc tam nương tiền nhiệm là ai ?


Kim-Ngân xòe tay ra trước mặt chị dâu :


- Chị có phải là công chúa không ? Một công chúa đầy uy quyền, không thua công chúa Bình-Dương, Kim-Thành, Thiên-Thành xưa, mà lại hỏi anh cả à ? Chị đã tìm ra Vương quận chúa là Vân-Đàøi, thì tự nhiên phải tìm ra sư phụ nàng là ai, rồi cũng từ đó tìm ra hai sư muội của người là chúa Công-Chúa, Mao-Nữ chứ ?


Bây giờ Đoan-Nghi mới hiểu rõ ý nghĩa những câu nói xa xôi của Thủ-Lý trong ngày tiếp sứ đoàn Tống. Hôm ấy, Ngu Doãn-Văn chỉ đòi hài cốt Lạc-Nhạn, Vân-Đài, thì Thủ-Lý lại hứa trả tám bộ xương, trong đó có bộ xương của Trung-Nhạc Tung-sơn, Lạc-Nhạn, hai Vân-Đài, hai Công-Chúa, hai Mao-Nữ. Thủ-Lý còn hăm đem họ cho quạ rỉa thịt, vì vậy từ Ngu Doãn-Văn cho chí Tần Hy đều tái mặt, rồi không dám đòi người nữa.


Kim-Ngân mỉm cười bí hiểm nhìn Thủ-Huy :


- Sao anh không thẩm vấn Vương tiểu thư đây để biết sư phụ, sư thúc, hai sư muội của người ?


Cả Đoan-Nghi lẫn Thủ-Huy cùng lắc đầu :


- Anh đã thẩm vấn quận chúa đây, nhưng người cứ chối rằng không biết sư phụ của người hiện là ai ? Nhà ở đâu ? Hiện là nhân vật nào của Đại-Việt ? Thì làm sao có thể biết hành trạng hai sư thúc cũng như hai sư muội.


Kim-Ngân chù mỏ ra :


- Triều đình có Khu-mật viện, có thị-vệ, công nho chi ra biết bao nhiêu tiền mà không tìm được bọn tế tác Tống. Bây giờ em đã tìm ra, triều đình muốn thì em bán tin tức cho, giá rẻ thôi . Một là trả ngay, với giá năm nghìn lượng vàng, số vàng này chỉ bằng nửa số kinh phí chi cho Khu-mật viện hằng năm. Hoặc miễn thuế cho toàn thể các trại Thần-Nông.


Biết rằng Kim-Ngân nói đùa, nhưng Đoan-Nghi cũng cảm thấy chua chát : Phái Đông-A không lĩnh của triều đình một đấu gạo, một đồng tiền, mà lại làm lợi cho triều đình không biết bao nhiêu mà kể, trong khi đó, bọn văn quan ăn hại cứ kiếm chuyện hoài.


Thủ-Lý xua tay không cho em gái đùa nữa, chàng cười nhạt :


- Có thể Vương quận chúa không biết, có thể người không muốn khai, vì sợ bản thân và gia đình bị trả thù. Thôi được rồi, anh vì hai em mà phải vô phép với giai nhân Hàng-châu vậy.


Chàng quay lại phía sau :

Chương trước | Chương sau

↑↑
Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Giới thiệu: Lộc Đỉnh Ký là bộ truyện tranh hành động nói về một cậu bé sống

09-07-2016 248 chương
Âm công - Cổ Long

Âm công - Cổ Long

Lời tựa: Bạch Bất Phục, người con hiếu thảo, lấy việc "đổi của chôn người"

12-07-2016 1 chương
Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Bách Bộ Ma Ảnh - Vô Danh

Nếu mọi nhà ở thành Lạc Dương nao nức chờ đến một ngày mới trong cái Tết ròng

11-07-2016 51 chương
Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Lộc Đỉnh Ký - Kim Dung

Giới thiệu: Lộc Đỉnh Ký là bộ truyện tranh hành động nói về một cậu bé sống

09-07-2016 248 chương
Ba Ba Lạnh Lùng

Ba Ba Lạnh Lùng

Ba Ba Lạnh Lùng là cuốn tiểu thuyết ngôn tình khá hay của tác giả Anh Túc, cùng với

22-07-2016 28 chương
Huyền thoại

Huyền thoại

Nghe và biết rõ mọi chuyện, vợ lão bật khóc. *** Lão xoay ngang rồi lại xoay dọc

24-06-2016
Đêm hấp hối

Đêm hấp hối

Nhắm mắt, hít thở thật sâu, Linh cầm lưỡi dao lam đặt lên cổ tay phải... *** Linh

29-06-2016
Đời game thủ

Đời game thủ

Đời game thủ thật lắm "chuyện's" để nói, nói rôm rả cả ngày không hết, đọc ra

27-06-2016

Old school Easter eggs.